„ Hãy vào ngó công viên đồn đã chết…“ (1). Từ bước chuyển giao thế kỷ, chuyện các thi sĩ thả bước trong công viên đã thành thông lệ, công viên mời chào sự phong cách hóa thiên nhiên (kiểu tuổi trẻ) đáng ao ước, ở đây thiên nhiên được chế tác một cách kỹ nghệ- điệu nghệ. Chỉ đến khi đó những cảnh tượng đá cẩm thạch mới là một thứ đạo cụ thi ca cổ kính, không chỉ tàn tạ, mà còn hao mòn kể từ thời Goethe và Eichendorff.
Không phải chuyện Trakl thực sự đã từng dạo chơi trong công viên của lâu đài Mirabell vượt lên sự quấy quả của những hồi niệm này, nó làm cho bài thơ nhỏ quí giá và vững bền giá trị. Rằng các chi tiết tả sắc cạnh xác đáng, khêu gợi không khí, xuất hiện hình ảnh chỉ là một thành tựu, nếu như không muốn gọi là một thành tựu thứ yếu của bài thơ. Thứ Trakl chú trọng, cái ông gọi là „ phong cách các bài viết của tôi đạt được còn nóng hổi “, là sự bồi đắp những thành tố - mảnh ghép của thơ ca, của những đồ vật, âm thanh, sắc màu đi đến phối tác, ngôn từ họa tính, nhạc tính và mang cấu trúc - hàm nghĩa.
Hình thức nghiêm ngặt – cô đọng trong câu thơ thứ nhất bỏ ngỏ đại từ nhân xưng hoặc vào lúc kết ngừng rung như khúc cantilena (2). Thay vào vị trí những vần là những đoản khúc song song, đôi khi được thiết lập như đối ngẫu: Dạo chơi – Tĩnh lặng, Nỗi buồn của thánh thần – Nỗi buồn của những cây du, Sự nhô cao bất động của cây sậy – Sự im tiếng của con chim hoét. Như vậy các âm „a“ của câu thơ cuối (Ahnen verfallenem Marmor) đáp lời những âm tiết „a“ của câu thơ đầu (wandelnd im alten Park), Đức Chúa và Vàng kim cặp vần trong sự láy âm cũng như „bất động“ „cây sậy“ „nhô lên“. Màu sắc đặt bên nhau tương tự chính xác: vàng và đỏ, các màu sắc mạnh, cũng như vàng của cây du qua sắc „mùa thu“ dịu đi qua tiếng gọi đi của „Tĩnh lặng“. Chỉ có chiếc ao được màu „xanh lơ“. Tổng phổ giao hòa với „ý nghĩa“ của bài thơ, „sự hàm ý“ không thể biến hóa vào văn xuôi tỉnh táo. Nếu như trào Hiện đại của thơ ca tìm cách cứu chữa căn bệnh thiếu sót của họ, sự thiếu vắng một huyền thoại cứu vớt đôi lúc bằng sự cầu viện đến chúa thánh - thì với sự giải huyền thoại, Trakl đã xúc tiến việc đó một cách cương quyết nhất. Những „và“, „cũng“, cùng tất cả đồ vật, tán cành và thần thánh và cái „tôi“ được nói tới phục vụ cho việc hội tụ vào cùng quá trình đó, quá trình chết đi một cách thầm lặng. Chẳng còn gì từ niềm tin của Benn (3) vào sự sống vượt thời gian của các bức tượng: cũng như vậy chúng cũng đến kỳ rã rụng như những chiếc lá mùa thu.
Cả cái sự nghiêng đầu cũng nhẹ nhõm nhập vào cái cử chỉ hấp hối lặng lẽ. „ Bàng hoàng dưới những vì sao của mùa thu/ hàng năm hàng năm cúi sâu thêm nữa“, nguyên văn như vậy một câu thơ tuyệt hay khác của Trakl. Tính chứa chấp xung khắc thật may mắn của thơ ca đương nhiên cho phép đặt vào đó những câu thơ cuối cùng một ý nghĩa kép. Trong khi cái „cả ngươi“ lôi kéo nhân vật người dạo bước vào, tạo ra khoảng cách „trước“, thì cúi đã trở thành sự cúi gập đầu ngưỡng mộ. Đối với những thứ đang lịm chết bỗng xuất đầu lộ diện một chút gì đó không lâu, nhưng dài lâu hơn thế: các tiên tổ. Người ta biết đước một cách áng chừng, từ „tiên tổ“ có nghĩa là chi nơi Trakl, bao hàm những giá trị nào của truyền thống dành cho con cháu. Nhưng bài thơ này bỏ ngỏ tất thảy, tốt hơn người ta không biết ở đây ngụ ý tổ tiên hay những nghệ sĩ xưa kia hay thậm chí chính là các thánh thần dịu dàng nữa. Chẳng có gì ngoại lệ trước suy tàn và suy thoái, trước tiếng gọi ra đi cho mỗi người.
Nguồn: Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Zweiter Band, Insel Verlag, 1977.
Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Trong công viên
Georg Trakl (1887-1914)
Lại đưa bước dạo trong công viên cũ
Ôi! Sự lặng yên hoa đỏ hoa vàng.
Các người cũng buồn, thần thánh dịu dàng,
Và những cây du mùa thu vàng óng.
Cây sậy nhô bên ao xanh lơ bất động
Con chim hoét im tiếng lúc ban chiều.
Ôi rồi ngươi cũng cúi trán theo
Trước cẩm thạch nát tan của tiên tổ.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Im Park
Georg Trakl (1887-1914)
Wieder wandelnd im alten Park,
O! Stille gelb und roter Blumen.
Ihr auch trauert, ihr sanften Götter,
Und das herbstliche Gold der Ulme.
Reglos ragt am bläulichen Weiher
Das Rohr, verstummt am Abend die Drossel.
O! dann neige auch du die Stirn
Vor der Ahnen verfallenem Marmor.
Chú thích của người dịch:
Werner Ross (1912-2002): Nhà báo và nhà phê bình văn học Đức
(1) Câu đầu trong bài thơ của Stefan George (1868-1933), nhà thơ người Đức
(2) Giai điệu hát trữ tình.
(3) Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ, có ảnh hưởng lớn tới các nhà thơ trẻ sau chiến tranh thế giới II bởi phong cách viết hiện đại.
Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905: Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp và Toán), không đỗ tú tài * 1908: Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành Dược* 1910: Học xong bằng Y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocaine quá liều.
Tranh của Isaak Iljitsch Lewitan (1860-1900): Họa sĩ người Nga- Do thái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét