Phát động cuộc xâm lược bất ngờ cùng lúc đặt tay vào chiếc cặp hạt nhân, quả nhiên tổng thống Wladimir Putin đã rút ngắn rất nhiều thang bậc kéo dài lịch sử tồn vong nhân loại. Ông ta đến từ đất nước cách đây hơn ba mươi năm còn là quê hương của cách mạng thế giới hướng tới đại đồng và chốn rạo rực tinh thần quốc tế vô sản.
Chủ nghĩa quốc tế vô sản, chuyển tải một thứ học thuyết thô lậu về đấu tranh giai cấp, trong một chừng mực nào đó khả dĩ biện hộ cho các cuộc xâm chiếm và xoa dịu phần nào đớn đau sau nhiều lần quân đội Liên-Sô hành quân vào các nước „anh em“ trấn áp bạo liệt các cuộc gọi là chính biến, bạo loạn, lật đổ nhằm tiêu diệt phản động, phản cách mạng (Berlin 1953, Budapest 1956, Prague 1968, Varsovie 1970, Kaboul 1979) đã xẹp đi như chính cái nội dung phù phiếm của nó.
Tồn đọng lại nhiều cảm xúc được thức tỉnh ở cao trào của kháng chiến giành hoặc gìn giữ quyền độc lập, và cũng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, những tình cảm âm thầm - có thể nói lòng yêu nước và tự hào dân tộc - thường ở trạng thái ngủ quên trỗi dậy trong lòng người nơi các nước bị khống chế gặp nhau trong dòng và kết hợp thành dưỡng sinh, như sinh tố.
Giành được độc lập và quyền tự chủ tuy nhiên lại rơi vào ách độc tài và chuyên chế ở những nước không muốn giải phóng con người, tình cảm liên đới ấy có thêm phần tốt đẹp? Tôi cho rằng không và không hề.
Nhà nước độc tài kìm kẹp con người độc quyền phổ biến và lưu hành những giá trị được tôn vình thành bản sắc qui định không cho phép ai cười cợt cả, ai lệch khỏi những chuẩn ấy đáng bị nghi ngờ và trừ khử.
Từng người bị tước đi các quyền cơ bản, sống dưới chế độ tuyên truyền và kiểm duyệt mất dần khả năng phê luận, phân tích. Lẩn quẩn trong ngộ nhận và những lập luận do cơ quan tuyên truyền cũ kỹ không ngừng nhồi sọ, họ cảm nhận chỉ qua kênh bức xúc những giá trị thờ cúng bị tổn thương.
Trong nước ồn ào những cuộc đấu khẩu dư luận gần đây trên mạng. Người ta trao đổi được với nhau thì ít, tiếng om sòm nạt nộ nhiều hơn về cái gọi là thiếu ý thức dân tộc, vọng ngoại xung quanh một lễ vật . Ở đó xảy ra phiên tòa cấp tốc xử tắt người bày tỏ ý kiến hơn là khai mạc thủ tục mở lời xung quanh chiếc bánh chưng, bánh dày vậy.
Tự tình dân tộc tốt đẹp hơn chăng thế sao mà ra khỏi biên cương người đồng bào tránh nhau nhiều hơn là vồ vập tình thương mến. Tới tận hôm nay chúng ta vẫn tiếp diễn cuộc đánh nhau mẻ đầu vì định kiến, qui chụp nhau bằng ngộ nhận. Đâu rồi lòng yêu nước và tự hào dân tộc, dưới thể chế phản dân chủ ắt chúng gặp nhau thành độc dược.
Khi tình cảm bột phát đó thành chủ nghĩa, ta nêu đích danh thứ chủ nghĩa dân tộc
Và thứ chủ nghĩa dân tộc đó, như bãi bều rều trôi được người ta quẳng lên đó không loại trừ cả những giá trị phổ quát, thường là tập hợp ngộ nhận tung ra từ các bộ máy tuyên truyền. Đám bều rều đó khó như phao bơi cứu hộ từng cá thể, rất nguy hiểm khi số đông muốn coi đó làm nền tảng cho một con thuyền nhằm một hướng tương lai.
Chủ nghĩa dân tộc ít tìm nguồn cảm hứng từ tình yêu đối với nhân dân hơn là từ lòng thù hận những người khác nòi giống. Người ái quốc yêu tổ quốc của anh ta. Người dân tộc chủ nghĩa là kẻ coi khinh tổ quốc của những dân tộc khác (1).
Toàn cầu hóa đã khép lại chóng vánh, và châu Âu dân chủ yếm thế sau những bức màn mới đan bằng gai thép. Dài lâu trong viễn tượng, sự tồn tại chỉ chia bài cho các dân tộc đã và đang trưởng thành, bởi có trưởng thành mới có tư cách tham gia.
Xác chứng dân tộc đó trưởng thành có hay không, đích đáng nhất ở ý thức dân tộc lành mạnh, phải là ý thức không ngại ngần học hỏi và chịu đựng được mọi sự phê phán. Từng người chúng ta, dưới nền chuyên chế ngu xuẩn và độc ác, hãy nên biết tiết chế lòng yêu nước dại dột từng bị thao túng và lòng tự hào dân tộc bú mớm của mình.
Bởi các nước độc lập tự chủ phát triển gần trăm năm dưới nền dân chủ đâu có dằn vặt nhiều về vấn đề bản sắc. Châu Âu càng bỏ xa đằng sau cái chủ nghĩa dân tộc như đám bều rều ấy được bao nhiêu, trong chừng mực ấy cơ may cho nền hòa bình càng lớn bấy nhiêu.
Nhưng hôm qua thôi, châu Âu xinh đẹp lạ kỳ xưa gieo mầm tư tưởng khai sáng và đưa ra viễn tượng về một nền hòa bình vĩnh cửu hôm nay đây lần thứ ba chìm vào bóng tối. Của cuộc chiến giữa văn minh và man rợ được Putin khai hỏa bằng thuốc súng của chủ nghĩa dân tộc Đại Nga.
Chú thích:
(1) Johannes Rau (1931-2006): Cố tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức.
Tranh Anselm Kiefer (sinh năm 1945): Họa sĩ, điêu khắc gia người Đức-Áo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét