Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Ai bị lời đánh bật

Horst Bienek     



Năm 1964, trong lễ trao giải thưởng Büchner cho Ingeborg Bachmann, tác giả nữ người Áo tuyên bố, có lẽ bà „ sẽ không viết thêm bài thơ nào nữa“. Và trong một cuộc phỏng vấn tiến hành tại Rom năm 1971, bà nói chắc như đinh đóng cột:

Chẳng bao giờ tôi viết thêm bài thơ nữa!

Trong mười năm cuối của đời mình (bà mất ngày 17.10.1973 sau một vụ hỏa hoạn) dưới ngòi bút của bà chỉ không quá 6 bài thơ mới ra đời, trong đó bà đưa in 5 bài khi còn sống (1968), bài thứ 6 mang tiêu đề „ Một dạng mất mát“ duy nhất được tìm thấy trong di cảo. Một trong những bài thơ viết muộn màng, mang tiêu đề „Thật thế“ mang chút âm hưởng kinh thánh viết tặng Anna Achmatova, người bà gặp tại Rom vào tháng 12 năm 1964 – có lẽ thời gian ngắn sau cuộc gặp đó văn bản này xuất hiện. Ingeborg Bachmann hẳn phải biết tiểu sử Achmatova và một số bài thơ của bà, chắc chắn trong đó có chùm thơ „Requiem“ (Khúc Cầu Hồn). Bà hẳn phải biết, một thời gian dài nữ thi sĩ người Nga bị trù dập trên đất nước của chính mình và hơn hai mươi năm liền không được phép xuất bàn một dòng nào. Tác phẩm thơ mỏng; trong đó có những câu thơ thông báo thời gian ra đời khoảng 1936 – 1960 (thí dụ bài thơ về Mandelstam chỉ có 8 dòng). Suy xét tất cả những khía cạnh đó, bài thơ của Ingeborg Bachmann đã nhập đề:

Ai chưa bao giờ bị một lời đánh bật, kẻ đó không sao giúp nổi-

Trước một con sóng đại hồng thủy của thơ ca đã được xuất bản, bà đã khẩn thiết lưu ý: có thể có những trải nghiệm và kinh nghiệm dành cho một nhà văn khiến cho người này nín lặng. Vâng, dưới những tình cảnh đặc biệt, sự nín lặng mới làm người đó trở thành một thi sĩ đích thực. Trong một động thái thi ca đi tới đỉnh điểm, bà khinh thường những kẻ luôn tắp lự sẵn có một câu trả lời, những kẻ có trời mà biết luôn biết trợ giúp mình bằng lời, những vị „ đánh bong các ẩn dụ … sổ toẹt cú pháp“ như vài năm trước đó bà viết về họ trong một bài thơ („Không cao lương mỹ vị“). Tốt hơn người ta không nên tin cậy họ, qua một chặng đường, kể qua những chặng đường vòng. Người ta không cần một cuộc đời chẳng lẽ, một „cuộc tồn sinh trải nghiệm đau khổ“ – để làm cho một câu duy nhất trường tồn! Để „chịu qua được trong tiếng leng reng của lời“? „Leng reng của lời“, nghe thật suồng sã, nhưng mà đằng sau đó ẩn chứa một vị chua cay miệt thị; trong tiếng lanh lảnh thô tục của lời: người ta phải chịu đựng và vượt qua trong khuôn khổ đó, và phải làm cho âm sắc của riêng mình được nghe ra và không sao bị át đi. Thậm chí đôi khi người ta nín thinh và câm lặng. Và chính vì thế kết thúc ở câu ma lực, mang tính thú nhận và đầy sự quyết đoán lạnh buốt giá băng (người ta bị cám dỗ trước tiên bởi tiêu đề „Thật vậy):„ Viết câu này không ai là kẻ không ký vào“. Hẳn vậy có nghĩa là: Kẻ không ký vào bản án của mình!“. Và có thể bản án có nghĩa: không viết bài thơ nào nữa?

Người ta biết, cuối cùng sau hai mươi năm cấm viết, cuối cùng trong chiến tranh, Anna Achmatova được xuất bản hai tập thơ, tuy nhiên chẳng bao lâu sau bà bị đảng công kích, và năm 1946 bà bị khai trừ khỏi Hội nhà văn. Mãi tới những năm 60 bà mới được phục hồi danh dự.- Bà đã im lặng. Không chống trả lại tiếng leng reng của lời. Nhưng bà đã bảo tồn được câu trong những vần thơ của mình. Một thái độ phải rất đỗi gụi gần với cảm nhận riêng tư về thi ca của Ingeborg Bachmann. Hiểu như vậy,„Thật thế“ là một bài thơ bộc lộ nhiều điều không kém về nữ thi sĩ người Nga Anna Achmatova cũng như về nữ sĩ ngưới Áo Ingeborg Bachmann. Và về sự bóp nghẹt thơ ca trong tiếng leng reng của những lời ồn ã quanh ta.

Nguồn: Horst Bienek, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Vierter Band, Insel Verlag, 1979

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Thật thế


INGEBORG BACHMANN

Gửi Anna Achmatova


Ai chưa bao giờ bị một lời đánh bật,
và tôi nói điều này với các bạn,
ai chỉ biết cứu lấy mỗi thân mình
bằng lời nói –

Kẻ đó chẳng sao giúp nổi.
Không qua chặng đường ngắn
và không qua dặm dài.

Bảo tồn được một câu duy nhất,
vượt qua trong tiếng leng keng của lời.

Viết câu này không ai là kẻ,
không ký vào.

Nguyên tác tiếng Đức :

INGEBORG BACHMANN

Wahrlich

für Anna Achmatowa


Wem es ein Wort nie verschlagen hat,
und ich sage es euch,
wer bloß sich zu helfen weiß
und mit den Worten –

dem ist nicht zu helfen.
Über den kurzen Weg nicht
und nicht über den langen.

Einen einzigen Satz haltbar zu machen,
auszuhalten in dem Bimbam von Worten.

Es schreibt diesen Satz keiner,
der nicht unterschreibt.

Chú thích của người dịch:

Horst Bienek (1930-1990): Nhà văn Đức.

Ingeborg Bachmann (1926-1973) : Nhà văn người Áo, một trong những thi sĩ, cây bút văn xuôi quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức thế kỳ 20.

Tranh của Amedeo Clemente Modigliani (1984-1920) Họa sĩ, điêu khắc gia người Ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...