Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Có gì đó như một sự giải thoát

Peter Hamm    



Cách đây 100 năm, ngày 03.11.1914 Georg Trakl mất trong nhà thương quân đội Krakow, một nạn nhân sớm của một cuộc chiến người đời gọi tên như một đại nạn của thế kỷ 20. Bài thơ „Một tối mùa đông“ xuất hiện còn trước cả khi chiến tranh bắt đầu, phỏng đoán tại Salzburg, cái thành phố vẻ quyến rũ và suy tàn mang vị thối rữa được Trakl, theo cung cách không thể nào so sánh, nâng cao lên địa hạt thơ ca (chính điều này khiến cho Salzburg đối với tôi, thành phố của Mozart có ý nghĩa nhiều hơn nữa là thành phố của Trakl).

Salzburg của tôi tên là Ravensburg. Thành phố tự do khi xưa nằm gần hồ Bodensse với bức tường thành đổ nát và những tháp canh ảm đạm trong đó quạ bầy trú ngụ đã cấp cho tôi một nền phông giấy bạc lấp lóa sự hào hứng đối với Trakl của tôi, vâng sự say sưa Trakl mà một cuốn thơ ông tìm thấy được trong thư viện của linh mục giáo phận đã đưa tôi vào, với các bài thơ trong đó „Một tối mùa đông“ đã lay động tôi sao mới dịu đau bình thường ra có thể chỉ may ra âm nhạc, nhạc của Franz Schubert mang lại. Tôi mười lăm tuổi và vừa thoát ra khỏi sự hành hạ của những trại giáo dưỡng và các trường dòng công giáo tôi bị đày vào sau khi mẹ tôi mất sớm. Và giờ đây làm nhân viên của một quầy hàng lạng lọc lông và da thú có địa chỉ lại đúng là „Trong Địa Ngục“ tôi bán cho các đồ tể của địa phương những lòng ruột, bạch đậu khấu và những gia vị khác – và ngồi đọc, đọc tập đó trong từng phút rỗi. Ở những buổi tối mùa thu hay mùa đông, nều như tôi từ „Địa ngục“ đó về, và thường xuyên, lòng nặng trĩu nỗi ê chề lang thang vô định qua công viên với những cây đoan cây dẻ dọc theo bức tường thành xưa cũ, nơi mùi thối rữa bốc lên từ mương nước, hoặc bước qua những ngõ ngách hẹp khuất góc của thành phố cổ dưới lũy thành Veitsburg, nếu như sau đó, như trong bài thơ Trakl bày đặt, những quả chuông chiều vẻ như đã bắt đầu ngân rung nữa, thì tất cả những gì tôi nhìn thấy, lặn xuống sắc mầu ngất ngây say của Trakl, và tôi thở hít gần như khoan khoái bầu không khí của Trakl. Hầu như tôi không thuộc về những người được“ sẵn bàn ăn bầy biện ", nhưng dạo đó đối với nhiều người đã không có bàn nào dọn sẵn và không „cây ơn phước" nào nở hoa kết trái, sự bất hạnh của những người bị ruồng rẫy khỏi quê hương, kẻ muộn mằn trở về nhà, những người thương binh chiến trận và những người côi cút vì chiến tranh cũng tô đen bức tranh vốn thoáng qua sao thơ mộng của Ravensburg. Tôi cảm thấy thân thế mình không quê hương theo một nghĩa cơ bản, bởi vì tôi không chỉ đơn độc côi cút, mà thêm vào đó, hình dung mình thuộc về một tộc người chất đầy lời nguyền rủa còn dày vò tôi khổ sở. Vâng tôi không chỉ đọc những bài thơ, cả những bài thơ trong khoảnh khắc chóng vánh giải thoát cho tôi khỏi thứ thường ra đã đọc và những gì cho phép tôi nhìn vào vực thẳm của lịch sử. Trakl chẳng đã từng nhìn thấy mình bị đưa đẩy vào một thế ký vô chúa thánh đáng nguyền rủa và chính vì điều ấy cảm thấy một tội lỗi mà so với nó hiển nhiên việc viết những bài thơ chỉ là một cứu chuộc không hoàn hảo. Và lý cớ sâu xa của buồn thương và âm sắc than van của những bài thơ ông bắt nguồn từ tội lỗi này của một người vô tội.

„Bậu cửa trơ thành đá đớn đau“: Tôi những không thể giải thích được dòng này từ khổ cuối của bài thơ „Một tối mùa đông“, nhưng mà nói thế nào nhỉ, tôi hiểu bài thơ bằng cả thân thể và linh hồn (sau này tôi đọc được điều Ludwig Wittgenstein tiết lộ về những bài thơ của Trakl: „ Tôi không hiểu chúng, nhưng âm hưởng của chúng làm tôi hạnh phúc“). Và tôi đã hiểu và sẻ chia nỗi ước mong được biến hóa và giải thoát. Bánh mì và rượu vang trong bài thơ của ông quả nhiên nhiều hơn bánh mì và rượu vang, như một sự biến đổi của bí tích thánh thể, chúng là những dạng thức xuất hiện của thần thánh và tuy thế đồng thời là ân phước của bánh mì hàng ngày. Trong thực tế „Một tối mùa đông“ của Trakl là một bài thánh thi. Trong bài thơ „Nhân loại“ sau này của ông, dâng lên với dòng thơ „Nhân loại đặt vào trước những cuống họng lửa “và tác động như một tuyên ngôn chống lại sự tàn sát qui mô lớn vừa mới bắt đầu, chính bản thân Trakl đã gọi lên bữa tiệc cuối cùng:

„Ấy là một sự nín thinh dịu dàng ngự trong rượu vang và bánh
Và những ai kia tụ tập con số mười hai người.“


Mà thế mười hai người không tìm thấy bình an trong bài thơ về nhân loại:

„Đêm đêm dưới những cành ô-liu họ hét lên trong giấc ngủ.“

Họ hết lên như những người bị thương nặng và người hấp hối vùng Grodek thuộc Ba Lan, sự đớn đau của họ người y sĩ cứu thương Georg Trakl không làm sao còn chịu nổi lâu thêm nữa và chính vì thế đã quyên sinh bằng morphine quá liều.

Georg Trakl và sự sớm trải nghiệm những bài thơ của ông lần đầu tiên trong đời đã cho tôi ý thức được, sự trở về nhà đúng nghĩa và chút gì đó như sự giải thoát khỏi lịch sử chỉ có trong nghệ thuật, trong bài thơ, trong sự viết mà thôi.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Peter Hamm, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Achtunddreißigster Band, Insel Verlag, 2015

Một tối mùa đông

Georg Trakl (1887-1914)

Mỗi khi tuyết chạm rơi khung cửa'
Và chuông chiều rền rã hồi ngân,
Nhiều người sẵn bàn ăn bày biện
Và cả nhà xúm xít quây quần.

Còn vài người vẫn đang hành khất
Nẻo tối tăm về tới cổng nhà.
Cây Ơn Phước nở vàng ròng sắc
Từ phù sa lạnh đất ra hoa.

Người lữ khách bước vào im ắng;
Bậu cửa trơ thành đá đớn đau.
Trên bàn óng rượu vang và bánh
Vẻ long lanh tinh khiết sáng màu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ein Winterabend

Georg Trakl (1887-1914)

Wenn der Schnee ans Fenster fällt,
lang die Abendglocke läutet,
vielen ist der Tisch bereitet
und das Haus ist wohlbestellt.

Manche auf der Wanderschaft
kommt ans Tor auf dunklen Pfaden.
Golden blüht der Baum der Gnaden
aus der Erde kühlem Saft.

Wanderer tritt still herein;
Schmerz versteinerte die Schwelle.
Da erglänzt in reiner Helle
auf dem Tische Brot und Wein.

Bản tiếng Anh

A Winter Evening

Georg Trakl (1887-1914)

When the snow falls against the window,
The evening bell rings long,
The table is prepared for many,
And the house is well cultivated.

Some in their wanderings
Come to the gate on dark paths.
The tree of grace blooms golden
From the earth's cool sap.

Wanderer, step silently inside;
Pain has petrified the threshold.
There in pure radiance
Bread and wine glow upon the table.

© Jim Doss & Werner Schmitt

Chú thích của người dịch:

Peter Hamm (1937 – 2019): Nhà thơ, nhà văn nhà phê bình văn học.
Ludwig Wittgenstein: (1889 – 1951): Triết gia quan trọng của thế kỷ 20 với những tác phẩm về ngôn ngữ và ý thức.

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng Latinh, Hy Lạp và Tóan), không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakau sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh của Isaak Iljitsch Lewitan (1860-1900): Họa sĩ người Nga- Do thái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...