Gần nửa buổi sáng với các bạn từ Đông Âu, Ả Rập, Trung Đông, Trung Á và Balkans, tất cả học qua trường đào tạo của Đức hẳn hoi, đàm luận về cuộc xâm lược của Putin trên đất nước Ukraine, nghe nhận định của họ mình giật thót người ngỡ như đang ngồi trong quán bia hơi ở Hà Nội nghe dư luận viên om sòm lên lớp. Các bạn theo Hồi giáo nhất loạt đồng tình với ý kiến bạn người Serbia (Nam Tư) quả quyết, tất cả xoay quanh vấn đề kinh tế, tất cả chỉ vì đồng tiền. Và vì lợi nhuận, đã lâu Hoa Kỳ cố tình gieo rắc và khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga và Liên minh Âu châu cũng như NATO. Mỹ là quốc gia lái súng đứng đầu chỉ nhăm nhăm bán vũ khí khắp nơi, và để mở rộng thị trường này họ thúc đẩy cuộc chiến Nga-Ukraine, quen thói xưa kia khắp hoàn cầu luôn xui nguyên giục bị.
Và Mỹ, do họ không muốn đấy thôi, Mỹ thừa khả năng chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc trên đất châu Âu hôm nay, bạn đó tiếp lời.
Suy nghĩ của mọi người dừng lại ở đó.
Chủ đề cần phải mở rộng, đương nhiên. Có điều mình cương quyết bác bỏ quan điểm của họ vì mình cho rằng, cả nền công nghiệp quốc phòng Mỹ chiếm hai hay ba phần trăm dung lượng nền kinh tế, khó có thể nói mang nhiều lợi nhuận thúc đẩy cho một triển vọng kinh tế dài lâu, đặc biệt trong hoàn cảnh Hoa Kỳ vừa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và Tây Âu đang suy thoái. Lời lãi gì ở đây, chưa kể tới những món viện trợ quân sự, hoặc lượng vũ khí hết sức lớn Mỹ bỏ lại trong những cuộc rút lui khỏi chiến trường, gần đây nhất là Afghanistan.
Sự viện trợ hay bán vũ khí cho Ukraine nhằm cân bằng lại những thất bại trên chiến trường trong bối cảnh bị quân Nga pháo kích gây thiệt hại nặng nề, cũng nằm trong khuôn khổ suy tính hết sức gắt gao. Lợi nhuận, nếu có, không thể thuộc ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược là cường quốc vũ khí nguyên tử với một vị tổng thống độc tài mắc chứng hoang tưởng.
Còn nói Mỹ luôn gây chiến khắp hoàn cầu ư? Đã chiếm đất đai và lãnh thổ ở đâu và của những nước nào. Hãy kể những cuộc xâm lược cướp bóc lãnh thổ của Sô viết- Nga từ 1917 ra trước đã. Ngày hôm nay Mỹ không có lý do gì để gây xung đột và kéo dài bất cứ một cuộc chiến nào, khi vị trí siêu cường số 1 đang bị Trung hoa cộng sản thách thức nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực.
Phong trào không liên kết đã từ lâu rời rạc và tan rã. Nền tảng lý thuyết và đặc biệt hệ luận để lại tuy nhiên vẫn cắm rễ không suy suyển, và nguy hại nhất cố kết thâm căn cố đế trong ý thức nhiều thế hệ, ở nhiều quốc gia.
Cũng như ý tưởng tự do, bình đẳng – bác ái khai phóng con người từ Cách mạng Pháp gần 250 năm trước không mấy len lỏi vào được các nhà nước độc tài, chuyên chế, toàn thống, toàn trị v.v. và cả dân chủ giả hiệu nữa bao gồm hẳn bốn phần năm nhân loại.
Bất giác mình nghĩ, ở cuộc cuộc chiến tranh này thế giới thật sự dân chủ của Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, không được yêu thích và nhận được cổ vũ ủng hộ xứng đáng như người ta tưởng đâu. Các nước dân chủ có lẽ nay càng hơn bị thế giới còn lại tỵ hiềm và thù ghét.
PKĐ
Tranh của Paul Jackson Pollock (1912-1956): Họa sĩ Mỹ, đại diện tiêu biểu của phái Biểu hiện Trừu tượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét