Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Tình yêu lạnh

    Tranh của © Paul Klee (1879-1940) họa sĩ Đức
    Thomas Assheuer

    Một ngày nào đó người ta sẽ hỏi, trí thức thực sự đã ở đâu, khi châu Âu tan vỡ

    Đến một lúc nào đó, nếu những kẻ vô vọng của ngày mai gọi đích danh những người có lỗi ngày hôm nay, nếu như họ điểm mặt, ai đã trở nên lãnh đạm với tất cả châu Âu trước khi nó vỡ tan ra thành từng mảnh, nếu như họ đưa ngón tay chỉ vào các nhà kinh tế học điên rồ từng chơi trò“ đánh chìm các quốc gia“ tại thị trường chứng khoán, nếu như họ bàng hoàng chiêu niệm để cho tất cả các chính trị gia diễu hành ngược trở lại làm thành một mặt trận chống lại châu Âu – thì đến một lúc nào đó hoàn toàn ở màn kết thúc, trước khi người cuối cùng tắt đèn, tiếng nói cất lên sẽ hướng về một loài đặc biệt kỳ lạ: ấy là những người trí thức. Họ thực sự đã ở đâu, khi châu Âu kiệt quệ. Có người nào nhớ không? Tại sao họ chui nấp vào bụi, khi châu Âu nguy cấp? „Châu Âu ư, đời nào, giờ tôi phải đọc bản sắp chữ cuốn sách mới của tôi đã chứ“. Tại sao cái ngạch này như thường lệ không nảy sinh được chút sáng kiến gì với Châu Âu, và nếu như nảy ra điều gì, thì đó chỉ là những lời sáo rỗng đạt chuẩn với vẻ kiều diễm về phong cách của tờ chỉ dẫn kèm theo đóng gói – những khổ văn bản vô hồn, sinh ra dưới nỗi đớn đau ngữ pháp vĩ đại và được chôn vùi trong hầm mộ tăm tối của những tuyển tập dành cho vĩnh cửu?

    Không, châu Âu nơi các nhà trí thức không đưa lại một sự đam mê, một trí phóng tưởng chính trị bốc lửa, mà chỉ là một sự trì độn viên mãn ở trình độ trung bình. Bởi chưng có châu Âu „là cái chắc rồi“, đấy là bà cô già bên bàn cà-phê người ta dạ vâng cư xử, bởi vì người ta biết, trăm năm nữa bà cũng vẫn còn ngồi ở đó. Châu Âu là một thói quen, và về các thói quen người ta hoặc viết tồi hoặc là hoàn toàn không viết gì cả. Những người hành xử khác đi có thể đếm trên đầu đốt ngón tay: Jürgen Habermas (1), Klaus Harpprecht (2), Robert Menasse (3), Hauke Brunkhorst (4) hay là Ulrich Beck (5). Trong chiều hướng ngược lại, kể cả Hans Magnus Enzensberger(6) cũng không nhẹ tay hơn: ông chế nhạo những nghị định chi li quy định góc cong của dưa chuột, nhưng xét ở những vấn đề có thực, quả dưa chuột đạt chuẩn Liên minh châu Âu của Enzensberg chưa được là một củ cải đỏ.

    Tại sao sự thể như vậy? Tại sao châu Âu là đứa con ghẻ của lớp tinh hoa trí thức? Bởi vì sau khi đổ tường vào năm 1989, lớp tinh hoa này - nhà xã hội học Ulrich Beck viết trên tờ tạp chí Cicero - đã tái hồi tìm về bản ngã dân tộc, bởi vì họ, chậm trở về quê hương, muốn một lần nữa phát hiện ra đất nước bị chia cắt quá lâu của mình trước đã. Thoạt nhìn, Beck có lý. Nhiều nhà thơ và nhà tư duy đã nằm phơi nắng trong ánh vàng son nhớ về dĩ vãng của quyền tự chủ dân tộc vừa lấy lại được và thực hành việc tìm bản sắc dân tộc một cách ngặt nghèo. Người ta sẽ không thể, dù một lần, nói tới người đối thủ Günter Grass(7) rằng ông ấy đã không ngừng rung trống cổ vũ cho châu Âu. Với Arnulf Baring (8) người ta đã chôn cất CHLB Đức cũ và treo lên lá cờ của „Cộng hòa Berlin“, họ mơ tưởng về sự kết nối giữa Nghệ thuật và Quyền lực đang bắc cầu hoặc tranh đấu cho việc phục chế lâu đài thành phố Berlin hay chiếc bình trà xá tội. Còn những người khác cùng Martin Walser (9) rút thẻ dân tộc Đức ra và không hề ngượng ngập đòi hỏi một sự quyết toán mang tính giải thoát đối với Auschwitz. Với Friedrich Nietzsche (10), họ phát hiện ra mẫu người dòng chủ nhân Đức, với Stefan George(11) tinh thần Đức, với Botho Strauß (12) bi kịch Đức và với Peter Sloterdijk (13) người gánh vác trụ cột kiểu Đức.

    Ngay cả những tờ tạp chí ghi cái từ trang trí „châu Âu“ trong phần phụ đề, cũng đã để cho châu lục nằm ở bên cánh tả. Với sự cuồng nhiệt như người anh hùng, mà tuy nhiên buồn cười thế nào ấy họ chống lại sự suy đồi tự do, ấy những kẻ rối bù tóc tai thế hệ 68 và rác rưởi tinh thần của Cộng hòa Liên bang Đức. Đối với chuyện này có một cấm kỵ nhằm thay đổi không khí, chính là kinh tế. Kỳ lạ thay người ta không được nói về nó, bởi vì chủ nghĩa tư bản, vâng đúng thế, đã khuất phục chủ nghĩa cộng sản, nên nó là người chiến thắng tầm thế giới, nó đã nhận được huân chương hiệp sĩ của lịch sử và kết cục nó lại mang tới những khác biệt về đẳng cấp trong xã hội, là những thứ người ta đã thiếu thốn đến đớn đau như vậy trong địa ngục mang tính quân bình của CHLB Đức.

    Dự án tên là „nước Đức“, nó không mang tên „châu Âu“, bởi vì châu Âu là cái dớp tinh thần xui xẻo, một lý tưởng về người tốt và một mái ấm chuẩn mực về chính trị cho tất cả những người còn chưa đặt chân đến thực tế dữ dằn. So sánh với các phong cảnh của dân tộc tính đang nở hoa kết trái, Helmut Kohl (14) tuy nhiên là một nhà biện chứng thực thụ: „Nước Đức là tổ quốc, và châu Âu là tương lai của chúng ta.“

    Để không xuất hiện sự hiểu lầm: cho dù những phong trào tìm kiếm bản sắc dân tộc và những sự tự hòa giải gây mệt mỏi thế nào đi nữa - sau sự kiện lịch sử đổ tường tất chúng phải xảy ra, và chúng phải có, và không một ai sẽ cả quyết rằng mình đã không học được tí gì ở nơi ấy cả. Hơn thế, và điều này cũng cần được nói ra, không chỉ có sự thiên vị mang tính dân tộc mới mắc lầm lỗi khiến cho trái tim trí thức không ấm lên vì châu Âu: Tại nước CHLB Đức cũ, quyền lực chính trị đã có một địa chỉ cố định: cụ thể là Bonn, một tỉnh lẻ thập thành, và với một số lẽ phải người trí thức có thể suy tưởng rằng, lý lẽ của họ có thể gây ấn tượng với công luận.

    Nhưng mà châu Âu có địa chỉ nào cơ? Brüssel như một ảo tưởng tồn thế, một hộp đen vĩ đại, một phòng chết âm thanh, một quyền lực hoang vu thâu tóm không có một vẻ thu hút gì đáng kể dù là ít nhất. Brüssel là bê-tông quần hợp và bê tông nhụt nhuệ khí. Những tiếng nói cất lên từ đầu chí cuối vô tác dụng, và ngay kể cả khi - khác với lời đồn đại quả quyết - nếu như hoàn toàn có một công luận châu Âu trí thức, thí dụ như tờ tạp chí Lettre hoặc là mục tuần san của người thợ mò trai – thì những đề tài không xoáy được vào tâm điểm, chúng không tìm thấy sự lắng nghe, mà chỉ nguyên còn là một hỗn độn lao xao giọng nói. Những ai bất bình than „Ôi châu Âu!“ về Liên minh châu Âu, người đó có thể đứng trên các vì sao mà ca cẩm về thời tiết.

    Tại sao trí thức nói chung cần phải cùng tranh đấu

    Tất nhiên người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao đã lâu rồi mà trí thức các nước không liên hiệp lại? Tại sao trên cái thế cao ngạo bẩm sinh họ không gây áp lực lên các nhà chính trị dân tộc, để đẩy cái dự án châu Âu siêu dân tộc dai dẳng ấy tiến lên? Tại sao những người cái gọi là trí thức phê phán đã không nhân danh nền dân chủ đòi hỏi một chính phủ lái kinh tế của châu Âu và nhẹ nhõm chấp thuận việc bị các nhà chính trị thực tiễn cười là bọn nhảm nhí. Tại sao họ không tiếp thu những cuộc tranh luận trong những bộ môn khoa học châu Âu, phổ cập và phổ biến chúng trong nhân dân? Chắc chắn rồi, đó là một sai lầm, người ta đáng lẽ ra đã phải làm như thế. Nhưng mà những sáng kiến như thế thường tức khắc thức tỉnh sự hồ nghi, và điều này đã được nêu lý do xác đáng: Sự thiếu tin tưởng vào việc ở Brüssel tà ma được xua đi bởi con quỷ bay Beelzebub (15) – rằng mỗi một bước đi mới vào „liên minh chính trị“ không đẩy được nền dân chủ mà là nền quan liêu tiến lên phía trước; nói ngắn gọn: bất cứ một „sự đào sâu“ chỉ nuôi dưỡng con quái vật Brüssel hiền hòa, nền kỹ trị háu ăn của giới tinh hoa thuần tính công năng.

    Điều đó đã qua rồi, sự ma mãnh của trí tuệ đã hoàn thành công việc của nó. Giờ đây tất cả đều nói về châu Âu, công luận được xới tung lên, mỗi một công dân trong những ngày này đều làm lấy cho mình một trải nghiệm toàn châu Âu và hiểu câu nói tầm phào rằng tất cả đều phụ thuộc vào tất cả. Các phương tiện đại chúng đột nhiên chú trọng vào các đề tài cùng các lý thuyết gia mà mới ngày hôm qua họ còn muốn giam những người này vào bách thảo nuôi loài thú hiếm, và thậm chí cái từ „chủ nghĩa tư bản“ còn được nhắc tới trơn tru trên đầu lưỡi. „Không sợ hãi gì chúng tôi đã nói chuyện với các nhà băng“, bà Merkel tự hào nói, và bây giờ người ta biết: ngược lại thì hay hơn.

    Thời gian qua người nào chẳng thấy sờ sờ ngay trước mắt sự yếu ớt hành động khủng khiếp của nhà nước đa quốc gia, và tất cả đều cảm nhận: so sánh với những cường quốc về kinh tế, nhà nước này đã teo lại về tầm của một tiểu công quốc, một mình nhà nước đó không làm nên trò trống, chỉ có qua chung tay hành động của mọi người châu Âu nó mới vượt qua được mọi bĩ cực thái lai. Bởi chưng một mình là người Bồ Đào Nha, người Pháp hay là Đức, người ta không vượt qua những cơn bão tố nguy nan của thế giới toàn cầu hóa, mà chỉ có thể những người công dân của châu Âu.

    Điều này chua chát, nhưng nó là thế đó: Không phải một sự tỉnh ngộ của một giai tầng chính trị, không phải là người công dân đối kháng và càng không phải là người trí thức minh mẫn nghị luận, mà chỉ một mình thế lực đồng tiền, thế lực của nợ nần và sự lụn bại của công nghiệp tài chính làm nên lịch sử. Bởi vì cho đến ngày nay, như những nhà khoa học chính trị nói, Liên minh châu Âu biện hộ cho mình bởi sự hợp thức hóa của xuất thải, nó tự biện hộ qua hoạt động không tiếng động của các thiết chế, nó hiểu dân chủ như một sự xóa dẹp những trục trặc, và đánh giá sự làm thinh của công dân như một đồng thuận áp đảo. Cái đó đã qua. Cuối cùng thì - nhà xã hội học Hauke Brunkhorst viết - những nhà chính trị phải tỏ rõ ý kiến,“ họ phải nói chuyện với con người, không nói hướng con người nữa. Phông màn mở rất rộng và kịch xảy ra trên sân khấu ít khi vô định như vậy.“

    Có thể là một lỗi lầm, nếu trí thức để cho cuộc khủng hoảng này đi qua mà không tận dụng. Mặc dù họ biết được cũng không khá hơn, họ toàn quyền tham gia vào một dự án phức tạp bằng những ý kiến đơn giản mà không cần tham vấn. Một châu Âu liên bang không chỉ có Gerhard Schröder(16) lầm rầm mơ tưởng cần phải có hình thù ra sao? Người ta được phép hình dung như thế nào về sự tự quyết của cộng đồng công dân châu Âu? Hay là một nền dân chủ châu Âu không hạ bệ những nghị viện quốc gia? Những nền dân chủ quốc gia đứng trong mối quan hệ nào với Hiến pháp EU? Bằng một lời: Quyền nhà nước tối thượng có hình thù ra sao?

    Câu hỏi cuối cùng: Tại sao tất cả nên nông nỗi vậy? Tại sao trí thức nói chung cần phải đấu tranh và tranh luận công khai? Rõ ràng rồi, nhà thơ và nhà tư duy làm cái điều hay hơn, họ không là nhà chuyên môn, về kinh tế họ hiểu rất ít. Nhưng ta vừa thấy, sự chuyện không chỉ là chính trị thuần túy, nó liên quan đến sự đa dạng và tự quyết, liên quan đến một không gian chính trị và văn hóa, trong đó công dân không bị dồn đuổi bởi ma quỷ của tư bản. Tranh đấu cho không gian tự do này, nói theo cách có tự xa xưa, là một trách nhiệm cao quí nhất của người trí thức, bởi vì kinh tế là cái quan trọng nhất trong tất cả, nhưng mà nó lại cũng không quan trọng như thế.

    © Phạm Kỳ Đăng dịch từ tiếng Đức
    Nguồn: http://www.zeit.de/2011/46/Europa-Intellektuelle

    Tác giả Thomas Assheuer: Sinh năm 1955, nhà báo Đức

    Chú thích của người dịch:

    (1) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia và nhà xã hội học người Đức có tầm ảnh hưởng lớn đương đại.
    (2) Klaus Harpprecht (sinh năm 1927): Nhà báo và nhà văn Đức.
    (3) Robert Menasse (sinh năm 1954): Nhà văn và nhà tiểu luận người Áo.
    (4) Hauke Brunkhorst (sinh năm 1945): Nhà khoa học giáo dục và nhà xã hội học người Đức.
    (5) Ulrich Beck (1944-2015): Nhà xã hội học. Năm 2012 ông cùng soạn thảo bản tuyên ngôn „Chúng ta là châu Âu“.
    (6) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà xuất bản, biên tập viên người Đức.
    (7) Günter Grass (sinh năm 1927): Nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa. Giải thưởng Nôben văn chương năm 1999.
    (8) Arnulf Baring (sinh năm 1932): Luật gia, nhà sử học, nhà trước tác, nhà khoa học chính trị. Trong tác phẩm viết năm 1997 ông đã phê phán sự thành lập Liên minh tiền tệ và sự kết nạp Hy Lạp vào Liên minh châu Âu.
    (9) Martin Walser (sinh năm 1927): Nhà văn Đức.
    (10) Friedrich Nietzsche (1844-1900): Triết gia, tác gia (sáng tác thơ, văn xuôi và nhạc)
    (11) Stefan George (1868-1933): Nhà thơ Đức.
    (12) Botho Strauß (sinh năm 1944): Nhà văn và kịch tác gia Đức.
    (13) Peter Sloterdijk (sinh năm 1947): Triết gia, nhà phê bình văn hóa và tác gia Đức, luôn gây tranh luận với tác phẩm của mình.
    (14) Helmut Kohl (sinh năm 1930): Chính trị gia của đảng CDU, từ 1982-1998 thủ tướng thứ 6 của CHLB Đức.
    (15) Beelzebub: Loài quỷ bay trong thần thoại Thiên chúa giáo.
    (16) Gerhard Schröder (sinh năm 1944): Luật gia và chính trị gia của đảng SPD. Thủ tướng Đức trong những năm từ 1998-2005.

    Ngôi nhà vàng- Tranh thuốc nước của Paul Klee (1879-1940), họa sĩ, nhà đồ họa người Đức.


    Bài đăng trên Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...