Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Ca và Hình của Johann Wolfgang von Goethe

Offset on paper
J.W.Goethe, tranh của © Horst Janssen (1929-1995), họa sĩ Đức
Joachim Sartorius

Goethe gần gụi với vùng Trung Đông hơn rất nhiều phần đông người đương thời. Tình yêu của ông với một người phụ nữ trẻ và sự vô biên của thơ ca Ba Tư gây cảm hứng cho ông sáng tác những bài thơ của „Đông-Tây thi tập“.

Nghệ thuật nhẹ nhàng và bay bổng của Goethe lúc về già mang dấu ấn thu nạp nhẹ như bỡn các nền văn chương xa lạ. Chúng ta biết điều đó: Goethe từ đầu chí cuối là một người công dân thế giới, ngao du rất nhiều và luôn thử thách cao độ trong giao tiếp với những điều khác lạ. Nhưng tuy nhiên, cái mỹ cảm nhẹ như đùa chơi nọ, hiểu cái khác lạ như một thuộc phần của tình lưu luyến, một cách đi về tân tạo, luôn làm ta khoan khóai. Minh chứng rạng rỡ nhất cho điều này chắc chắn là tác phẩm „Đông-Tây thi tập“ (1). Bài thơ „Ca và Hình“ nằm trong chương đọan giáo đầu thi tập ấy, trong phần:“ Moganni Nameh- Sách của người ca sĩ“. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính bản thân Goethe là người ca sĩ, và những bài thơ trong pho sách đề tài hóa cách thi sĩ tiếp cận thế giới Trung Đông, sự hào hứng của ông và rất nhiều nguồn liên tác.

Một cách giản lược, người ta có thể nói, sự xuất hiện của „Thi tập Đông-Tây“ có được nhờ vào hai xung tác mạnh mẽ, sự phát hiện ra nhà thơ Ba-Tư Hafis (2) trong năm 1814 qua bản dịch của Joseph von Heimmer, xuất bản năm 1814, và nghiệm trải tình yêu sau đó với Marianne - người đàn bà trẻ hừng hực sức sống, vợ của ông chủ nhà băng, bá tước Willemer - xảy ra trong mùa hè năm 1815. Dấu vết của hai chùm lửa hiệu thắp sáng này cũng lưu dấu trong bài thơ „ Ca và Hình“: „Đám cháy của tâm hồn“, đó là tình yêu không thỏa mãn với người phụ nữ trẻ, phải ngụy trang, và sớm phải chấm dứt vì giữ thể diện cho triều đình và người vợ của ông- bà Christiane von Goethe-, và cái tố chất „lỏng“, đó là thơ ca Trung Đông, một nền thi ca không bị giới hạn, chảy trôi, mang hình thức mở.

Cứ coi như bài thơ thành hình từ những dằn vặt nội tâm, nhưng bài thơ chế ngự nỗi dằn vặt này, „dập tắt“ đi và vuợt bỏ nó. Sự xuất hiện của „Thi tập“ đã tiếp nối vào cuộc khởi hành văn học của Goethe đi vào miền „phương Đông thuần khiết“, vào nơi chốn „quê hương nguyên thủy của con người“, như có lần ông nói. Ở đây Hafis trở thành tâm điểm giao tiếp cho những phản hồi riêng tư về thi pháp học, nhưng rồi trên một bình diện rộng, Goethe đã bận tâm với những nền văn hóa của vùng Tiền Trung Đông. Dạo ấy Goethe đọc tòan bộ những du ký xuất bản đương thời về vùng Cận Đông, Ba Tư và miền Trung Á. Chúng ta biết những cố công nghiêm túc của ông tìm học thư pháp Ả Rập. Sự hào hứng của ông hẳn phải lây truyền sang người khác, khiến cho Marianne von Willemer đã tặng cho ông một đôi hài nàng cho thêu lên chữ „Suleika“ bằng tiếng Ả Rập. Goethe đã biết, thi ca, như ông hiểu và như chúng ta hiểu nó ngày hôm nay, từng có sự khởi đầu bên bờ của hai dòng sông Euphrates và Tigris.

Bằng một bài hát dập tắt nỗi bồn chồn

Nhà văn Pháp Maurice Blanchot (3) đã tường thuật rằng người xứ Sumer cổ đã vạch dấu hiệu những giấc mơ của mình vào những cục đất sét và ném những thỏi đất này xuống sông. Những thỏi đất sét này, như lời Blanchot, đã đi trước làm pho sách, và nước tiền thân cho độc giả. Goethe tự đồng hóa mình với truyền thống nguyên thủy này. Tác giả nhấn mạnh khi liên kết với đất nước Lưỡng Hà, gọi tên dòng sông Euphrates trong bài thơ của mình. Với cái„Ta“ ông ngụ ý những nhà thơ của vùng Trung Đông, và bản thân tự xếp hàng vào cùng họ. Và họ được đặt đối mặt với „người Hy Lạp“. Nhưng trong khi Goethe biểu thị nghệ thuật điêu khắc của cổ đại Hy La không phải như thường thấy ở cách xử lý đá cẩm thạch, mà ở cách nặn và khuôn hình bằng đất vách trộn, thì mâu thuẫn với tố chất „chảy trôi“ của Trung Đông có vẻ như không lớn tới mức khiến chúng ta có thể nghi ngại rằng Goethe rẽ sang bước ngoặt „phản cổ điển“. Vượt qua phạm vi đó, bởi trước tiên là một người Hy Lạp trong thái độ cơ bản của mình phù hợp với viễn tượng được „Thi tập“ tựu trung lại đã tuyên báo, chính là viễn tượng của của một thế giới mà ở đó, Trung Đông và Tây Phương kết giao với nhau không gì tách biệt được, Goethe muốn kiến tạo sự gần gũi kể cả giữa những nhà điêu khắc của cổ điển Hy Lạp và những nhà thơ Ba Tư của thời Trung cổ.

Ngừời Hy Lạp khóai chí với tác phẩm do mình tạo nên, có lẽ dựa vào câu chuyện kể của Ovid (4) về chàng Pygmalion (5) phải lòng yêu pho tượng chàng ta điêu khắc từ ngà voi, hay dựa vào huyền thọai về thần Prômêtê nặn những hình người từ đất vách trộn được người Athen thổi vào sự sống. Cái sự „hoan lạc“ này được ông đối vị với sự „khóai họat“ của nhà thi sĩ Trung Đông lao tay xuống dòng Euphrates và dập tắt đi nỗi bồn chồn bằng một khúc hát.

Những dòng thơ cuối cùng tường thuật một điều kỳ diệu: Nước vồng lên một khúc hát, thành một hình „tròn“ hòan hảo trong „bàn tay thuần khiết của người thi sĩ. Hendrik Birus (6) đã lưu ý ta về một điều tương tự ở cách biểu đạt trong một văn bản của Jakob Grimm. Trong lời tựa tác phẩm „Armem Heinrich“ của Hartmann von Aue (8), vào năm 1815, Grimm viết:“ …ngòai thơ ca dân gian, chỉ các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại mới được ban cho khả năng bằng bàn tay thuần túy của mình (…) vồng nước lên những quả cầu mà những người khác muốn khuân đi, phải đổ rót vào vại, bình ở trên trần tục“. Tất thảy trong bài thơ này đều vận họat, trong một tiết tấu ngược xuôi lui tới, cho tới khi tất cả cùng kết sắp thành nuớc hình những quả cầu. Thế đấy, điều thật sự kỳ diệu là sự nhẹ nhõm thiên tài tuôn trào vào bài thơ chất nặng những đề tài lớn.

© Phạm Kỳ Đăng dịch


Nguồn: Một nghìn bài thơ Đức và bình giảng, Marcel Reich-Ranicki - 1000 Deutsche Gedichte und ihre Interpretationen, 1, Bd.1, Von Walther von der Vogelweide bis Matthias Claudius, Reich-Ranicki, Marcel.

Có thể xem bài tiếng Đức FAZ

Chú thích của người dịch:

Joachim Sartorius (sinh ngày 19.03.1946): nhà ngọai giao, luật gia, nhà thơ, dịch giả, giám đốc nghệ thuật nhà hát Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(1) West-östlicher Divan: Thi tuyển đồ sộ nhất của Johann Wolfgang von Goethe, gồm 12 quyển, sáng tác lấy từ cảm hứng từ tác phẩm của nhà thơ Ba Tư Hafiz gồm 12 quyền, một phần thơ có nguồn gốc từ thư từ trao đổi với Marianne von Willemer.
(1) Ḫāǧe Šams ad-Dīn Moḥammad Ḥāfeẓ-e Šīrāzī (1320-1389): Nhà thơ Ba Tư, sinh tại Schiraz, Iran, một trong nhửng nhà thơ Ba Tư nổi tiếng nhất.
(3) Maurice Blanchot (1907-2003): nhà văn, phóng viên và nhà lý thuyết văn học người Pháp.
(4) Publius Ovidius Naso (sinh năm 43 trước CN - mất năm 17 sau CN) nhà thơ La Mã.
(5) Pygmalion là vua xứ Chypre trong thần thọai Hy Lạp, đồng thời là một nhà điêu khắc tài ba, ghét đàn bà con gái xứ sở mình trụy lạc, chỉ chăm chú tạc tượng, và say mê pho tượng chàng tạc là một tượng phụ nữ bằng ngà, đặt tên là Galatée.
(6) Hendik Birus (sinh năm 1943): Giáo sư nghiên cứu Văn học Đại cương và So sánh, Đại học Tổng hợp Ludwig- Maximilians München.
(7) Jacob Grimm (1785-1863): nhà ngữ văn, nghiên cứu Ngôn ngữ và một trong những người sáng lập môn Ngữ văn, cùng với em trai Wilhelm Grimm sưu tầm, biên sọan Truyện cổ Grimm.
(8) Hartmann von Aue (sinh?- mất khỏang 1220): nhà thơ, tác giả của nhiều trường ca.

Ca và Hình

Cứ coi như người Hy Lạp
Nặn đất sét ra muôn hình
Bên đứa con từ tay mình
Tăng cao thêm niềm hoan lạc.

 

Nhưng ta thấy lòng khóai hoạt
Lao vào dòng Ơ-phơ-rát
Và trong tố chất chảy trôi
Khỏa tay vùng vẫy ngược xuôi.

 

Tôi dập đám cháy tâm hồn
Thế nên sẽ vang khúc hát
Thuần tay thi nhân tạo tác
Nước sẽ vồng lên quả cầu.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Lied und Gebilde

Mag der Grieche seinen Ton
Zu Gestalten drücken,
An der eignen Hände Sohn
Steigern sein Entzücken;

 

Aber uns ist wonnereich
In den Euphrat greifen,
Und im flüßgen Element
Hin und wieder schweifen.

 

Löscht ich so der Seele Brand
Lied es wird erschallen;
Schöpft des Dichters reine Hand
Wasser wird sich ballen.


Bài đăng VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...