Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Con cưng của thần thánh

Marcel Reich-Ranicki

Tranh của ©Michelangelo Buonarroti (1475-1564) họa sĩ, điêu khắc- kiến trúc gia người Ý

Tôi yêu bài thơ này, mười tám chữ. Ở đây tôi đã chết lịm người. Có thực là 18 chữ hay có thể chỉ là 17 chữ? Bản thân Goethe- hầu như người ta không thể tin được - không xem trọng 4 câu thơ này. Năm 1777 ông đã ghi vào trong một bức thư gửi nữ bá tước vùng Stolberg, một quí bà còn khá trẻ ông chưa gặp mặt bao giờ nhưng khẩn thiết cần bà với tư cách người tâm giao chia sẻ, là người đứng địa chỉ cho những cuộc độc thoại của ông. Chưa bao giờ ông thu nạp bài thơ ngắn vào trong một tập thơ xuất bản thành sách của mình.

Mặc dầu thế chẳng mấy chốc bài thơ này được công bố. Anh trai của người nữ nhận thư, bá tước Friedrich Leopold zu Stolberg, đã trích dẫn bài thơ này trong một bài viết đăng trên tạp chí „Deutsches Museum“ (Bảo tàng Đức). Ở đây ban đầu câu thơ nguyên là: “ Các thần thánh, trùng trùng vô tận...“. Cứ như thế trải qua hàng trăm năm, bài thơ được in trong các ấn phẩm về Goethe.

Vậy mà trong một bức thư gửi nữ bá tước vùng Stolberg (1), hiển nhiên không được một người biên soạn nào quan tâm tới, bài thơ bắt đầu khác như vậy: „ Nhiều thần thánh, trùng trùng vô tận, đã ban cho....“. Là thế nào bây giờ: „ ban cho“ hay „ đã ban cho“; „các thánh thần“ hay „ nhiều thần thánh“ và như vậy mười bảy chữ hay mười tám chữ? Liệu rằng bá tước Stolberg những dám chỉnh lý lại câu thơ của Goethe hay chăng? Tôi không tin vào điều đó. Nếu sự việc mà như vậy, thì hẳn tác giả, người thành nếp quen đọc tờ „ Deutsches Museum“, đã dị nghị điều này ngay lập tức. Có lẽ dễ chấp nhận hơn giả định bản mới này bắt nguồn từ chính Goethe. Nhưng giả sử nếu bá tước Stolberg gợi ý hai thay đổi này hoặc là tự sửa ra như vậy, hẳn Goethe đã đồng lòng hoặc im lặng làm ngơ, hoặc biểu lộ sự đồng ý trong một bức thư đã mất, tôi dám khá chắc chắn điều này.

Trong mọi lẽ, sự khác biệt giữa hai bản không hề ít ỏi. Sự thêm thắt vào quán từ „die“ cũng cấp cho câu thơ đầu tiên ngữ điệu đều nhịp của ba câu thơ còn lại. Tôi không tin rằng ban đầu Goethe muốn phá ngữ điệu này. Và với động từ ở thể quá khứ ông đã muốn biểu đạt một kinh nghiệm nói chung hoặc là một nhận thức mang tính lịch sử: ông khẳng định, thời xưa kia là thế. Nhưng câu thơ đầu tiên được viết là „ban cho“, thì bài thơ hàm ý một hoàn cảnh hiện tại và (có thể rằng) một kinh nghiệm riêng tư.

Để tránh hiểu lầm, trong một bức thư gửi nữ bá tước vùng Stolzenberg, Goethe đã viết về „ sự bất an của cuộc đời“ (ý ông nói, của chính cuộc đời ông), cho 4 câu thơ nối vào đó và ngay lập tức bổ sung:“ Gần đây, tôi đã ca lên như vậy, khi tôi, sâu trong một đêm trăng rạng rỡ, bước ra khỏi dòng sông chảy trước vườn nhà; và điều này ngày lại ngày ở nơi tôi tỏ ra chí lý “. Trước đó trong một bức thư viết trước đó khá lâu gửi cho mẹ, ông đã biểu lộ về sự đồng thời của những niềm hân hoan khác thường và những nỗi đớn đau khác thường trong cuộc tồn sinh của mình: chính cái chết của người em gái Cornelia (mất vào ngày 08.06.1977) chỉ lại „càng gây đau đớn hơn thêm“, khi bất chợt đến với ông „trong thời gian sao mà hạnh phúc“.

Chúng ta có được phép hiểu bài thơ ngắn của Goethe như một đánh giá đặc điểm về bản thân không?. Hẳn là thế, nhưng khi nào Goethe luôn nói về bản thân mình, ông cũng nói về những người khác. Ông biết quá đi chứ, ông thuộc về những đứa con cưng của thánh thần, ông không chỉ nói điều này trong câu thơ bốn dòng, mà còn nói lên điều này trong nhiều dịp khác nhau, cũng như vậy vào lúc sắp kết thúc Bi ca, chúng ta gọi là Bi ca Marienbad (2) ông viết sau này. Mà vậy đấy, Goethe dùng từ này ám chỉ người nghệ sĩ, những nhà thơ: Họ là những con cưng của thần thánh, bởi chưng họ được ưu ái bởi năng lực, nghiệm trải hạnh phúc và cảm nhận khổ đau, ở cấp độ cao hơn.

Đã đành là với khả năng đó chúng ta mới riêng có một tiền đề cho sự sinh tồn nghệ sĩ văn chương. Tiền đề này, để hiện thành một thực thể, còn cần một khả năng khác nữa: Nếu như con người ta câm nín trong nổi khổ đau của mình, thì chính anh, nhà thơ được trao thiên chức nói lên con người ta đau khổ như thế nào và những gì làm cho đau khổ. Được ban cho ân huệ và ơn phước với tất cả niềm hân hoan, vô bến bờ, và bị vùi dập và dầy vò với mọi nỗi khổ đau, vô bờ bến, Goethe đã trở thành người tổng quản tài sản của những người hạnh phúc và khổ đau, của những người đang yêu và đang say mộng tình yêu. Hay thế cũng nên: nhà thơ của tình yêu.

1999

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen (Một chàng trai yêu một cô gái) – Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I

Có thể xem bài này ở mục Frankfurter Anthologie (Hợp tuyển Frankfurt) trên trang Frankfurter Allgemeine Zeitung, với một phụ đề phân đoạn.

Thánh thần ban cho tất cả

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Các thần thánh, trùng trùng vô tận 

Ban cho con cưng của họ tất cả, vẹn toàn, 
Vô bến bờ tất cả mọi hân hoan,
Mọi khổ đau, vô bến bờ, toàn vẹn.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức


Alles geben die Götter 


Alles geben die Götter, die unendlichen, 
Ihren Lieblingen ganz,
Alle Freuden, die unendlichen,
Alle Schmerzen, die unendlichen, ganz.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, có nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới trong sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(1) Nữ bá tước Gräfin Augusta Louise zu Stolberg (1753-1835) : Sau khi đọc Nỗi đau của chàng Werther và thường xuyên trao đổi thư từ với Goethe từ 1775 tới 1782, bà đi vào lịch sử văn học với tên Gustchen của Goethe.

(2) Bi ca Marienbad hoàn thành năm 1827, kết thúc chùm ba bài thơ tình, viết sau khi Goethe vào năm 1823, năm ấy 72 tuổi, mù quáng trước tình yêu, đã ngỏ lời cầu hôn với Ulrike von Levetzow vừa tròn 18, và bị nàng khéo léo chối từ. Bài thơ tình là một khúc than van của người „ Xưa kia tôi vốn con cưng của thánh thần - Der ich noch erst den Göttern Liebling war“. Nghiệm trải đau khổ này cũng là kinh nghiệm tình ái cuối cùng của Goethe đánh dấu sự từ biệt của ông với tình yêu. Sự biến mất khả năng yêu đương, được Goethe đưa lên hàng ngang bằng tôn giáo, khiến nhà thơ coi như cái chết cận kề.

Bài đăng VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...