Tranh sơn mài của © Nguyễn Gia Trí (1908-1993) |
Tôi đã nghe nhiều cái điều an ủi, rằng lòng người mỗi ngày một ly tán, Việt Nam phải chờ đến thế hệ thứ tư thứ năm nữa, mới có thể thực hiện được hòa giải và hòa hợp.
Xung quanh câu chuyện hòa hợp hòa giải, nội dung và trình tự thực hiện từng bước đã có bấy nhiêu gợi ý, suy tư sâu sắc. Những ý kiến đó, được đông đảo mọi thành phần nêu lên, tuy nhiên đều từ phía người bị trị, và có nghĩa là của nạn nhân.
Người gây ra oán cừu, chia rẽ cứ cho là thành tâm hòa giải, phải từ bỏ vị trí ngất ngưởng bề trên, quỳ xuống thể hiện một lòng sám hối. Về mặt biểu tượng, tôi nghĩ đến hình ảnh Thủ tướng Đức Willi Brandt, trước tượng đài tưởng niệm những người anh hùng của ghetto ở Warsaw vào ngày 07.12. 1970, thay vì đứng cúi đầu mặc niệm sau lúc đặt vòng hoa, ông đã đã sụp quì thống hối trước các tội ác do người Đức gây ra trong Thế chiến II. Cử chỉ được cho là tự hạ nhục của vị thủ tướng đã được thế giới ghi nhận là sự khẩn cầu xin tha thứ, tạo được sự tin cậy vào chính sách phía Đông của CHLB Đức.
Nếu các nhà chính khách Việt Nam có chút thành tâm, họ hãy nghỉ đến sự thống hối và tri ân với nạn nhân của họ.
Sự thống hối chứng trước toàn thể các nạn nhân trên hai miền do một đường lối sai trái gây ra: người bị quy diệt thuộc thành phần trí, phú, địa, hào; người khác đảng phái; người bất đồng chính kiến ở miền Bắc, nhân dân miền Nam bị qui kết là ngụy quân, ngụy quyền hứng chịu sự đối xử nhẫn tâm, bạc ác; những người rời quê hương, bỏ mạng trên biển cả chạy trốn chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sự tri ân dành cho mọi con người ngã xuống, những người lính hy sinh vì lý tưởng của họ, vì chính nghĩa quốc gia hay vì lý tưởng cộng sản.
Bằng không bốn mươi năm qua hay hơn tám chục năm qua từ khi có Đảng trên mảnh đất này vẫn thế, vẫn không hy vọng được gì một sự đổi thay. Đảng CSVN bao giờ mới thôi ngợi ca những thắng lợi vẻ vang, với thời gian có khoảng cách chiêm nghiệm và so sánh mang tính lịch sử, nhìn ngoài lăng kính của họ, đồng nghĩa sự tung hô những sai lầm và tội ác.
Có thể tôi lướt nhìn cuộc diễu binh ngày 30.04. 2015 tổ chức sau chuyến thăm Trung quốc và trước chuyến công du Hoa kỳ của ông Tổng bí thư, với sự kiềm chế hoặc thờ ơ hơn, nếu không phải nghe bài phát biểu đi kèm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có chờ đến nhiều thế hệ sau nữa thì Hòa giải và Hòa hợp đều không thể, chừng nào chưa hóa giải được lòng hận thù, vốn là thứ tình cảm được một chính thể phản dân chủ giáo dục và kích động thành động lực cho suốt quá trình thiết lập và củng cố nền chuyên chính của một đảng bằng bạo lực.
Cũng như khởi đầu lời hiệu triệu của một phong trào cộng sản quốc tế không tưởng hô hào cho một chủ nghĩa quốc tế vô sản, phi dân tộc (nhưng thực tế trên phạm vi toàn cầu gây ra những xung đột thù hận dân tộc và sắc tộc nặng nề nhất), ngày hôm nay tiếng người cầm quyền hô muôn năm cho cho Đảng cộng sản rồi mới đến nước CHXHCN Việt Nam, đặt Cương lĩnh đảng trước Hiến pháp qua diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vẫn lỳ lợm khẳng định một ý chí thống trị trên dân tộc, trên nhân dân của một tập đoàn.
Họ, đại diện một đảng tổ chức mọi thất bại cay đắng có thực, năm 2013 bỏ qua cơ hội thảo luận và sửa đổi Hiến pháp để có thể cải cách thể chế một cách hòa bình, vẫn ngạo nghễ chọn vị thế lãnh đạo toàn diện. Hơn nữa lại còn đứng trên lễ đài mà kêu gọi hòa giải hòa hợp, nói lời dội xuống gây phản cảm nào hơn chế nhạo và nhục mạ. Những hàng binh diễu qua ngày 30.04 như vết cắt duy trì sự phân ly; bước quân hành như nỗ lực xếp giầy xéo lên vết thương của lòng dân Việt mọi miền. Nhân dân do đó có quyền đòi hỏi họ bắt đầu bằng hòa giải và hòa hợp ở cung cách khác: Hòa giải và Hòa hợp với Dân tộc.
©PKĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét