Tranh của ©Franz Marz (1880-1916): Họa sĩ Biểu hiện Đức |
Vào những năm 70 lần đầu tiên trong khóa đại học tôi biết tới bài thơ Mùa thu của Georg Trakl viết năm 1912, có điều không ở dạng khuyến khích, mà có dễ là ở dạng răn đe cũng nên. Ông thầy chuyên khoa râu ria xồm xoàm không phải là người ngưỡng mộ Trakl. Và dĩ nhiên ông ấy càng không phải là người hâm mộ bài thơ này. Trước hết những „gái da nâu“ và những „khúc hát thô“ làm ông phật ý. Cả hai thứ đó gợi ông hồi tưởng những thời đại đương nhiên Trakl, chết vì dùng cocaine quá liều vào tháng 11 năm 1914, còn làm sao mà biết được.
Thế đấy, ông ấy không chiết suất được tí gì từ tiếng „rỉ ra“ tự „những cây guitar buồn“, và cố nhiên từ cây „đèn khêu dịu“ lại càng lại không thu hoạch được một tý tẹo nào cả. Điều thứ nhất ông ấy cho là quá ủy mị, và về cây đèn thì ông ngụ ý rằng, cũng như toàn bộ bài thơ, trước tiên nó chỉ làm mờ đi thị giác.
Ngược lại, bài thơ ngay lập tức đã chiếm lấy lòng tôi. Những cây đàn guitar đã làm tôi buồn, cây đèn đã hòa lòng tôi êm dịu, các cô gái da nâu rám nắng đáng khát thèm, và thật thế, tiếc sao đã phai tàn cùng mùa hạ và đã trở nên xa vời không sao gặp được. Tôi nghĩ mình đã biết về nỗi nhớ nhung của bài thơ này (tôi cũng biết một cô gái đã phai tàn cùng với mùa hè), và tôi nghĩ mình cũng hiểu thấu sự trầm cảm về cái chết hoàn toàn có ý hòa giải của nhà thơ. Kinh nghiệm của một ngày mùa thu xích gần đêm tối, như cuộc sống tiệm tiến gần cái chết, và thế đó gắng cho cái tôi trữ tình đào thoát một lần nữa, cho „ghé vào“, và cứu rỗi trước điên loạn, thối rữa hoặc chết chóc.
May mà dạo đó tôi đã hiểu ra sự trầm tư của bài thơ, nhưng mà chưa hiểu ra sự khủng khiếp của nó:“ Tiếng chết chóc dội lên từ kim khí/ Và một con thú trắng khuỵu sâu“. Những âm thanh kim loại có thể là ám chỉ vào một cuộc đi săn vào mùa thu, Trakl quen thuộc những khu rừng xung quanh ông. Nhưng có thể những âm thanh này cho nghe ra dự cảm về đại chiến thế giới thứ nhất sau trận đánh Grodek la liệt thương binh đã đẩy Trakl, với tư cách gọi là „dược sĩ dự bị“ còn được nếm mùi những khởi đầu của nó, đã gần như đẩy ông vào đường tự sát.
Nhưng con thú trắng còn ở lại vô cùng bí hiểm. Phải chăng đó là mãnh lực nghiến vỡ và nghiến vụn của cocaine? Hay tới mức lại chính là người dược sĩ dự bị mặc áo choàng trắng dạo đó đã dự cảm được cái chết ma túy, người hơn nữa đã học nghề dược trong hiệu thuốc „ Thiên thần trắng“ ở Salzburg. Hay có phải đó là một thú vật trong thần thoại: con tê giác hiền lành được đem hiến tế ở đây? Và cùng với nó là tất cả thơ ca?
Ở đây, kể cả nhà thơ nữa, có lần tôi phỏng đoán như vậy, cũng không giúp gì thêm cho chúng ta. Kết cục, trong các văn bản đầu của bài thơ ông còn viết về „nỗi đớn đau“ cũng như là „những ánh sáng“ buồn rầu le lói tắt dần đi trong máu“, còn có thể hiểu được một cách gián tiếp. Vậy dám mà ông lại hoàn toàn không muốn được hiểu như thế lắm, cho nên thế vào vị trí „đớn đau“ và „ánh sáng“ ông đã đặt vào đó một sinh vật hoàn toàn xa lạ chết một cái chết bất thường và bạo liệt và ta không làm sao nắm bắt. Ở sinh vật đó, cả bi kịch của một buổi chiều bi thương đã xảy ra. „ Con thú hấp hối chào trong khi trượt ngã“, Trakl viết ở một đoạn khác. Ở đây không còn một ai chào nữa.
© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).
Nói thầm vào ban chiều
Georg Trakl (1887-1914)
Măt trời độ thu hanh hao, dè dặt
Và trái cây rụng xuống từ cành
U tịch ngự trong những phòng xanh
Một chiều dài đằng đẵng.
Tiếng chết chóc dội lên từ kim khí
Và một con thú trắng khuỵu sâu
Khúc hát thô của gái da nâu
Bay cuốn đi trong màn lá rụng.
Vầng trán mơ thấy mầu của Chúa
Cảm nhận đôi cánh mềm của cơn điên
Bên ngọn đồi xoay chuyển bóng đêm
Viền tối đen của sự thối rữa.
Hoàng hôn đầy rượu vang và yên tĩnh
Đàn ghi ta buồn bã tiếng rỉ ra
Và hướng cây đèn khêu dịu trong nhà
Anh ghé vào như trong giấc mộng.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
In den Nachmittag geflüstert
Georg Trakl (1887-1914)
Sonne, herbstlich dünn und zag,
Und das Obst fällt von den Bäumen.
Stille wohnt in blauen Räumen
Einen langen Nachmittag.
Sterbeklänge von Metall;
Und ein weißes Tier bricht nieder.
Brauner Mädchen rauhe Lieder
Sind verweht im Blätterfall.
Stirne Gottes Farben träumt,
Spürt des Wahnsinns sanfte Flügel.
Schatten drehen sich am Hügel
Von Verwesung schwarz umsäumt.
Dämmerung voll Ruh und Wein;
Traurige Guitarren rinnen.
Und zur milden Lampe drinnen
Kehrst du wie im Traume ein.
Bản tiếng Anh
Whispered in the Afternoon
Georg Trakl (1887-1914)
Sun, autumnal thin and hesitant,
And the fruit falls from the trees.
Stillness dwells in blue rooms,
A long afternoon.
Dying-sounds of metal;
And a white animal breaks down.
The coarse songs of brown girls
Have blown away in the falling leaves.
The forehead dreams God's colors,
Feels the gentle wings of insanity.
Shadows whirl on the hill
Fringed blackly by rot.
Dusk full of rest and wine;
Sad guitars flow.
And as if in a dream
You turn to the calm lamp within
Chú thích của người dịch:
Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905: Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp và Toán), không đỗ tú tài * 1908: Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành Dược* 1910: Học xong bằng Y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocaine quá liều.
Hans-Ulrich Treichel (sinh năm 1952): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn, nhận các giải thưởng có thể kể Giải thưởng Hermann Hesse, Giải thưởng Văn học Eichendorf và Giải thưởng phê bình Đức.
Tranh của Franz Marz (1880-1916): Họa sĩ, một trong những đại diện quan trọng nhất của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức.
Bài đăng VHNA