Tranh của Willi Baumeister (1889-1955), họa sĩ Đức |
Phác thảo dở dang Lenz (1) có hay hơn truyện ngắn Cái chết ở Vơ-ni-dơ (2)? Hay là người ta không thể so chúng với nhau. Chúng ta hỏi Marcel Reich-Ranicki (FAZ)
Nhiều lần tới lui tôi đọc phác thảo "Lenz" tuyệt vời của Georg Büchner (3). Một cách đơn giản và dung dị, tôi coi văn bản này là bài văn xuôi hay nhất từng được viết ra trong tiếng Đức, còn đứng trước cả truyện ngắn "Cái chết ở Vơ-ni-dơ" của Thomas Mann: Ông có thể cũng ít nhiều chia sẻ chia sự hào hứng cùng tôi chứ? Độc giả Gert Hirchenhain từ Fuldabrück hỏi.
Reich-Racnicki: À mà vâng, dĩ nhiên rồi, tôi vui lòng sẻ chia sự hào hứng của ông. Cũng có dịp trong những cuộc trò chuyện dài thâu đêm với bè bạn – dễ phải cách đây gần 70 năm chứ không ít - tôi, không cho một ai cãi lại, đã tuyên bố một cách hùng hồn và kiêu hãnh rằng, Lenz là một tác phẩm văn xuôi hay nhất của tiếng Đức, vâng tôi đã bất chấp mọi hiểm nguy để cả quyết rằng, từ trang đầu tiên của Lenz, mà thực ra với câu “ông không cảm mệt mỏi, chỉ đôi khi ông không mấy dễ chịu để có thể không đi trên cái đầu của mình“, nền văn chương Đức hiện đại, chí ít là văn xuôi kể chuyện mới bắt đầu. Nói ngắn gọn: Chúng ta thống nhất ý kiến và không để niềm hạnh phúc vì Büchner bị phá quấy bởi những kẻ lèo nhèo, hương nguyện hoặc mù chữ. Cứ cho là thế đã, được chăng hay chớ. Thật không? Không, được chăng, tệ chớ.
Phải rào đón trước: Cái siêu đẳng trong câu chuyện văn chương và âm nhạc gần như kích động lên những phản ứng luôn sôi sục. Tôi biết điều đó vì tôi yêu những cái siêu đẳng. Trong chốn đông người, nói rằng Bach là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại là đủ, ngay lập tức có ai đó lên tiếng, với vẻ ôn tồn suy tư và nụ cười khoan hòa nhắc cái tên đó là „Mozart“, trong khi kẻ thứ ba trong cuộc, bằng một vẻ cao cả đang nhíu trán cổ vũ cho Beethoven. Hoàn toàn tin cậy giữa chúng ta với nhau: Cả ba cùng có lý, và những cuộc tranh luận xem ai bây giờ đáng mặt anh tài, có thể có chút gì đó ngớ ngẩn, bởi sự ganh đố không có ý nghĩa gì, kể cả trong văn chương.
Tôi ưa nói, đôi khi để chọc tức người cùng trò chuyện, rằng người kể chuyện tiếng Đức quan trọng nhất thế kỷ 20 có khi là Thomas Mann, hoặc là cùng một lúc tôi đi thẳng vào đề: Ông ấy là nhà viết văn xuôi quan trọng nhất kể từ năm 1832 –và ngay lập tức người ta trả lời tôi, còn trong giàn đồng ca nữa kia chứ: Không, Kafka (4) kia. Tôi khoái trá, tất nhiên là không cãi lại họ, và vui sướng rằng chúng ta có hai gã, không, hai quí tôn ông hay như vậy- vị xuất thân từ Lübeck và cả vị từ Praha.
Trong thơ Đức của thế kỷ 20 cái trò chơi đông người vô hại này cũng tương tự vậy. Tôi yêu nhất (từ thời còn trai trẻ) nhà thơ trữ tình Brecht (5). Một số người già cả hoảng hốt quay đi („Cơ mà ông ta là nhà cộng sản!“) và tuyên bố khá trang trọng: Rilke, Rainer Maria. Và luôn luôn có ai đó hăng say (những quý bà chín chắn hơn không hiếm khi mở to con mắt) thú nhận về một trải nghiệm lớn thời son trẻ - nói đích danh là về kỷ niệm với cái tên Benn (6). Không có điều gì để phản đối kết luận đó cả, chỉ có điều người ta bằng mọi giá nên tránh việc đem người này chơi chọi với người kia.
Trong một buổi trình diễn khai mạc opera, vào lúc giờ nghỉ tôi đã phải nói chuyện suông một bà mệnh phụ khí ngu ngốc của một trong các nhà chính khách của chúng ta. Chuyện gẫu không phải là thế mạnh của tôi, cho nên tôi không còn nghĩ ra trò gì khác ngoài hỏi bà ấy, vở opera nào là vở ca kịch đầu tiên trong cuộc đời bà. Đó là vở „Boheme“ (7). Tôi nói với bà ấy là tôi đặc biệt yêu cái vở opera này và, cứ mỗi lần Mimi chết, cam đoan là tôi lại khóc. Nhưng mà quí bà ấy đáp lại tôi: „Bản „Matthäus-Passion“ (8) hay hơn ấy chứ!“. Suýt nữa tôi ngất đi và ngụ ý không hề e dè rằng, bản dịch kinh thánh của Luther(9) còn áp đảo những cuốn tiểu thuyết của Marcel Proust(10).
Vấn đề mắc míu chính ở đây: Người ta không được phép so sánh những cái vô song với nhau. Bản nhạc Matthäus-Passion chẳng hay hơn mà cũng chẳng tồi hơn khúc Boheme của Puccini. Nó là một chút gì hoàn toàn khác. Cũng như thế mọi sự so sánh „Lenz“ với „Cái chết ở Vơ-ni-dơ“ cũng vô nghĩa. Tác phẩm văn xuôi của Büchner xuất hiện năm 1836, truyện ngắn của Thomas Mann ra đời năm 1912. Và như thế hai tác phẩm này xuất phát từ hai thời đại hoàn toàn khác nhau. Ngay hoàn cảnh này cũng khiến cho sự sắp xếp ngôi thứ theo tinh thần của danh mục sách bán chạy của chúng ta trở nên bất khả thi. Tất nhiên người ta có thể nói, tác phẩm này gây ấn tượng với tôi hơn, cái nọ ít hơn. Đó là một quan điểm có tính cá nhân, nhưng không nhất thiết là lời phán xét về chất lượng.
Bởi vì người say Büchner đến từ Fuldabrück xem chừng mê những hình thức trường ca nhỏ, tôi muốn tức thì giới thiệu cho ông hai truyện kể viết sau 1945: Tuổi thanh niên của Wolfgang Koeppen (11) và Sự im lặng được thu nạp của bác sĩ Murkes của Heinrich Böll (12).
© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ
Chú thích của người dịch:
(1) Tên truyện kể của nhà văn Georg Büchner, về tình trạng tâm lý của Jakob Michael Reinhold Lenz.
(2) Tên thiên truyện ngắn của Thomas Mann về bi kịch của nhà văn Gustav Aschenbach.
(3) Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn Đức quan trọng trước cách mạng 1848
(4) Franz Kafka (1883-1924): Nhà văn Đức gốc Tiệp, một trong ba đỉnh cao văn chương Đức thế kỷ 20.
(5 ) Bertolt Brecht (1898-1956): Nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức, một trong ba đỉnh cao văn chương Đức thế kỷ 20.
(6) Gotfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận và bác sĩ người Đức.
(7) La Bohème: Tên vở opera của nhà soạn nhạc Ý Giacomo Puccini.
(8) Passion thánh Matthew, BMW 244 (tiếng Đức : Matthäus-Passion) là bản passion của nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach.
(9) Martin Luther (1483-1546): Nhà thần học người Đức, tu sĩ Dòng Augustine, và là nhà cải cách tôn giáo. Bản dịch Kinh Thánh của ông đã chuẩn hóa và nâng tầm tiếng Đức.
(10) Valentin Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871-1922): Nhà văn và nhà phê bình người Pháp.
(11) Wolfgang Koeppen (1906-1996): Nhà văn Đức quan trọng của văn học hậu chiến.
(12) Heinrich Böll (1917-1985): Nhà văn quan trọng của thời hậu chiến, nhận giải Nobel văn chương.
Tranh của Willi Baumeister (1889-1955), họa sĩ, nhà đồ họa Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét