Foto: Reto Klar
Welt am Sonntag: “Nước Đức của tôi” – Có dễ dàng với bà khi nói lên câu ấy?
Angela Merkel: Có chứ, nhất là ở nước ngoài, nếu như tôi nói về quê hương, hẳn là tôi nghĩ nước Đức của tôi. Nhưng tất nhiên không hàm ý rằng đó riêng là đất nước của tôi mà là đất nước của 80 triệu người, của tất cả những ai có mối liên hệ hoàn toàn riêng tư với nước Đức nữa.
Welt am Sonntag: Bà yêu đất nước này ở những điểm nào?
Angela Merkel: Phong cảnh, ngôn ngữ, tất nhiên là con người, cả những công trình kiến trúc, di tích lịch sử từ thời xưa. Đặc biệt tôi thích những nhà thờ làng quê trên vùng đất Uckermark và đảo Rügen.
Welt am Sonntag: Sau khi đi nghỉ về bà lại đi Bayreuth. Wagner (1) có phải nhà soạn nhạc Đức của bà chăng?
Angela Merkel: Wagner là nhà soạn nhạc lớn của Đức, bên cạnh các nhà soạn nhạc khác.
Welt am Sonntag: Trong một cuộc phỏng vấn do hãng thông tấn Reuter thực hiện, ông Joachim Sauer, chồng bà, có nói, vở diễn Wagner hay nhất ông từng được xem chính là vở nhạc kịch “Tristan và Isolde” được Heiner Müller (2) dàn dựng năm 1990 tại Bayreuth. Phải chăng đó là thời khắc lịch sử mang tính đặc biệt Đức?
Angela Merkel: Đơn giản đó là sự thưởng thức nghệ thuật ở tầm cao, quả là một sự dàn dựng tuyệt vời vở nhạc kịch “Tristan và Isolde”. Dạo đó tôi ngạc nhiên vì Heiner Müller lại tìm ra lối tiếp cận Richard Wagner như vậy.
Welt am Sonntag: Dạo 1990 Müller nói chế nhạo: “Tất nhiên 10 người Đức sẽ ngu hơn 5 người Đức”. Bây giờ bà đã 8 năm làm thủ tướng. So với thời sống ở CHDC Đức, nay bà tin nhiều hay ít hơn vào sự thông thái của những tiến trình dân chủ?
Angela Merkel: Sự thông thái của dân chủ vẫn thuyết phục tôi như ngày đầu tiên tôi được sống trong nền dân chủ ấy. Tôi là người cổ xúy cho nền dân chủ đại diện, tôi cũng nhìn ra những lợi thế trong chế độ liên bang của chúng ta. Như chúng ta luôn trải nghiệm, đó là những cơ cấu khả thể cho việc hình thành ý kiến công luận hợp lý.
Welt am Sonntag: Bà có quan hệ như thế nào với nước CHDC Đức?
Angela Merkel: Nước Đức từng chia cắt, không riêng CHDC Đức là nước Đức, mà nước Đức của tôi gồm chung cả hai phần. Đôi lúc tôi bực mình khi người vùng phía Tây sang thăm và nói nước Đức thế này thế nọ và riêng ám chỉ nước CHLB cũ. Cho nên tôi đã nhẹ nhàng lưu ý họ rằng đương nhiên tôi coi mình là một phần của nước Đức.
Welt am Sonntag: Bà hãy mường tượng ra cảnh mình bịt mắt cho dẫn vào một thị trấn nhỏ nào đó ở Đức. Bà có nhận ra ngay tức khắc mình đang ở vùng phía Đông hay phía Tây hay không?
Angele Merkel: Cũng còn tùy. Người ta không còn nhận ra ở mùi vị nữa. Nhưng nếu được dẫn đi khá lâu trên đường lát đá, thì có lẽ đó là vùng Đông Đức.
Welt am Sonntag: Sự thống nhất nước Đức đã hoàn tất hay chăng?
Angela Merkel: Sự hoàn tất thống nhất Đức đang trên con đường rất tốt. Những người trẻ hơn 30 tuổi cảm nhận sự hoàn tất như điều hiển nhiên. Trò chuyện với những người trẻ hơn, tôi nhận thấy khoảng cách khá xa giữa họ và bức tường cũng như sự thiếu vắng tự do ở thời điểm đó. Cũng xa vời, tương tự như cha mẹ tôi kể về thế chiến lần thứ 2.
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, chuyện sụp đổ bức tường đã thành lịch sử rồi. Đối với người hơn tuổi chút nữa, trong mọi trường hợp, chắc chắn sự thống nhất nước Đức đã không là một trải nghiệm hạnh phúc vô bờ bến. Sau 1990, nhiều người trong số họ không có cơ may để định hướng mới về mặt nghề nghiệp. Khả năng gây dựng tài sản ở phía Đông cũng ít ỏi hơn, và hệ quả bây giờ cũng ít được hưởng tài sản hơn rất nhiều.
Tóm lại trong vấn đề này có những kinh nghiệm khác biệt giữa những người trẻ và già hơn tuổi. Tuy vậy vẫn còn đánh giá khái quát, sự thống nhất Đức là một diễm phúc lớn mang tính lịch sử và ngày nay đã là một sự bình thường được trải nghiệm.
Welt am Sonntag: Ở lĩnh vực nào còn có nhu cầu bù đắp nhiều hơn, trong vấn đề tự do hay công bằng?
Angela Merkel: Với tôi điều đó chẳng có nghĩa, hoặc có cái này hoặc không cái kia. Cả hai giá trị làm nên đất nước nơi con người thích sống ở đó. Chúng ta phải liên tục tạo ra hai giá trị này. Nước Đức là nước tự do. Ngay trong tương quan quốc tế Đức là một nước khá công bằng. Nhưng đồng thời chúng ta phải để ý để cơ hội chia sẻ cho mọi người, để điều kiện đào tạo và nghề nghiệp mở ra cho tất cả.
Welt am Sonntag: Bà có nghĩ lại rồi mình sẽ ra sao, nếu như không thống nhất đất nước?
Angela Merkel: Những chẩn đoán dành cho CHDC Đức đều không tốt, bởi kinh tế, như mọi người nhận thấy, lâm vào hoàn cảnh tồi tệ, ở phạm vi rộng kiệt quệ về vật chất. Chỉ riêng ở Stralsund – khu vực bầu cử của tôi – có 450 công trình kiến trúc lịch sử hẳn đã không thể trụ thêm 10 năm nữa, chúng xuống cấp như thế đây. Không có cuộc thống nhất, cuộc đời cá nhân tôi đương nhiên bị thu hẹp lại nhiều khi thiếu đi tự do và khả năng.
Welt am Sonntag: Bà có bao giờ từng nghĩ đến việc rời bỏ CHDC Đức?
Angela Merkel: Dĩ nhiên tôi thường ngẫm nghĩ về sự ra đi. Một số người tôi quen đã bỏ trốn khỏi CHDC Đức, họ bỏ CHDC Đức mà đi, đặc biệt sau sự kiện tước quốc tịch Wolfgang Biermann (3). Tôi có nói với cha mẹ tôi rằng tôi không có trách nhiệm với CHDC Đức. Cuối cùng, cảm giác gắn bó với gia đình và bè bạn luôn chiếm ưu thế trong tôi. Tôi không muốn bỏ rơi họ, bản thân tôi cũng không muốn phải sống cô đơn.
Nhưng có điều hoàn toàn quan trọng cho tôi là hiểu biết rằng công dân CHDC Đức có quốc tịch Đức trong tinh thần, như tôi nếu gặp hoàn cảnh khốn khó nhất còn có thể đặt đơn xuất cảnh rời bỏ CHDC Đức và tìm cách bắt đầu lại từ đầu tại Tây Đức. Tuy nhiên chúng tôi không làm gương cho ai cả, bởi đơn xin xuất cảnh di trú kèm theo những rắc rối lớn cho người lâm vào hoàn cảnh đó.
Welt am Sonntag: Bà có biết mình bị rình mò ở mức độ nào không?
Angela Merkel: Có chứ, tôi nghĩ rằng chí ít ở mức độ khá đấy.
Welt am Sonntag: Hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ NSA có gợi cho bà cái ký ức xưa kia không?
Angela Merkel: Không, tôi không muốn tô vẽ ra cảnh cơ quan an ninh của CHDC Đức sẽ làm điều gì với những phương tiện kỹ thuật có được ngày hôm nay. Cơ quan này đã gây ra nhiều đau thương. Mỹ là một nền dân chủ và một quốc gia pháp trị. Ngay kể cả khi ở đó có thể có một hình dung khác về việc lưu dữ kiện khác ở đây, thì ở đó vẫn cứ là một chính phủ dân bầu có sự kiểm soát thông qua quốc hội. Tôi hoàn toàn không thấy nét tương đồng ở đây.
Welt am Sonntag: Điều gì đã khiến bà giận dữ?
Angela Merkel: Sự so sánh với cơ quan an ninh của CHDC Đức kết quả chỉ dẫn tới việc vô hại hoá những gì cơ quan an ninh đã làm với người dân CHDC Đức. Trong vấn đề thời sự khiến chúng ta bận lòng, với tư cách thủ tướng tôi coi trách nhiệm của mình trước hết phải làm sáng tỏ điều gì đã xảy ra. Tôi coi những báo cáo đang đưa ra là rất nghiêm trọng, nhưng liệu những báo cáo này có xác thực và đúng ở mức độ nào, thì bây giờ chẳng ai có thể chắc chắn nói được. Chúng ta muốn biết điều đó chính xác, bởi trên nước Đức phải tuân theo luật pháp Đức. Lo giữ gìn điều đó là trách nhiệm của tôi.
Welt am Sonntag: Nhưng ông Bộ trưởng Nội vụ của bà đã sang Mỹ kia mà?
Angela Merkel: Đúng thế, và chuyến công du nhằm mục đích cùng với cơ quan cộng sự Mỹ khởi động tiến trình minh bạch hoá. Công việc của tôi có mục tiêu đảm bảo sao cho công dân có thể tin tưởng rằng, trên đất Đức thì tuân theo luật Đức.
Welt am Sonntag: Khi nào bà – và khi nào ông Quốc vụ khanh phụ trách các cơ quan tình báo – biết được rằng giao tiếp của công dân và các chính khách Đức bị giám sát ở phạm vi nghiêm trọng?
Angela Merkel: Chúng tôi biết được những báo cáo thời sự từ những chương trình gọi là thu thập dữ liệu phủ diện rộng, như Prism chẳng hạn. Bây giờ phải làm sáng tỏ nội dung nào đúng ở những báo cáo về những chương trình đó.
Welt am Sonntag: Bà có muốn chờ cho tới khi phe đối lập huy động một ủy ban điều trần?
Angela Merkel: Với tư cách thủ tướng tôi có trách nhiệm đảm bảo toàn vẹn an ninh cho công dân trên nước Đức, gồm việc tự vệ trước những tấn công khủng bố, và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cả hai việc này đều phải đuợc phối hợp với nhau một cách hài hòa. Mỗi một xâm phạm vào khu vực riêng tư, tức là vào những dữ liệu của một người, phải đáp ứng tiêu chuẩn phù hợp với tình huống và chịu sự chi phối của quyền và luật. Mục đích không biện hộ phương tiện.
Không phải tất cả những gì làm được về kỹ thuật cứ được phép làm. Chính phủ liên bang rất ủng hộ cho chúng ta ở châu Âu có một Nghị định cơ bản về Bảo vệ dữ liệu. Ở đây chúng ta còn phải làm nhiều việc nhằm thuyết phục.
Welt am Sonntag: Dạo đó với tư cách Bộ trưởng Bộ Môi trường bà đã đàm phán Nghị định thư Kyoto – hiệp định toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu. Có thể có một thành tựu tương tự nhằm bảo vệ số liệu cá nhân hay không?
Angela Merkel: Đó phải là mục tiêu chúng ta theo đuổi, bất kể đòi hỏi thế nào. Những thế hệ trước đã cho ra Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền hoặc một Tổ chức Thương mại Quốc tế. Trong thế kỷ 21 chúng ta phải đủ năng lực ký kết những thỏa thuận mang phạm vi toàn cầu.
Bây giờ tôi nghe nào là điều đó không được và người ta đã thấy qua Nghị định Kyoto, rằng mọi sự khó khăn như thế nào. Nhưng ở phạm vi thế giới, nếu truyền thông số đặt chúng ta trước những vấn nạn hoàn toàn mới, thì chúng ta phải đương đầu với thách thức này. Nước Đức hết sức mình đấu tranh cho điều đó.
Welt am Sonntag: Châu Âu của tôi – thưa bà nữ thủ tướng, bà có cảm thấy dễ khi đưa điều này lên môi?
Angela Merkel: Tôi thích nói hơn: châu Âu của chúng ta. Và tôi thích nghĩ tới châu Âu này, và tôi cũng ưa nói về điều này thí dụ như trên đường công du sang châu Á và Nam Mỹ. Chính lúc ở bên châu lục tôi mới nhận thấy, chính sách quốc gia và chính sách châu Âu thật đã đan quyện vào nhau. Và sau đó tôi ý thức được rõ hơn những giá trị và tín lý nào hợp nhất người châu Âu chúng ta lại với nhau.
Welt am Sonntag: Trong cuộc khủng hoảng đồng Euro bà được nhìn nhận như một cá tính vượt trội đòi cắt giảm một cách cứng rắn. Tại những nước vùng Nam Âu, người biểu tình trang bị cho mình tranh cổ động mang hình bà đeo bộ ria Hitler. Bà bị tổn thương chăng?
Angela Merkel: Không. Tôi vui vì không trong một nước nào của khối EU có người biểu tình bị bắt, chừng nào họ phản đối bằng biện pháp hoà bình và bất bạo lực. Quyền được biểu lộ suy nghĩ một cách tự do và hoà bình, quyền tự do hội họp, chẳng phải là giá trị chung của châu Âu khiến chúng ta có thể tự hào đó sao. Và ngoài ra nữa: ngay tại nước Đức tôi cũng đã trải nghiệm sự phản đối.
Welt am Sonntag: Một lần nào đó bà có hình dung mình sống ở nước ngoài?
Angela Merkel: Về lý thuyết thì có. Tôi yêu thích nhìều đất nước, nhưng đó phải là một nước tôi nói được tiếng của họ. Nhưng tôi hầu như không có kế hoạch di cư, hoàn toàn tôi không bận tâm với việc đó. Như vậy trước hết chúng ta có thể quan niệm rằng tôi sẽ tiếp tục sống tại nước Đức và lúc này một lần nữa cầu xin người dân tin cậy tôi tiếp tục là nữ thủ tướng của họ.
©Phạm Kỳ Đăng lược dịch từ tiếng Đức
Nguồn: Die Welt am Sonntag
Chú thích của người dịch:
(1) Richard Wagner (1813-1883): Nhà soạn nhạc cổ điển, chỉ huy dàn nhạc, kịch tác gia, đạo diễn, nhà văn, nhà thơ Đức. Ông là nhạc sĩ đầu tiên thành lập nhà hát Festspielhaus cho liên hoan opera và nhạc kịch của ông tổ chức hàng năm tại Bayreuth. Cũng bởi thái độ chống Do thái, đề cao chủng tộc Đức, ông được nhà nước phát xít Hitler tôn vinh lên hàng đầu, và vì vậy tại CHDC Đức và nhiều nước XHCN bị dìm vào quên lãng.
(2) Heiner Müller (1929-1995): Kịch tác gia, đạo diễn, nhà thơ. Là một trong những tác gia quan trọng nhất của nền văn học viết bằng tiếng Đức nửa sau thế kỷ 20. Chủ tịch Viện Hàn lâm của CHDC Đức.
(3) Karl Wolf Biermann (sinh năm 1936): Nhà sáng tác bài hát và nhà thơ của CHDC Đức. Ông bị cấm xuất bản và trình diễn và xuất bản vì phê phán sâu cay nền chuyên chính của Đảng. Sự kiện bị tước quyền công dân và trục xuất năm 1976 đã gây ra một làn sóng chống đối rộng khắp từ phía nhân sĩ, trí thức, và văn nghệ sĩ.
Bài đăng Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét