Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Bài thơ "Không quê hương" của Hermann-Neiße

Hans-Joachim Simm (1)


Tranh của ©Georg Grosz (1893-1959) họa sĩ Đức

Những người Quốc Xã đốt tác phẩm của ông và cưỡng bách ông chạy trốn. Bài thơ „Không quê hương“ của Max Herrmann-Neiße tìm ngôn từ cho sự truy đuổi và đồng thời gìn giữ sự tôn trọng con người (Frankfurter Allgemeine Zeitung).

Tin chắc đất nước này một sớm một chiều sẽ không dung nạp ông lâu hơn, ít ngày sau vụ đốt Tòa nhà Quốc hội xảy ra ngày 27-28 tháng Hai năm 1933, ông đã dấn chân vào chốn lưu vong. Cũng chỉ một vài tháng sau, sách của ông cũng bị đốt. Mặc dù thế suốt cuộc đời ông vẫn gắn bó với nước Đức (Quê hương đã không giữ lòng chung thủy, dẫu sao tôi vẫn ở vậy thủy chung), nhà huyền học Jakob Böhme (2) và các nhà thơ như Andreas Gryphius, Angelus Silesius, Johann Christian Günther và Joseph von Eichendorff (3) đã gây ảnh hưởng tầm khuôn thước lên tác phẩm của ông.

Sinh năm 1886 tại thành phố Neiße thuộc miền Si-lê-di Thượng (4), sớm từ thời thơ ấu ông đã cảm nhận được mình là kẻ ngoài lề, không phải lý do chót, cũng bởi nét đặc điểm của hình thể. George Grosz và Ludwig Meidner (5) đã họa chân dung ông. Năm 1917 ông đã rời tỉnh lỵ. Ở Berlin, nơi Franz Pfemfert và Alfred Kerr (6) đã dọn đường cho ông đi vào thế giới văn chương, ông đã mau mắn thành đạt, đã in nhiều tập thơ ở nhà xuất bản S.Fischer, bên cạnh đó viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, điểm mục tác phẩm, viết lời nhạc kịch Cabaret: Heinrich Heine thuộc về mẫu mực của ông.

Else Lasker-Schüler (7) nhìn thấy ông gần gũi trong tâm hồn; Oskar Loerke, Carl Sternheim, Alfred Döblin (8) kính trọng ông và ngợi ca tác phẩm; người bạn thân nhất của ông là gã giang hồ và thi sĩ Ringelnatz (9). Năm 1924 Hermann Neiße nhận giải thưởng Eichendorff, tiếp theo năm 1927 giải thưởng Gerhart Hauptmann (10). Nhưng cuối những năm 20 ông hầu như bị rơi vào quên lãng. Sự lãng quên kéo dài cho tới những năm 70. Kể cả ở phương diện này, cũng ở trong lịch sử tiếp nhận văn hóa, ông cũng là người không có quê hương. Đầu những năm 80 tác phẩm của ông mới được phát hiện lại. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, xung quanh ông lại một lần nữa trở nên im ắng.

Nhìn vào lần đầu ta thấy đây là một bài thơ cổ truyền về một chủ đề vô thời đại. Hermann-Neiße luôn gắn bó với truyền thống của văn học, ông không tiến hành thử nghiệm hình thức, kể cả trong những bài thơ theo chủ nghĩa biểu hiện viết về thị thành: Thơ Jambơ năm nhịp, câu thơ bỏ trống của kịch cổ điển Đức, những vần chéo thông dụng, bốn khổ, kể cả việc không chứng dấu bằng một hàng bỏ trống. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn thấy lộ ra một cấu trúc đặc biệt: Dòng thơ đầu và những dòng thơ cuối, cho tới câu thơ cuối cùng, mang từ hiệp vận trùng nhau.

Câu đầu và câu cuối của bài thơ cho ta riêng một khổ, đầu và cuối bài hòa nhập lại với nhau, bức tranh của khởi đầu và sự diễn giải ở cuối: một dạng khúc Rondo (11), như ông thư thoảng sử dụng- Peter Härtling (12) đã lưu ý cho ta biết điều ấy. Những bước cách dòng mang lại cho bài thơ một tính cách độc thoại – cơ bản thơ của ông sau 1933 tựa như một màn „độc thoại trên sân khấu người lạ“ ("Ai đã bày ra những hậu cảnh kỳ quái này, quanh con đường nơi đây nay đời tôi nhận lối “).

Xâm nhập vào hình ảnh của thế giới nhỏ này là cái Tôi phản hồi, cái luôn tiếp thêm cho một ý nghĩ một ý nghĩ khác, đào sâu hơn và khai quật mâu thuẫn. Những tương phản kéo suốt qua văn bản: Những „kẻ không quê hương lạc lối sao thảm hại“ qua „mê cung“ của „người xứ lạ“, trở lại họ không thể dò thấy con đường quay lại, hoàn toàn ngược lại với „người bản xứ“ đang „hởi dạ“ „hàn huyên“ cùng nhau, ở bên nhau, không cho người khác nhập cuộc, trong một cảnh đời thơ mộng nhỏ mọn đối với nó mọi mô típ lãng mạn chỉ còn là phông nền đạo cụ gá vào.

Làn gió đêm hè an ủi cho ta thoáng chốc và vô tình cái nhìn vào quần thể khép kín của những người bắt sâu gốc rễ trong vẻ thư thái của họ, tất cả vẻ như được sắp đặt nghiêm ngắn, luôn xa xưa là thế và không thay đổi. Làn gió đêm hè đáng yêu trở nên „dã man“, khi nó lập tức khép lại „căn phòng“ trước ánh mắt của những người bị ruồng rẫy, những kẻ nhớ mong một vẻ „an bình đã lâu thiếu thốn“ và „hòa bình ổn định“. Ngay đến "mèo vô chủ" và "kẻ ăn mày" cũng không bị „đuổi xua" và "ruồng bỏ" đến mức đó như từng người „xưa đã từng có hạnh phúc quê hương“ và đánh mất đi không do lỗi của mình. „Nhưng mà người bản địa" kết cục chỉ "" thôi, họ đâu biết rằng, hạnh phúc của họ mong manh, nếu như họ chối bỏ sự bất hạnh của người khác và gạt đi cái bóng của họ mà không có nó thực tế họ không tồn tại nổi. Khúc Rondo êm đềm đã đổ vỡ.

Một bài thơ như lời đáp trả sự tước bỏ quốc tịch

Ông không thuộc về nơi đó, không thuộc về ai, tại Đức không và Anh không, nơi ông đi đến băng qua Zürich, Hà Lan và Paris. Chỉ có một chốn hứa hẹn ông sự đồng cảm và nhân tính nơi những người kinh tởm thể chế Quốc Xã, và thế đó là chốn cho ông cảm nhận sự xa lạ còn dữ dội hơn. “ Vâng, giờ đây tôi cũng có thể thành một nhà thơ Đức được đời công nhận... nhưng mà tôi không sao gắng gượng vượt qua cảnh, dẫu chỉ ngậm tăm êm thấm, chịu để cho một hệ thống nâng đỡ đối với tôi đích thực là một hệ thống quỷ dữ“.

Dạo 1938, khi thông báo tước bỏ quốc tịch Đức tới tay ông, ông viết bài thơ „Tổ quốc muôn đời“. „ Đáng lẽ ra phải quên đi người Đức như họ đáng phải hứng nhận điều ấy“, Heinrich Mann (13) viết, „ông ấy lại vẫn tiếp tục sống cùng với họ, cảm thấy ân hận và lại nhớ thương họ đến mức không thể tưởng“. Max Hermann-Neiße chết ngày 08.04.1941. Sau khi ông mất, bà Leni vợ ông xuất bản hai tập „Những bài thơ cuối“, trong đó có cả bài thơ này, ra đời ngày 23.06.1936, với một lời gọi ra tên chủ đề của cuộc đời ông, bị phán xử đày vào chốn không quê hương và tuy vậy vẫn gìn giữ sự tôn trọng con người, không chỉ trong bài thơ.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức



Không quê hương

Max Herrmann-Neiße (1886-1941)

Không quê hương chúng ta bước lạc loài
Vô nghĩa qua mê cung người xứ lạ
Dân bản xứ trước cổng thành, mở dạ
Hàn huyên cùng nhau trong gió đêm hè
Làn gió thoáng bay mở cánh rèm che
Cho ta nhìn vào nếp bình yên đã
lâu ngày thiếu vắng của hòa bình ổn định
của một sảnh phòng, và dã man khép lại trước ta
Những con mèo vô chủ trong ngõ cụt
Những kẻ ăn mày ngủ qua đêm trên cỏ ướt
Không nỡ bị ruồng bỏ và đuổi xua làm vậy
Như mỗi ai từng có hạnh phúc quê hương
đã mất đi, nào có lỗi gì riêng
và giờ đây lạc trong mê cung người lạ
Dân bản xứ mộng mơ trước cổng thành
Và không biết chúng ta là cái bóng của họ.

© PKĐ dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Heimatlos

Max Herrmann-Neiße (1886-1941)

Wir ohne Heimat irren so verloren
und sinnlos durch der Fremde Labyrinth.
Die Eingebornen plaudern vor den Toren
vertraut im abendlichen Sommerwind.
Er macht den Fenstervorhang flüchtig wehen
und läßt uns in die lang entbehrte Ruh
des sichren Friedens einer Stube sehen
und schließt sie vor uns grausam wieder zu.
Die herrenlosen Katzen in den Gassen,
die Bettler, nächtigend im nassen Gras,
sind nicht so ausgestoßen und verlassen
wie jeder, der ein Heimatglück besaß
und hat es ohne seine Schuld verloren
und irrt jetzt durch der Fremde Labyrinth.
Die Eingebornen träumen vor den Toren
und wissen nicht, daß wir ihr Schatten sind.

Chú thích của người dịch:

Max Herrmann-Neiße (1886-1941): Nhà văn, nhà thơ người Đức sinh ra tại vùng Si-lê-di Thượng, bên bờ sông Neiße.

(1) Hans-Joachim Simm: Sinh năm 1946 tại Braunschweig, cho tới 2009 giám đốc nhà xuất bản Insel và nhà xuất bản Các tôn giáo thế giới.
(2) Jakob Böhme (1575-1624): Nhà huyền học và triết học Đức.
(3) Andreas Gryphius (1616-1664), Angelus Silesius (1624-1677), Johann Christian Günther (1695-1723) và Joseph von Eichendorff (1788-1857), các nhà thơ Đức.
(4) Oberschlesien: Vùng đất nơi Max Hermann Neiße sinh ra và lớn lên nay phần lớn thuộc về Ba Lan.
(5) George Grosz (1893-1959) và Ludwig Meidner (1884-1966): Hai họa sĩ Đức nổi danh đầu thế kỷ.
(6) Franz Pfemfert (1879-1954): Nhà trước tác và nhà phê bình; Alfred Kerr (1867-1948): Nhà văn, nhà phê bình sân khấu.
(7) Else Lasker-Schüler (1869-1945): Nữ thi sĩ ngưới Đức-Do thái, đại diện phái Hiện đại tiền phong và Biểu hiện trong văn chương.
(8) Alfred Döblin (1878-1957): Nhà văn, bác sĩ tâm thần học Đức.
(9) Joachim Ringelnatz (1883-1934): Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Đức.
(10) Giải thưởng mang tên Gerthart Hauptmann (1862-1946): Kịch tác gia, nhà văn Đức, nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 1912.
(11) Hình thức của tác phẩm âm nhạc bao gồm nhiều phần, trong đó có một phần được gọi là chủ đề, nhắc lại ít nhất là ba lần.
(12) Peter Härtling (sinh năm 1933): Nhà văn Đức.
(13) Heinrich Mann (1871-1950): Nhà văn Đức, anh trai của Thomas Mann.

Tranh của Georg Grosz (1893-1959) vẽ Max Hermann-Neiße.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...