Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Thơ của Enzensberger có ra gì?

Marcel Reich-Ranicki  
 
Tranh của © Franz Kline (1910-1962) họa sĩ Mỹ

Ông có cho rằng Hans Magnus Enzensberger(1) là một nhà thơ viết tốt? Hay là một nhà tiểu luận cơ chừng đi lạc vào thơ? Marcel Reich-Ranicki (2) đưa ra câu trả lời - và trước tiên ông kể về một sự chuyện xảy ra vào năm 1961 (FAZ).

Reich-Ranicki: Cuộc họp lần thứ 23 của nhóm 47 (3) xảy ra tháng Mười năm 1961 trong lâu đài thợ săn Göhrde vùng Lüneburger Heide. Những cuộc họp mặt trước đó của nhóm này, một liên hiệp nhà văn Đức quan trọng và độc sáng nhất sau 1945, đã có một tiếng vang mạnh mẽ. Người nhận giải cuối cùng vào năm 1958 là chàng Günter Grass (4) trẻ cho đến khi đó hầu như không ai biết và thời gian qua gần như nổi tiếng khắp thế giới.

Như xì xào đồn đại, tại lâu đài Göhrede người ta sẽ lại được nghe sự nổi đình nổi đám. Cái gì mới được cơ chứ? Thực ra chỉ có một buổi đọc sách nào đó không ăn nhập chương trình. Một tác giả tên tuổi, theo đồn đoán, sẽ trình bày một tác phẩm sân khấu, một vở hài kịch. Vở hài kịch ư, hiển nhiên sẽ lại dở thôi như phần lớn các vở hài kịch Đức nói chung.

Mãi lúc tới tận nơi tận chốn người ta mới được biết vị trưởng nhóm Hans Werner Richter, người tổ chức tài ba đã lên kế hoạch ra sao: Chàng trai trẻ Hans Magnus Enzensberger, trong vòng hai năm qua đã nhanh chóng được công nhận bằng hai tập thơ („Sự tự vệ của chó sói“ và „Ngôn ngữ đồng quê“) và sau đó với một cuốn tiểu luận („Chi tiết“) gần như đã làm công luận Đức choáng váng, chí ít là choáng ngợp, đã muốn thử thách mình với ngòi bút viết kịch trước các vị trưởng lão nghiêm khắc của nhóm 47.

Mọi sự bắt đầu rất kỳ cục: Tất cả mọi người bị áp vào nhà kho chứa rơm, Enzensberger bị đẩy lên một cái bục lè tè. Mọi thính giả được phép thả mình thoải mái trên rơm. Sau một giờ giải lao hào hứng bắt đầu: Enzensberger đọc chậm và nhấn nhá. Không khí im lặng, khỏi phải nói là trọng thể. Gì thì gì không khí khá là trang nghiêm.

Hans Werner Richter(5) quan sát cử tọa hơi có chút nghi ngại, hơn nữa nhìn vào Franz Joseph Schneider(6) nay đã mất, khi ông này đang nằm trên một cái đệm bơm hơi mang theo. Lão Schneider này tuy là một tác giả yếu, nhưng lại được đánh giá cao vì hai lý do: Thứ nhất lão ta có uy-mua, và thứ hai là cứ thư thoảng trong một hãng quảng cáo, tôi nghĩ là hãng Mỹ, nơi lão ta làm việc, lão lại cất công tổ chức quyên góp được ít tiền cho nhóm 47. Richter biết rằng, cái tay Schneider này sinh ra đã có ngón nghề chòng ghẹo, cái thứ thật không phương hại gì đến chúng tôi trong những ngày họp của nhóm 47.

Đột nhiên đúng trong buổi đọc, một tiếng nổ to làm chúng tôi giật mình. Franz Joseph Schneider đã xì hơi ra từ cái đệm bơm không khí của mình. Bởi chưng vẻ trọng thể vẻ như không phù hợp với ông. Richter, không phải là không sẵn lòng hoan nghênh sự cố này, ngay lập tức khoát tay ra hiệu, mọi người cần trở lại thái độ nghiêm túc. Enzensberger gật đầu cám ơn và lại đọc tiếp.

Tất cả đều lo sợ hoặc chờ đợi một vụ xì căng đan xảy ra. Bỗng nhiên Enzensberger cắt ngang buổi đọc, tôi nghĩ rằng giữa một câu dang dở. Ông ấy nói rất điềm tĩnh: „ Có cố công cũng vô bổ! Tôi đã đọc hơn một nửa tiếng rồi. Lẽ ra phải là một hài kịch. Nhưng mà chưa thấy ai cười cả. Ta dừng ở đây thôi“. Im ắng trở lại, đó là một bầu im lặng của tinh thần kính trọng.

Richter hỏi có ai muốn nói chút gì không. Rồi Wolfgang Hildesheimer (7), chơi thân với Enzensberger đã giơ tay, và nếu như tôi nhớ không lầm, đã bình tĩnh giải thích rằng vở hài kịch này viết dưới ảnh hưởng của vở ca kịch „Đồng ba xu“ (của Bertolt Brecht - ND) và hoàn toàn hỏng kiểu. Tất cả mọi sự vẫn bình thường tiếp diễn. Vở hài kịch này chưa bao giờ được in và thậm chí chưa bao giờ được diễn. Tôi đã quên mất tên vở.

Kể từ dạo đó nhiều thời gian qua đi. Thời gian qua Hans Magnus Enzensberger đã lên lão 80 tuổi. Ông ấy sẽ còn viết vài thứ nữa, với một số người trong chúng ta đây ông sẽ còn đem lại một sự bất ngờ. Nhưng tuy thế tác phẩm của cuộc đời ông ngay bây giờ đã cho ta nhìn bao quát. Ngắn gọn và súc tích: Ông không là nhà soạn kịch, tương tự như thế, ông ấy không là nhà viết tiểu thuyết.

Mà tuy thế nữ độc giả vùng Bremen muốn biết, tôi có coi ông ấy là một thi tài chăng? Đây là câu trả lời của tôi: tôi coi ông ấy, trong các nhà thơ của giọng lưỡi Đức đang còn sống, là một trong những nhà thơ thượng thặng nhất. Và với tư cách nhà viết tiểu luận ông ấy là một trong những cây bút trí thức nhất, xuất sắc nhất. Trong những vần thơ hay trong văn xuôi tiểu luận – ông ấy là một nhà phong cách tuyệt vời với nhãn quan sắc bén nhìn vào những hiện tượng khác biệt nhất của tinh thần thời đại. Ông ấy thuộc về số ít tác giả đã có khả năng ghi dấu ấn lên văn học Đức sau 1945.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: FAZ

Chú thích của người dịch:

(1) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

(2) Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức, người được tôn vinh là Giáo hòang văn học.

(3) Nhóm 47: Tập hợp nổi tiếng gồm các nhà văn nhà thơ Tây và Đông Đức hậu chiến thường xuyên gặp gỡ họp mặt trong khoảng thời gian 1947-1967

(4) Günter Grass (sinh năm 1927): Nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa. Giải thưởng Nobel văn chương năm 1999.

(5) Hans Werner Richter (1908-1993): Nhà văn Đức, người sáng lập ra nhóm 47.

(6) Franz Joseph Schneider (1912-1984): Nhà văn nhà báo Đức, người tài trợ giải thưởng văn chương của nhóm 47 nổi tiếng thế giới. Ông không nhiều tài năng, tên tuổi đi vào văn học sử như một người khuyến khích cho văn chương phát triển.

(7) Wolfgang Hildesheimer (1916-1991): Nhà văn và họa sĩ Đức, nổi tiếng vì những tác phẩm kịch.

Tranh của Franz Kline (1910-1962) họa sĩ Mỹ, thuộc về những đại diện dẫn đầu của phái họa Biểu hiện Trừu tượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...