Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Quyền tỵ nạn là quyền con người

Jürgen Habermas

Tranh của ©Gerhard Richter (sinh năm 1932), họa sĩ Đức

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người lánh nạn hiện nay, Đức và Pháp cần gây dựng một chính sách châu Âu tích cực hơn có tầm nhìn viễn cảnh, trong tâm điểm cũng phải nên có một sự phối hợp tốt hơn trong vấn đề người tỵ nạn, Jürgen Habermas (1) - nhà triết học và xã hội học danh tiếng- hàm ý như vậy trong cuộc nói chuyện với Stefan Reccius (2).

Thưa giáo sư Habermas, thế giới hiện đại không thôi đương đầu với những biến đổi chính trị và chính vì thế đứng trước những đòi hỏi luôn luôn mới mẻ. Người ta có thể lấy thí dụ những làn sóng người tỵ nạn từ Cận Đông, từ nhiều vùng châu Phi hay là Tây Balkan di tới châu Âu. Dưới giác độ triết học nên phải và phải phản ứng lại khuynh hướng đó như thế nào?

Jürgen Habermas: Quyền tỵ nạn là quyền con người, và, mỗi một người xin tỵ nạn chính trị, trong trường hợp đáp ứng được, cần được đối xử tử tế và tiếp nhận, với sự nhất quyết dám làm dám chịu. Đó là câu trả lời mang tính nguyên tắc, nhưng mà trong một tình huống đặt ra như vậy, câu trả lời này không đặc biệt hứa hẹn.

Trong cuộc khủng hoảng tỵ nạn, Liên minh châu Âu chia xẻ năm bè bảy mối như lâu nay chưa có. Có nguy cơ xói mòn các giá trị và niềm tin, mà cả ông cũng nhìn thấy ở Liên minh châu Âu?

Jürgen Habermas: Những gì xảy ra là sự tách rời giữa Anh cũng như một số nước Đông Âu với phần nhà nước cốt lõi của Liên minh tiền tệ. Có thể chờ thấy sự xung đột này xảy ra. Nó liên quan với ngày gia nhập khối. Nhiều nhà nước gia nhập mới từ phía Đông, bỏ qua những khác biệt lớn về kinh tế vẫn còn tiếp tục tồn tại, đã không có đầy đủ thời gian trải nghiệm qua một quá trình thích ứng về thể chất – chính trị, mà dành cho nó chúng ta ở nước Đức từ 1949 tới 1989 có 40 năm thời gian. Ở đất nước chúng ta (Đức) quá trình này diễn ra đủ mức độ lâu dài.

Đức và Pháp, từ lâu đáng ra phải tiến hành một chính sách châu Âu tích cực hơn nhiều mang tầm nhìn viễn cảnh, ngay bây giờ phải chủ động nắm bắt sáng kiến và phát triển một chính sách châu Âu, mà trong khuôn khổ của nó, chúng ta có thể chờ đợi một sự phối tác trong vấn đề người tỵ nạn. Người ta đã ngủ quên trên khủng hoảng. Nhưng mà về chuyện này tôi cũng phải nói một điều rằng: từ nhiều năm nay tôi đã không hài lòng với chính phủ của chúng ta như từ dạo cuối tháng Chín đến nay. Câu nói của bà Merkel: “ Nếu như bây giờ chúng ta còn cần phải xin lỗi, nếu như chúng ta ra mặt tươi cười đối với những người cần sự giúp đỡ của chúng ta, thì đây không phải là đất nước của tôi nữa“, tương tự vậy khiến tôi ngỡ ngàng, cũng như coi điều này đáng trọng.

Nếu như hàng trăm ngàn người, rất nhiều trong số đó mang theo những thế giới văn hóa và tôn giáo khác đi vào một nước thuộc khối Liên minh châu Âu, thì ở bước tiếp theo mọi sự xoay quanh sự hội nhập. Liệu có một chìa khóa triết học cho sự hội nhập thành công?

Jürgen Habermas: Có một cơ sở chung, trên đó sự hội nhập tất phải xảy ra, và đó là Hiến pháp. Đó là những nguyên tắc, không được tạc vào đá, mà nó phải được thảo luận trong một cuộc tranh cãi dân chủ rộng khắp. Tôi nghĩ, bây giờ cuộc tranh cãi này một lần nữa phải được khởi xướng. Từ mỗi người chúng ta nhận vào nhà, chúng ta phải chờ được ở họ, người này sẽ tuân thủ luật pháp của chúng ta và học tiếng nói của chúng ta. Chúng ta phải trông đợi được rằng, một sự bắt r mang tính chuẩn mực các nguyên tắc văn hóa chính trị của chúng ta đang xảy ra ít nhất ở thế hệ thứ hai.

Năm 1999 ông đã bênh vực cuộc can thiệp của NATO vào cuộc chiến ở Kosovo. Giả sử trong một cuộc nhúng tay quân sự của NATO, của phương Tây chống lại chính quyền độc tài Assad của Syria hay chống lại nhà nước IS, ông có tỏ thái độ như vậy không?

Jürgen Habermas: Đây là một câu hỏi khó. Tôi không thể trả lời nó bằng Có hay Không. Cuộc chiến ở Irak mà tôi phê phán ngay từ đầu, cũng như Afghanistan, Mali und Libya đã làm cho chúng ta ý thức được, những nhà nước can thiệp không sẵn sàng khuyến khích những trách nhiệm khắc phục hậu quả, cụ thể là việc xây dựng kéo dài nhiều thập kỷ những cấu trúc quốc gia trong những đất nước này. Chính vì lẽ đó chúng ta đã có được kinh nghiệm rằng, các cuộc can thiệp thường làm xấu hơn đi tình cảnh trong đất nước gặp phải. Năm 1999 tôi đã ủng hộ can thiệp với rất nhiều giả thiết nếunhưng mà, điều này đã bị quên lãng mất với thời gian. Nếu như nhìn lại, liệu tôi có thái độ khác đi chăng, thì còn cần một sự cân nhắc dài lâu hơn.

Sau sự kiện khủng bố tấn công vào ngày 11.09.2001, Peter Scholl-Latour(3) đã chẩn đoán rằng, những cuộc xung đột của tương lai sẽ mang bản thể tôn giáo. Có vẻ như Lịch sử cho thấy ông ấy có lý, nếu như người ta nghĩ riêng thôi tới những trào lưu cực đoan của Hồi giáo. Người ta phải đương đầu với chuyện này ra sao?

Jürgen Habermas: Về cốt lõi đó không phải là các xung đột tôn giáo mà là những xung đột chính trị được định nghĩa theo hướng tôn giáo. Chủ nghĩa toàn thống tôn giáo là một phản ứng vào những hiện tượng bị bứng gốc, tựu trung lại gây ra ở thời hiện đại, thông qua chủ nghĩa thực dân và các chính sách hậu thực dân. Chính vì lẽ đó sẽ là hơi ấu trĩ nếu nói, đó là những xung đột tôn giáo.

Stefan Reccius thực hiện cuộc trò chuyện.


©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức.

Chú thích của người dịch:


(1) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia Đức, giáo sư triết học tại đại học Frankfurt/M (Đức) và Northwestern University ở Evanston, Chicago. Ông được coi là đại diện quan trọng nhất trong „thế hệ thứ hai“ của Lý thuyết Phê phán (Kritische Theorie) thuộc Trường phái Frankfurt mà thế hệ mở đầu bao gồm các tên tuổi như Theodor W. Adorno, Max Horkheimer, Herbert Marcuse và Walter Benjamin. (Chú thích của talawas).

(2) Stefan Reccius (sinh năm 1989): Nhà báo Đức.

(3) Peter Scholl-Latour (1924-2014): Nhà báo Đức-Pháp, nhà trước tác, nổi tiếng cả với tác phẩm „Cái chết trên đồng lúa“ về cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tranh © của Gerhard Richter (sinh năm 1932) họa sĩ đương đại Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...