Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Thung lũng tối

Georg Trakl (1887 - 1914)
   
Tranh của© August Macke, họa sĩ Đức

Biến trong tán thông một đàn quạ di trú
Và sương đêm màu xanh lục trào dâng
Và như trong mơ réo rắt tiếng vĩ cầm
Các cô hầu xách bình nước nhảy múa

Nghe tiếng hét, cười của người say rượu
Qua dậu thanh tùng một cơn sởn thịt da
Trên kính cửa nhợt nhạt màu xác chết
Bóng những người nhảy múa lướt qua

Có mùi rượu vang và cỏ xạ hương
Qua cánh rừng vọng tiếng gọi đơn độc
Đám người ăn mày lắng nghe trên bậc
Và đứng lên vô nghĩa nguyện cầu

Một con thú chảy máu trong khóm phỉ
Những vòm cây khổng lồ bục ngả nghiêng đang
Chất nặng thêm bởi những đám mây băng
Những đôi ôm nhau nghỉ bên đầm nước.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Das dunkle Tal

Georg Trakl (1887 - 1914)

In Föhren zerflattert ein Krähenzug
Und grüne Abendnebel steigen
Und wie im Traum ein Klang von Geigen
Und Mägde laufen zum Tanz in Krug.

Man hört Betrunkener Lachen und Schrei,
Ein Schauer geht durch alte Eiben.
An leichenfahlen Fensterscheiben
Huschen die Schatten der Tänzer vorbei.

Es riecht nach Wein und Thymian
Und durch den Wald hallt einsam Rufen.
Das Bettelvolk lauscht auf den Stufen
Und hebt sinnlos zu beten an.

Ein Wild verblutet im Haselgesträuch.
Dumpf schwanken riesige Baumarkaden,
Von eisigen Wolken überladen.
Liebende ruhn umschlungen am Teich.

Bản tiếng Anh (tham khảo)

The Dark Valley

Georg Trakl (1887 - 1914)

In pines a migration of crows flutters away
And green evening fogs rise
And like in dream a sound of violins
And maids run to the dance in the inn.

One hears laughter and shouts of drunkards,
A shower goes through old yews.
In deathly pale window panes
The shadows of the dancers scurry past.

It smells of wine and thyme
And lonely calling resounds through the forest.
The beggars listen on the steps
And begin to pray senselessly.

A deer bleeds to death in the hazel bushes.
Dully gigantic tree arcades sway,
Overloaded by icy clouds.
Lovers rest embraced by the pond.

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.

Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

„ Hồ như không thể định vị tác phẩm thơ của ông một cách rõ rệt theo lịch sử văn học nội trong văn chương của thế kỷ 20“ (Wikipedia)

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng Latinh, Hy Lạp và Tóan), không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh của August Macke (1887-1914): họa sĩ Biểu hiện Đức, cùng năm sinh và năm mất với Georg Trakl, ông ngã xuống ở mặt trận phía Tây gần Perthes-lès-Hurlus ở vùng Champagne nước Pháp.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Bóng đá - Miếu đền cúng thờ thần tượng

Phạm Kỳ Đăng


Tranh của © Joan Miró ( 1893-1983): Họa sĩ Tây Ban Nha

Không thể thoả mãn được với những siêu sao, thần tượng trong điện ảnh, âm nhạc, quần vợt, đấm bốc, trưng mẫu thời trang… tỏa sáng màn hình, giấu mặt ngoài đời sau lưng cả tốp vệ sĩ v.v. mà công nghiệp thông tin đại chúng dầy công đắp dựng, thế hệ kế cận tìm thấy trên sân chơi toàn thể World Cup 2002 tụ hội nhiều siêu sao (Figo, Bastituta, Vieri, Ronaldo, Rivaldo, Raul, Zidane, Beckham…) này còn nhiều tượng thần chiêm bái. Trong lúc các phương tiện thông tin đại chúng trỏ lối cho người ta đóng cửa lại, sắp xếp vào miếu đường riêng của mình những minh tinh khác ngạch Bruce Willies, Richard Gere, Alain Delon, Arnold Schwarzenegger, Julia Roberts, Nicole Kidmann, Kim Basinger, Isabelle Adjani, Cameron Dias, Jenifer Lopez, Britney Spears, Mariah Carey, Boris Becker… như xếp thêm pokémon hoặc những băng chơi điện tử, thì bóng đá là tiếng gọi mở cửa chạy ra đời nghiệm trải, sống cùng những thần tượng của mình bằng xương bằng thịt đáng tin cậy hơn so với những Rambo hoặc James Bond. Chính bằng sự hiện diện của những thần tượng túc cầu oanh liệt, câu lạc bộ FC Barcelona tuần nào cũng lôi cuốn chừng 120.000 người đổ vào sân vận động Nou Camp. “Thậm chí nếu Claudia Schiffer và Naomi Campbell cùng trần truồng như nhộng sóng bước trên sân vận động Nou Camp, hỏi người ta sẽ nhìn hai cô nàng bao lâu nhỉ?”- Cesars Luis Menotti tự hỏi và sốt sắng tiếp: “ Và ngó mấy lần cơ chứ? Hừ, không thèm tới lần thứ hai đâu !”(1)

Công chúng từng rủ nhau đổ ra sân bóng, ngưỡng mộ Garrinscha (Manoel dos Santos) anh hùng đất rừng phương Nam, tuy một chữ bẻ đôi không biết, đi bóng ôi sao điệu nghệ hết chỗ nói! Thành đạt từ nghèo hèn vốn câu chuyện huyền thoại nói chung hấp dẫn nhất biến người cầu thủ rừng rú ấy thành thần tượng, thành sex up. Bản thân không biết đọc biết viết, không hiểu nổi cả sắp xếp đấu loại, thành thử cứ hết mỗi trận, Garrinscha đều sốt sắng hỏi đã về được chưa với “năm cô nhà” (bốn người vợ cưới nơi bản quán, thêm một nàng tiên Thụy Điển khăn gói theo hầu từ giải World Cup 1958).

Nghiễm nhiên được kéo lên miếu thờ như vậy, các thần tượng dần dà sanh cho mình lễ tục, sắm cho mình lễ bộ, để xuất thế cho ra nhẽ trước đám đông cầu bái. Dạo những năm 30, nhiều danh thủ Nam Mỹ đã thích cho chụp ảnh ở tư thế miệng ngậm điếu xì gà, đội mũ panama giản dị trên đầu giống như dân đào vàng kiếm vận. Hay như Ricardo Zamora sau này sính vận bộ com-lê bảnh bao và không khi nào rời chiếc mũ cát két kéo sụp trên đầu, sánh vai đi bên một người đàn bà trẻ đẹp.

Các thần tượng sính lễ nghĩa đã bắt đầu đắp tượng cho mình thế đấy!

Thực ra màn lên ngôi đổi lớp này không phải là sự ăn may, vì với nhân quần vỡ mộng, các người hùng, các mẫu người lý tưởng của vương hầu, vua chúa đã chết hẳn sau thế chiến thứ nhất. Trong vòm trời chân không này, một lớp anh hùng mới từ nhân dân, khỏi bận xúng xính trong đồng phục, quân phục hoặc lễ phục, - những “anh hùng ít vải”- ào ào nổi lên thế vị. Họ là những tiền đạo, trung phong của nền dân chủ đưa tin tức nóng hổi trong những tờ báo sáng, trưa, chiều của nền văn hóa đại chúng. Cuộc vui sôi nổi áp đảo sức hấp dẫn tới mức rủ rê theo hàng loạt những minh tinh của những nền kỹ nghệ đại chúng khác, thôi hết hờn ghen ở nỗi bị “lấn sân” cũng sớm hồ hởi tụt khỏi tháp ngà, lao ra sân ngưỡng mộ người đồng nghiệp túc cầu. Như thể Marilyn Monro trong thế đứng kiểu cách và bộ xiêm yểu điệu tươi cười cổ động trận đấu USA-Israel 1957 tại sân Brooklyn New York còn quá e dè, nên không thoả chí, thanh nam nữ tú quyết phơi trần da thịt, ào ào cổ vũ thần tượng chẳng cân đai mũ mão của họ cho một lần đã sướng.

Đúng vào thời điểm những năm 50, khi bóng đá nhiều nước dân chủ nhân dân còn nhấn mạnh tinh thần tấn công tập thể trong hoàn cảnh danh thủ mến mộ còn nấp sau vai trò chiến sĩ vũ trang nhân dân, và như vậy: sự thờ phụng chỉ dành trọn cho một tập thể, thì ở phần kia của thế giới, mẫu anh hùng nhân dân hiếm hoi còn ngây thơ và đáng yêu như Carrinscha dần tuyệt chủng. Thần tượng bóng đá Tây Âu và Nam Mỹ xoay ra tỷ mẩn ghi nhớ, hoặc sưu tầm, thêu dệt và quảng bá những huyền thoại về mình bằng sách vở, tiểu sử, giai thoại bán tràn các quầy báo, dựng phim, hoặc không tiếc gì “ngọc thể” tự ôm đàn ca hát trong những câu lạc bộ ban đêm với nhóm nhạc riêng do mình sáng lập. Chỉ chậm hơn một chút so với các nhà đấm bốc, tay chơi bóng rổ, ngày nay, siêu sao bóng đá được nâng lên cuộc sống phú ông trưởng giả. Chính họ, những trung phong, tiền đạo của nền văn hóa đại chúng, nay thoát ly hẳn giới bình dân hơn bao giờ hết.

Bây giờ siêu sao bóng đá có cuộc sống ra sao? Họ đâu ngần ngại mượn những công nghệ đại chúng khác tôn vinh đời mình. Coi chênh lệch văn hóa, thành phần xã hội, gốc gác dân tộc không thành vấn đề, họ kết hôn với những ca sĩ (Beckham) những người mẫu thời trang (Zidane, Karambeu, Mpenza…), những diễn viên phim, kịch… khó mà kể hết những cuộc hôn nhân tự giác.

Nhưng điều kỳ lạ nhất là những anh hùng chế ngự túc cầu này, loay hoay định hướng giá trị, cuối cùng lại cũng chính là người cần vin vào thần tượng nhất. Những đại diện xuất sắc của “bóng đá tả” như Paul Breitner từng trang trọng đứng chụp ảnh dưới áp phích hình Mao Trạch Đông còn giải thích sự thất bại trận đá loại năm 1977 bằng sự ra đi của ông thánh Trung hoa xa xôi này rằng: “Các cầu thủ chúng tôi còn là những người trí thức. Họ vẫn chưa chịu đựng nổi cái chết của chủ tịch Mao”.

Và như vậy, thần tượng, trên tháp ngà hay miếu đền do công nghiệp kinh doanh cắt đặt, sinh ra bực bội, khó ở với trật tự, nghi lễ của giới prominent bỗng bừng bừng nổi loạn. Chính Maradona siêu sao thế kỷ đá cho câu lạc bộ FC Barcelona, mới đây thôi, lại công nhiên bày tỏ niềm cảm phục Fidel Castro và khoe trên mặt báo vai xăm thần tượng Che Guevara mà siêu thủ này hết lòng bái mộ. Tôi không dám đứng về phía thần thánh nào cả khi mường tượng thấy một cảnh sinh hoạt buồn cười: trên miếu đền phi- thế sự, chúa thánh của các thần tượng đều không có cớ gì làm mình làm mẩy, rốt cuộc phải xoay lưng lại ngồi cùng chiếu với nhau. Và truớc hết trong bóng đá đã, loài người ta có nền đa nguyên cúng bái, đa nguyên tín ngưỡng và dân chủ thánh thần.

Trong cuộc khủng hoảng hậu hiện sinh, té ra ý chí tự tôn bản thể cá nhân là duy nhất cũng không sao chu toàn thánh ý. Con người ta vẫn cần một hưởng ứng nỗi niềm riêng, một sự chờ mong, một sự đồng cảm từ người hùng, sự tự an ủi, và lý tưởng hoá mình ở một mẫu người lý tưởng. Hiện tượng phổ quát hoàn cầu này, tôi thấy hoàn toàn không đáng quan ngại, theo thiển ý nên được xem là tất yếu đáng dung nạp nữa. Đâu phải chỉ vừa hôm qua đây mới có xu hướng thực thi cúng bái. Tôi đã chứng thực cảnh khán giả lao ra xé quần danh thủ Thể Công làm mảnh kỷ niệm trên sân vận động Chùa Cuối Nam Định từ cách đây 27 năm về trước. Mới đây, trong dịp về thăm quê hương, tôi gặp một cô gái trẻ ở khu phố nằng nặc nhờ tôi lùng xin cho cô chữ ký của Jürgen Klinsmann. Hứa làm, nhưng tôi không gặp nổi, và không dám gặp(2) anh chàng này, tóc vẫn còn vàng nhưng đã giải nghệ, và, cũng vẫn nổi danh như vậy tại vị ở đội ngũ tượng nghiêm hàng trên đàn cúng tế, nay chuyển sang ngạch kinh doanh và bình luận bóng đá.

Cũng trên sân vận động Chùa Cuối 27 năm trước, một tốp điền kinh nữ tập luyện ở sân vận động, tình cờ lọt vào đám khán giả tan trận, phải âm thầm khóc ròng vì bị lạm dụng tình dục không thương tiếc. Ngạc nhiên với vẻ hào hứng chiêm ngưỡng quyết liệt của cô bé mới lớn thờ phụng Klinksmann cũng gay cấn chẳng kém gì sự say mê thần tượng của những nàng Nhật bản- một nước thuộc thế giới thứ 3 về mặt bình quyền phụ nữ- vừa nhen nhóm cho anh chàng tiền đạo Đức Carsten Jancker sau trận đá 02.06.2002 trở thành hình tượng sex mới có vóc hình điền kinh cùng cái đầu tròn lông lốc, tôi mong ngày gần đây được trông thấy cô trên màn hình phủ sóng vệ tinh toàn cầu đàng hoàng phô đồ lót hình cờ đỏ sao vàng như kiểu các cô gái Brazil mang quốc kỳ cổ vũ đội nhà, tươi tắn cổ động cho đội tuyển quốc gia thi đấu World Cup 2010 cùng bầy tỏ lòng bái vọng thần tượng của cô chẳng hạn. Dù lúc đó tóc bạc luốm màu thủ cựu, tôi thực lòng không cảm thấy bị xúc phạm trong những tình cảm thờ cúng đâu, trái lại còn mừng vui vô hạn.

©® Phạm Kỳ Đăng - 2002
Nguồn: talawas

(1) Nguồn dẫn số liệu, sự kiện: Christian Eichler-Lexikon der Fussballmythen, Piper München Zürich 2002.

(2) Dạo 1994-1996 báo chí địch thủ thêu dệt chuyện Jürgen Klinksmann đồng tính luyến ái. Đồng tính luyến ái là sự sát hại thanh danh trong làng bóng. 1980, đau buồn nhìn sự nghiệp kết thúc, cầu thủ ngoại hạng Anh Justin Fashanu treo cổ tự sát sau khi thú nhận mình là người gay trên nhật báo Sun.

Tranh của © Joan Miró ( 1893-1983): Họa sĩ, nhà đồ họa Tây Ban Nha

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Trong một căn phòng vắng

Georg Trakl (1887-1914)

 Tranh của © Stanisław J. Żukowski (1873-1944), họa sĩ Ba Lan

Ô cửa luống hoa trộn sắc
Dội vào tiếng đại phong cầm
Trên tường giấy múa bóng râm
Kỳ thay một điệu cuồng vũ

Bụi cây đu đưa ánh sáng
Một đàn muỗi lướt ào qua
Trên đồng xa lưỡi hái khua
Và làn nước đọng reo hát

Hơi thở ai hôn tôi đó?
Đàn én kéo vết lạ lùng
Im lìm chảy trong muôn trùng
Nơi đó miền rừng vàng rỡ

Lửa bùng ở trên luống đất
Đắm say điệu vũ loạn trào
Bên tường giấy dán vàng ố
Có người hướng cửa nhìn vào

Nhang tỏa ngọt ngào, điện nến
Hòm rương, cốc chén mịt mùng
Dần dà vầng trán nóng bừng
Cúi theo những ngôi sao trắng.


©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

In einem verlassenen Zimmer

Georg Trakl (1887-1914)

Fenster, bunte Blumenbeeten,
Eine Orgel spielt herein.
Schatten tanzen an Tapeten,
Wunderlich ein toller Reihn.

Lichterloh die Büsche wehen
Und ein Schwarm von Mücken schwingt.
Fern im Acker Sensen mähen
Und ein altes Wasser singt.

Wessen Atem kommt mich kosen?
Schwalben irre Zeichen ziehn.
Leise fließt im Grenzenlosen
Dort das goldne Waldland hin.

Flammen flackern in den Beeten.
Wirr verzückt der tolle Reihn
An den gelblichen Tapeten.
Jemand schaut zur Tür herein.

Weihrauch duftet süß und Birne
Und es dämmern Glas und Truh.
Langsam beugt die heiße Stirne
Sich den weißen Sternen zu. 


Bản tiếng Anh (tham khảo)

In a Deserted Room

Georg Trakl (1887-1914)

Window, colorful flowerbeds,
An organ plays herein.

Shadows dance on wallpapers,
Fantastically a mad succession.

Ablaze the bushes wave 

And a swarm of gnats sways.
Far away scythes mow in the acre
And an ancient water sings.

Whose breath comes to caress me?

Swallows draw insane signs.
Quietly there in the boundlessness
The golden woodland flows out.

Flames flicker in the flowerbeds.

Woozily the mad succession ecstacizes
On the yellowish wallpapers.
Someone looks in through the door.

Incense smells sweet and like a pear

And glass and chest dusk.
Slowly the hot forehead
Bends toward white stars.

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

„ Hồ như không thể định vị tác phẩm thơ của ông một cách rõ rệt theo lịch sử văn học nội trong văn chương của thế kỷ 20“ (Wikipedia)

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng Latinh, Hy Lạp và Tóan), không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh của © Stanisław Julianowitsch Żukowski (1873 - 1944): Họa sĩ Ba Lan.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Bóng đá - Cuộc chơi khắp hành tinh

Phạm Kỳ Đăng 
Tranh của © Paul Klee (1879-1940): Họa sĩ Đức

Con người lao động, con người tư duy lúc hết đói khát, âu lo, sợ hãi, từ xưa biến xung quanh thành góc sân chơi, mọi đồ vật tìm thấy thành đồ chơi. Họ chơi chữ, chơi âm thanh, gõ ngón tay lên mặt trống, đánh khăng, đánh đáo, vùi bùn, ném tuyết. Chẳng một ai khác, chính thi hào Friedrich Schiller lại viết: “Con người chỉ hoàn toàn là người khi nó đùa chơi”. Có lẽ đúng cả với nhân quần khi xem người khác chơi: đá bóng chẳng hạn.

V…v…à… à... ào…ào! Âm sắc vi vu như gió chạy dậy thành biển reo hò ngạc nhiên, phấn khích trên sân bóng, trước màn hình. Có lẽ bóng đá hợp lẽ tự nhiên nhất trong các trò chơi. Sự kết nối rất lô-gic dạng thức hoàn hảo với lực tiềm ẩn. Dạng thức hoàn hảo: quả bóng tròn hoàn tất mọi đối xứng. Lực tiềm ẩn: sức hút trọng trường hút bóng về mặt đất và chỉnh nhận điểm dừng dưới tác động bàn chân. Bóng đá, chính bóng đá nhiễm sức hút ấy, làm nên cuộc chơi lớn toàn cầu!

Xung quanh những chuyện đơn giản nảy sinh những suy tư rắm rối. Chính vì thế có hẳn đội ngũ chuyên gia, lý thuyết gia, triết gia, thi sĩ, nhà văn bóng đá. Hơn hết thảy, trong cuộc sát nút còn bị chi phối bởi may mắn, số phận, tiền, danh, lời lãi và đàm tiếu v.v. mãi mãi còn có những cầu thủ giản hóa mọi suy tư, đấu pháp khiến cả đội ngũ phân tích bình luận phải cụt lời, hết nhẽ vì kinh ngạc. Tại trận tứ kết gặp đội Ba lan World Cup 1938, Leonidas da Silva lướt bóng suốt từ đầu đến cuối sân, tuột ráo giầy trên chặng, đành chân trần sút lưới. Hoặc Garrinscha (Manoel dos Santos) mê hoặc người xem bằng nghệ thuật rê dắt thần kỳ đến nỗi nhà thơ Galeano phải kêu lên: “Anh đúng là người mang lại nhiều niềm hân hoan nhất trong lịch sử bóng đá”.

Một xã hội với những luật chơi khác: một mê trường mà bóng đá thành thuốc phiện cho nhân dân quên đi bất công và mọi nhiễu nhương thế sự, cho mọi người có thể tha hồ xả hơi nỗi bực dọc bằng hò hét, chửi bới văng mạng; một sa trường phân tranh thắng bại; một chiến trường vượt sợ hãi thách thức; một môi trường tìm ấm cúng trong kết nối cộng đồng, tập thể bằng biểu lộ thả phanh cá tính. Bóng đá còn là chính trường nhỏ cho các chính khách khéo biểu lộ sự gần gũi nhân dân(1), đấu trường khích động chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi, tính địa phương cục bộ, thương trường cho các trò cá cược và tạo ra những thần tượng và biểu tượng để thờ cúng chiêm bái, khán trường tạo mốt và trình diễn mẫu mã quảng cáo, thị trường kinh doanh của các câu lạc bộ đã trở thành siêu công ty… và sau rốt một hậu trường của nhiều tính toán, thỏa hiệp, móc ngoặc giao ước, giao tình để cùng ăn giải. So với những cú lừa ngoạn mục, gạt ba trợn như vậy giữa các quốc gia thi đấu(2), xem ra các hành vi thi ơn tình nghĩa của những đội Nam Định, Sông Lam Nghệ An nhà mình còn chưa đến nỗi hư hỏng, còn vô hại chán.

 

Cuộc chơi diễn ra 90 phút này còn là trận chiến, nên người ta gọi đó là trận chơi. Tại đó, tâm lý thắng bại được chứng nghiệm một cách không buộc ai phải rơi đầu đổ máu như ở các đấu trường La mã, nhưng lại nghiệt ngã đến nỗi gây thiệt mạng ở đám fan và hooligan trên khán đài(3). Tóm lại cuộc chơi cũng chính là màn trò của bi hài, số phận.

Toàn cầu hóa phong cách và chiến thuật

 

Từ khi tụt vào sâu ngạch kinh doanh dịch vụ, đạo đức bóng đá trở thành đạo đức lao động và chiến đấu. Cầu thủ Nam Mỹ, những nhà “bóng đá lãng mạn” nhìn nhận khác hẳn. Họ chê trách ảnh hưởng bóng đá Âu châu, các “lính đánh thuê cho điểm thắng” biến xiếc nghệ thành công việc, biến trò chơi thành đối tượng tính toán, biến nghệ thuật thành chiến đấu”. “Sự thiếu vắng fantasy làm tôi khó chịu…”, Cesar Luis Menotti, huấn luyện viên đội Argentina vô địch World Cup 1978 than thở như vậy về cái ông gọi là “bóng đá hữu”, trong khi “bóng đá tả coi cuộc chơi như ngày hội của fantasy”. Nhà thơ Uruguay Eduardo Galeano còn gay gắt hơn nữa với lời tố cáo “nền bóng đá frigid (lãnh đạm nữ dục) cuối thế kỷ chỉ cốt thắng điểm mà cấm kỵ hứng thú”.
 

Bóng đá Đức hiện thân cho trường phái Âu châu còn đặc biệt hơn nữa. Đời sống “luật căn” ở đất nước này mãi sẽ không sinh ra những cầu thủ xiếc nghệ được vỉa hè, rừng rậm tôi luyện. Hoàn cảnh không sao có những siêu thủ như di Stefano, Puskas, Maradona, Pelé, Cruyff, Zidane… bắt buộc phải sáng chế ra một lối chơi kèm riết. Vị trí hậu vệ thòng (Libero) mang chức năng lia quét dưới hàng hậu vệ vừa tổ chức phòng ngự, vừa kiến thiết bóng lên trung tuyến, mà Beckenbauer thực hiện xuất sắc là phát minh đặc biệt Đức. Các cầu thủ toàn đội luân phiên kèm người, bám đít ngặt theo chỉ đạo “Kìa đối thủ đi vào nhà xí, anh hãy kèm theo ngay”. Trong tình huống gay cấn xảy ra, họ sẵn sàng níu quần, chặt chân, phạt ngang, húc bụng đối phương trước vòng cấm địa. Với hệ thống kèm người rất khó coi, cộng thêm một thủ môn giỏi, mặt mũi thường hầm hố, ưa múa mênh, hay nhe răng như thầy dậy khỉ (4), đội Đức thành công bất ngờ. Thường may khi bốc gặp những đội yếu và lọt vào giải đá rất tầm thường, bao giờ đội Đức trong tiến trình thi đấu cũng đá lên chân trông thấy. Các thánh bóng đá vinh danh trong nước đều là những hậu vệ chắn bịt người xuất sắc như Liebrichs Tritt kèm dữ đến nỗi Puksas phát rồ trong trận chung kết 1954, như Berti Vogts canh ngặt Johan Cruyff, hãm tài hẳn danh thủ này tại trận chung kết 1974. Tiền đạo Gary Liniker người Anh định nghĩa: “Bóng đá gồm 22 người chơi và cuối cùng Đức luôn thắng cuộc.” 

Trước lối chơi duy lý, nhấn mạnh thể lực, lạnh lùng biến bóng đá thành hàng tiêu dùng khiến cái đẹp chết yểu, điệu samba điêu đứng, chính đội Brazil, năm lần tuột cúp trong quãng thời gian từ 1974 tới 1990, đã mau chóng copie chiến thuật và kỷ luật đá Âu châu, đoạt vô địch năm 1994.


Nhưng lịch sử túc cầu chứng kiến một cuộc cách mạng, khởi xướng từ một đất nước trước 1970 đáng hàng vô danh tiểu tốt trong làng bóng đá: Hà lan. Các cầu thủ của họ chính là đại diện ưu tú của thế hệ 68 trên sân bóng. Chơi liên tục thay đổi vị trí, phối bóng sáng tạo trong tốc độ làm đối phương ngạt thở là đặc điểm nổi trội của “bóng đá tả” giải thoát cục diện bóng đá thế giới bế tắc. Trường bóng đá Ajax Amsterdam đào tạo, và để “chảy máu” mất một loạt cầu thủ toàn diện- như lời tiền đạo Ý Paulo Rossi- thay vị trí nhẹ như đang uống cà phê. Bóng đá tổng lực của họ làm nên chiến thuật phổ quát bố trí đội hình hiện đại 4-4-2 hoặc các biến thể 5-3-2 và 4-3-3 v.v.

Ngày nay không ai buồn sao chép bóng đá Đức nữa. Vừa đoạt vô địch World Cup 1990 một cách chán ngắt, Beckenbauer, xuất thân học nghề bán bảo hiểm, e hèm tuyên bố: “ Tôi thương phần còn lại của thế giới, nhưng quả đội bóng này nhiều năm sau không ai hạ nổi”. Ngay vào giải vô địch các quốc gia Âu châu hai năm sau, đội bóng do ông dầy công đào luyện bị đội Hà lan và Đan Mạch bóp mũi. Chiến thuật chắn bịt người theo điều khiển của Libero (hậu vệ thòng) tượng trưng bản sắc bóng đá Đức cũng đại bại giải World Cup 1998 trong trận Đức gặp Croatia, ba lần lập cập vá lưới (0-3). Những trận gần đây, người xem có cảm tưởng như cầu thủ Đức đá bí như đá bí ngô. Ý thức được yếu kém của cầu thủ và sự xơ cứng của mô thức chơi: Libero tổ chức kèm cặp, ban bóng lên, đợi tả hay hữu biên tạt vào, một tiền đạo liền giơ sọ làm bàn, đợt này huấn luyện viên Rudi Völler đã cải tổ lại đội hình theo chiến thuật bố trí tổng lực chung.
 
Nhiệt đới hóa bóng đá

 

Năm 1998, nhà triết học Pháp Robert Redecker phát biểu : “Giải bóng đá thế giới là ngày hội của đồng tiền và sự đồng hóa nhân chủng toàn thế giới”. Bóng đá không tránh được điều tương tự xảy ra trong các ngành công nghiệp giải trí: sự biến dần các khác biệt quốc gia, sự xuất hiện một nền văn hóa đại chúng tiêu thụ bóng đá theo quy luật bắt buộc tước bỏ đi bản sắc, trừ bản sắc của người tiêu dùng. Thành phần đội tuyển Pháp 1998 biểu trưng toàn cầu hóa với đại diện năm lục địa: Phi Đen (Desailly,Thuram, Henry), Bắc Phi (Zidane), Nam Mỹ (Trezeguet, Lama), Á châu (Djorkaeff) Quần đảo Đại Tây dương (Karembeu), Âu châu (số còn lại) cho chúng ta hy vọng về đa văn hóa. Nhưng với tư cách là người nhận việc, các cầu thủ trên đều sẽ phải hành xử giống nhau ở cung cách quảng cáo và kinh doanh từng năm tháng tuổi đá, từng xăng ti mét thân thể mình.
 

Sự tham gia của người phương xa vào môn thể thao da trắng này mới được biết tới từ 78 năm nay thôi. Liệu “nigger” có biết đá bóng không? Câu hỏi này gây xôn xao dư luận mùa hè năm 1924. Đội bóng Nam Mỹ từ xứ Uruguay xa lắc, vừa cập bến bằng tầu biển vé hạng ba liền hạ Nam Tư 7:0 và đo ván Thụy Sĩ 3:0. Chưa bao giờ, ngoài lãnh thổ nước Anh, số khán giả đông tới 50.000 người sốt sắng hâm mộ tài nghệ rê phối bóng của cầu thủ Uruguay xuất chúng: Jose Leandro Andrade. Chạy sô lô 75 m qua 7 đối thủ, sút bàn ghi tỷ số 4-0, cầu thủ này làm nên huyền thoại về ma ma lực bóng đá đen lung lay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của dân da trắng vào thời điểm đó. Sau này, thế giới mới chùi mắt nhìn rõ viên ngọc đen làng bóng Pelé đăng quang ở ba giải vô địch.
 

Nhưng như đã đề cập, loài cây phương xa chưa bao giờ bén rễ trên đất Âu châu. Kết cục những nghệ sĩ Brazil hiện đại lại quay ra sao chép công thức khô khan của người Âu. Bực mình khi nhận định: “ Bóng đá hôm nay bị cầm tù trong những hệ thống phát minh nhằm phá hủy và cản trở cá tính…”, chính huấn luyện viên Zagallo, xưa kia ở giải World Cup 1970 từng mạnh bạo xung 4 tiền đạo danh tiếng Pelé, Jairzinho, Tostao và Rivelino, ở trận chung kết World Cup 1998, không biết nghĩ ngợi tính toán thế nào lại điều động có hai mũi tấn công (Ronaldo, Rilvando) trong đội hình chủ yếu kèm ngừa cho chắc ăn. Ông cùng toàn đội ra về với thất bại đớn đau trước đội Pháp.
 

Đợt sóng phương xa mới đây lại dấy lên từ châu Phi Đen. Năm 1990 cầu thủ rực rỡ Phi châu Roger Millar khiêu vũ ở góc cờ, và cũng hồn nhiên như vậy, vô tình đón nhận vai trò đứng đầu thay thế vị trí cầu thủ Nam Mỹ mà khán giả bấy lâu hằng mong đợi. Gây hứng thú ác liệt hơn vậy, các tuyển thủ Nigeria - các nhà “lãng mạn cuối cùng” như Cesar Luis Menotti kỳ vọng - đã thêm phần thuyết phục khán giả hành tinh bởi cách chơi hào hứng và ứng tác tự nhiên của họ.
 

Tuy nhiên “những nhà lãng mạn cuối cùng” này cũng sớm chai sạn qua trường lớp dạy bóp tiền của các câu lạc bộ châu Âu. Thay vì nghiên cứu địch thủ ở trận tiếp, cầu thủ đội Nigeria để ý hơn tới mánh thương lượng nâng cao giá tiển thưởng, đâm ra thua Đan Mạch, chịu khăn gói quả mướp sớm bay khỏi giải 1998. Cách đây mươi hôm (23.05.2002) đội Camerun trong máy bay còn om sòm tranh cãi đến độ phải dừng chặng đôi co về khoản tiền nong chính phủ hứa thưởng lọt giải mãi đến giờ chưa trả. Chuyến bay sang Nhật không thuận lợi cho sức khỏe và thi đấu kéo dài 42 tiếng đồng hồ.
 

Ai sẽ cứu nền bóng đá hôm nay? Người Á tại World Cup 2002 tổ chức tại Nhật bản và Hàn quốc chăng? Chủ tịch liên đoàn bóng đá Nhật phẩy tay tuyên bố: “ Vô vọng! Người Nhật chúng tôi- hậu duệ của nông dân trồng lúa vốn ít vận động, còn người Âu xuất thân từ giống săn bắn lanh lẹ và hăng hái tấn công. Dám bứt khỏi đồng đội và phá thủng hàng phòng ngự đối phương sẽ là việc rất khó làm đối với chúng tôi”. Một lý thuyết xem ra đầy ý vị phương xa, khiến chúng ta thêm dè chừng với chính mình. Khác xa bản tính người anh em da vàng Việt Nam, khi luôn mồm ca cẩm sự kém cỏi, thiếu thông minh của nhân lực và nghèo nàn về tài lực đất nước, người Nhật bản luôn tạo ra những sự diệu kỳ.

Nói đến Nhật, các quốc gia còn lại bất giác ngoái nhìn sang Bắc Mỹ, xét thấy may rủi gì nơi tổng thống đương nhiệm của quốc gia siêu cường giỏi thiên thẹo trong việc giấu ý đồ thống trị hoàn cầu còn công dân của ông vẫn ham mê hơn thứ bóng méo?

©® 2002 Thế Mạc (P. K. Đ)
Nguồn: talawas

Chú thích:


(1) Các chính khách Đức (Edmund Stoiber, Theo Waigel, Jürgen Möllerman…)tham gia hội đồng quản trị của nhiều câu lạc bộ, rất thích xuất hiện trên sân vận động trưng vẻ dễ gần với món xúc xích nướng bình dân trên tay.

(2)“Liên minh không tấn công nhau” gây tai tiếng tại Gijon 1982: hai đội Đức và Áo ngầm thoả thuận nhau cùng vào vòng tiếp, mau chóng đạt 1-0. 80 phút còn lại hai đội chơi buồn tẻ một cách thảm hại. Hoặc tương tự, Liên xô và Cộng hòa dân chủ Đức thỏa tình anh em hữu nghị chơi hòa cốt cùng về vị trí 3 ở thế vận hội 1972 tổ chức tại Munich. Trò này cũng ngang nhiên lặp lại trong giải Tiger Cup 1998. Trước trận loại vào vòng cuối Indonexia đã đạt suất đi tiếp, Thái lan cần hoà. Nhưng cả hai bên đều không muốn tranh nhất bảng, e ngại vòng bán kết phải đá với đội chủ nhà Việt Nam hùng mạnh có khả năng vô địch. Chỉ mới 15 phút đấu trong trận trọng tài không hề thổi một tiếng còi, khán giả đã thất vọng ra về. Mãi tận phút cuối, đội Indonexia mới để “xẩy ra” một bàn thua mà thủ môn cố tình cho bóng hậu vệ đá trả về lọt lưới. Liên đoàn bóng đá châu Á phạt mỗi đội 40.000 Dollars.

(3) Năm 1985 trong trận xô xát giữa hooligan Liverpool và fan của Juventus Turin 39 người thiệt mạng.

(4) Bản thân người viết xem truyền hình ba thủ thành Đức với những cảnh Maier điên tiết, Schuhmacher đánh Battiston gãy 3 răng và Kahn nhe răng song phi vào đội bạn.

Red Balloon - Tranh của © Paul Klee (1879-1940): Họa sĩ và nhà đồ họa người Đức. Tác phẩm đa dạng tiền phong của ông được xếp vào các phái Biểu hiện (Expressionism), Lập thể (Kubism), Hoang dại (Primitivsm) và Siêu thực (Surrealism).

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Bông hồng già

Heinrich Heine (1797-1856) 
 
Tranh của ©Emil Nolde (1867-1956) họa sĩ  Đức
 
Là một nụ hồng nàng đã
Khiến tim tôi bốc lửa say
Thế đó lớn lên, tuyệt diệu
Nàng bừng xuân sắc tràn đầy

Thành bông hồng đẹp nhất nước
Và tôi muốn ngắt nụ hồng
Thế mà nàng biết châm chích
Nhức tôi bằng những gai chông

Bây giờ úa cành nát cánh
Bị gió và mưa chê cười
„Heinrich cưng nhất“, là tôi
Nàng săn đón tôi, ve vuốt.

Sau Heinrich, trước Heinrich
Nay thánh thót âm ngọt ngào;
Có gì ở cằm người đẹp
Giờ như một gai đâm vào

Trên cằm thật quá là cứng
Nốt ruồi điểm xuyết râu ria
- Bé yêu, hãy vào tu viện
Hoặc là em hãy cạo đi.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Alte Rose

Heinrich Heine (1797-1856)

Eine Rosenknospe war
Sie, für die mein Herze glühte;
Doch sie wuchs, und wunderbar
Schoss sie auf in voller Blüte.

Ward die schönste Ros' im Land,
Und ich wollt die Rose brechen,
Doch sie wusste mich pikant
Mit den Dornen fortzustechen.

Jetzt, wo sie verwelkt, zerfetzt
Und verklatscht von Wind und Regen –
»Liebster Heinrich« bin ich jetzt,
Liebend kommt sie mir entgegen.

Heinrich hinten, Heinrich vorn,
Klingt es jetzt mit süßen Tönen;
Sticht mich jetzt etwa ein Dorn,
Ist es an dem Kinn der Schönen.

Allzu hart die Borsten sind,
Die des Kinnes Wärzchen zieren –
Geh ins Kloster, liebes Kind,
Oder lasse dich rasieren.

Chú thích của người dịch:

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm nhiều bản dịch từ tiếng Pháp của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

Tranh của Emil Nolde (1867-1956) họa sĩ Biểu hiện Đức.

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Mất đi sự gần gụi một người

Karl Krolow

Tranh của © Edvard Munch (1863 - 1944): Họa sĩ Na Uy

Vào tháng Chín năm 1911, khi Georg Heym (1887-1912) viết bản dám khẳng định là cuối cùng này của bài thơ, nhà thơ, sinh ra tại Hirschberg vùng Schlesien mới chưa đầy 24 tuổi. Một người đương thời nhìn chàng vậy đó: „ Một cái đầu tròn, cứng cỏi dưới chiếc mũ phớt sinh viên, gương mặt khỏe khoắn của một thiếu niên được bạn bè miêu tả là một sinh thể con trời vâm váp, hiếu động và khỏe không chịu được, một ông tướng con ưa mạo hiểm và một con người năng nổ“. Những người khác nhìn ông lại khác. „Phiên trực cuối“ không phải là bài thơ băm vằm cấu trúc câu, một bài thơ giản dị đúng ra gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 dòng, câu 2 và 4 kết vần, dung dị, đầy buồn thương, đầy nước mắt.

Theo dự đoán, bản cuối cùng được viết vào ngày 04.09.2011. Bản này khá gần thời điểm với bài thơ ở mức độ không đều nhau khá lộn xộn mang tên „Gửi thi hài của tôi“ không có điểm gì tương đồng cả. Cuối cùng người ta tìm thấy ghi chép trong nhật ký của Heym viết, ngày 04.09 là „ một ngày gay go xáo trộn trật tự hàng đầu“. Ý ông nói tới căng thẳng lên cao của một vụ ái tình trong các vụ lùm xùm đàn bà gái gú của Heym. „Phiên trực cuối“ lại hoàn toàn xa lạ với tất thảy những vụ tình ái ngẫu nhiên. Không thể nào bê nguyên sự tình cờ đặt vào bài thơ đây. Để đạt được điều đó thì bài thơ trực canh người quá cố và cũng là bài thơ tình quá ư là bí hiểm, quá nghiêm cẩn, quá tối hậu.

Ngôn ngữ của ông trầm xuống thành một lời thì thào gây nên tác động như bị nghẹn thở. Đó là lời nói của một giọng hạ xuống một nửa và một phần tư, trong bối cảnh đối diện một người nữ (hay nam) đã chết, tưởng niệm giữa một sự câm lặng đang lớn lên và kéo tất cả về mình: sự im lặng mãi mãi của cái chết. Dịu dàng, ngân nga giai điệu, gần như dụ dỗ, các dòng thơ đến với ta, trong kiểu thức diễm lệ não nùng, bằng nhịp điệu vẻ như tìm cách cưỡng lại, vâng, cả cố công vượt bỏ nỗi đau đớn nữa. Tuy nhiên tiếng than van dịu dàng của tàn lụi và cố công vô vọng nơi quan hệ con người, sự cảm mến, tình yêu, tiếng ai oán của bất khả kháng kết thúc phần thể xác một người yêu dấu vẫn vượt lên trên cả.

Lời than van dành cho sự gần gụi đã mất đi nơi một người, cho hơi thở và mái đầu người đã lìa đời, với những gì nhẹ nhàng và hiện lên thần thái nơi người chết, đối với sự biến đi bước chuyển hóa đời người, sự mềm dần và bắt đầu nặng nề của người chết, đôi tay trì nặng, đôi môi đờ cứng, giấc ngủ đi vào vĩnh viễn, vùng thái dương tối quầng dưới ánh sáng bập bùng. Đó là tất cả được bầy ra và gói ghém trong ngôn ngữ, như thể là không có gì được nói, như thể có luồng không khí thoáng hút qua căn phòng. Sự u tịch tràn ngập mà bài thơ bắt đầu sửa soạn, bởi bài thơ phải sửa soạn cùng với cái đó. Một lời vĩnh biệt, có thể nói như là lầm rầm với đôi mắt cay xè, khi đối diện với lạnh lẽo và cô đơn của cái chết.

Cũng như vậy, người ta có thể thấy rằng, bài thơ gây tác động như thôi miên của một người nghiện thèm cái chết mới có hai mươi ba tuổi đầu đã sẵn suy ngẫm một văn bia đề trên mộ: „Trên bia mộ của tôi không viết gì khác hơn là: Anh ấy ngủ, anh ấy an nghỉ“. Khi đọc bài thơ „Phiên trực cuối“ tôi hồi tưởng về truyện ngắn „Ca mổ tử thi“ của Heym, trong tập truyện „ Kẻ cắp“ xuất bản một năm sau cái chết của ông... Trong đó cũng có một cuộc chia tay tương tự với một người chết trẻ được định ra cho bàn mổ giải phẫu tử thi. Có phải ông chính là người đó chăng, là người được bài thơ „Phiên trực cuối“ nhắm vào gửi gắm? Người đó là một cô gái, một người phụ nữ trẻ?

Cái đó mãi là điều không xác định. „Như anh yêu em. Anh đã rất yêu em. Có cần anh nói chăng cho em biết, anh yêu em biết ngần nào? Như em bước qua đồng hoa anh túc, bản thân em như một ngọn lửa nha phiến thơm, em đã uống vào trong em cả một ban chiều. Nhưng đầu em nghiêng về ánh sáng, và tóc em còn cháy và còn bùng cháy từ những nụ hôn của anh. – Như thế đó em đi về xa tít tắp và không ngừng ngoái lại nhìn anh. Và cây đèn lồng trong tay em đung đưa như một bông hồng rực cháy ánh dài lâu trong hoàng hôn... Anh rồi nhìn thấy em tất cả mọi buổi chiều quanh giờ hoàng hôn xuống. Chúng mình không bao giờ xa nhau...Có cần anh nói chăng cho em biết, anh yêu em biết ngần nào?“(1).

Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Phiên trực cuối

Georg Heym (1887-1912)

Cánh tay người sao trì nặng
Đen sạm hai vùng thái dương
Người đâu xa cách dặm trường
Không còn nghe tôi thầm gọi?

Dưới ánh sáng bập bùng dọi
Người già, buồn bã quá thôi
Man dại bập chặt đôi môi
Vào trong cứng đờ mãi mãi.

Nơi đây lặng câm, có thể
Ngự trong không khí, ngày mai
Cả những vòng hoa xào xạc
Và đưa chết chóc một mùi.

Nhưng giờ đây nhiều đêm sẽ
Trống trải hơn, tháng cùng năm
Đây, nơi đầu người gối chiếc
Luôn hơi thở nhẹ người nằm.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Letzte Wache

Georg Heym (1887-1912)

Wie dunkel sind deine Schläfen.
Und deine Hände so schwer.
Bist du schon weit von dannen,
Und hörst mich nicht mehr.

Unter dem flackernden Lichte
Bist du so traurig und alt,
Und deine Lippen sind grausam
In ewiger Starre gekrallt.

Morgen schon ist hier das Schweigen
Und vielleicht in der Luft
Noch das Rascheln von Kränzen
Und ein verwesender Duft.

Aber die Nächte werden
Leerer nun, Jahr um Jahr.
Hier wo dein Haupt lag, und leise
Immer dein Atem war.

Chú thích của người dịch:

Georg Heym (1887-1912): Trong cuộc đời ngắn ngủi, cùng chết khi cứu bạn là nhà văn Ernst Balcke (1887-1912) trượt tuyết trên sông băng, ông để lại 500 bài thơ và phác thảo thơ, một tập truyện ngắn, được công nhận như một trong những nhà thơ quan trọng của Đức ngữ, là người mở đường cho chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) trong văn chương.

Karl Krolow (1915-1999): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả Đức. Từ những năm 50 thuộc về những nhà thơ quan trọng nhất của văn học Đức sau chiến tranh, ông nhận nhiều giải thưởng văn học danh tiếng.

(1) Trích từ tập „Kẻ cắp“ gồm 7 truyện ngắn của Georg Heym.

Phụ lục: Một bài thơ tiêu biểu cho Chủ nghĩa biểu hiện của Georg Heym

Mùa thu

Georg Heym (1887-1912)

Nhiều cánh diều đứng trong làn gió
Múa trong vương quốc khí tầng cao
Trên cánh đồng, trẻ phong phanh áo
Da chấm tàn nhang, vừng trán xanh xao.

Trên biển sóng chói vàng chân mạ
Nhiều chấm thuyền trắng lướt dập dờn;
Và trong những giấc mơ xuôi viễn xứ
Bầu trời đổ ngập bóng mây lam.

Đứng lùi xa trong tĩnh yên bất động
Cánh rừng như một thành phố đỏ son
Những lá cờ của mùa thu, vàng chói
Treo chót tháp cao rủ xuống, héo mòn.

©®  Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Herbst

Georg Heym (1887-1912)

Viele Drachen stehen in dem Winde,
Tanzend in der weiten Lüfte Reich.
Kinder stehn im Feld in dünnen Kleidern,
Sommersprossig und mit Stirnen bleich.

In dem Meer der goldnen Stoppeln segeln
Kleine Schiffe, weiß und leicht erbaut;
Und in Träumen seiner leichten Weite
Sinkt der Himmel wolkenüberblaut.

Weit gerückt in unbewegter Ruhe
Steht der Wald wie eine rote Stadt.
Und des Herbstes goldne Flaggen hängen
Von den höchsten Türmen schwer und matt.

Bản tiếng Anh:

The Fall

Georg Heym (1887-1912)

Many kites are standing in the breezes,
dancing in the atmospheric veil.
Children stand in fields in flimsy clothing,
bodies freckled and their foreheads pale.

In the golden stubble sea are sailing
tiny ships of whitest, lightest build;
and in dreams of effortless extension
sinks the sky, with clouds of blueness filled.

Far removed, in unperturbed silence,
stands the forest like a scarlet town -
and the autumn's golden flags are hanging
from the towers grave and tired down.


Tranh của Edvard Munch (1863 - 1944):  Họa sĩ, nhà đồ họa phái Tượng trưng người Na Uy, người khai phá cho khuynh hướng Biểu hiện trong hội họa Hiện đại.

Bài đăng trên VHNA

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Dẫu phôi pha

Phạm Kỳ Đăng
Tranh © Pablo Picasso (1881-1973)
I.

Trăng lầu óng viên lối sỏi
Ưu tư chong vết rặng dài
Vỏ ốc thoát trên lời đá
Ngân hồn đâu nỗi riêng ai

Ai về ngẫm trông còn mất
Nào nghe lời nhớ nhung thôi
Hát nghe em toàn vẹn nhất:
- Cảm tình nguyên dấu khuyên môi.

II.

Hát lên dịu buồn ánh mắt
Và gì trĩu thẫm hàng mi
Mắt nhìn vào trong. Lệ nhỏ
Đớn đau nào thấm chia ly?

Có tay vỗ về vầng trán
Vết in day dứt thâm tâm
Có trăng xoa vào đôi má
Áp bên đồng cảm tri âm.

III.

Như khơi giếng hình khuây khỏa
Nụ cười tươi sáng dung nhan
Soi lên thiên đường nắng tỏa
Là niềm khắc khoải trần gian

Còn không có gì thay đổi
Ngoại trừ năm tháng trôi nhanh
Mỗi khi lầu lan gió thổi
Hồn em sải cánh hồn anh.

IV.

Nào lấy hơi em, nín tiếng
Ngày ta so ngón đùa chơi
Đôi hai bàn tay nắm siết
Xốn xang nỗi nhớ cuộc đời

Một mai và còn lưu dấu
Mái lầu, tiếng hát, hoàng hoa
Ngân lên đáy lòng nung nấu
Một lần cho dẫu phôi pha.

©® P.K.Đ 2015/2016

Tranh: La Vie / Cuộc đời - Pablo Picasso (1881-1973): Họa sĩ, nhà đồ họa, và điêu khắc Tây Ban Nha.

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...