Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Mất đi sự gần gụi một người

Karl Krolow

Tranh của © Edvard Munch (1863 - 1944): Họa sĩ Na Uy

Vào tháng Chín năm 1911, khi Georg Heym (1887-1912) viết bản dám khẳng định là cuối cùng này của bài thơ, nhà thơ, sinh ra tại Hirschberg vùng Schlesien mới chưa đầy 24 tuổi. Một người đương thời nhìn chàng vậy đó: „ Một cái đầu tròn, cứng cỏi dưới chiếc mũ phớt sinh viên, gương mặt khỏe khoắn của một thiếu niên được bạn bè miêu tả là một sinh thể con trời vâm váp, hiếu động và khỏe không chịu được, một ông tướng con ưa mạo hiểm và một con người năng nổ“. Những người khác nhìn ông lại khác. „Phiên trực cuối“ không phải là bài thơ băm vằm cấu trúc câu, một bài thơ giản dị đúng ra gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 dòng, câu 2 và 4 kết vần, dung dị, đầy buồn thương, đầy nước mắt.

Theo dự đoán, bản cuối cùng được viết vào ngày 04.09.2011. Bản này khá gần thời điểm với bài thơ ở mức độ không đều nhau khá lộn xộn mang tên „Gửi thi hài của tôi“ không có điểm gì tương đồng cả. Cuối cùng người ta tìm thấy ghi chép trong nhật ký của Heym viết, ngày 04.09 là „ một ngày gay go xáo trộn trật tự hàng đầu“. Ý ông nói tới căng thẳng lên cao của một vụ ái tình trong các vụ lùm xùm đàn bà gái gú của Heym. „Phiên trực cuối“ lại hoàn toàn xa lạ với tất thảy những vụ tình ái ngẫu nhiên. Không thể nào bê nguyên sự tình cờ đặt vào bài thơ đây. Để đạt được điều đó thì bài thơ trực canh người quá cố và cũng là bài thơ tình quá ư là bí hiểm, quá nghiêm cẩn, quá tối hậu.

Ngôn ngữ của ông trầm xuống thành một lời thì thào gây nên tác động như bị nghẹn thở. Đó là lời nói của một giọng hạ xuống một nửa và một phần tư, trong bối cảnh đối diện một người nữ (hay nam) đã chết, tưởng niệm giữa một sự câm lặng đang lớn lên và kéo tất cả về mình: sự im lặng mãi mãi của cái chết. Dịu dàng, ngân nga giai điệu, gần như dụ dỗ, các dòng thơ đến với ta, trong kiểu thức diễm lệ não nùng, bằng nhịp điệu vẻ như tìm cách cưỡng lại, vâng, cả cố công vượt bỏ nỗi đau đớn nữa. Tuy nhiên tiếng than van dịu dàng của tàn lụi và cố công vô vọng nơi quan hệ con người, sự cảm mến, tình yêu, tiếng ai oán của bất khả kháng kết thúc phần thể xác một người yêu dấu vẫn vượt lên trên cả.

Lời than van dành cho sự gần gụi đã mất đi nơi một người, cho hơi thở và mái đầu người đã lìa đời, với những gì nhẹ nhàng và hiện lên thần thái nơi người chết, đối với sự biến đi bước chuyển hóa đời người, sự mềm dần và bắt đầu nặng nề của người chết, đôi tay trì nặng, đôi môi đờ cứng, giấc ngủ đi vào vĩnh viễn, vùng thái dương tối quầng dưới ánh sáng bập bùng. Đó là tất cả được bầy ra và gói ghém trong ngôn ngữ, như thể là không có gì được nói, như thể có luồng không khí thoáng hút qua căn phòng. Sự u tịch tràn ngập mà bài thơ bắt đầu sửa soạn, bởi bài thơ phải sửa soạn cùng với cái đó. Một lời vĩnh biệt, có thể nói như là lầm rầm với đôi mắt cay xè, khi đối diện với lạnh lẽo và cô đơn của cái chết.

Cũng như vậy, người ta có thể thấy rằng, bài thơ gây tác động như thôi miên của một người nghiện thèm cái chết mới có hai mươi ba tuổi đầu đã sẵn suy ngẫm một văn bia đề trên mộ: „Trên bia mộ của tôi không viết gì khác hơn là: Anh ấy ngủ, anh ấy an nghỉ“. Khi đọc bài thơ „Phiên trực cuối“ tôi hồi tưởng về truyện ngắn „Ca mổ tử thi“ của Heym, trong tập truyện „ Kẻ cắp“ xuất bản một năm sau cái chết của ông... Trong đó cũng có một cuộc chia tay tương tự với một người chết trẻ được định ra cho bàn mổ giải phẫu tử thi. Có phải ông chính là người đó chăng, là người được bài thơ „Phiên trực cuối“ nhắm vào gửi gắm? Người đó là một cô gái, một người phụ nữ trẻ?

Cái đó mãi là điều không xác định. „Như anh yêu em. Anh đã rất yêu em. Có cần anh nói chăng cho em biết, anh yêu em biết ngần nào? Như em bước qua đồng hoa anh túc, bản thân em như một ngọn lửa nha phiến thơm, em đã uống vào trong em cả một ban chiều. Nhưng đầu em nghiêng về ánh sáng, và tóc em còn cháy và còn bùng cháy từ những nụ hôn của anh. – Như thế đó em đi về xa tít tắp và không ngừng ngoái lại nhìn anh. Và cây đèn lồng trong tay em đung đưa như một bông hồng rực cháy ánh dài lâu trong hoàng hôn... Anh rồi nhìn thấy em tất cả mọi buổi chiều quanh giờ hoàng hôn xuống. Chúng mình không bao giờ xa nhau...Có cần anh nói chăng cho em biết, anh yêu em biết ngần nào?“(1).

Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).

Phiên trực cuối

Georg Heym (1887-1912)

Cánh tay người sao trì nặng
Đen sạm hai vùng thái dương
Người đâu xa cách dặm trường
Không còn nghe tôi thầm gọi?

Dưới ánh sáng bập bùng dọi
Người già, buồn bã quá thôi
Man dại bập chặt đôi môi
Vào trong cứng đờ mãi mãi.

Nơi đây lặng câm, có thể
Ngự trong không khí, ngày mai
Cả những vòng hoa xào xạc
Và đưa chết chóc một mùi.

Nhưng giờ đây nhiều đêm sẽ
Trống trải hơn, tháng cùng năm
Đây, nơi đầu người gối chiếc
Luôn hơi thở nhẹ người nằm.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Letzte Wache

Georg Heym (1887-1912)

Wie dunkel sind deine Schläfen.
Und deine Hände so schwer.
Bist du schon weit von dannen,
Und hörst mich nicht mehr.

Unter dem flackernden Lichte
Bist du so traurig und alt,
Und deine Lippen sind grausam
In ewiger Starre gekrallt.

Morgen schon ist hier das Schweigen
Und vielleicht in der Luft
Noch das Rascheln von Kränzen
Und ein verwesender Duft.

Aber die Nächte werden
Leerer nun, Jahr um Jahr.
Hier wo dein Haupt lag, und leise
Immer dein Atem war.

Chú thích của người dịch:

Georg Heym (1887-1912): Trong cuộc đời ngắn ngủi, cùng chết khi cứu bạn là nhà văn Ernst Balcke (1887-1912) trượt tuyết trên sông băng, ông để lại 500 bài thơ và phác thảo thơ, một tập truyện ngắn, được công nhận như một trong những nhà thơ quan trọng của Đức ngữ, là người mở đường cho chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism) trong văn chương.

Karl Krolow (1915-1999): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả Đức. Từ những năm 50 thuộc về những nhà thơ quan trọng nhất của văn học Đức sau chiến tranh, ông nhận nhiều giải thưởng văn học danh tiếng.

(1) Trích từ tập „Kẻ cắp“ gồm 7 truyện ngắn của Georg Heym.

Phụ lục: Một bài thơ tiêu biểu cho Chủ nghĩa biểu hiện của Georg Heym

Mùa thu

Georg Heym (1887-1912)

Nhiều cánh diều đứng trong làn gió
Múa trong vương quốc khí tầng cao
Trên cánh đồng, trẻ phong phanh áo
Da chấm tàn nhang, vừng trán xanh xao.

Trên biển sóng chói vàng chân mạ
Nhiều chấm thuyền trắng lướt dập dờn;
Và trong những giấc mơ xuôi viễn xứ
Bầu trời đổ ngập bóng mây lam.

Đứng lùi xa trong tĩnh yên bất động
Cánh rừng như một thành phố đỏ son
Những lá cờ của mùa thu, vàng chói
Treo chót tháp cao rủ xuống, héo mòn.

©®  Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Herbst

Georg Heym (1887-1912)

Viele Drachen stehen in dem Winde,
Tanzend in der weiten Lüfte Reich.
Kinder stehn im Feld in dünnen Kleidern,
Sommersprossig und mit Stirnen bleich.

In dem Meer der goldnen Stoppeln segeln
Kleine Schiffe, weiß und leicht erbaut;
Und in Träumen seiner leichten Weite
Sinkt der Himmel wolkenüberblaut.

Weit gerückt in unbewegter Ruhe
Steht der Wald wie eine rote Stadt.
Und des Herbstes goldne Flaggen hängen
Von den höchsten Türmen schwer und matt.

Bản tiếng Anh:

The Fall

Georg Heym (1887-1912)

Many kites are standing in the breezes,
dancing in the atmospheric veil.
Children stand in fields in flimsy clothing,
bodies freckled and their foreheads pale.

In the golden stubble sea are sailing
tiny ships of whitest, lightest build;
and in dreams of effortless extension
sinks the sky, with clouds of blueness filled.

Far removed, in unperturbed silence,
stands the forest like a scarlet town -
and the autumn's golden flags are hanging
from the towers grave and tired down.


Tranh của Edvard Munch (1863 - 1944):  Họa sĩ, nhà đồ họa phái Tượng trưng người Na Uy, người khai phá cho khuynh hướng Biểu hiện trong hội họa Hiện đại.

Bài đăng trên VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...