Phạm Kỳ Đăng
Tranh của ©
George Grosz: Họa sĩ Đức-Mỹ |
Ta thử tham dự vào một tình huống, hầu như tất cả người Việt sau 1990 được thẩm vấn tại cơ quan chuyên trách xét tỵ nạn của Đức, khi được hỏi, có biết nghĩa của Tỵ nạn là gì không. Lắc đầu. Hỏi tiếp, thế thì lý do gì khiến ông/ bà rời Việt Nam, thường chủ nhà nghe trả lời, vì cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm. Hỏi tiếp, là sao vậy, nhưng mà đất Đức cũng nhiều người thất nghiệp? Gần như tuyệt đối các chàng trai cô gái Việt đều bộc lộ, có lẽ là thành thực: „Vì đất nước Đức tươi đẹp, tôn trọng quyền làm người và cư xử với con người nhân đạo“. Nhân viên mới vào nghề thẩm vấn có khi còn đỏ mặt xấu hổ với lời khen ngất trời.
Nhưng rất hiếm hoi, nếu người hỏi là một viên chức người Việt của Cục phụ trách Di dân và Tỵ nạn, thì thôi xong. Ông ta sẽ chặn họng: Đất nước ta tươi đẹp thế này dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân quyền của nước ta cao thế kia, nên nước ta được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, Đức nhiều cái xấu lắm, chính trị Đức đầy thủ đoạn, báo chí Đức dối gian lắm. Hiển nhiên người dân chất phác run rủi bị lừa sang đây cũng bị ông căm thù như phản động, hết cửa sống với ông này.
Tuy nhiên, với nhiều hình thức, ở nhiều cương vị tư cách, người Việt vẫn tới đây trốn chạy cái xã hội tốt đẹp của ông.
Cuộc sống của bà con ta tại Đức gần đây có gì mới không? Rất thú vị, tôi xin trả lời. Nước Đức có một vị phó thủ tướng được một cặp vợ chồng Đức cưu mang từ khi ẵm ngửa đã làm nên sự nghiệp chính trị đáng kính nể đóng góp vào phồn vinh của cộng đồng. Nhưng người Việt đến đây, vượt xa hơn, ngoài cái phạm vi gia đình tông tộc của mình, họ không quan tâm gì mấy đến người bản xứ và các vấn đề chính trị xã hội ở đất nước này.
Thế cũng là đã hơn giá. Nhìn vào một người hàng xóm người Việt, người ta không ghét bỏ, bỏ qua những chuyện cướp bóc giết người động trời, người ta vẫn thấy thương, ít nhất là không thù ghét. Rất nhiều người dân Đức còn cho rằng người Việt hội nhập tốt, con cái học hành giỏi giang, và người Việt thân thiện, vô hại, là tấm gương hội nhập cho cộng đồng nước ngoài. Cá nhân mình có thể khằng định, Việt kiều hội nhập càng lâu, càng sâu, càng trung thực và dễ mến.
Ngoài ra họ cầu cúng đi lễ chùa chiền. (Điều này đáng hoan nghênh, bởi con người cần một đức tin, và ở đây người ta tôn trọng tự do tín ngưỡng). Rồi, đặc biệt ở miền Đông, họ cũng chăm chỉ tham gia hội đoàn, dẫu rằng nhiều hội đoàn xin tiền nhà nước dân chủ, được lập ra theo mô hình của nhà nước toàn trị, lợi dụng sự rộng rãi của xã hội dân sự.
Và trong những hội đoàn đó thấp thoáng nhiều Việt kiều yêu nước, yêu CNXH. Cộng đồng tại Đức đặc sắc đào luyện ra Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh và nhiều phiên bản tiềm năng khác. Bâu xâu hàng đầu vài ba anh nhà văn nhà báo hay lên lớp cộng đồng về tư tưởng. Có đồng chí nhà văn tấn công những người làm báo điện tử talawas và lớn tiếng khen ngợi đảng ta hai lần thiên tài. Và mấy năm trở lại đây xuất đầu lộ diện cả nhà tư tưởng ăn lương nhà nước Đức miệt thị nhân quyền, khinh thị báo chí tự do và bỉ bai người bất đồng chính kiến.
Nương náu trong lòng nước Đức là kẻ đánh bom tháp đôi New York và nhiều chiến binh khủng bố Hồi giáo, và còn rất nhiều người trẻ tuổi hồn nhiên chờ tiếng gọi của IS chiêu mộ. Nhưng các thủ lĩnh tư tưởng của nó phải chui nhủi, phải mai danh ẩn tích. Ở cộng đồng Việt Nam ta tình hình có vẻ khác. Chưa bao giờ người ta nghi ngờ vào sự nguy hiểm của người Việt kiều yêu nước yêu CNXH và sự hoạt động của một trùm dư luận viên người Việt xen vào công luận Đức với hàm ý xấu. Vì lẽ đó chưa một nhà tư tưởng khủng bố giới bất đồng chính kiến và ủng hộ bắt cóc lại có thể xâu chuỗi bắt rễ bền lâu như vậy vào cơ quan công quyền như đồng chí Hồ Ngọc Thắng của đảng ta, hôm qua đã lên các trang báo lớn một cách oanh liệt.
PKĐ
Tranh của George Grosz (1893-1959): Họa sĩ, nhà đồ họa người Đức - Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét