Khi viết bài thơ này, Georg Heym tròn mười sáu tuổi. Tức là thơ của cậu học trò tú tài? Khái niệm thất bại trong những trường hợp như trường hợp này. Lớn lên trong Chiến tranh ba mươi năm, cô Sibylla Schwarz (1) mười bảy tuổi đã để lại những bài thơ không tỳ vết hình thức uyển chuyển. Những câu thơ của chàng Hugo von Hofmannsthal (2) mới mười tám tuổi được tính về những câu hay nhất của thi sĩ.
Nhưng thường ra những văn bản đầu tay của một tác giả vấp lùi lại chút ít trước vẻ sáng láng của những tác phẩm sau này, bởi vì với ta, chúng muốn tỏ ra quan trọng trong vai trò là thang bậc đi tới hoàn hảo. Ngược lại không nhất thiết phải đặt ra mực thước cao nhất cho những bài tập luyện kỹ năng của thơ. Những bài thơ theo phong cách anakreon (3) của Goethe trẻ tuổi không nhất thiết đã là một bằng chứng của thiên tài. Phẩm chất thiên tài ấu thơ hoàn toàn không có nơi các nhà thơ. Mozart, khi còn tuổi bé trai đã lôi cuốn khán thính giả trong những phòng hòa nhạc châu Âu trầm trồ ngưỡng mộ không tìm thấy sự tương ứng trong văn chương. Năm 1912 là thời điểm đánh dấu cho một biến đổi lớn về lịch sử văn hóa. Trong tập niên giám „Kỵ sĩ xanh“ của Wassily Kandinsky (4) và Franz Marc (5) một phong cách nghệ thuật mới đã khởi sắc: Chủ nghĩa Biểu hiện. Georg Heym thuộc về những tác giả đã đỡ chủ nghĩa Biểu hiện lên bộ yên cương văn chương. Trong những hình ảnh ma quái và huyền hoặc ở những bài thơ sáng tác khoảng giữa năm 1910 và 1912 ta thấy kỹ thuật cơ giới, những sa mạc sỏi đá của những thành phố lớn và chiến tranh ném những bóng đen hãi hùng, rùng rợn lên cuộc sống con người.
Trong ấn bản còn không thì góp đầy công lao của mình, Karl Ludwig Schneider (6) đã đẩy các bài thơ của những tháng năm này vào trọng tâm và đày ải những văn bản xuất hiện trước đó vào phần phụ lục. Khi đọc lại lần mới đây tôi đã không tuân theo cách đánh giá này. Cũng những văn bản đó, người ta đọc chúng trong các tình huống khác của đời người rất khác. Những nghiệm trải riêng biệt (bên trong) là những địa chấn kế của sự đọc bài thơ. Và như thế mãi tới hiện giờ tôi đã „phát hiện“ ra bài thơ „Dọc theo mùa đông“.
Bỏ qua chủ đề, văn bản đã chiếm lấy tôi bởi phong cách ngắn và khúc chiết, đối lập với những loạt ảnh hình chất nặng, đôi khi những nỗ lực khoa trương về ngôn từ trong những bài thơ sau này của Heym. Ở đây tất cả được qui về cô đọng. Trong sự co giãn về thời gian căng nhất, một năm mới được kéo dồn lại. Những bến diễn tương tự với toàn bộ đời người có lẽ chẳng cần phải đề cập dù một lần ở đây.
Trong khổ thơ đầu Heym còn hoàn toàn dừng lại ở những ảnh hình thiên nhiên. Tiến trình của năm cho tới mùa đông xuất hiện như một vận động dọc theo xuống. Nhưng đó là một trường hợp của những cung bậc hạ dần: mới đầu là vũ điệu, sau đó là sự rũ xuống mệt mỏi, cuối cùng là lắt lay. Bước quá độ tiếp diễn từ „lắt lay“ cho tới „lặng câm“ lập thành chiếc cầu nối sang khổ thứ hai. Và bây giờ Heym xung xuất bức tranh tráng lệ lưu truyền dưới nhiều hình thức trong nghệ thuạt và thơ ca và tuy nhiên không trở thành khuôn mẫu nhàm chán. Rằng ở đây thần chết hiện ra không phải với chiếc lưỡi hái, mà với chiếc đàn vĩ cầm, điều này trả lời một lần nữa về motiv của vũ điệu trong câu thơ thứ hai. Nhưng rồi nhịp điệu vũ khúc của khổ thứ nhất đã phải tránh nhường cho bước đi trong khổ thứ hai rắn rỏi hơn.
Cái mạng liên đới thi ca của bài thơ này có độ cô đọng lớn. Tám câu thơ ngắn ngủi đủ biểu đạt ý thức về sự trôi qua, ấy là kinh nghiệm của thời gian phi nhanh như ngựa. Rằng đó có thể là một bài thơ „ông cụ non“ có khi, người ta quên đi điều đó trước tiểu sử của tác giả. Vào mùa đông 1911 sang 1912, mới 24 tuổi đầu, Georg Heym mắc cạn dưới băng tan khi trượt tuyết trên sông Havel. Như nói lại, những công nhân làm rừng không thể cứu ông, họ đã nghe tiếng ông kêu cứu suốt nửa giờ đồng hồ. Trong ba mươi phút này thời đại ngựa phi đã trở thành cái thời cuốn phăng đi mất.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Walter Hinck, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter
Anthologie- Hợp tuyển Frankfurt, Tập 27- Siebenundzwanzigster Band, Insel Verlag, 2004
Dọc mùa đông
Georg Heym (1887-1912)
Vừa mới tháng Năm vàng rực chiếu
Nay đã lá rụng cuồng vũ điệu.
Mệt rũ hoa thuốc phiện tàn bông
Và lắt lay bông tuyết nhẹ tâng.
Và một sự lặng câm vĩ đại
Bao bọc những thế giới vào trong.
Thần Chết với cây đàn vĩ
Soải chân trên bãi giáp đồng.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Winterwärts
Georg Heym (1887-1912)
Eben noch goldiger Maienglanz
Heute schon fallender Blätter Tanz.
Müde senkt sich der welke Mohn
Leise taumeln die Flocken schon.
Und ein großes Schweigen
Hüllt die Welten ein.
Tod mit seiner Geigen
Schreitet auf dem Rain.
Chú thích của người dịch:
(1) Sibylla Schwarz (1621-1638): Nhà thơ nữ người Đức.
(2) Hugo von Hofmannsthal(1874-1929): Nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia người Áo.
(3) Anekreon: Nhà thơ Hy Lạp (575 tr.CN – 495 tr. CN)
(4) Wassily Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ, nhà đồ họa và lý thuyết nghệ thuật người Nga.
(5) Franz Marc (1880-1916): Họa sĩ Đức, đại diện quan trọng của phái Biểu hiện.
(6) Karl Ludwig Schneider(1919-1981): Nhà ngữ văn Đức, nhà thơ và nhà nghiên cứu Chủ nghĩa Biểu hiện.
Walter Hinck (1922-2015): Nhà ngữ văn Đức, nhà văn.
Georg Heym (1887-1912): Trong cuộc đời ngắn ngủi, cùng chết khi cứu bạn là nhà văn Ernst Balcke (1887-1912) trượt tuyết trên sông băng, ông để lại 500 bài thơ và phác thảo thơ, được coi là một trong những nhà thơ quan trọng của Đức ngữ, người mở đường cho Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionismus/Expressionism) trong văn chương.
Tranh của Franz Marc (1880-1916): Họa sĩ Đức đại diện quan trọng của phái Biểu hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét