Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Những cuống hoa trơ trụi của thơ ca

Eva Demski  



Nhiều hoa anh túc mọc trong vườn thơ của Gustave Falke và Paul Celan, nhà Ludwig Uhland, Richard Dehmel và cũng hẳn thế nơi Johannes Bobrowski. Nhưng ông ấy kể cho chúng ta rất ít về bông hoa đỏ, mà trong hai khổ thơ ít ỏi, âm điệu cổ điển ông viết một bài thơ, để rồi không viết và không thể viết.

„Soi sáng nữa“, thật ra người ta ngỏ lời như vậy với một thánh thần, và ai đọc bài thơ này, sẽ bị yêu cầu để cho màu đỏ của hoa thuốc phiện hiện lên trước con mắt bên trong của mình. Đó là màu đỏ tinh khiết nhất, không thể so được với một màu nào khác. Ngay cả những bông hoa vương vất tội nghiệp trên đường cao tốc chụp bắt ánh mắt ta, khi phóng xe qua, bằng màu đỏ của chúng và níu giữ ta lại trong một khoảnh khắc. Bobrowski, sinh năm 1917 tại Tilsit (Sowetsk- Kaliningrad) đã có thể nhìn thấy những cánh đồng mênh mông bạt ngàn hoa anh túc sáng rực như đã từ lâu ta không có nữa bên bờ sông Memel, sông Vistula và kế đó trên miền đất Masuria, nơi về sau gia đình ông đã sống ở đó.

Những gì ông người thi sĩ đã có thể mang trong lòng ấp ủ - có thể trước cả khi ông biết tới bài „ Gửi những người hậu thế“ của Bertolt Brecht – rằng một cuộc trò chuyện với cây cối“ đã là một trọng tội. Tội còn nhiều hơn bao nữa một cuộc thoại nói về hoa? Bobrowski thuộc về nhà thờ Thú tội, trong vai trò người lính, hạ sĩ bị xung đến nhiều chiến trường và sau phải làm tù binh lao động trong một hầm mỏ của Nga. Sau chiến tranh ông quyết định chọn miền Đông Đức. Nhưng cũng được biết tới ở miền Tây, và ông là thành viên của Nhóm 47.

Không chỉ trò chuyện với cây cối rơi vào ngờ vực. Những bài thơ về hoa không thiết lập căn bản về chính trị thường cũng được coi là thứ lệch lạc khỏi những đề tài thơ đáng xem trọng, như một thứ thư giãn nghỉ ngơi cho thi sĩ, khúc nhạc tươi vui giải trí, tiết mục trang điểm. Nhưng chính ở đó chúng tự bên trong mang trọn vẻ đẹp, những bông hoa tím của Goethe, cẩm tú cầu của Rilke, bông thúy cúc của Benn và hoa hồng của Brecht.

Nhưng với hoa anh túc bài thơ có một đặc tính được Bobrowski tận dụng khai thác cho mình. Chắc chắn ông ý thức được điều chi đã làm cho loài hoa đẹp trở nên độc đáo như vậy: sự liên quan tới say sưa, tới giấc ngủ và tới lãng quên. Chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua đã tước theo những cánh bông, và nếu như người ta thế đó tìm cách hái một bó hoa thuốc phiện, và nếu như người ta bất chấp tìm cách mang cái màu đỏ không thể tin được về nhà, người ta sẽ về nhà với những cuống trơ trọi trên tay. Bobrowski kể cho chúng ta nghe về những cuống cọng trống trơn của thi ca, ông đã có thể quan sát thiên nhiên sao mới tuyệt vời cặn kẽ: Hoa anh túc cần cấp cho bài thơ của ông sự „bùng cháy“. Nhưng hai dòng đầu của khổ thứ hai bỏ cuộc: Người ta không thể nào gìn giữ nó, cái mầu của tình yêu, màu đỏ, sự sống động. Trong đời thực người ta không gìn giữ được thứ gì cả.

Cũng thế từ Huysum tới Van Gogh hay Monet nhiều họa sĩ từng phải lòng hoa anh túc đã không thể nào làm chủ được trước màu đỏ này, dẫu tranh của họ có đẹp thế nào chăng nữa. Và như thế bài thơ của Bobrowski có thể nói tự thân lâng lâng bay mất khiến chúng ta lớp hậu sinh chẳng biết được nhà thơ buồn nỗi gì nơi đây. Ông buông bỏ để chúng ta ít nhiều ngơ ngác với giai điệu của một khúc ca lâm ly cổ xưa hiển nhiên ông từng biết tới văng vẳng bên tai “Anh túc đỏ, cớ sao em ra nông nỗi héo tàn…“- nhưng mà lay động bởi vẻ thanh nhã của tám dòng đây đang bay lượn xung quanh hai chị em chủ đề vĩnh cửu: tàn phai và vô vọng. Những cánh bông hoa anh túc trong lớp lụa nhàu nát mê hoặc chúng ta trước mắt. Cho nên chắc chắn Bobrowski sẽ bằng lòng, nếu như chúng ta trao cho nhà thơ Ludwig Uhland lời cuối cùng:

Tôi nhìn ra những bóng tối
Chúng sáng trong như sao trời
Anh túc của thi ca! Hãy
Lướt quanh đầu tôi muôn nơi!

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Nguồn: Eva Demski, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Fünfunddreißigster Band, Insel Verlag, 2012

Hoa anh túc đỏ

Johannes Bobrowski (1917-1965)

Soi sáng nữa! Của mi sự chiếu sáng
Không vượt qua những cơn gió hoang vu
Nhưng cho mượn đây, cho ta gắn kết
Sự cháy bùng của mi tới bài thơ.

Không còn lại cho từng người dấu tích
Là ảnh hình mi, trong đỏ rực mầu
Luôn là thế, gì ta yêu tha thiết
Biệt tăm như khói rã về đâu.

Roter Mohn

Johannes Bobrowski (1917-1965)

Leuchtender! Die wilden Winde
übersteht dein Leuchten nicht,
aber leih’ mir, daß ich’s binde,
dein Erglühen zum Gedicht.

Nicht daß davon je geblieben
wär dein Bild, das Rot darin!
Immer, was wir herzlich lieben,
geht dahin, wie Rauch dahin.

Chú thích của người dịch:

Eva Demski: Sinh năm 1944, nhà văn nữ người Đức

Johannes Bobrowski (1917-1965): Nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, tác gia có tiếng nói quan trọng trong văn chương Đức sau thế chiến II.
Tiểu sử: Sinh ngày 09.04.1917 tại Tilsit * Nghiên cứu chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Königsberg* 1937 chuyển về Berlin, nơi ông ra mắt những tác phẩm đầu tay vào năm 1943/1944 trên tờ „ Das innere Reich“ .* 1945 bị cầm tù ở trại giam Sô viết.* Sau chiến tranh làm biên tập viên tại những nhà in của Đông Berlin và từ 1959 phụ trách mục Văn chương của nhà xuất bản Union Verlag* Năm 1955 in thơ trên tạp chí văn học „Sinn und Form“* 1961 xuất bản tập thơ „Sarmatische Zeit“ (Thời đại Sarmatian).*1962 Bobrowski nhận giải thưởng của nhóm 47, nơi ông kết giao tình bằng hữu với Paul Celan, Enzensberger, Nelly Sach và Günter Gras* 1965 Nhận giải thường Heinrich Mann của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Đông Berlin cho cuốn tiểu thuyết „Levins Mühle“ (Cối xay nhà Levin) 1962 xuất bản tập thơ „Schattenland Ströme“ (Những dòng sông xứ bóng đêm) và „Wetterzeichen“ (Dấu hiệu thời tiết). *1965 In các tập truyện ngắn, văn xuôi „Bohlendorff“ và „Mäusefest“ (Lễ hội chuột nhắt). *1965 Bobrowski viết cuốn tiểu thuyết „ Litauische Claviere“ (Những cây đàn piano xứ Litva).
* Mất ngày 02.09.1965 tại Berlin-Köpenick. Sau khi ông chết, xuất bản tập thơ "Im Windgesträuch. Gedichte aus dem Nachlaß" (Trong bụi cây mùa đông - Thơ di cảo).

Tranh của Emil Nolde (7. 8. 1867 – 13. 4. 1956): Một trong những đại diện phái Biểu hiện Đức, và được đánh giá là một trong những họa sĩ sơn dầu và màu nước xuất sắc của thế kỷ 20.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...