Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Bài thơ Mùa thu của Hölderlin

Hans-Joachim Simm

Những bài thơ về cuối của Hölderlin có phải chăng là cấp hao mòn của những tụng ca và bi ca từ những năm tháng tuổi trẻ? Dẫu sao bài thơ Mùa thu gây ngạc nhiên bởi bút lực thơ và sự lạc quan minh triết. 



Tranh © Camille Pissarro (1830-1903) họa sĩ Ấn tượng Pháp

Hồi tưởng là tài sản cao quí, và mùa thu là thời khắc của năm. Đã ba chục năm, sau khi ra khỏi bệnh viện thuộc trường Tổng hợp với ghi chú bệnh án „không chữa được“, Hölderlin sống trong sự đùm bọc của gia đình người thợ mộc Zimmer ở vùng Tübingen, khi bài thơ ra đời vào năm 1837.

Trong cú pháp, phong cách, vận luật và đề tài, với những mô-típ và hình ảnh giống như vậy, phần lớn các bài thơ viết sau này hầu như không có thể sánh được với chất nhân tạo của những bài tụng ca và bi ca đầy ước vọng viết từ những năm tháng trước đây, nhưng hoàn toàn chúng không đơn điệu, như đôi lúc người ta nói, và không hề là một cấp hao hụt về thơ, nhiều trong số những bài thơ sau này ra đời từ một bút lực thơ sống động ở mức cao nhất.

Với những khổ bốn dòng, trong thể thơ iambơ năm và sáu nhịp, trong sự hoán đổi các vần đôi và vần chéo, về hình thức bài thơ Mùa thu đứng gần gũi với những bài thơ mùa của quãng đời này, và gần như trong từng chữ nó chỉ ra những mô-típ trung tâm không chỉ có trong tác phẩm về sau này. Nhưng khác với Eichendorff (1), Lenau (2) hoặc Keller (3), mật ngữ của mùa thu không chỉ được dùng để gọi lên một cách bi quan cái đã qua và của cái chết, mà là mở sang hướng diệu ảnh về mặt lịch sử nhân loại và sinh tồn. Trong một bài thơ khác viết ở giai đoạn sau cũng mang tiêu đề như vậy, tác giả nói tới „ Ngày thu“ một cách „ dịu dàng“ và cũng như vậy vững tin vào „ý nghĩa của bức tranh sáng màu“, „ rực rỡ ánh vàng bao bọc“. Trong tác phẩm „Hyperion“ (4), Hölderlin đã từng gọi Mùa thu là „Người anh em của mùa xuân“.

Bài thơ gồm bốn khổ, khổ đầu truy về mối quan tâm về thần thoại đeo đẳng nhà thơ cả đời, tới các thần thoại về sự sáng tạo nên thế giới và con người. Trí nhớ của nhân loại được lưu giữ trong những „truyền thuyết“, như trong bài thơ viết vào năm 1880 „Vâng chính thế/ Truyền thuyết hay ư, ký ức là chúng vậy, ở tầng cao nhất“. Ngay cả khi chúng qua đi, bị quên lãng, thì thế đấy như truyện kể của tinh thần, chúng quay trở về . Và nếu cả khi bản thân Tinh thần biến đi – có thể đọc thấy trong tiểu sử tác giả - thì còn đó ước vọng muốn hồi tưởng càng mạnh mẽ hơn. Chính là từ „thời gian, đang hối hả biến đi.“

Quá khứ lịch sử, vang lên như trong khổ thứ hai, là thầy dậy của cuộc đời „ Những gì nó tạo nên bằng đức hạnh, và những gì nó hoàn tất ở tầm cao/ Sẽ đứng tháp tùng rạng rỡ cho quá khứ “, như Hölderlin nói trong bài thơ „Mùa hè“ được viết trong cùng năm với bài thơ „Mùa thu“. Nhưng những ảnh hình của quá khứ không đứng đó một mình tự thân, và chúng cũng không là những công cụ thuần túy cho hiện tại, nhiều hơn thế, chúng là thuộc phần của tự nhiên không rời xa chúng đi. Khác vậy, ngày mờ tối đi trong đơn tẻ thường nhật. Dẫu rằng mùa trong năm trôi qua, và cuối mùa hạ mùa thu xuống thế trở về trái đất, thì „thần mưa giông“, cơn mưa giông vần vũ hay là“ cơn giông mưa thần thánh“ lại „ hiện trên trời“.

Thời gian của cá nhân con người, được đề cập tới trong khổ thứ ba, trôi qua nhanh, ấy bởi nhà thơ biết tới sự tàn lụi nhanh của mình. Nhưng ông đón nhận số phận này, bởi mãi tới khi nhìn chăm chú về cái đã qua, cái năm mới hướng về kết cục „vui tươi“. Trong những hình ảnh này - trường từ ngữ liên kết thường được sử dụng trong tác phẩm sau này được huy động hai lần – sự hoàn tất hiển lộ, tất cả đều đi về một đích, một mục đích tối hậu.

Những vách đá trong khổ cuối cùng – xưa Hölderlin gọi chúng là những vách đá „kiêu hùng“ và „gan góc“- là biểu hiệu của sự vững bền, và khác với những hình dáng mây xốp, chúng không biến đi. Hành tinh trường tồn, sáng bởi mặt trời, và trong hình cầu của trái đất mở phơi „ với một ngày vàng son“, sự hoàn hảo dần hiển thị. Vậy thì không có lý do gì để ta thán về số phận riêng và số phận của thế giới.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn : FAZ


Mùa thu

Friedrich Hölderlin (1770 - 1843)

Những truyền thuyết, rời xa trái đất
từ Tinh thần từng hiện hữu và lại trở về
Chúng quay lại với loài người, và ta học được nhiều bề
từ Thời gian, hối hả đi hút mất

Những bức tranh của quá vãng không rời đi
từ Thiên nhiên, như ngày dần nhợt tắt
trong đỉnh cao mùa hạ, mùa thu lại xuống trần
Ở trên trời thần mưa gió lại vụ vần

Trong khoảnh khắc nhiều thứ đà kết thúc
Người đồng hương, hiện ra bên luống cày
Nhìn cái năm hướng kết thúc vui vầy
Trong ảnh hình ấy, ngày của người hoàn kết.

Vành tròn của địa cầu trang hoàng với những vách đá
Không như đám mây, biến mất đêm đêm
Với một ngày vàng chói hiện lên 

Vẻ tuyệt hảo không lời ta thán.

© Phạm Kỳ Đăng dịch 

từ nguyên tác tiếng Đức

Der Herbst

Friedrich Hölderlin (1770 - 1843)

Die Sagen, die der Erde sich entfernen,
Vom Geiste, der gewesen ist und wiederkehret,
Sie kehren zu der Menschheit sich, und vieles lernen
Wir aus der Zeit, die eilends sich verzehret.

Die Bilder der Vergangenheit sind nicht verlassen
Von der Natur, als wie die Tag’ verblassen
Im hohen Sommer, kehrt der Herbst zur Erde nieder,
Der Geist der Schauer findet sich am Himmel wieder.

In kurzer Zeit hat vieles sich geendet,
Der Landmann, der am Pfluge sich gezeiget,
Er siehet, wie das Jahr sich frohem Ende neiget,
In solchen Bildern ist des Menschen Tag vollendet.

Der Erde Rund mit Felsen ausgezieret
Ist wie die Wolke nicht, die abends sich verlieret,
Es zeiget sich mit einem goldnen Tage,
Und die Vollkommenheit ist ohne Klage.

Chú thích của người dịch:

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

Đôi nét tiểu sử: Friedrich Hölderlin sinh ngày 20.03.1770 tại Lauffen am Neckar, cha là lao công tu viện, mẹ là con gái linh mục. Năm ông lên hai cha mất, mẹ gửi ông vào một trường dạy tiếng Latinh ở Nürtingen, sau vào một trường học dòng tin lành của tu viện, đào tạo ông thành mục sư tin lành. *Từ 1788 – 1793 Hölderlin nghiên cứu Thần học tại trường Tổng hợp Tübingen. Thời gian này ông kết bạn với Friedrich Hegel và Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (hai triết gia đại diện của chủ nghĩa Duy tâm Đức). * Năm 1796 làm gia sư trong gia đình chủ nhà băng Gontard, đem lòng yêu người vợ chủ nhân là Susette, và đuợc bà đáp lại. Mối tính chấm dứt vì Gontard đuổi việc ông.* Năm 1797 có cuộc gặp gỡ Johann Wolfgang von Goethe* Trên đường rong ruổi làm gia sư ở nhiều nơi tới 1802, ông trở về nhà được mẹ nuôi dưỡng* Hai năm sau được chẩn đóan bệnh điên (y học ngày nay chẩn đóan sang chấn thần kinh và tâm thần phân liệt), năm 1806 người ta đưa ông vào viện điều trị tâm thần Tübing. *Sau nhiều lần trốn ra không thành, 1807 ông được một đôi vợ chồng thợ mộc nhận về nhà nuôi dưỡng, nơi ông tiếp tục 36 năm sống trong trạng thái mộng du thần trí, tiếp tục sáng tác. Friedrich Hölderlin mất ngày 07.06.1843.

Tiến sĩ Hans-Joachim Simm, sinh năm 1946, giám đốc các nhà xuất bản Insel Verlag và Verlag der Weltreligionen. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm nghiên cứu về quan hệ giữa Văn chương và Tôn giáo, về trào lưu Cổ điển và Thơ ca Đức.

(1) Joseph Freiherr von Eichendorff (1788-1857) Nhà thơ quan trọng của trào Lãng mạn Đức
(2) Nikolaus Lenau (1802-1850): Nhà thơ nhà văn Áo của thời Biedermeier.
(3) Gottfried Keller (1819-1890): Nhà thơ và nhà văn người Thụy Sĩ có ảnh hưởng lớn ở thế kỷ 19, viết tiếng Đức.
(4) Hyperion: Một trong 12 vị thần khổng lồ trong thần thọai Hy Lạp, con của thần Uranus (bầu trời) và nữ thần Gaia (đất mẹ), đồng thời là tên tác phẩm của Friedrich Hölderlin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...