Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Nhạo báng trong lưu vong và điều ngược lại

Elke Schmitter (1)  

Với một nhãn quan sắc bén vô song, từ Paris, nhà thơ Đức Heinrich Heine (2) đã mổ xẻ hiện trạng tổ quốc của mình (Spiegel) 


Tranh của © Sigmar Polke (1941-2010) họa sĩ Đức

Heine ở ngoài nước suốt quãng thời gian lâu nhất của cuộc đời có ý thức. Năm 1831 vừa chớm 30 tuổi đầu ông đã sang Paris và ở lại đó cho đến khi mất vào năm 1856. Nước Đức, tổ quốc ông, là đích trở về thăm. Ông thâm nhập sâu ở mức nào cứ mỗi lần như vậy, đằng nào cũng khó nói: liệu người con trai của một thương gia, sinh ra đã là người Do thái, dưới áp lực phải thích nghi được giáo dưỡng theo tinh thần Cơ đốc, được rửa tội theo Tin lành vì tham vọng lại có thể hoàn toàn thuộc về nơi ấy sao. Liệu một kẻ đứng ngoài có ý thức về bản thân, một người nhạy cảm mang lòng kiêu hãnh lại thuộc về một xã hội phân biệt đẳng cấp. Liệu một cái đầu tỉnh táo về chính trị không có gì để mất theo đúng nghĩa đen lại có thể vượt qua được thời đại Trùng hưng mà không bị què quặt đi?

Heine đã đọc và tiếp đón những người đương thời, những bạn đồng hành nhất thời, đã theo dõi, thậm chí viết tiểu sử của họ nữa, như trong trường hợp Ludwig Börne (3): ở đó không thấy có nhiều điều khích lệ. Bất kể đó là những bạn chơi lâu năm như Rahel Varnhagen von Ense (4) và chồng của bà, hay như đồng chí cùng bè phái dài hạn như Börne hay Arnold Ruge (5), những kẻ thù bền bỉ như August Graf von Platen-Hallermünde (6) hay những người quen xa vời của thời kỳ trước tháng Ba Georg Herwegh(7), Franz von Dingelstedt (8), Ferdinand Freiligrath(9): Trầm tư sâu sắc đổi chỗ cho sự điên rồ nhiệt huyết, nỗi khao khát cách mạng âm ỷ thế vào sự hèn nhát tức thời, những mối huynh đệ riêng tây không bền thay vào những liên minh chính trị vô nghĩa. Và kết cục tất cả bọn họ đều nghĩ và viết ra cái họ nghĩ, dưới điều kiện của chế độ kiểm duyệt.

Có thể điều đó làm hỏng tính chất, nhưng thế đó chắc chắn không làm hỏng phong cách: „ Ông ta“, theo lời Heine viết về nhà trước tác (Börne), nhà ủy viên hội đồng và nhà chính khách thất bại miền Frankfurt, „kẻ luôn tự mình chi li rà soát và kiểm tra trong lối viết chỉn chu, đứng đắn và trước đó, trước khi ông hạ bút viết rào trước đón sau và cân nhắc từng âm tiết...“ Trời ơi cái ông chuẩn xác và thận trọng tới mức này, rồi thế đó bị niềm đam mê chính trị bắt mất hồn, trong một sự thống nhất giữa suy tư và ngôn ngữ kết cục nào đã muốn làm điều gì nên tội „ Giờ đây cái ông viết tốc ký cho cảnh sát ở Frankfurt am Main đã bổ nhào vào một chủ nghĩa sansculottism (10) của nghĩ suy và biểu đạt, vô song như người ta chưa bao giờ nếm trải tại nước Đức. Trời đất ơi! Cái bổ sung từ mới khủng khiếp làm sao! Những từ chỉ thời gian nó mới phản quốc làm sao! Những danh từ cách bốn mới khi quân làm sao! Những mệnh lệnh từ nữa chứ! Những dấu chấm than bỉ báng cảnh sát làm sao! Những ẩn dụ gì mà cái bóng hắt xuống trần sì của nó đã đáng phải cho 20 năm tù đày nơi biên ải.“

Đó là lời chế giễu của một tác giả tới cái mức đã tự đưa mình vào chế độ cấm tuyệt đối. Tại nước Phổ bắt đầu với Những hình ảnh viễn du II, kế đó tất cả mọi sách in của Heine bị cấm, thậm chí cả những quyển chưa viết ra.

Dạo đó một thời gian dài tại nước Đức, vị thế của ông nhiều nghĩa lý ra sao, cho thấy từ sự thực hiển nhiên rằng tác giả nổi tiếng và đáng sợ ngay sát lúc đi lưu vong còn muốn giành một địa vị làm luật sư hội đồng hành chính Hamburg: Có thể tấm gương của Börne còn sờ sờ ra trước mắt ông, kẻ cực đoan làm vậy nhưng thế đó đã ngó ngàng về một chức vị và muốn hưởng một suất hưu. Có thể sau này điều đó thành ra sự ương bướng muộn màng của chàng sinh viên luật bất đắc dĩ đã một lần muốn được trả lương cho công sức nhọc nhằn của một khóa đào tạo nghiêm túc mang tính chiến lược.

Hẳn nhiên đó không phải là giấc mơ trở thành kẻ tử vì đạo: Cái động thái này là quá đỗi buồn cười đối với ông. Và ông cũng quá tự cao tự đại, để cần một sự đảm bảo danh tiếng về hậu thế theo kiểu này. „Con rút lui khỏi chính trường“, từ Paris ông ngay lập tức viết về cho mẹ. „Xin tổ quốc tìm lấy cho mình một thằng ngốc khác.“

Vừa chưa bén chỗ ở bên ngoài nước, ông đã nhìn về nước Đức với một con mắt tinh anh làm vậy không người thường nào khác có. Ông quen giới tinh hoa của đời sống tinh thần, ông đã từng nghe Georg Wilhelm Friedrich Hegel (11) giảng, ngồi bàn uống chè với Varnhagens. Là sinh viên ông đã từng làm quen với hội chén chú chén anh kiểu Đức và chủ nghĩa bài Do thái của họ và qua người chú người vùng Hamburg giàu có thật ông đã sờ lên thế giới hào nhoáng của tiền bạc. Và, dạo ông còn là chú bé Harry Heine nô đùa trên đường phố Düsseldorf, ông biết tới nhân dân khiến ông yêu thương và không tin tưởng vào họ.

Heine, người mong ước một cuộc cách mạng Đức tới, cũng sợ nó. Ông ngờ vực vào lòng tốt, sự thông thái và cảm nhận của nhân dân. Ông không phải là kẻ khinh bỉ người tứ cố vô thân và không pháp luật hỗ trợ, và tình yêu con người chung chung của ông không phải là một thái độ kiểu cách. „Những người thợ dệt vùng Schlesien“, bài thơ chính trị nổi tiếng nhất của ông, là một phản ứng bột phát về cuộc khởi nghĩa vào năm 1844 của những người thợ dệt trong vùng rừng núi Schlesien. Chưa đầy ba tháng sau bài thơ tản đi như tờ truyền đơn bay từ nơi này đến nơi kia, từng bó được phân phát trong những quán nước, những câu thơ được đọc lên trước công chúng: „ một lời hiệu triệu cất lên trong âm hưởng phản loạn và đầy rẫy những biểu lộ tội phạm gửi tới những kẻ nghèo túng trong nhân dân.“, vị Bộ trưởng Nội vụ Phổ đã viết như thế.

Nhưng rồi thế đó điều này tỏ ra không đủ cho một sự lý tưởng hóa những người nghèo và vô học, bởi vì họ vốn là như thế. „ Có thể đó là ngụ ý một cách hình tượng, nếu như Börne quả quyết; trong trường hợp một ông vua xiết lấy tay ông, dễ ông ấy đưa tay vào lửa, để tẩy sạch; nhưng điều này hoàn toàn không ngụ ý hình ảnh, mà hoàn toàn là giấy trắng mực đen, rằng tôi, nếu như nhân dân xiết chặt tay tôi, tôi sẽ rửa tay sau đó. Trong thời cách mạng thực sự người ta đã phải nhìn nhân dân với con mắt của chính mình, ngửi bằng cái mũi của mình, nghe bằng tai của mình rằng vị vua chuột cống quyền uy đã lên tiếng ra sao, để nhận biết rằng Mirabeau (12) đã bóng gió nói điều gì với câu nói „ Con người ta không làm cách mạng với dầu oải hương“.

1830, trước khi rời sang sống ở Paris, Heine còn chứng kiến một cuộc cướp phá người Do thái ở Hamburg. Cả người chú triệu phú Salomon của ông, nổi tiếng vì hoạt động từ thiện, ngay ngày hôm sau đã phải cho lắp lại cửa kính. Heine đã chẳng cần phải học mới biết được, nhân dân có thể trở thành kẻ cuồng bạo. „Tương lai“, như một câu nói ảm đạm của ông về chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản, „ngửi ra vị da ngâm, mùi máu, mùi vô đạo và rất nhiều đòn roi.“


Heine thấy dễ chịu trong cuộc đời lưu vong. Dễ chịu tới mức từ nơi đó ông viết trong một bức thư „ Nếu ai đó hỏi tôi, thấy trong người ra sao ở đây, ông hãy nói, như cá trong nước. Hay là hơn thế nữa, ông nói với mọi người, rằng nếu như trong biển cả có một con cá hỏi con cá khác về tình hình sức khỏe, thì con kia nói rằng, tôi sống khỏe như Heine ở đất Paris“. Sự lịch thiệp kiểu Pháp vừa lòng ông, sự thoáng đãng trong thành phố này bất chấp Cách mạng và Trùng hưng. Mà tuy nhiên ông không còn trơ thân đơn độc với người Paris.“ Tôi bị bao vây bởi bọn gián điệp Phổ, cho dù tôi tránh xa khỏi các vụ âm mưu chính trị, thế đó chúng sợ tôi nhiều nhất“, thời gian ngắn sau khi đến nơi ông đã kể cho đôi vợ chồng Varnhagens nghe. (Tuy rằng gián điệp của một thể chế áp bức không chỉ toàn là người đểu cáng: nếu như Heine đi sang London, hẳn Theodor Fontane (13) đã có thể là bạn đồng hành của ông.)

Tương tự, sự xa lánh không giúp gì ông: tác giả châm biếm Heine, nhà thơ trữ tình nổi tiếng và nhà luận chiến là một định chế, một uy tín và một huyền thoại đối với những người Đức bị hắt hủi, những người tỵ nạn và lưu vong chính trị. Năm 1835 ông viết gửi nhà soạn nhạc Giacomo Meyerbeer (14): „Germania, con gấu mẹ già nua đã rũ hết thảy những con rận của nó xuống Paris, và tôi kẻ cùng quẫn nhất đã bị chúng gặm nhấm bền bỉ nhất.“

Ông không muốn để cho họ , những người theo tư tưởng cộng hòa lạm dụng, „rằng tôi phải tuyên bố ủng hộ hoặc chống lại họ, do đâu tôi đã bỏ qua điều thứ nhất vì tin tưởng và cái thứ hai vì thông thái. Tôi không là người đàn ông dễ để cho cưỡng bách“. Trong những nhóm người Đức nhỏ hẹp ở Paris, cuối cùng những người lưu vong phải tác chiến thận trọng hơn là tại Hamburg, Göttingen hay Berlin: Như thế đó người ôn hòa, kẻ chưa bao giờ có điều gì giấu diếm về mối thiện cảm của ông dành cho nền quân chủ Pháp thậm chí còn bị tình nghi làm nội gián cho Klemens Fürst von Metternich(15). Tuy rằng trên giấy bút ông luôn chỉ ra rằng ông không phải là „thằng đểu được trả tiền“, nhưng thực tế đã không đáp ứng được sự cuồng khích của những người bạn nọ, những kẻ người ta những hẳn không mong là kẻ thù của mình.

Khi lưỡng lự, những mối thiện cảm về chính trị, cũng cả về mặt con người đối với ông đã ít quan trọng hơn phong cách, tinh thần, và nói chính xác hơn: sự hóm hỉnh. Chất hài hước của Heine ngay từ đầu đã là con đường đặc biệt Đức: thông qua tư chất, tính vô úy của ông; hóm hỉnh là kết chất của ông. Ngoài ra kinh nghiệm còn bắt Heine chói sáng trên mọi bục chơi: không ai giăng mắc mối liên minh với ông, ông là đảng phái chẳng thuộc một ai và chính vì thế nguy hiểm với tất cả, dĩ nhiên cũng cả với bản thân, bằng tài năng ông tạo ra kẻ thù cho bản thân.

Ông chế giễu nhân dân và chính phủ của họ, phản động và cách mạng, kẻ hèn nhát và người anh hùng. Thêm vào đó ông báng bổ cái lề thói đạo đức, với niềm hào hứng ông chà xát kẻ thống trị, một cách chua cay ông thả nổi kẻ miệng nói lời thiện tâm trôi theo sự đáng cười và phô bày đồng nghiệp một cách không thương xót. Khi những câu thơ của Heinrich Hoffmann von Fallersleben (người Đức cám ơn ông này vì bài quốc ca của họ) cùng với những tác phẩm khác đã trở thành cái cớ ban hành lệnh cấm in ấn toàn diện cho những nhà xuất bản tác phẩm Heine, ông đã chia buồn với Julius Campe (16) bằng một sự tàn nhẫn sát thực:“ Những bài thơ của Hoffmann von Fallersleben (17), những thứ chốt găm Ngài vào tình thế khốn nạn này dở đến mức báng bổ, và xét từ khía cạnh thẩm mỹ, chính phủ nước Phổ hoàn toàn có lý khi nóng nẩy về cái đó: những lời bông lơn tồi để mua vui cho những gã phàm phu tục tử ngồi bên bàn bia và thuốc lá."

Heine làm việc với mọi phương tiện, từ một chấm phá tỷ mẩn mài giũa cho đến một câu giỡn kiểu học trò; ông cũng hỗn hào bắng nhắng, nếu như cần chọc giận: „Tại Schwaben tôi ngó qua trường lớp các nhà thơ/ Thật đáng yêu những sinh linh như giọt nặn/ Họ ngồi đó trên những ghế bô/ Trên đầu trẻ thơ đội chiếc mũ bồ.“ Chẳng có điều gì làm ông ít khó chịu hơn, như người ta nói tới ngày hôm nay, là sự căm giận chuẩn mực về phương diện chính trị.

Điều đó không chỉ là ảo tưởng ông từng chế nhạo. Trước hết đó là sự nhiệt thành của những „con chiền chiện bằng sắt“ của nước Đức, không chỉ tố giác sự ngu xuẩn về chính trị, mà qua những lời nói suông còn khẳng định điều này.

Herwegh, anh, con chiền chiện bằng sắt/ Bởi vì anh cất cánh đến trời xanh/ Anh đã mất trái đất trong gương mặt mình/ Và chỉ trong thơ sống xuân đời anh ca hát.

Ông có ít kiên nhẫn với các đồng nghiệp thời trước tháng Ba (1848) ở quê nhà. Bởi vì họ hiện thân cho một truyền thống đã lấy lời nói thay cho hành động: sự hiểu lầm bản thân mang tính duy tâm ở một nền văn hóa chính trị nơi những túp lều hiệp hội đã không thể làm nên nghiệm trải với mối tương quan giữa nguyện vọng, lý thuyết và kinh nghiệm.

Vị thế độc đáo của Heine giữa những thế giới giữa Pháp và Đức, với tư cách người môi giới và nhà báo, là nhà phân tích chính trị và nhà thơ được tôn vinh không quyền thụ hưởng chế độ hưu trí, không liên minh phe phái đã được kiến lập. Sau bài luận nhớ đời về Ludwig Börne vào năm 1940, sự căm thù kẻ không mang chất Đức Heine đã đạt tới đỉnh cao. Trong tờ Điện tín nước Đức ông đã đọc được các câu thơ:

Bọn chúng chẳng bao giờ có được/ Dòng sông Ranh xứ Đức tự do/ Thế đó một thứ bay có được/ Đó chính là cái gã Heine!

Một cách thiết yếu, nước Đức, tổ quốc đã còn lại cho ông đối tượng của giấc mơ và chế nhạo. Sự nhạo báng không vị nể của Heine đã không chỉ mang lại sự bực dọc cho Heine, mà cũng còn phương hại đến tiếng tăm hậu thế của ông. Không bao giờ người Đức có được một nhà bình luận thông minh, hóm hỉnh và tỏ tường hơn, tuy nhiên họ muốn có ông khác đi cơ: trang trọng hơn và có thể lường được, ít cay cú hơn và không cuồng hứng như vậy, về cơ bản ít Heine hơn.


©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Spiegel


Chú thích của người dịch:


(1) Elke Schmitter (sinh năm 1961): Nữ nhà báo và nhà văn Đức, từng nghiên cứu Triết học tại Tổng hợp München.
(2) Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.
(3) Carl Ludwig Börne (1786-1837): Nhà báo, nhà phê bình sân khấu và văn học. Năm 1811 ông nhận chân nhân viên tốc ký cho cảnh sát, năm 1814 bị sa thải hồi, vì thành phố Frankfurt phục hồi lại quy chế riêng nhằm kiểm soát người Do thái, ông nhận tiền hưu 400 đồng Gulden một năm. Từ 1830 sống ở Paris, cổ súy cho dân chủ như tiền đề của tự do. Ở đây ông gặp gỡ lại Heine, sau đó chia tay nhau vì khác biệt quan điểm. Các đoạn văn châm biếm của Heine trích ra trong bài đều nhắm vào Carl Ludwig Börne.
(4) Rahel Varnhagen von Ense (1771-1833): Nhà văn nữ Do thái thuộc thời Lãng mạn, còn là bà chủ của một salon văn chương.
(5) Arnold Ruge(1802-1880): Nhà văn Đức, nghị sĩ Quốc hội Frankfurt ông đại diện cánh Tả trong những năm cách mạng 1848/1849.
(6) August Graf von Platen-Hallermünde (1796-1835): Nhà thơ Đức.
(7) Georg Herwegh (1817-1875): Nhà thơ cách mạng của thời tháng Ba 1848, mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dịch giả.
(8) Franz von Dingelstedt (1814-1881): Nhà thơ, nhà báo và nhà đạo diễn sân khấu Đức.
(9) Ferdinand Freiligrath (1810 – 1876): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả Đức.
(10) Những người không mặc quần chẽn như giới quí tộc, sống bằng công việc chân tay, có ảnh hưởng chính trị lớn, vì họ ủng hộ phái Gia-cô-banh trong Cách mạng Pháp.
(11) Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): Nhà triết gia Đức, đại diện quan trọng nhất của Chủ nghĩa duy tâm Đức.
(12) André Boniface Louis Riquetti, vicomte de Mirabeau (1754-1792) Chính khách bảo hoàng, một trong những kẻ thù của Cách mạng Pháp.
(13) Heinrich Theodor Fontane (1819-1898): Nhà văn Đức, đại diện quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Đức. Ở London, ông bị bắt năm 1870 vì bị tình nghi là gián điệp của Phổ. Thủ tướng Otto von Bismarck phải can thiệp để ông được trả lại tự do.
(14) Giacomo Meyerbeer (1791-1864): Nhà soạn nhạc và nhạc trưởng Đức. Ông viết nhiều tác phẩm được coi là bậc thầy của Grand opéra Pháp.
(15) Klemens Fürst von Metternich (1773-1859): Chính khách người Áo, có ảnh hưởng lớn trong Đại hội Vienna 1814/1815, lập lại trật tự châu Âu sau khi lật đổ Napoleon Bonaparte.
(16) Julius Johann Wilhelm Campe (1782-1867): nhà xuất bản, 1823 ông lĩnh nhận nhà xuất bản Verlag Hoffmann und Campe ở Hamburg.
(17) Hoffmann von Fallersleben (1798-1874): Nhà ngữ văn, nhà thơ, viết bài thơ thành lời quốc ca Đức sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...