Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Tởm lợm và Thiên tài

Wolf Biermann (1) 

Tranh © của Salvador Dalí (1904-1989) họa sĩ Tây Ban Nha

Cuốn tiểu sử Werner Hecht(2) viết về Bertolt Brecht(3) cho ta thấy một người anh hùng do dự. Đối với tôi nhà thơ này có kích cỡ của Shakespeare(4), Goethe(5) hay của Villon(6), là kịch tác gia thậm chí ông gần đạt được tầm vóc của Georg Büchner(7). Người ta phải yêu lấy sự tởm lợm thiên tài này. Khác đi thì phần tôi, tôi không thể chịu đựng được ông. Ngoài ra cái câu cửa miệng bỗ bã của Bertolt Brecht lại cũng đúng với ông: „ Không người nào giữ được mãi, chỉ có một số người giữ được chút lâu hơn“.

Năm 1956, tấm gương Brecht đã quyến rũ và định hình tôi cho tới hôm nay. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp ông. Nhưng chỉ ít lâu sau khi ông mất, người vợ ông - nữ giám đốc nghệ thuật nhà hát Helene Weigel(8) - đã ban cho tôi cơ hội của đời mình. Từ 1957 tới 1959 tôi được phép học và làm việc tại nhà hát kịch của Brecht ở Đông Berlin. Không có bà mẹ can đảm của Đòan kịch nghệ Berlin, hẳn rằng chưa bao giờ trong đời tôi đã viết nên một bài thơ duy nhất hay là một bài hát cũng nên.

Sau chiến tranh, cuối cùng nhà thơ Brecht, từng bị những người theo Chủ nghĩa Quốc Xã săn lùng, đã muốn thử nghiệm trên ván bục sân khấu Đức những vở kịch rút từ những va ly đời lưu vong của ông. Nhưng không phải Áo, không phải Thụy Sĩ hay CHLB Đức, mà chỉ có CHDC Đức, dạo đó còn gọi là SBZ tức Vùng chiếm đóng Xô viết, đã cấp cho ông một vận may thực hiện dự án.

Và thế là ông ấy khăn gói quả mướp mang tất cả bản thảo tới Đông Berlin. Vào dạo đó ông ấy bị cấm vận ở phương Tây và bị khinh bỉ là người cộng sản. Tuy nhiên vào thời gian này ngay tại Đông Berlin sôi sục một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến tranh nhỏ giữa nhà sân khấu tiền phong đến từ một thế giới rộng lớn xa vời và những nhà chức trách văn hóa đầu óc hẹp hòi trong bộ máy Đảng. Những ông lớn của Đảng ở Đông Berlin dằn vặt vì những gì liên quan đến Brecht. Đối với họ, Brecht là một „đồng chí không có thẻ đảng“. Những cái đầu bê tông trung tín coi ông là một tay bôn-sê-vích ngỗ ngược, một gã lang bạt phong trần tư sản, một người chuộng hình thức chủ nghĩa suy đồi-tây phương và một kẻ quyến rũ thanh niên nguy hiểm. Vâng cũng đúng thế: tấm gương ông cũng đã khích lệ tôi trong ý nghĩa tốt nhất của nó.

Nhưng trong cuộc vật lộn tranh mẽ với kẻ thù giai cấp Tây Đức nhằm giành giật những cái đầu danh giá, những đồng chí cấp trên đã nuốt phải con cóc độc. Trong cuộc đấu tranh giai cấp nội Đức chống lại Adenauer (9), họ giương cao đòi hỏi của những người cộng sản phản đối sự đại diện duy nhất. Về cơ bản họ thấy chán nhà viết kịch hồi hương đến nôn mửa và coi ông như một mối nguy „phản cách mạng“.

Về sự xung đột lợi ích, trong cuốn tiểu sử Bertolt Brecht ra mắt mới đây, nhà nghiên cứu văn học và sân khấu Werner Hecht, sinh năm 1963, một lần nữa đã trích lời nói rất ngoại giao, tuy nhiên thật lòng của bà Helene Weigel vào năm 1969 đã đọc vào băng ghi âm: „Về đại cục và đại thể, họ đã đau đớn. Chúng tôi đã không là thứ người họ muốn, nhưng mà họ đã không muốn mất những gì họ đã có được với chúng tôi.“

Hecht – gọi béng là ông Brecht-Hecht - ít nhiều là chân loong toong trong hãng gia đình Brecht giàu truyền thống. Sau khi Brecht chết, ông ấy cũng lọt vào Đoàn kịch nghệ Berlin và làm việc với tư cách là đạo diễn trong đám người được Helene Weigel nâng đỡ. Ông ở lại đó tại nhà hát cho tới năm 1974 và sau này trở thành nhà đồng xuất bản toàn bộ trước tác của Brecht.

Trên mỗi nhà trẻ kẻ hàng chữ, trên mỗi trại lính của quân đội nhân dân quốc gia, mỗi một bộ trang phục phía Đông, mỗi nhà máy quốc doanh, như vậy là trên toàn bộ nhà nước công nông dạo đó viết treo nền quốc lý: „Học Liên xô là học cách chiến thắng!“ Stalin và những kẻ kế vị ông chơi ngôi chúa thánh: chiến lợi phẩm cần phải được nhào nặn ra đúng theo hình hài của mình.

Và điều này cũng áp dụng cho nền sân khấu mới ở phía Đông. „Phương pháp Stanilavki“ trở thành lời chỉ giáo kích động trong cuộc đấu tranh văn hóa. Tại CHDC Đức, sân khấu Stanilavski (10) kiểu xô viết, ấy là nghệ thuật kịch „dân dã“ của „ thụ cảm“, có giá trị như một khuôn mẫu bắt buộc. Brecht coi sân khấu xô viết là „cục bộ“. Từ nhãn quan của mình, thứ mĩ học diễn trò bắt buộc du nhập từ Moskva là một thứ sân khấu ảo giác lỗi thời hạn chế, phong kiến-tư sản, vâng, và phản động. Và ông phản kháng lại bằng vũ khí của lý thuyết và thực tiễn sân khấu hiện đại hơn, „Sân khấu sử thi“ của ông, chống lại giáo điều của những nhà tư tưởng qùy mọp của Đảng Xã hội Công nhân thống nhất Đức.

Từ 1949, kiểu như một người thuê lại dưới trướng của Hội sân khấu Đức miền Đông, tức là của Sân khấu quốc gia của CHDC Đức hồi đó, Brecht đã diễn kịch 5 năm cùng với BE (Đoàn kịch nghệ Berlin) do ông và Helene Weigel thành lập. Kết cục sau này Đảng đã cho phép BE giàu thành tích một ngôi nhà riêng. Tình cờ Brecht đã chộp được nhà hát kịch ở Schiffbauerdamm có kiến trúc barock mới từ thế kỷ 19, nơi vào dạo 1928 đạo diễn Erich Engel(11) đã ra mắt công diễn vở ca kịch Đồng ba xu của Brecht.

Với ít nhiều khoảng cách nhìn lại (và chính Brecht cuối cùng cũng bình thản hơn): Cuộc tranh cãi với những môn đệ của Stanilavski bốc mùi „tranh luận xác tín tôn giáo“ – rất nhiều điệu bộ về ý hệ, sự bất cập nôn nóng, sự khoa trương đắc thắng nhiều lời xung quanh một tín lý về sân khấu duy nhất đúng đắn. Vâng, cả hai bên đều „thối tha“, nói theo Heinrich Heine. Về bản chất cuộc cãi vã không đả động đến một kiểu diễn kịch hiện đại hơn, mà tới cái ngớ ngẩn, hay nói theo Brecht đến „ than và quặng/ (tiền và) quyền trong nhà nước“. Và nó xoay quanh những khó khăn cố hữu trong việc viết và nói lên những sự thật nguy hiểm ở trong một chế độ độc tài.

Werner Hecht cung cấp cho độc giả một biên niên nhỏ về chiến tranh gồm những trận đánh giấu mình và những cuộc đột kích tai họa, những cuộc cấu xé trong nội bộ Đảng và những vụ tấn công mang tính khủng bố. Một chương đầy tính giáo dục có lẽ là cuộc vận động của đảng SED chống lại sự công diễn vở ca kịch của hai tác giả Brecht và Dessau (12) Cuộc hỏi cung của Lukullus trong năm 1951. Một chương nhỏ quái lố là bài đả phá của Honecker (13) (dạo đó là sếp của FDJ - Đoàn thanh niên tự do Đức) phản đối khúc cantata tuyên truyền Bản báo cáo Herrnburg của Brecht vào năm 1951. Nhưng cái chương chính bi thương đối lại chính là thảm họa của Hans Eisler (14) Cùng nhân dân gọi anh với tôi trong thử nghiệm muốn viết cho người Đức một thi phẩm Faust-phản-Goethe mang tính thợ thuyền và sáng tác vở ca kịch dân tộc Johann Faustus.

Sau đó đến với tôi một chương giật thót tim: Brecht và cuộc khởi nghĩa của công nhân ngày 17.06.1953. Bức thư biểu lộ lòng trung thành vừa hèn vừa dũng gửi tới Walter Ulbricht (15) - thái thú của Stalin- viết ngày 21.06.1953 in trên tờ Nước Đức mới, cơ quan ngôn luận trung ương Đảng SED được coi như điểm phản hồi, đồng thời chỉ viết đưa vào ngăn kéo, chính là bài thơ chế nhạo độc địa của Brecht cười Ulbricht và bè lũ, với điểm nhấn độc đáo „Sao chính phủ không cách chức nhân dân/Và bầu một nhân dân khác/Có phải tiện hơn không?“

Hecht đã dùng một biểu ngữ thích hợp từ thi tập „Cảm nhận“ của nhà thơ làm phụ đề, viết trong cái năm thành lập nước CHDC Đức 1949 :“ Nhọc nhằn của núi non ở lại sau ta/Phía trước ta nỗi nhọc nhằn của đồng bằng.“

Như vậy cuốn sách về Brecht của Hecht cung cấp một bức tranh đạo lý đầy tính giáo dục của CHDC Đức xưa, một bức toàn cảnh gợi tôi nhớ về Hieronymus Bosch(16), gợi tới tất cả quái thú siêu thực trong bức tranh „Sự cám dỗ của thánh Antonius thiêng liêng“. Thế là giờ đây những cám dỗ của Bert Brecht không thiêng với những con quái vật thực tế trong địa ngục Stalin: Ông ấy làm trò gì? Cái gì thôi thúc ông? Cú giằng co có là một cái ôm? Liệu chủ nghĩa cơ hội chiến thuật có là một cú dứ chiến lược của cách mạng? Hèn nhát, hay là mưu mẹo của lý trí? Hay diễn đạt một cách thợ thuyền hơn: Liệu người ta có thể chui vào lỗ đít của con trằn tinh và qua đó lại từ bên trong cắn nát lòng ruột của nó?

Thần tượng Brecht, với những trí tuệ ngắn hạn ở vùng phía Đông và phía Tây, đã phai tàn. Từ khi chủ nghĩa cộng sản toàn cầu sụp đổ, một số người thậm chí đã đập tan tượng đài của người cộng sản Brecht. Tôi không. Tôi buồn rầu vì sự rút phép thông công này, bởi vì nhà thơ không hề là một tay bợm của nền chuyên chính ở CHDC Đức.

Brecht đóng dấu lên những trí thức mua chuộc đã tự bán mình cho kẻ thống trị bằng anagram (từ đảo chữ) nguyền rủa „TUI“ (Tellekt-Uell-In). Trong cuốn Sách thành ngữ của mình Brecht đã lạ hóa các nhân vật màn trò bằng những bí danh và hóa trang ngụ âm Hán. Brecht bóc trần những kẻ che đậy thói đạo đức giả. Ông chế diễu đám liếm nước bọt của ông hoàng, bóc trần những nhà bao biện dùng tiền mua được là „lũ tẩy trắng“.

Có điều cũng nhiều người hậu thế ngày càng giận dữ hơn chửi nhà thơ bản thân là một gã „TUI“. Không ngạc nhiên: Năm 1954, một năm sau cái chết của Stalin, thần thánh đã trừng phạt Brecht bằng Giải thưởng hòa bình Stalin của nhà nước Xô viết. Và bậc thầy của chúng ta đã hết khôn dồn dại tới mức đón nhận giải này.

Người bác sĩ thân tín của tôi ở Đông Berlin, bác sĩ nội khoa Georg Tsouloukidse, điều hành một phòng mạch ở Schiffbauerdamm. Đôi lúc bác sĩ „Goggi“ đáng tin cậy này đã chăm nom khám bệnh ngoại trú cho Brecht. Sau này ông ấy đã cứng cỏi và cương nghị quả quyết rằng, ông ta (Brecht) nếu được chăm sóc và điều trị y tế điều độ, hẳn dễ dàng tiếp tục sống thêm 20 năm nữa trên cõi đời.

Từ rất lâu tôi gán cho mình quyền được biết, tại sao cái ông Brecht này vào năm 1956, đáng ra lên giường nghỉ cho khỏe lại tiếp tục làm việc tới mức tự sát ở nhà hát. Điều này tôi phỏng đoán: Dạo đó ông đã chán ngấy cuộc đời làm người giảng đạo cộng sản.

Trong ý nghĩa mang tầm lịch sử thế giới, mang tội này là ông trùm đảng mới ở Kremlin. Vào tháng Hai năm 1956, lại nữa một bước ngoặt thời đại mới ập đến với chúng tôi. Tại đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên Xô, Khơ rút sốp -người mang bản tính stalinit chống lại Stalin- đã dám làm một cuộc kiểu như đảo chính. Gã Skinhead(17) xô-viết đã đọc bài diễn văn kín về những tội ác tày đình chống lại loại người ở thời Stalin.

Những sự thật kinh hoàng về đất nước được ngợi ca của chủ nghĩa cộng sản không còn được giữ kín nữa. Hàng triệu người công dân xô viết vô tội, kinh hoàng ưu tiên trước những người cộng sản Do thái dưới thời Stalin, đã bị các đồng chí của họ sát hại trong những xưởng tra tấn của KGB. Cứ 6 trong 10 người cộng sản, trong thời Quốc xã đã cứu thoát thân ra khỏi nước Đức của Hitler chạy được sang Liên bang CHXHCN Xô viết, dạo đó đã bị hành hình tại nơi đây. Hai con quái vật đối chọi nhau của Đảng cộng sản Đức KPD, Walter Ulbricht và Herbert Wehner(18), đã sống qua địa ngục này. Ra sao, thời gian qua chúng ta đã biết.

Tin tức về trại Gulag(19) là một cú sốc đối với những người cộng sản trên toàn thế giới. Và đúng vào cuối mùa hè của cái năm định mệnh, Brecht của chúng ta bỏ chạy lao vào cõi chết. Ông ấy bị suy sụp về đạo đức theo nghĩa tốt nhất của từ này. Có vẻ như nhà cứu rỗi nhân loại của chúng ta tự chính bản thân đã chán ngán vai trò làm người chỉ đường tới giải pháp tối hậu cộng sản. Brecht kiệt quệ đã muốn dọn sang thiên đường riêng tư trong nghĩa trang Dorotheen nằm trên đường Chausseestraße.

Ông cho rằng vinh quang đời sau của mình được đảm bảo. „Người thầy lớn“ của chúng ta chui vào quan tài bông của mình, bao bọc bởi bảy lớp thép quí không gỉ. Dùng lời của Heine nói: Bert Brecht dạo đó đã đào ngũ khỏi cuộc chiến vì tự do của nhân loại.

Chắc chắn người thầy mácxít- lêninit đã thấm nhuần bài học lịch sử sâu hơn chúng tôi những cậu choai đỏ mới vào đời. Cực đoan như Brecht đã luôn từng, giờ đây đáng ra ông ấy, bằng tất cả sự táo bạo mang tính biện chứng, đã phải công khai và trong mọi thể thức ra khỏi cái đảng mà ông chưa bao giờ là thành viên hợp lệ. Nếu được như vậy, chúng tôi học trò của ông hẳn đã tôn vinh ông với một lời trích từ vở kịch Galilei: „Đã thắng rất nhiều, nếu chỉ một người đứng dậy và nói KHÔNG.“

Cuối những năm 20, ở lâu trước thời Quốc Xã, Brecht đã đanh thép tiến hành cuộc chia tay giai cấp tư sản. Vở kịch giáo mẫu cay độc Biện pháp từ năm 1932 là một vạch chỉ đường ghê sợ. Nhưng giờ đây, cuối thời Stalin, đáng lẽ ông ấy phải rốt ráo đoạn tuyệt lần thứ hai mới phải. Và lần này chính là với chủ nghĩa cộng sản.

Đáng lý ra Brecht có thể phải trở thành một người phản đạo tốt lành và dũng cảm , giả dụ như những người đồng chí cộng sản của ông ở những năm 30 như Koestler và Manes Sperber(20), cũng như kẻ hậu sinh Wolf Biermann của ông cách ông một thế hệ.

Trò đời là thế, giá mà về sau bây giờ tôi có thể hồi cố cổ vũ được Brecht và quyến rũ được ông với bài hát của tôi „ Chỉ có ai thay đổi được mới trung thành với mình“! Nhưng mà rồi với cái đó khổ tôi cũng không thể hữu ích gì cho ông, vâng bởi vì chính ông ấy cũng biết đích xác điều đó. Vào năm 1942, trong khi lưu vong tại Mỹ, Brecht đã viết: „Hãy xem kia, săn đuổi chúng tôi khỏi 7 nước/ các ông kẻ chơi trò cuồng xưa cũ: /Tôi ca ngợi những người tự thay đổi/ Và qua đó vẫn còn lại chính mình.“

Tuy nhiên ông ấy không đoạn tuyệt với sự điên rồ xưa kia của bản thân. Sự đáng cười, đáng khóc đằng nào cũng thế.

Ôi chao! Nếu như Brecht vào cái năm ông mất đã dám đoạn tuyệt lần thứ hai trong đời nhỉ? Sẽ ra sao chúng tôi những môn đệ của Brecht? Sẽ thành gì từ Heiner Müller(21) người học trò mạnh mẽ nhất của ông. Thành cái gì từ người cộng sản salon Peter Hacks(22) thơm xức nước hoa? Thành cái gì từ người tư duy phẳng sâu sắc Christa Wolf(23)? Thành cái gì từ nhà thơ trương cơ bắp sợ sệt Volker Braun(24)? Thành cái gì từ nữ thi sĩ thợ thuyền Helga M.Novak (25)? Ra cái gì từ người anh em gan ruột, nhà thơ trữ tình trầm tư Günter Kunert(26)? Và ra cái gì từ tôi?

Giờ thế đó một suy xét xâm chiếm lấy tôi, tới nay có thể chỉ thiếu mỗi lòng can đảm cho suy luận này. Tất cả đều tào lao về Brecht: „ Lẽ ra ông ấy có thể bỏ“, „lẽ ra ông ấy cần phải muốn“, „lẽ ra ông ấy có thể làm“, những điều đó đều kênh kiệu và thoáng theo gió bay đi: Bậc thầy kính mến của chúng tôi, vâng ông đã không dám đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản! Tại sao cơ? Con trẻ người ơi! Người ta chỉ có thể đoạn tuyệt được với một tư thế người ta thật sự có.

Thế nên có thể tôi có một điều vô cùng đặc sắc đấy cho ông, thưa ông Werner Hecht yêu thương: Brecht của chúng ta ư, chưa bao giờ ông ấy là một người cộng sản.


©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức  
Nguồn Spiegel   Bài đăng trên Văn Việt 

Chú thích của người dịch:

(1) Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế-Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDCĐ cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.
(2) Werner Hecht (sinh năm 1926): Nhà nghiên cứu văn học và sân khấu, xuất bản tác phẩm của Bertolt Brecht.
(3) Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, là ba gương mặt sáng giá nhất trong văn chương Đức thế kỷ 20
(4) William Shakespeare (1564 – 1616): Nhà soạn kịch, nhà thơ và diễn viên người Anh, tác gia đỉnh cao của văn chương thế giới.
(5) Johann Wolfgang von Goethe ( 1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.
(6) Francois Villon (1431-1463): Nhà thơ Pháp, tác gia quan trọng thời hậu trung cổ.
(7) Karl Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn, nhà viết kịch, tác gia quan trọng nhất ở giai đoạn trước cách mạng tháng Ba năm 1848.
(8) Helene Weigel (1900-1971) Nữ diễn viên, nữ giám đốc Đoàn kịch nghệ Berlin, vợ của Bertolt Brecht.
(9) Konrad Hermann Joseph Adenauer (1876-1967): Thủ tướng đầu tiên của nhà nước CHLB Đức, chủ trương kinh tế thị trường xã hội, thống nhất châu Âu và chống cộng sản.
(10) Konstantin Sergejewitsch Stanislawski(1863-1938): Diễn viên và đạo diễn Xô viết, nhà cách tân sân khấu. Phương pháp kịch mang tên ông được áp đặt làm khuôn thước ở Việt Nam và các nước Đông Âu khác.
(11) Erich Engel (1891-1966): Đạo diễn sân khấu và phim Đức.
(12) Paul Dessau (1894-1979): Nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc, lưu vong tại Mỹ, trở về CHDC Đức, bản nhạc phổ cho vở kịch của Brecht bị phê phán là „xa rời nhân dân“ và „hình thức chủ nghĩa“, từ đó gây ra cuộc tranh luận xung quanh Chủ nghĩa hiện thực XHCN.
(13) Erich Honecker (1912-1994): Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Công nhân xã hội thống nhất Đức (Đảng cộng sản) từ 1971-1989.
(14) Hans Eisler (1898-1962): Nhà soạn nhạc người Áo, sống và làm việc tại Đông Berlin cộng tác nghệ thuật với Bertolt Brecht.
(15) Walter Ulbricht (1893-1973):Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng Công nhân xã hội thống nhất Đức (Đảng cộng sản) từ 1949-1971.
(16) Hieronymus Bosch (1450-1516) Họa sĩ Hà Lan thời Phục Hưng, tác phẩm gây ngạc nhiên bởi hình ảnh trình bày bí hiểm.
(17) Skinhead: Theo một nghĩa hẹp chỉ người phát xít kiểu mới.
(18) Herbert Wehner: (1906-1990): Chính khách Đức, Bộ trưởng đặc trách sự vụ toàn Đức, chủ tịch khối nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức.
(19) Gulag: Hệ thống nhà tù - lao cải của Liên Xô dựng lên từ thời Stalin.
(20) Arthur Koestler (1905-1983) và Manes Sperber (1905-1984) là hai nhà văn người Hung điển hình cho thái độ phản đạo. Trong thời kỳ Stalin thanh trừng, hai ông đã rời bỏ Đảng Cộng sản.
(21) Heine Müller (1929-1995): Nhà thơ, nhà tiểu luận, và đạo diễn. Ông là kịch tác gia Đức quan trọng nhất nửa sau thế kỷ 20, chủ tịch Viện hàn lâm Nghệ thuật của CHDC Đức.
(22) Peter Hacks (1928-2003): Kịch tác gia, nhà thơ, nhà tiểu luận. Ông là tác giả của nhiều vở kịch được dựng trên sân khấu hai miền nước Đức.
(23) Christa Wolf (1929-2011): Nữ nhà văn CHDC Đức, một trong những tác gia viết tiếng Đức quan trọng nhất của đương đại.
(24) Volker Braun: Sinh năm 1939, nhà văn Đức, là những người đầu tiên ký Kiến nghị phản đối sự tước quốc tịch và trục xuất nhà thơ, ca sĩ Wolf Biermann.
(25) Helga M.Novak: Sinh năm 1935, nữ nhà văn, bị tước quốc tịch CHDC Đức vì viết những tác phẩm phê phán chế độ.
(26) Günter Kunert: Sinh năm 1929, nhà văn với kịch bản dựng ở cả hai miền, đại diện cho văn chương toàn Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...