Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Bài thơ "Nürnberg năm 1935" của Hans Magnus Enzensberger

Sandra Kerschbaumer

Nền độc tài đùn lên khủng khiếp và trò chơi của một cậu bé vô tội: Với bài thơ „ Nürnberg năm 1935“, Hans Magnus Enzensberger đã đánh thức ma lực của sự cô đọng.

  
Tranh của © Giorgio de Chiroco (1888-1978), họa sĩ người Ý

Địa điểm và thời điểm lịch sử - cả hai đều là những yếu tố quyết định để hiểu bài thơ: Nürnberg, quê hương ra đời của nhà thơ Hans Magnus Enzensberger, vào năm 1935 mang biệt danh „Thành phố của những kỳ họp quốc hội Đế chế“. „Dạo đó“, - cái tôi hồi tưởng đã bắt đầu nhìn lại như vậy - „ mặt trời tháng Chín/ hắt bóng rất dài trên đồng cỏ Wöhrder“.

Tháng Chín được nhấn mạnh qua sự định vị khác thường trong câu, và sự xác định về mặt thời gian chỉ dẫn ta về việc thông qua những „đạo luật Nürnberg về nòi chủng“ (1) nhân dịp Đại hội Đảng NSDAP (2) lần thứ bảy của Đế chế. Cái gọi là đạo luật „nhằm bảo vệ dòng máu Đức và danh dự Đức“, luật công dân của Đế chế và đạo luật Quốc kỳ đế chế đã củng cố nền móng cho hệ tư tưởng bài Do thái của những người theo đường lối Quốc Xã.

Trong tháng Chín đầu mùa thu, mặt trời của bài thơ hắt những bóng rất dài. Gây ngỡ ngàng là tự thân mặt trời hắt bóng, ở đây không thấy nói gì về những đồ vật đổ bóng xuống cả. Tức là một cách trực tiếp, ánh sáng được kết nối với bóng tối, những bóng đổ đón nhận chất lượng ẩn dụ, người đọc liên hệ tới tình cảnh chính trị và nhân thế đang dần tối. Những bóng tối này đổ xuống đồng cỏ miền Wöhrder, một khu thiên nhiên thắng cảnh được hai nhánh sông Pegnitz vòng ôm lấy, ngày hôm nay còn là nơi nghỉ ngơi, an lạc gần cho người dân thành phố. Một đứa bé đứng trên đồng cỏ này.

„Khi tôi sáu tuổi“. Rất hiếm khi rõ nét nơi Enzensberger, trong nửa đầu của bài thơ một cái tôi tự nói về mình. Cái tôi đó nối kết hai thời đại và hai tầng ý thức cái tôi thơ ấu của năm 1935 và cái tôi đương nói của hiện tại. Nó nhìn về cậu bé sáu tuổi, đang sợ hãi trước cái bóng chiếu khổng lồ của mình, một hiện tượng thường gặp cuối mùa hạ không thể nhập cuộc bằng một trò chơi của con trẻ tức là nhảy qua cái bóng của chính mình. Những người lớn tuổi biết tới điều đó như một câu thành ngữ, Enzensberg đã chơi chữ ở đây. Nhưng sau đó, đột nhiên cái bóng này thoắt biến đi mất.

Một đám mây kéo đến trước mặt trời? Đúng hơn bài thơ chỉ dẫn về một câu chuyện cổ tích của Adelbert von Chamissos (3), anh chàng „Peter Schlehmil“ nọ, xưa đã bán cho quỷ cái bóng của mình lấy một bao tải vàng ròng không ngừng tuôn ra. Khi chàng đòi lại cái bóng, thì con quỷ muốn lấy linh hồn chàng. Nhưng cậu bé trong bài thơ đã chịu số phận khác hơn chàng Schlehmil, hơn là Faust (4) và tất cả những người đã từng bị quỷ cám dỗ: „ Không một ai muốn mua lại linh hồn cho ta“. Đại từ nhân xưng được nhấn mạnh về nhịp điệu và cú pháp của câu thơ đập vào mắt người đọc. Lứa tuổi bảo vệ cho đứa bé lên sáu, cậu bé không bị dẫn dụ vào cám dỗ. Nhưng sự phủ định cho phép nghĩ về những kẻ nọ đã trở thành người hiệp thông với những con quỷ theo chủ nghĩa Quốc Xã.

Cảnh trí trên đồng Wöhrder khép lại với một ấn tượng gợi cảm trong trắng và ngây thơ: sự hít ngửi mùi rơm rạ và lá mục. Sau những câu thơ phong cách rải dòng, thông qua một cấu thơ vắt dòng, câu và thời gian bị kéo giãn ra: cho tới mùa thu năm 39, bắt đầu đại chiến thế giới thứ hai. Quãng thời gian này được người xướng ngôn tổng kết của bài thơ cấp cho ba phẩm chất: với sự không ngờ, sự vô Chúa và lạnh lẽo. Không ngờ là hòa bình được nhân cách hóa và yếu ớt – không ngờ như đứa bé, những người Đức không tin vào chiến tranh, không ngờ như nền chính trị xoa dịu (5).

Dạo đó không có những cột lửa bốc lên như những cột lửa Chúa dùng dẫn dắt những người dân Israel trên hành trình kéo qua sa mạc lúc trời đêm. Trong màn đêm của những năm ấy không có dấu hiệu của Chúa, chỉ có ánh sáng lầm lạc, những trò chơi ánh sáng cùng với chúng những kẻ theo Chủ nghĩa Quốc Xã đã tự tung hô trong những đại hội Đảng của Đế chế. Kể cả ở chỗ này của bài thơ sự đảo ngược, cách sắp xếp vị trí cụm câu thoát khỏi thông lệ ngôn ngữ dẫn tới sự nhấn mạnh từng từ. Sự phủ định được nhấn mạnh cho người đọc nghĩ cùng với điều không nêu trong bài thơ. Enzensberger không chỉ là một bậc thầy của ngắn gọn mà còn của sự kiệm lời. Trí tưởng tượng của người đọc bổ sung vào bức tranh còn thiếu những cột lửa, mãi tận tới lúc xuất hiện những chùm ánh sáng và sau này những đêm bom rơi trên thành phố.

Ở phần kết thúc của hồi tưởng, sự lạnh lẽo còn đứng lại trong bóng đổ của những tháp cao. Sự lạnh lẽo và bóng râm bao trùm lên bài thơ làm ta cảm nhận được sự vấy bẩn của hồi tưởng về thời thơ ấu trong chế độ Quốc xã. Trong tháng Chín, hồi niệm dẫn người Do thái đến bờ vực thẳm gần thêm một bước, bóng đen của thời đại đã bao vây đứa bé ngây thơ không làm gì nên tình nên tội và đã để cho một bóng đen của bé tự thân xuất hiện, đe dọa và hàm nhiều nghĩa: „ Tôi lên sáu, cái bóng chiếu của tôi thế mà lù lù kéo đi tít tắp, làm tôi hoảng hồn.“


©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ.NET

Nürnberg năm 1935

Hans Magnus Enzensberger

Dạo đó mặt trời tháng Chín
hắt bóng rất dài xuống đồng Wöhrder
Tôi lên sáu, thế đó cái bóng chiếu của mình
lù lù kéo tít đi, khiến tôi hoảng hốt
Tôi không sao nhảy qua được nó.
Thoắt một lần bóng biến đi sau đó
Linh hồn tôi không ai muốn mua cho
Trời sực mùi lá ngái và rạ khô
Còn lâu nữa mới đến mùa thu
năm ba mươi chín. Chẳng ngờ
hòa bình kéo lết lê tới đó
Không cột lửa nào bốc lên cao
trên thành phố. Trời lạnh
trong bóng râm của những tháp chọc trời.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Nürnberg 1935

Hans Magnus Enzensberger

Damals warf im September die Sonne
sehr lange Schatten über die Wöhrder Wiese.
Ich war sechs, doch mein Schemen
zog sich so riesig hin, daß ich erschrak.
Über ihn springen konnte ich nicht.
Dann war er auf einmal verschwunden.
Die Seele wollte mir niemand abkaufen.
Es roch nach Laub und nach Heu.
Bis zum Herbst neununddreißig
war es noch weit. Ahnungslos
schleppte der Frieden sich hin.
Keine Feuersäulen stiegen auf
über der Stadt. Es war kalt
im Schatten der hohen Türme.

Chú thích của người dịch:

Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

Sandra Kerschbaumer (sinh năm 1971): Nhà báo và phê bình văn học. Bà nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học. Làm luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu về Heinrich-Heine và trào Lãng mạn. Từ 1999 bà làm cho Đài truyền thanh và viết bài cho báo Frankfurter Allgemeine Zeitung". Trong những năm 2007-2009 bà làm cộng tác viên và giảng dậy tại Tổng hợp Universität des Saarlandes.

(1) Với ba đạo luật, những người Quốc Xã đã thể chế hóa tư tưởng Bài Do thái bằng cơ sở pháp lý. Vào đêm 15.09.1935, Quốc hội đã thông qua ba đạo luật này nhân kỳ Đại hội Đảng Đế chế lần thứ 7 của Đảng NSDAP, còn được gọi là Đại hội Đảng của Tự do.

(2) Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei: Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Dân tộc Đức (đảng Quốc Xã), có cương lĩnh tư tưởng bài Do thái và theo chủ nghĩa Dân tộc, bác bỏ Dân chủ và Chủ nghĩa Marx.

(3) Adelbert von Chamisso (1781 -1838): Nhà nghiên cứu Tự nhiên và nhà thơ người Đức viết nên Câu chuyện kỳ lạ của Peter Schlemihl, là tên truyện cổ tích về anh chàng bán cái bóng của mình cho quỷ lấy một bao tải vàng không ngừng tuôn ra. Chẳng bao lâu anh ta nhận ra mình không có bóng tức là bị loại trừ ra khỏi xã hội con người. Sau nhiều sự kiện anh chàng gặp con quỷ đòi lại cái bóng, và con quỷ gạ sẽ trả lại, nếu Schlemihl nhượng lại cho quỷ linh hồn.

(4) Dr. Heinrich Faust, nhân vật trung tâm trong tác phẩm kịch Faust của thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe.

(5) Chính sách nhân nhượng và thỏa hiệp (policy of appeasement), đặc tả chính sách của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đối với nước Đức quốc xã – phát xít, nhường Sudetenland cho Hitler và làm ngơ trước sự cưỡng chiếm Tiệp Khắc. Chính sách này dẫn đến sự ký kết Hiệp ước München (Muy-ních) năm 1938.

Tranh (chỉ có tính chất minh họa) của Giorgio de Chiroco (1888-1978), họa sĩ, nhà đồ họa người Ý, đại diện của Hội họa Siêu hình, một phái tiền thân của Hội họa Siêu thực (Surrealism).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...