Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Của một kết cục kinh hoàng

Wolfgang Leppmann


Tranh của ©Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức

Một trong những bài thơ quen thuộc nhất của Rilke lại chính là bài thơ về con thú hay nhất trong tiếng Đức, chí ít là đối với các độc giả mà con thú có ý nghĩa nhiều hơn là „gấu bông“ và „vâu vâu“ và bài thơ nhiều hơn là các vần êm tai. Một bài thơ với nhiều vẻ tinh tế, từ sự lồng khung bằng từ nhỏ „là/tồn“, trong nhiều nghĩa tùy thuộc khác nhau, qua sự hoán chuyển vị trí trong viễn cảnh (nên không phải là ánh mắt con thú nhìn song chấn, mà những song chấn diễu hành qua ánh mắt) và „cái dãy trật tự thuốc nổ“ song chấn - giữ - song chấn - có - song chấn - thế giới (cảnh báo ta tiếng loạt roạt của một cây gậy ở một cậu bé cầm chạy dọc theo hàng rào hay một hàng rào bằng song sắt) cho tới dòng cuối cùng thích hợp với nội dung bị cắt ngắn đi một nhịp thơ lên.
 

Không thể tin được, mới đầu bài thơ „con báo“ xuất hiện như một tờ lót trang trong một tờ báo tỉnh lẻ vùng Bohemia, một bài thơ x đăng tạp chí nào đó, tình cờ kẹp giữa một bài điểm mục và một truyện kể. Điều này xảy ra tháng Chín năm 1903. Từ đó trở đi bài thơ được đưa vào các hợp tuyển và được diễn giải, ưu tiên hơn cả, như một sự biểu đạt bằng hình tượng của mọi sinh thể bị cầm tù, cộng vào đó cả con người phát đau ốm ở việc ý thức được những ranh giới đặt ra cản trở, trong đời thường, trong gia đình, trong cái thân thể chứa riêng mình, trong cuộc sống thị dân, và như tất cả điều ám gợi nói lên điều này - và suy sụp ở nhận thức đó. Một người diễn giảng ít năng khiếu về tư duy hình tượng, nhưng bù vào đó cần mẫn hơn, sau khi nghiên cứu tác phẩm „Đời sống thú vật“ của Brehm (1), thậm chí còn đi tới kết luận, ở con báo này hẳn phải liên quan tới một tiêu bản „ ở trong giai đoạn mắc vào khá sâu của sự giam cầm“. Có thể như vậy. Ở đây chúng ta không căn cứ vào sách vở, mà căn cứ vào cái thị chứng, hơn nữa sự đã trải nghiệm có tiền đề trong bài thơ, thật dễ dàng như chơi, có thể được thực nghiệm lại trên một bình diện tiên cảm: người ta chỉ cần đưa mắt nhìn quanh trong một số vườn bách thú là thấy. Kế đó người ta phát hiện ra lập tức, ngày hôm nay con báo (đương nhiên không còn là con báo Rilke miêu tả) đang chết mòn trong một cái cũi nhỏ tại thảo cầm viên Jardin des Plantes – như vậy là một sự hành hạ thú vật vẫn còn đang tiếp diễn tại Paris, và đáng buồn thay cũng còn ở Frankfurt. Ở những nơi khác thế vào đó là các con thú khác, thí dụ như những con gấu trong thảo cầm viên Wilhelma ở Stuttgart được giam giữ „ như thể có hàng ngàn song chấn và sau ngàn song chấn không thế giới nào chi“. Khác với điều này, tại Berlin, nơi con báo sống sau tấm kính pha lê hoặc tại Munich/Hellabrunn, nơi ít nhất những con hổ Siberia - loài họ hàng của chúng - có cảnh rào quây đi lại ngoài trời, người ta ít cảm nhận được hơn„Vũ điệu của uy lực vờn quanh một tâm điểm/ Nơi mê man một ý chí lớn đứng trong“. (2)

Cứ như thế bài thơ của Rilke không chỉ diễn tả một con báo, mà thuần túy là con thú bị giam cầm và chịu hiểm hung đe dọa và cùng với hiện trạng đó cũng một thời kỳ trong lịch sử của thảo cầm viên, đúng thế, trong quan hệ người với thú. Đã đành là bài thơ hoàn hảo, và cái „dáng mềm mại của những bước mạnh uyển chuyển“ được tái hiện sao mà chính xác khiến ta phải tính bài thơ này thuộc về các tác phẩm bị vướng lối bởi chính vẻ đẹp riêng của mình. Và dưới góc độ này, bài thơ „Con báo“ không thuộc vào hàng „Giếng phun La mã“ của Conrad Ferdinand Meyer (3) hoặc các bài thơ miêu tả đồ vật khác, mà cùng một hàng với „Tẩu khúc tử thần“ của Celan (4). Sự hoàn mĩ của hình thức suýt nữa che khuất ánh mắt nhìn hướng vào chủ đề: ở đây có sự dày vò của một con thú bị giam cầm hiện diện cho số phận của nhiều tù nhân, ở đó có sự sự tàn sát không biết bao nhiêu người.
 

Như vậy, trong sự mở rộng của bài Bi ca Duino đầu tiên(5), cái đẹp không chỉ còn là (cái đẹp) của sự „khởi đầu kinh hãi“ nữa, mà còn là của kết cục kinh hoàng.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).


Con báo


(Trong thảo cầm viên Jardin des Plantes Paris)


Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Song chấn diễu qua, ánh mắt con báo mệt
Tới nỗi không còn giữ lại chút gì.
Như thể có ngàn ngàn song sắt
và sau ngàn song chấn không thế giới nào chi.

Dáng đi mềm mại kết những bước mạnh uyển chuyển
đang xoay vào cung siết nhỏ nhất của vòng,
như một vũ điệu của uy lực quanh một tâm điểm
nơi mê man một ý chí lớn đứng trong.

Chỉ thư thoảng tấm màn của đồng tử kéo mở
- Sau lọt vào trong một hình ảnh, lặng im,
đi qua u tịch kéo căng các khớp -
và rồi dừng chết ở trong tim.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:

Der Panther

Im Jardin des Plantes Paris

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Sein Blick ist vom Vorübergehn der Stäbe
so müd geworden, daß er nichts mehr hält.
Ihm ist, als ob es tausend Stäbe gäbe
und hinter tausend Stäben keine Welt.

Der weiche Gang geschmeidig starker Schritte,
der sich im allerkleinsten Kreise dreht,
ist wie ein Tanz von Kraft um eine Mitte,
in der betäubt ein großer Wille steht.

Nur manchmal schiebt der Vorhang der Pupille
sich lautlos auf –. Dann geht ein Bild hinein,
geht durch der Glieder angespannte Stille –
und hört im Herzen auf zu sein.

Bản tiếng Anh tham khảo:

The Panther

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

His gaze against the sweeping of the bars
has grown so weary, it can hold no more.
To him, there seem to be a thousand bars
and back behind those thousand bars no world.

The soft the supple step and sturdy pace,
that in the smallest of all circles turns,
moves like a dance of strength around a core
in which a mighty will is standing stunned.

Only at times the pupil’s curtain slides
up soundlessly - . An image enters then,
goes through the tensioned stillness of the limbs -
and in the heart ceases to be.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.
Wolfgang Arthur Robert Leppmann (1922-2002): Nhà ngữ văn Đức ( người Đức- Mỹ) giáo sư giảng tại University of Oregon Eugene, viết tác phẩm tiểu sử nổi tiếng về Rainer Maria Rilke.

(1) Tác phẩm tra cứu về động vật học của tác giả Alfred Edmund Brehm (1829-1884).
(2) Mê man trong tình trạng bị đánh thuốc mê, như tác giả viết (betäubt).
(3) Conrad Ferdinand Meyer (1825-1998): Nhà thơ, nhà viết truyện ngắn và tiểu thuyết, một trong những nhà thơ Thụy Sĩ viết tiếng Đức quan trọng nhất thế kỷ 19.
(4) Paul Celan (Paul Antschel, 1920-1970): Nhà thơ viết tiếng Đức, gốc Do thái.
(5) Bi ca Duino ( Duineser Elegien) là tên của tập hợp gồm 10 bài Bi ca của Rainer Maria Rilke, bắt đầu viết từ 1912, kết thúc năm 1922.


Bài đăng VHNA

Hổ - Tranh sơn dầu của Franz Marc (Franz Moritz Wilhelm Marc 1880-1916): Họa sĩ, nhà đồ họa, một trong những đại diện quan trọng nhất của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...