Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Mỹ học và nhà nước toàn trị

Susan Sontag  
Tranh của Anselm Kiefer (sinh năm 1945), họa sĩ Đức
 

Cho tới hiện giờ tôi vẫn còn lao tâm với luận đề về mối tương tác giữa nghệ thuật và đạo đức tôi đã phát triển vào năm 1965 trong bài tiểu luận „Về phong cách“ của mình. Nhưng mà ngày hôm nay, sự hiểu của tôi dành cho những phụng vụ xã hội do các tác phẩm nghệ thuật thực thi ít trừu tượng hơn so với sự hiểu vào dạo đó.

Và so với điều hiểu biết dạo xưa, tôi biết nhiều hơn về nhà nước toàn trị và về nền mỹ học được nhà nước cho phép thỏa hiệp với mình, thậm chí còn đẻ ra nó.

Một trong những kinh nghiệm gia tăng sự quan tâm của tôi dành cho cái gọi là „ xen ghép nội dung“ vào hình thức (ở đó không hề làm giảm đi mối quan tâm của tôi dành cho sự xen ghép hình thức vào nội dung) là sự làm quen một số trong các phim lôi kéo quần chúng được quay ở Trung quốc vào những năm 60. Tôi đi từ hết phim này đến phim kia, thí dụ từ „Đông Phương Hồng“ tới „Alexander Newskij“ của Eisenstein (1), từ „Fantasia“ của Walt Disney (2), cho tới những bản mẫu xử lý đồng diễn của thân thể được dùng như là đồ vật trong những ca kịch của Bubsby Berkeley (3) cho tới bộ phim „Odysse trong vũ trụ“ của Stanley Kubrick (4). Tất cả những bộ phim này diễn tả trực quan một hình thức quan trọng của trí phóng tưởng theo mỹ cảm hiện đại được Siegfried Kracauer (5) nghiên cứu vào năm 1927 trong một bài tiểu luận mang tiêu đề „Hoa văn trang trí đám đông“ và một vài năm sau Walter Benjamin (6) đã tóm lược lại, khi ông ấy mô tả chủ nghĩa phát xít như một sự mỹ thuật hóa đời sống chính trị.

Không đủ để nói rằng, chút ít mỹ thuật là chút ít chính trị hoặc là cuối cùng sẽ trở thành cái đó. Thế cái chất mỹ thuật này là gì? Cái chất chính trị này là cái gì vậy?
Chìa khóa để hiểu mỹ học phát xít, theo ý tôi, nằm ở trong nhận thức, rằng một nền mỹ học cộng sản rành rành là một mâu thuẫn tự trong lòng của nó. Chính vì thế có sự trung bình và nhạt nhẽo của nền nghệ thuật được nhà nước bảo trợ tại những nhà nước cộng sản. Và nơi đâu nghệ thuật chính thống ở Liên xô và Trung quốc không lỗi thời một cách phô phang, ở đó, nhìn khách quan, là phát xít.

Khác với xã hội cộng sản lý tưởng toàn những là giáo lý (bằng cách biến bất cứ một thiết chế thành một trường học), lý tưởng phát xít nhắm vào việc huy động từng người cho đến khi anh ta cho mình hòa nhập vào một dạng tác phẩm toàn bộ của dân tộc: có nghĩa là làm ra một sân khấu từ một xã hội tổng thể. Đó là một cách thức đạt tầm xa nhất để từ một thực thể thẩm mỹ trở thành thực thể chính trị. Nó trở thành một nền chính trị của lừa dối. Như Nietzsche đã nói: Cảm nhận chút gì đó là đẹp tất có nghĩa là cảm nhận sai đi.

Trong thế kỷ 19, những nhà tư tưởng của khiêu khích và tái thẩm định giá trị như Nietzsche (7) và Wilde (8) đã bày tỏ ý kiến của mình về cảm quan thế giới mang tính thẩm mỹ mà sự ưu việt của nó trước hết nằm ở chỗ tự nó là một quan điểm khoáng đạt hơn, về mặt tinh thần ít hẹp hòi hơn, tóm lại một dạng thức của lối sống đầy văn hóa nằm ở phía bên kia của chính trị.

Sự phát triển của chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ 20 đã dạy cho chúng ta biết rằng, họ đã lầm. Hóa ra „thế giới quan duy mỹ“ đặc biệt hòa hợp rất tốt với những tư tưởng phản văn minh và những ước vọng lạ hóa bản thể đã bùng lên trong chủ nghĩa phát xít và nó cũng hoàn toàn có cơ thai nghén trong nền văn hóa tiêu dùng của chúng ta.

Ở đó đã rõ ràng, Trung hoa đã làm sáng tỏ điều đó, rằng đạo đức chủ nghĩa của những xã hội cộng sản nghiêm túc không chỉ xóa bỏ sự tự trị của mỹ cảm, mà nó còn làm mất khả năng sản sinh ra nghệ thuật nói chung (theo nghĩa hiện đại). Một chuyến đi tham quan 6 tuần ở Trung hoa vào năm 1973 đã thuyết phục tôi, trong chừng mực tôi phải được thuyết phục, rằng tự trị của mỹ cảm với tư cách là dưỡng chất không thể thiếu được cho trí tuệ cần phải được sự bảo vệ và trân quí. Mà thế đó, sự nghiệm trải của mười năm trong thập kỷ 60 với sự biến đổi lỳ lợm của những cực đoan về chính trị và đạo đức thành ra „phong cách“ cũng đã thuyết phục tôi tin vào những mối nguy hiểm của một sự khái quát thế giới quan thẩm mỹ quá ư bao trùm.

Có lẽ tôi vẫn đại diện cho quan điểm cho rằng một tác phẩm nghệ thuật với tư cách là tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn không theo đuổi mục đích nào cả. Nhưng bởi vì không một tác phẩm nghệ thuật nào thuần túy là tác phẩm nghệ thuật và bằng không thì không là gì cả, nên sự thể phức tạp hơn.

Trong bài „Về phong cách“ tôi đã tìm cách mới nghĩ thấu đáo qua những sự thực trong lời tựa gây bực bội một cách có tính toán của Wilde về tác phẩm „Bức chân dung Dorian Gray“ và sự phóng đại tỉnh táo cuộc bút chiến tương tự chống lại thị dân hẹp hòi của Ortega y Gasset (9) trong tác phẩm „Đuổi con người ra khỏi nghệ thuật“, bằng cách ở đó tôi đã không hề lặng lẽ giấu diếm tách sự phản ứng về mỹ thuật và phản ứng về đạo đức khỏi nhau, thậm chí cũng giống như Wilde và Ortega còn kích cái này đối chọi với cái kia nữa.

Gần tròn mười năm sau bài „Về phong cách“, điều đó vẫn còn là quan điểm của tôi. Những gì tôi đạt được thêm vào đó là một giác quan dành cho lịch sử. Lúc nào cũng thế, tôi là một người duy mỹ say sưa và là một người đạo đức toàn tâm, tuy nhiên tôi đã nhận ra, thật là hạn chế và thiếu suy nghĩ nếu như hoặc là khái quát thế giới quan mỹ thuật hoặc là thế giới quan đạo đức mà lại không hề có sự hình dung một cách chính xác nhiều hơn thế về một văn cảnh lịch sử. Trong một bài tiểu luận dạo nào hồi năm 1965 tôi đã viết: „Chỉ trong những khoảnh khắc lịch sử thoáng qua nhất định, công chúng nghệ thuật mới cảm nhận được phong cách là một thành tố vấn đề có thể bị cô lập – giống như một hành lang đằng sau đó những vần đề khác, kết cục là những thứ mang bản thể đạo đức và chính trị được đưa ra bàn luận“. Những bài tiểu luận gần đây của tôi là những thử nghiệm tiếp tục theo dõi điểm này, làm cụ thể nó.

14.01.1977
Phạm Kỳ Đăng dịch từ bản tiếng Đức
Nguồn: Spiegel Online

Chú thích của người dịch:
Susan Sontag (1933-2004) Nhà văn nữ, nhà viết tiểu luận, nhà phê bình, người Mỹ.

(1) Sergei Michailowitsch Eisenstein (1898-1948): Đạo đạo diễn và nhà phê bình điện ảnh người Nga nổi tiếng với các bộ phim câm như Bãi công, Chiến hạm Potemkin và Tháng Mười.

(2) Walt Dysney (1901-1966): là nhà sản xuất phim, đạo diễn, người viết kịch bản phim, diễn viên lồng tiếng và họa sĩ phim hoạt họa Mỹ.

(3) Busby Berkeley: (1895-1976) Đạo diễn phim Hollywood, nhà biên đạo múa.

(4) Stanley Kubrick (1928-1999): Nhà đạo diễn nhà sản xuất và viết kịch bản phim người Mỹ.

(5) Siegfried Kracauer (1899-1966): Nhà báo, nhà xã hội học, nhà lý thuyết phim và triết gia lịch sử người Đức.

(6) Walter Benjamin (1892-1940): Triết gia, nhà phê bình văn học và dịch giả người Đức gốc Do thái.

(7) Friedrich Nietzsche (1844 – 1900): Nhà ngữ văn, triết gia người Đức.

(8) Oscar Wilde (1854-1900): Nhà văn nổi tiếng của Ireland.

(9) José Ortega y Gasset (1883-1955): Triết gia, nhà xã hội học và nhà tiểu luận người Tây Ban Nha.

Tranh của Anselm Kiefer (sinh năm 1945), họa sĩ Đức đương đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...