Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Bài thơ "Người Bố" của Günter Grass

Lorenz Jäger

Tranh của Edvard Munch (1863-1944): Họa sĩ Na Uy

Trong bài thơ này có chút Độc Ác nhúng tay. Nói đến mọi giác quan: thính giác, vị giác, khứu giác. Một cách điêu luyện, bài thơ „Người Bố“ của Günter Gras nắm bắt không khí tiềm ẩn đe dọa của những năm năm mươi.

Tất cả diễn ra trong phạm vi bao quanh những đồ vật quen thuộc và cuộc sống thường nhật. Trí phóng tưởng của nhà thơ này không phác thảo ra những thế giới mang khí vị phương xa, hiện thực theo một cung cách gần như tiểu thị dân và trung bình tuyệt đối. Tuy thế không có gì lạ lùng hơn là cái quen thuộc này. Để có thể nhận ra tài nghệ điêu luyện, vâng, đôi khi lão luyện của Grass, người ta phải lùi lại một chút khỏi bức tranh công luận tô nhấn quá mức vào màu sắc chính trị, được chính ông phác họa từ những năm sáu mươi, và chú trọng vào tác phẩm tinh tế của nhà thơ. Trong bài thơ này có một chút Độc Ác nhúng tay – một chất Độc Ác xuất hiện đối với cái nhìn của con trẻ. Ánh mắt này không nhất thiết phải lừa mị. Một tai ương ngự trên gia đình này – nhưng mà, nếu là một gia đình thì, náu ẩn đâu rồi người mẹ những với lòng thành tâm khuyên nhủ có thể xua đi được tai ương?

Người ta tưởng như gặp lại mình trong một truyền kì rùng rợn của anh em nhà Grimm hoặc là trong một trong những truyện cổ tích của Ludwig Tieck có thể phù phép ra một không khí nhơm nhớp như vậy mà không cần phải có một lời qua tiếng lại. Bình sinh, một người bố có thể là một thần lão Jupiter(1) nhân từ, nhưng mà cũng có thể là một quỷ thần Saturn(2) gớm guốc ăn thịt trẻ con – Grass khá am tường thần thoại. Tất cả cứ coi như là tình cờ, hay là bước đi của sự vật, như chúng vốn là như thế: những khối xây hình nhào đổ, và sữa thành ra chua. Thì đã sao? Nhưng mà cái đó, diễn ra trong bài thơ, đã dồn đẩy người tham gia vào mọi lỗ chân lông. Tất cả các giác quan đều được nói tới: thính giác, vị giác, khứu giác. „Thế thì cái gì đây“ không nêu ra trở thành một không khí bao trùm, mà trẻ con không thoát ra khỏi.


Không có sự hóa giải

Hans Ulrich Gumbrecht (3) từng nói về một kiểu „căng thẳng thần kinh bạo lực“ đã quyết định thời tiết của những năm năm mươi“. Đó chính là chìa khóa. Và Gumbrecht nhìn ra một „tiềm ẩn như cội nguồn của hiện tại“, một điều không thể nói ra được; còn chưa đi đến hiện tượng đầy đủ, nhưng mà có thể cảm nhận. Tôi không biết từ ngữ nào hay hơn cho bài thơ này. Nhưng mà tiềm ẩn thực ra là cái gì cơ chứ? „ Trong hoàn cảnh của một tiềm ẩn ta có thể an tâm rằng, có chút gì nơi đây ta không nắm bắt hoặc có thể sờ mó được. Không những ta không thể nói từ đâu chúng ta có được sự chắc chắn hiện hữu này, mà còn không thể nói, cái ẩn náu chính xác ra đang ở đâu“. Sự xung đột không tìm thấy ngôn ngữ diễn đạt hơn ngoài những cái nhìn câm lặng. „Lấp liếm“ có lẽ là từ dùng sai, vâng người ta nghe thấy, lò sưởi lạch cạch, nó đã phải có lý do của nó. Các đứa con trao đổi cho nhau hiểu biết không sao diễn tả về cái điều rằng, ông bố có thể biết câu trả lời – nhưng có lỗi với chúng.

Tập thơ Đường Ray Ba Ngả gồm bài thơ này xuất bản năm 1960, bốn năm sau tập thơ đầu tay „Những lợi thế của gà mái gió“. Giờ đây sự tiềm ẩn của những năm năm mươi đã đứng trên ngưỡng cửa của sự hình thành tiếng nói, nó có thể được chủ đề hóa; thực ra chính vì vậy bây giờ nó không còn là sự tiềm ẩn một trăm phần trăm nữa; nó được trình bày, nó đi vào ánh mắt.

Người bố cũng bị cuốn vào tất cả hệ lụy, ông cũng không thoát khỏi không khí tiềm ẩn đó. Ông đã nhận ra rất chuẩn xác ánh mắt của những đứa con hướng vào mình, ông vượt qua cả đêm không ngủ. Ông muốn biết, ông là ai, và ông nhìn vào gương. Ngay cả bây giờ nguyên còn sự tiềm ẩn, không đi tới hóa giải. Một Grass nọ cả thế giới đều biết, trong chừng mực càng nhiều hơn, càng muộn mằn hơn tìm cách biến hóa sự tiềm ẩn này vào diễn đạt chính trị, thì nhưng thế thường khi đã không mang ích lợi cho thơ ca của ông. Nhưng mà các đứa con, vừa còn chăm chắm nhìn người cha chỉ có ý trừng phạt, chỉ vài năm sau đã thành người cáo giác công khai- và chẳng lẽ các đứa con của con trẻ đã không lĩnh nhận lấy vai trò này sao? Như một nhà thơ khác, nhà thơ Gerald Zschorsch (4) trẻ hơn đã diễn đạt điều này, hậu chiến đã sải bước „từ lớp tuổi trẻ này đến lớp tuổi trẻ kia“.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức 

Nguồn: FAZ

Người Bố

Günter Grass (1927-2015)

Nếu có tiếng lạch cạch trong lò sưởi
lũ trẻ con chăm chú nhìn ông
vì có tiếng gõ trong lò sưởi

Nếu đồng hồ điểm giờ và
những khối lắp hình nhào, ấy tại đồng hồ,

những đứa trẻ trân trân nhìn người bố

Nếu sữa rớt và chua
những cái nhìn, không chuyển lay, trừng phạt
vì cái nhìn của ông làm chua sữa

Nếu có mùi khét như chập điện
trong tối đêm đám trẻ trân trân nhìn ông

bởi vì bốc lên mùi điện chập.

Mãi tới khi các con ông ngủ

Người cha nhìn vào gương
bởi vì ông vẫn không sao ngủ.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Vater


Günter Grass (1927-2015)

Wenn es in der Heizung pocht,
schauen ihn die Kinder an,

weil es in der Heizung pocht.

Wenn die Uhr schlägt und Bauklötze

stürzen, schaun die Kinder,
weil die Uhr, den Vater an.

Wenn die Milch gerinnt und säuert,
strafen unverrückbar Blicke,
weil sein Blick die Milch gesäuert.

Wenn es scharf nach Kurzschluss riecht,
schaun im Dunkeln alle Kinder ihn an,
weil’s nach Kurzschluss riecht.

Erst wenn seine Kinder schlafen,
blickt der Vater in den Spiegel,
weil er noch nicht schlafen kann.


Chú thích của người dịch:

Günter Grass (1927 - 2015): Nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa người Đức. Giải thưởng Nobel văn chương năm 1999.

Lorenz Jäger (sinh năm 1951): Nhà xã hội học và nhà báo, biên tập viên của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung

(1) Trong tôn giáo và thần thoại La Mã cổ đại, Jupiter (tiếng Latinh: Iuppiter) hoặc Jove là vua của các vị thần và là vị thần của bầu trời và sấm sét.

(2) Saturn (tiếng Latinh: Saturnus) là một vị thần nông nghiệp trong tín ngưỡng La Mã cổ đại và là một nhân vật trong thần thoại La Mã.

(3) Hans Ulrich Gumbrecht (sinh năm 1948): Nhà nghiên cứu , nhà nghiên cứu văn học và lịch sử văn hóa.

(4) Gerald Zschorsch (sinh năm 1951): Nhà văn Đức.

Tranh của Edvard Munch (1863-1944): Họa sĩ, nhà đồ họa người Na Uy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...