Tranh của © Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức |
Có vị cán bộ ngoại giao tâm đắc, chính trường các nước phương Tây qua các kỳ bầu cử hay thay đổi nhân sự cho nên bất ổn định. Suy luận như vị đó, tất nhiên nhà nước CHXHCN Việt Nam về đối ngoại ổn định hơn nhiều. Trong mỗi một nhà nước XHCN cũ, đường lối trong ngoài đều được quyết sách bởi một lãnh tụ và nhóm người lãnh đạo quyền uy. Nhiều lãnh tụ và lãnh đạo quyền uy cả đời, trực tiếp hay gián tiếp ký những bản giao kèo thỏa thuận với lãnh tụ và lãnh đạo „bạn“ lưu lại hết đời trong két sắt. Sau những cuộc thương thuyết đổi chác đó, họ ca ngợi những hiệp ước thỏa thuận đó là biểu hiện của „hữu nghị“, „thấm đẫm tinh thần quốc tế vô sản". Báo chí quảng bá thêm bằng ảnh hình sinh động như Nguyễn Phú Trọng ôm ghì Tập Cận Bình cúi xuống áp má, và hot nhất cho đến nay bức hình „khóa môi“ biểu dương tình thủy chung gắn bó giữa hai Tổng bí thư Erich Honecker và Leonid Brezhnev vài năm trước khi bức tường Berlin bị đạp đổ.
Trong hệ thống phe xã hội chủ nghĩa từng tồn tại, các nhà nước cộng sản trớ trêu thay nhận vị trí thang bậc bất bình đẳng quy định bởi nguyên tắc „tập trung dân chủ“ giữa các "đảng anh em". Thiếu hẳn một qui chế phản hồi và giải trình, các nhà lãnh đạo cùng „vô sản một nhà“ thương lượng với nhau, nhân dân không đóng vai trò gì trong những cuộc ký kết sau lưng họ. Như chính sách nhà nước độc đảng chuyên chính lấy bất nhất làm nguyên tắc, lấy bất ngờ làm kế sách sinh tồn, những kẻ nắm quyền ắt phải đi đêm mờ ám với nhau như vậy.
Nhiều từ chữ hoa mĩ ca ngợi những hiệp ước ra đời trong những hoàn cảnh nêu trên, che giấu nỗi ngậm đắng nuốt cay cho bên này, và tâm thế gian manh đắc thắng của bên kia. Nguy hiểm hơn, lề lối ngoại giao đầy cảm tính kiểu „môi hở răng lạnh“, „anh em vô sản“ đến „Thập lục kim tự „ và „Tứ hảo“ trong bối cảnh giao tiếp giữa các quốc gia văn minh với nhau, gợi lên những quan hệ gia đình - tộc hệ thời trung cổ, phong kiến, phản văn minh - tiến hóa và hôm nay không thể châm biếm hơn, gợi về một thực tế phũ phàng nhất: thời hiện đại không ở đâu đánh nhau đổ máu nhiều hơn nơi mấy „anh em“ trong phe xã hội chủ nghĩa.
Trước công luận quốc tế, sự kiện giàn khoan xâm phạm với tàu quân sự hộ tống thách thức nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mới rồi đây đã bị Ngoại giao và Truyền thông Trung quốc xuyên tạc hẳn về bản chất. Trung quốc, còn kiện cả Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc, sẽ trình ra các chứng cứ gồm cả các mật ước xưa nay. Mật ước, một ngày tòi ra trên báo chí công khai như công hàm Phạm Văn Đồng, sẽ là trái đắng cho người em ốm yếu càng ngày càng bấu chặt lấy „ông anh“ gian ác.
Công luận quốc tế phần nhiều xem vụ việc nghiêm trọng, kể cả tàu cá bị đâm chìm, chỉ là việc khổ lắm „cộng sản đánh nhau với cộng sản“. Chúng ta phải cay đắng thừa nhận điều này: đây là câu chuyện của hai nhà nước chưa trưởng thành, chưa có tư cách hội viên đầy đủ trong cộng đồng thượng tôn nhân quyền-dân chủ. Chỉ cần nhìn vào thực tế công an vị đảng dằn mặt người biểu tình, bắt bớ thêm blogger bất đồng chính kiến, siết chặt kiểm duyệt báo chí..., chắc chắn không một nhà nước nào trên thế giới tôn trọng và bênh vực nhà nước Việt Nam. Chúng ta phải khẳng định rằng, đang bị cật vấn gay gắt về nhân quyền, vị thế của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế là rất thấp. Nhà nước độc đảng-công an trị bị cô lập, lẻ loi đứng trơ ra là vì thế.
Muốn kiện Trung quốc, trước hết Việt Nam phải đủ tư cách là một thành viên của công đồng quốc gia thế giới, nói tiếng nói chung với ngôn ngữ của các nước dân chủ. Tiếng nói lạc điệu của ông đại tướng Bộ trưởng bộ quốc phòng tuyên bố trên diễn đàn đối thoại Shangri-La tới tai nhiều người khác nào một lời khuyên, các vị hãy im lặng, để anh em chúng tôi đóng cửa bảo nhau.
Một vài ngày trước khi kẻ cướp Trung quốc đâm đơn khởi kiện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Phú Bình còn lạc quan „ hiện nay không phải là giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta so với những cuộc đấu tranh ngoại giao trước đây“. Câu nói này theo tôi hàm chứa nhiều sự hàm hồ, ngộ nhận về một cục diện đã hoàn toàn đổi khác. Việt Nam ngày hôm nay không phải là Việt Nam dân chủ cộng hòa nỗ lực vì độc lập dân tộc. Im tiếng không ủng hộ Philippines kiện, và bằng những văn bản ký kết với Trung quốc về biên giới, thuê rừng, khai thác bauxite, thuê cảng lợi bất cập hại..., Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay đã tận tụy phó thân làm chư hầu toàn diện cho Trung quốc nào có cho ai ngăn cản.
Bất chấp thực tế lệ thuộc như vậy, sự đan xen nhiều mối quan hệ Việt Nam gắn sâu vào Trung quốc sẽ không là một cơ sở ngăn chặn một toan tính xâm lược. Nhìn về lịch sử thời hiện đại, đã có nhiều lúc người ta lầm tưởng rằng, móc được những mối quan hệ trao đổi, tạo được sự lệ thuộc về kinh tế, ký kết được những hợp đồng thương mại dài hạn và nói chung tạo được hẳn những thiết chế phụ thuộc lẫn nhau về kinh – tài, sẽ loại bỏ được nguy cơ chiến tranh. Lịch sử hiện đại, thấy được ở hai cuộc đại chiến châm ngòi trên những mô thức hợp tác trao đổi sâu rộng giữa các quốc gia, tuy nhiên đã không diễn ra như vậy, và nhân loại còn phải học lại bài học đó nhiều lần.
Huống hồ đây còn là một sự lệ thuộc áp đặt cho kẻ bị rút ruột toàn diện. Kẻ lệ thuộc phải đeo vòng kim cô ý hệ, tiêu thụ văn hóa của ông anh hảo lớ trên mọi kênh giao tiếp, ngồi bấp bênh trên ghế đu với cán cân thương mại thâm thủng, lại còn bị giữ chặt yết hầu ở những công trình trọng điểm. Hết làm tiền đồn, hiện giờ Việt Nam làm con mồi cho quái vật. Chủ nợ dễ bị dụ dẫn đến phát động binh đao đánh con nợ với tâm thế đằng nào cũng được cả. Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng múa nhanh theo gậy của Tập Cận Bình, đằng nào cũng múa vào mồm Bắc Kinh cả, không xơi thì để làm gì.
Trung quốc đã kiện trước, hẳn Việt Nam, bỏ lỡ nhiều cơ hội trước đó, bước đường cùng phải kiện. Việc kiện Trung quốc về chủ quyền hai quần đảo có thể dẫn tới việc lật lên nhiều lá bài và những mật ước. Để chuẩn bị về mặt nhận thức, người dân phải được làm quen và phải chịu đựng được sự sụp đổ của những huyền thoại gốc, những hào quang của lãnh tụ và lãnh đạo và sâu xa hơn nữa, những gì ngụy tạo làm nên chiến thắng và quang vinh cho một đảng muốn vĩnh viễn độc tài bất chấp quy luật lịch sử.
Hãy khoan nói tới tinh thần quật khởi của người Việt. Hiện nay người dân Việt Nam đều muốn tránh đổ máu, phải xem nội phản ít nhất nguy hiểm như ngoại xâm. Chúng ta đừng bàng quan, hãy kiên quyết nói không với lề thói ngoại giao „anh em“, kiên quyết lên án những mưu toan ráo riết đi đêm tiếp tục bán nước của người đứng đầu thể chế phi dân chủ.
Ý nghĩ, Liên Hiệp Quốc sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho Việt Nam và Trung quốc thương lượng để rút giàn khoan đi khiến tôi lo ngại ở một viễn cảnh. Có lẽ Trung quốc ra tay hơi sớm. Về lâu dài nhà nước của Tập Cận Bình cần một Việt Nam tay sai dặt dẹo về thể xác và tinh thần, như một con nghiện bấu víu làm ra 10 chi 6 cho quốc phòng và cho an ninh chỉ giỏi trấn áp „thù địch“ và „phản động“. Giàn khoan rút đi, nhưng cái thiết chế độc đảng tay sai với những lãnh đạo phò Trung quốc đứng đầu vẫn như một cỗ máy hắc ám treo lơ lửng trên đầu nhân dân Việt Nam. Chính cái thiết chế đó rước thêm vào nhà nạn binh đao, đưa đại họa về cho dân tộc.
©Phạm Kỳ Đăng
Bài đăng trên Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét