Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Biermann phá tung mọi khuôn khổ

Marcel Reich-Ranicki

Tranh © Gerdhard Richter, họa sĩ Đức

Wolf Biermann (1) có đáng được nhận danh hiệu Công dân danh dự của Berlin hay không?, Marcel Reich-Ranicki được bạn đọc hỏi như vậy. Câu trả lời của ông – một sự đánh giá về „nhà thơ ca hát“ đầy vòng quanh và cũng chính vì thế sao mà rõ nghĩa.

Wolf Biermann có đáng được nhận danh hiệu Công dân danh dự của Berlin không? Độc giả Georg Lutz từ Gießen hỏi như vậy.

Marcel Reich-Ranicki (2): Thông thường ra, ông ấy làm các ban biên tập rầu rĩ. Bởi ai sẽ đứng ra viết bài về tối trình diễn của ông ấy. Nhà phê bình văn học không mấy muốn viết, việc này có chút gì dành cho nhà phê bình âm nhạc chứ; và người này thì lại cho rằng, có lẽ để đồng nghiệp khác đứng ra đảm nhận, ấy là người chuyên trách về tạp kỹ và ca kịch. Nhưng có một điều chắc chắn: bởi qua ông, tương tự vậy như nơi khán giả, giới phê bình cũng bị phân cực, chí ít giới phê bình văn học. Ít khi ông bị bác bỏ, nhưng rất thường xuyên bị tẩy chay – đích danh bởi những nhà phê bình có tiếng và đã được công nhận. Họ bình phẩm vắng mặt.

Trong lịch sử văn chương Đức không thiếu các tác giả bị đi đày hoặc bị ruồng rẫy, bị bạo hành và ngược đãi trong các nhà tù và các trại tập trung. Mà thế đó một người, không được phép hát và xuất bản và tuy vậy được người ta đọc và lắng nghe, một người tượng trưng cho sự kháng cự cưỡng lại khủng bố suốt 11 năm trường, một người Đức như thế người đời không hề biết tới trước khi có ông: Wolf Biermann.

Trước khi tập thơ đầu của ông được in ra vào năm 1965 tại Berlin, thì ông- người công dân CHDC Đức- đã là một nhà thơ nổi tiếng, tại quê hương một kẻ viết những câu thơ được mọi người truyền tay: trên băng nhựa và trong vô số các bản sao chép. Như vậy – như tự ông nói lên điều này – ông đã trở thành „kẻ thù quốc gia được công nhận cấp nhà nước phải đeo rọ“, và như thế xuất hiện huyền thoại Biermann. Dạo đó ông đã có nỗi sợ nhà tù, nhưng nỗi sợ đã không có ông. Viết thơ và sáng tác nhạc, ông đã đem cả tự do, vâng sự sống còn của mình ra đánh đổi. Và đồng thời ông nhờ ơn thi ca của mình đã sống vượt qua trong phẩm giá và kết cuộc đã có thể chiến thắng: „ Giả như các nàng thơ không hôn tôi, những trùm quyền chức đã đập cho tôi chết“. Không phải là không có sự thỏa mãn, ông đã sớm tiên đoán cho các đồng chí cũng như kẻ thù của mình:

Các ngươi không dập đám cháy nữa
Các ngươi làm thứ các ngươi ngăn cản
Các ngươi đã làm cho ta nổi tiếng.


Biermann không cho sắp xếp mình vào loại nào cả, ông ấy không vừa vào một phác đồ và một ngăn tủ, người ta không thể dán nhãn lên ông, ông ấy phá tung mọi khuôn khổ. Ông là nhà sáng tác bài hát đang đau khổ, một nhạc sĩ quân phiệt và một người vui tươi mang tiếng nói nhân dân, một tay du ca chính trị, một nhà truyền giáo và nhà viết pamphlet, thậm chí ông là một tay hề, một nhà thuyết trình viên, một diễn viên tạp kỹ, một chàng hoạt náo viên và showmaster. Hoặc là có lẽ một nhà thơ, một nhà thơ ca hát? Trong số những nhà viết văn ông là một nghệ sĩ và trong số các nghệ sĩ ông là một nhà thơ.

Vào giữa những năm 1960, Heinrich Böll (3) đã cảnh tỉnh bạn bè và những kẻ thù của ông rằng: Ông sẽ không muốn a dua theo nữa, ông không muốn được cùn mòn đi như một „kẻ trông nom có máu mặt“ nữa, một trong những „cái cổ gân lên la hét được mang chức năng phụng vụ“. Liệu Biermann có muốn hay không điều đó, tương tự như Böll, ông phải luôn gây tác động với tư cách là nhà đạo đức và nhà sư phạm.

Khi nào tiện ông nói trong các bài hát và bài thơ của mình điều nhiều người đã biết nhưng không ai dám biểu đạt, cái điều tốt hơn cả được thầm thào dưới tấm chăn đắp. Vì điều đó người ta ca ngợi ông ở phía Tây, và đánh đập ông ở phía Đông; và nếu như ông ấy thưởng cho mình một khoảnh khắc nghỉ ngơi, thì bạn bè ông lại oán trách ông. Ông chịu đựng như một kẻ điên đến kêu ca nơi ông chủ - là Vua Lear: „ Các cô con gái của hoàng thượng muốn nọc hạ thần đòn roi, nếu thần nói lên sự thực. Hoàng thượng muốn đánh thần, nếu thần nói dối, và đôi khi thần ăn đòn roi, nếu thần ngậm miệng“.

Không nhờ sự phản đối mà nhiều tác phẩm của ông đã ra đời, không nhờ sự phản kháng mà nhờ tính khôi hài và khí chất của tác giả, sự hứng khởi của ông nơi tếu táo, sự hứng thú đùa cợt, tình yêu sự biểu diễn và sự ưu ái của ông dành cho cái nhẹ nhõm - giỡn chơi. Ông không chỉ giáo chúng ta gì hết, phải đóng một vai trò không là chuyện của ông – hay là thế này cũng nên, nhưng chỉ riêng một vai thôi: Wolf Biermann đóng Wolf Biermann. Và với ông xét nghiệm của Mephisto cũng đúng: „ Anh hãy thế luôn còn, như anh luôn là vậy“.

Đó là tất cả. Nhưng mà đâu đó tôi còn phải trả lời một câu hỏi: Wolf Biermann có xứng đáng được nhận danh hiệu Công dân danh dự của Berlin hay không?“! Ôi chao, tôi tin rằng, tôi trả lời câu hỏi này rồi.


03.05.2007


© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Chú thích của người dịch:

(1) Wolf Biermann: Ca sĩ, sáng tác bài hát, nhà thơ, sinh năm 1936 tại Hamburg, con trai một người cộng sản Do thái chết trong trại tập trung Auschwitz *1950 đại diện CHLB Đức ông tham gia Liên hoan thanh thiếu niên thế giới lần đầu tiên tại CHDC Đức *1953 di cư sang Cộng hòa dân chủ Đức (CHDCĐ), học Triết học, Kinh tế - Chính trị học và Toán tại trường Tổng hợp Humboldt (1955-1963) *1957-1959 Trợ lý đạo diễn ở đoàn kịch Berliner Ensemble *1960 Bắt đầu viết thơ và sáng tác bài hát* Xây dựng nhà hát kịch Công nhân và Sinh viên *1962 In tập thơ „Những bài thơ tình“ *1963 Bắt đầu tình bạn với nhà khoa học bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của CHDC Đức Robert Havermann. *1965 bị chính quyền CHDC Đức cấm biểu diễn và cấm xuất bản với tội danh „Phản bội giai cấp“ và „Tục tĩu“, sau những buổi trình diễn và chuyến du ca dọc CHLB Đức, và đặc biệt sau khi ông in tập thơ Drahtharfe (Thụ cầm dây thép) và ra đĩa hát *Tháng 12 năm 1965 Trung ương Đảng SED (Công nhân Xã hội thống nhất Đức) ra nghị quyết cấm ông biểu diễn và xuất bản. *Những tập thơ ông xuất bản thuộc về những tác phẩm của văn học hậu chiến được độc giả mua nhiều nhất *Sự tước đoạt quốc tịch Wolf Biermann đẩy ông sang Tây Đức vào năm 1976 gây ra sự phản kháng rộng lớn trong giới trí thức và sinh viên hai miền nước Đức, và từ đó ông như biểu tượng cho giới trí thức đối lập, phê phán chế độ, chống lại chủ nghĩa toàn trị của CHDCĐ. *1984 Giảng viên thỉnh giảng tại Ohio State University/USA. 1993-1995 Giáo sư thỉnh giảng tại trường Tổng hợp Heinrich-Heine-Universität *Nhận nhiều giải thưởng Văn chương *2006 Nhận Huân chương chữ thập Liên bang – Bundesverdienstkreuz và 1907 được bầu làm công dân danh dự của Berlin.

(2) Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

(3) Heinrich Theodor Böll (1917-1985): Nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả người Đức, giải thưởng Nobel văn chương năm 1972.

Tranh của © Gerdhard Richter (sinh năm 1932), họa sĩ Đức đương đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...