Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Imre Kertész tạ thế. Ông đến từ Hư vô, để rồi viết về nó

Hubert Spiegel      


Tranh © của Robert Rauschenberg (1925-2008) họa sĩ Mỹ

Người ta không chở ông đi tới Auschwitz, để ông nhận giải thưởng Nobel, mà để giết chết ông: Tưởng niệm ngày mất của Imre Kertész.

Ông coi cái Ác có thể cắt nghĩa được, cái Thiện mãi với ông là điều bí hiểm. Ông là một tầm vóc vĩ đại của văn chương thế kỷ 20, người đến từ một dạng thức đặc biệt của Hư vô, cái mà
suốt cuộc đời ông đeo đuổi viết về nó. Một người vĩ đại của sự phủ định và của cái nhìn không nhân nhượng, bởi bị cướp đi hầu như mọi ảo tưởng có thể nghĩ ra được, mà tuy thế vẫn tin vào lòng tốt. Không là đức hạnh, mà là sự biểu dương phản lý tính của ý chí tự do, của một sự tự do cực điểm hướng thượng tìm thấy dấu ấn của mình“ bất chấp tất cả những gì là có“, như nhà nghiên cứu văn học Lásló F. Földényi đã diễn đạt.

Imre Kertész, vào năm 1944 sát lúc cậu bé tròn mười bốn tuổi, trên sân của một doanh trại cảnh sát, đã hơn nửa giờ đồng hồ phải nhìn vào nòng khẩu súng máy chĩa vào ông, đã sống qua khỏi trại tập trung của những người Quốc xã, nhưng ông đã làm việc này như kẻ „không số phận“ để lại một phần con người mình trong các trại tập trung. Những gì ông lẽ ra phải học được ở đây, cụ thể là nhận ra sự „nhỏ nhen của con người, của cá tính và sự hiện tồn của chúng ta“, thứ ông đã miêu tả trong các tác phẩm của mình theo một cách thế phi lý riêng biệt, nhằm để xác chứng lại và đồng thời bác bỏ nó. Năm 1962, khi ông lần đầu trở lại Auschwitz sau giải phóng, ông đã lạc đường như một người dưng trên những sân chơi lạ và bất chợt nhận ra“ cái gì được người ta thông thường ra coi là điều đã trôi qua, sao quí giá đối với tôi, chính là thứ có cơ biến đi mất“. Dựa vào trí nhớ của mình, ông đã quyết định " sáng tạo lại tất cả từ đầu".

Giải tà ma cho các trại tập trung

Imre Kertész đã hiểu những trại tập trung là hậu quả, mà không là nguyên nhân sự mất mát nhân tính của thời đại mới, ông đã giải tà ma chúng trong các tác phẩm của mình và với đó đồng thời đã nghi vấn liệu rằng Auschwitz đã từng bao giờ thôi không tồn tại, nếu những tiền đề cần thiết để Auschwitz xuất hiện và vận hành được qua nhiều năm, thế đó, đã ngừng tồn tại hay chưa: „ Có thể bản thân quỷ sa-tăng như Jago không lý trí nhưng sinh thể nó tạo ra là những sinh vật rất đỗi lý trí, tất cả những hành động của chúng cho dẫn xuất ra như một công thức toán học“, ông viết vậy trong cuốn „Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời“ - phần thứ ba xuất bản năm 1990 của bộ tứ không số phận -, vào năm 1975 Kertész đã khai mào với cuốn „Tiểu thuyết của người không số phận“.

Điều nghịch lý, chính cái dùng nhiều cấm kỵ áp đặt sự lên tiếng nói về Auschwitz – cái lũy thành của lý trí - đã bị Kertész quét phăng đi bằng một câu nói xứng đáng được coi là một biểu đạt quyết đoán nhất trong văn chương của thế kỷ 20. Nếu như trong „Tiểu thuyết của người không số phận“ Kertész nói về „sự may mắn của những trại tập trung“, chúng ta được phép hình dung ra ở đó nụ cười đặc trưng của tác giả, nét mặt thường xuyên gây hứng thú, dễ chuyển sắc thái sang ngay một nụ cười mà người bạn và đồng nghiệp của ông đã miêu tả:“ Đó không phải là cái nhăn mặt, ấy thế nhiều hơn là một nụ cười, cha của ông ấy là tiếng hí, mẹ ông là chuỗi cười dội lại. Chúng ta phải nói về cái chút gì thuộc kiểu cười này, sự giản phác và bản nhiên buồn cười của ông, sức lực, sự tươi vui, sự chán nản, sự viên mãn, sự cô đơn của ông ấy“. Gần như có vẻ như đích xác ở đây Kertész muốn đan lồng vào ý tưởng, nếu như năm 1993 ông nói rằng con người chỉ đã phát minh ra hài hước vì sự bất toàn của Chúa. Nếu như Chúa hoàn hảo, hẳn đã không có tiếng cười. Cho nên có thể hiểu cái cười nọ như là minh chứng về Chúa chăng?

Ở phần kết cuốn tiểu thuyết với tiêu đề „Tiếng cười“ mà người kể ngôi Tôi trong tiểu thuyết „Kinh cầu“ dự định viết, người anh hùng cần phải được chỉ ra ngồi trên mặt đất, „như anh ta vươn ra trước, bật ra sau, bị lắc lên bởi một chuỗi cười không sao dập tắt được.“ Một màn kịch cỡ Beckett (2): Người hùng cô đơn cười và ở đó lắc hết ra trước lại về sau vào cái Hư vô, bóng tỏa che của Chúa, và lại nhao ra phía trước vào cái phi lý, sự tồn tại của con người, của cuộc đời mà vào tháng Mười năm 2001 Kertész nói trong một cuốn nhật ký của ông rằng đó là một sự nhầm lẫn dẫu cái chết cũng không thể sửa sai: „Con người kiến lập cuộc đời hắn trên một điều lừa dối, bởi vì hắn không thể khác. Cái chết tuy chấm dứt được điều dối trá, tuy vậy không đặt sự thật vào chỗ thay thế, cùng lắm nó chỉ phục vụ cho sự nhận ra dối trá khiến cho rụng rời.“

Ở đây những tưởng Kertész cũng có thể nói về sự nhận biết tình cảnh làm ta rụng rời, nhưng mà trong mắt ông, sự khác biệt có thể lớn đến mức độ nào đây: Năm 1955 ông đã nhận ra tình cảnh của riêng mình trong một khoảnh khắc gần như thăng đồng, cái ông đã mô tả lại không ch trong cuốn tiểu thuyết „Fiasko“ của mình mà còn ở Diễn từ nhận giải Nobel năm 2012: ấy là đứng trên một hành lang của một ngôi nhà công sở không người, ông nghe tiếng chân của một kẻ bước lại gần, „và dẫu chúng chỉ từ một người vô hình duy nhất, bất giác trùm lên tôi cảm giác, cứ như tôi vừa cảm thấy bước chân của hàng trăm người. Cứ như thể có một đoàn quân diễu lại, với bước chân ầm vang, và bất giác tôi hiểu ra, từ đoàn diễu hành
có lực cuốn xoáy nào đã tỏa ra từ những bước chân vang di này.“

Viết là một hình thức tồn tại

Những gì cảm nhận ở đây chính là sức hút nam châm của đám đông và điềm báo trước của sự tự hy sinh bản thể mình trong ngây ngất. Cái ông tìm thấy là một chút gì khác hơn:“ Cuộc đời tôi, tôi hầu như đã mất.“ Kertész mới 27 tuổi đầu, kẻ sống qua các trại tập trung Auschwitz và Buchenwald, mất cha mẹ dưới tay những người quốc xã và mất ông bà(1) dưới tay những người cộng sản, khi ông nhận ra trong việc viết hình thức sinh tồn duy nhất khả thể đối với ông. Điều chi tách biệt ông khỏi văn chương trong những dạng thức phổ cập nhất cho tới thời điểm đó, chính là chủ đề của văn chương tự bản thân ông sẽ sáng tạo ra. Auschwitz là cái tên của „đường phân ranh này“.“Nếu ai đó viết về Auschwitz, kẻ đó phải ý thức rõ được rằng, Auschwitz, ít nhất trong một ý nghĩa nào đó, vượt trên văn chương.“

Mười ba năm Kertész miệt mài với cuốn „Tiểu thuyết của người không số phận“, khi ông xử lý những nghiệm trải của mình trong các trại tập trung và để làm điều này ông sử dụng hình thức tự truyện mà không hề lảng vảng nghĩ tới một tiểu sử. Tính tự thuật lớn nhất ở cuốn sách này, ông nói với một điều nghịch lý đặc trưng, là ở đó không hề có chút gì tự sự cả. Kertész hiểu tiểu thuyết là „việc tự thân“, văn chương trở thành thuốc chữa bảo tồn cuộc sống, thành chất độc trị độc giúp cho ta trì hoãn sự quyên sinh. Cái bút bi hiện ra như „ổ nhiễm trùng“, từ đó chữ chảy ra như mủ, có lúc „ như là một ống tiêm đâm thẳng vào ven tôi“, từ đó văn bản bằng chữ đỏ chảy ròng ra giấy, có lúc lại như một cái thuổng người viết dùng nó tự đào huyệt chôn cho mình“ cần mẫn như một công nhân cưỡng bách, ngày lại ngày người ta huýt còi ra, để hắn xắn thuổng sâu hơn, để cây vĩ cầm réo rắt âm tối hơn và chơi ngọt ngào hơn khúc tử thần“.

Một năm trước khi ông được tặng thưởng giải Nobel, ông đã nói, tuy viết về Auschwitz „ nhưng họ không mang tôi đi Auschwitz để tôi nhận giải thưởng Nobel, mà để giết tôi đi“. Tất cả những gì sau đó xảy ra với tôi vượt khỏi phạm vi đó, là truyện tương truyền“. Trong „Kinh cầu“, người kể chuyện ngôi Tôi tả lại, mình đã ốm nằm trong trại và chờ suất ăn dưng sức lại bị nhầm lẫn đem cho một người khác ngay lập tức thoát khỏi tầm mắt. Mà thế bất chợt người đó xuất hiện và đặt suất ăn lên cáng khênh cho cậu bé mới lớn. Theo lô-gic của trại tập trung đó là một hành động đi ngược lý trí. Theo lô-gic của người kể mang ngôi Tôi thì đó là một động tác của lòng tốt không sao giải thích nổi (vì) giảm thiểu cơ hội sống sót của người đó. Và đồng thời nó có nghĩa là „ cơ hội thực duy nhất của cậu, để sống qua“. Trong tinh thần đó Kertész muốn được hiểu sự ưu tư day dứt của ông về Auschwitz như là một phản hồi về tương lai khả dĩ của nhân loại. Vào ngày thứ Năm tại Budapest, nơi không bao giờ thành lại quê hương của ông,
Kertész đã tạ thế ở tuổi 86.

31.03.2016
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên bài tiếng Đức

Nguồn: FAZ http://www.faz.net/…/imre-kertesz-ist-im-alter-von-86-jahre…

Chú thích của người dịch:

Imre Kertész sinh năm 1929 tại Budapest. Tháng Bảy năm 1944 ông bị áp chở đi Auschwitz, kế đó vào trại tập trung Buchenwald. Sau khi được giải thoát ông làm báo, từ 1953 hoạt đông với tư cách nhà văn và dịch giả. 1960 ông bắt tay viết Tiểu thuyết người không số phận, xuất bản 1975 ở Hungary. Một bản dịch mới sang tiếng Đức năm 1995 khiến ông nổi tiếng thế giới. Năm 2002 Kertész nhận giải Nobel văn chương.

Hubert Spiegel (sinh năm 1962): Nhà báo và nhà nghiên cứu văn học. Từ 1993 biên tập viên tờ FAZ, hiện phụ trách mảng văn chương và đời sống văn học của tờ này.

(1) Thời Cộng hòa xô viết Hungary (Magyarországi Tanácsköztársaság), năm 1919 sau cách mạng tháng Mười Nga các xô viết tại Hungary đã lập các tòa án xử tử nhiều người được cho là phản cách mạng.

(2) Samuel Barklay Beckett (13 tháng 4 năm 1906 – 22 tháng 12 năm 1989) là nhà văn, nhà viết kịch Ireland đoạt giải Nobel Văn chương năm 1969.

Tranh © của Robert Rauschenberg (1925-2008): Họa sĩ, nhà đồ họa và nhiếp ảnh Mỹ, một trong những người mở đường cho nền nghệ thuật Pop Art của thế kỷ 20.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...