Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Nhà vua không đăng quang của Ba Lan

Marcel Reich-Ranicki (1)     
       
Tranh của © Pablo Picasso (1980-1973)

Joseph Conrad là nhà văn Ba Lan duy nhất nổi tiếng thế giới. Văn chương Ba Lan được yêu mến như vậy tại quê hương, trái lại ở nước ngoài, tìm rộng khắp không mấy ai biết đến, vậy thì nguyên nhân nằm đâu? Marcel Reich-Ranicki tìm câu trả lời.

Dẫu rằng sống ở Ba Lan, tôi biết rất ít về văn học Ba Lan. Có thể đưa ra đánh giá gì về nó? Jürgen Wiedemann từ Warszawa nêu câu hỏi.

Marcel Reich-Ranicki: Ai tìm cách khai mở văn chương Ba Lan cho độc giả không phải người Ba Lan, chẳng mấy chốc sẽ phải kết luận rằng, nền văn chương đó đã kháng cự lại những nỗ lực kiểu này một cách đáng ngạc nhiên. Được yêu chuộng và tôn thờ nơi quê hương, nhưng tại vùng đất xa lạ hầu như thực chưa bao giờ, hoặc là, ở một quãng thời gian lâu hơn, nền văn chương này có thể khẳng định được chỗ đứng. Một người Ba Lan gặt hái thành công tầm thế giới trong văn học chính là Józef Korzeniowski (2). Chỉ có điều ông không viết bằng tiếng Ba Lan, mà viết bằng tiếng Anh. Ông ấy sử dụng bút danh Joseph Conrad.

Vậy mà nhà văn duy nhất thực sự người Ba Lan đạt thành tựu tầm quốc tế lâu bền là nhà văn nhận giải thưởng Nobel vào năm 1905, Henryk Sienkiewicz (3), tác giả của những tiểu thuyết lịch sử dân dã, xưa ở thế giới phương Tây từng gây ra hào hứng nơi đông đảo người đọc, tuy không nhất thiết ở giới phê bình, và cũng là nhà văn không được người đồng bào coi là đại diện lớn nhất của nền văn học quê hương và ông gần như bị rơi vào quên lãng.

Văn chương Ba Lan đạt đến đỉnh cao của mình trong những bản trường ca thơ, kịch thơ và hơn tất cả, trong những bài thơ trữ tình. Sự chuyển tải ngang tầm thơ ca này ra một thứ tiếng khác, cả sang một ngữ tộc hệ slav, phần nhiều trường hợp thường là không thể, hoặc hoàn toàn bất khả. Tuy nhiên những khó khăn thuần túy về ngôn ngữ, nghiêm trọng đến thế nào chăng nữa, cũng không thể nào cắt nghĩa được sự phổ biến ít ỏi của nền văn học Ba Lan. Bởi vì lý do quyết định nằm trong cái tính chất đặc thù của văn chương Ba Lan mà chính đồng thời nhờ vào đó nó có được và đóng được vai trò đặc biệt từ khoảng một thế kỷ rưỡi nay trong đời sống Ba Lan.

Bởi Ba Lan, từ khi kết thúc thế kỷ 18 cho tới cuối đại chiến thế giới lần thứ nhất, đã biến mất khỏi bản đồ châu Âu, nên trong khoảng thời gian này chất lên vai các nhà văn một nhiệm vụ lấn át chất nghệ thuật và tri thức. Không phải các vị quân chủ, các nhà chính khách hay các tướng quân – và cũng chẳng phải các triết gia và các v tu sĩ- đại diện cho khát vọng dân tộc mà mục đích là sự tái thiết nhà nước Ba Lan, mà chính là những người diễn đạt nỗi khổ đau và ước vọng của dân tộc. Những nhà thơ trở thành thánh thi dân tộc và đồng thời một thẩm quyền đạo đức cao nhất.

Adam Mickiewicz (4), nhà thơ đại diện của đất nước, trong thời gian lưu vong gần như đã là vị vua không đăng quang của Ba Lan. Ông đã thành lập quân đoàn Ba Lan, gửi tâm thư tới các chính phủ, đã được Giáo hoàng công nhận là người đại diện không chính thức và thế đó được công nhận của Ba Lan. Cho nên không thể coi là ngạc nhiên ngày hôm nay ông, cũng như một nhà thơ lớn khác của thời đại đó, an nghỉ trong nhà thờ thành lũy Wawel của Krakow, nơi các quan quách với nhiều hài cốt của các vị vua chúa Ba Lan được quàn trong đó.

Năm 1849 Mickiewicz viết „ Không ai trong chúng tôi coi mình là một nhà thơ phi chính trị“. Liên quan đến bậc thầy hay là các tác giả hạng hai, liệu rằng họ gây tác động bên dòng sông Wisla (5) hay trong lưu vong, họ đối mặt với yêu cầu của ngày nhật, họ luôn nghĩ suy về sự khả dụng của khía cạnh nhà nước - công dân trong những cuốn sách của mình.

Goethe của Ba Lan

Nghệ thuật và cuộc đời: không được phép phê bình Adam Mickiewicz - ông hoàng thi ca Ba Lan - ít nhất cho tới cuối đại chiến thế giới lần thứ nhất. Tại Đức, thiên sử thi dân tộc tuyệt vời của ông đã không tìm ra độc giả mặc dù có hàng nhiều bản dịch.

Dạo đó, khi nhà nước Ba Lan không còn tồn tại nữa, văn chương Ba Lan đã luôn có trách nhiệm nhiều hơn là quyền. Người Ba Lan đã kháng cự lại sự giéc-manh hóa và sự nga hóa. Văn chương cần phải gìn giữ lấy dân tộc đang có nguy cơ xảy đàn tan nghé, thay thế nhà nước đã không còn nữa. Người ta luôn chờ đợi ở nhà văn và nghệ sĩ hiến tế tất cả trên bàn thờ của tổ quốc. Adam Mickiewicz đã bực bội Chopin vì ông đã sáng tác các bài valsemarzurka, dẫu sao cũng là những tác phẩm thiên tài. Ông đòi hỏi nhạc sĩ hết sức nghiêm túc sáng tác một vở opera dân tộc mang tính Ba Lan. Một nhà phê bình Ba Lan của những năm 20 còn đi xa tới mức tuyên bố rằng: „Chúng tôi thậm chí không có văn chương. Chúng tôi có một cô hầu yêu nước phục vụ cho tất cả.“

Mickiewicz hiện thân một cách nổi trội nhất cho mẫu lý tưởng Ba Lan về người thi sĩ. Trong tiểu sử cũng như trong tác phẩm của ông được biểu đạt một cách trong sáng nhất sự tổng hòa giữa nghệ thuật và cuộc sống, của tinh thần và hành động. Chỉ nếu khi người ta chú tâm xét đến bi kịch dân tộc của người Ba Lan, trong thế kỷ 19 lại còn gia tăng khuynh hướng của dân tộc ngả theo huyền sử và tôn giáo, thì người ta có thể hiểu được rằng, không được phép phê bình chẳng những Mickiewicz mà còn cả hai người quan trọng nhất cùng thời là Slowacki (6) và Krasinski (7), ít nhất cho đến đại chiến thế giới lần thứ nhất.

Không hề có Stanislaw Wokulski (8)

Họ được nâng lên hàng gần như thánh thần của dân tộc, và ai dám cả gan nói điều phê phán về các „nhà tiên tri“ này, người đó ngay lập tức sẽ bị cáo giác phản bội tổ quốc. Trong quá khứ khoảng tới những năm 20 của thế kỷ trước, mối quan hệ của người Ba Lan với Mickiewicz có thể đem ra so sánh với quan hệ của người Đức với Goethe, của người Anh với Shakespeare và người Pháp với Molière. Sự kiện năm 1919 một nghệ sĩ - nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano Ignacy Paderewski - trở thành một thủ tướng của nhà nước tái thành lập là điều gây ngạc nhiên với thế giới phương Tây, nhưng với người Ba Lan thì không.

Đập vào mắt tôi trên đường phố đẹp nhất của Warzawa là một tấm bảng tưởng nhớ, rất thông dụng như người ta tìm thấy chúng trên mọi thủ đô châu Âu. Dòng chữ tạc ghi là thứ khiến tôi sửng sốt. Nói lên rằng, xưa kia trong ngôi nhà này đã từng có cửa hàng của Stanislaw Wokulski. Nhưng ở Warzawa chưa bao giờ từng có một người dân mang tên này. Bởi vì Wokulski là một nhân vật phát minh ra, khởi tích từ một cuốn của những tiểu thuyết Ba Lan thành công nhất, tức là „Puppe“ (Lalka) của Boleslaw Prus(9), xuất bản năm 1889.

Những đòi hỏi của kiểm duyệt

Văn chương Ba Lan càng đi sát thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của mình, ở mức nhiều hơn càng không thể hiểu đối với người nước ngoài và càng phải lệ thuộc vào bình giải. Thiên sử thi của dân tộc Ba Lan „ Pan Tadeusz“ của Mickiewicz bắt đầu bằng những câu „Ôi Litva, tổ quốc của tôi“. Độc giả Đức cần thiết một lời chú giải. Thơ với những lời chú giải thế ư? Điều này, tôi e ngại giống như yêu đương với cẩm nang hướng dẫn làm tình trên tay. Thiên sử thi tuyệt tác „Pan Tadeusz“ đã năm lần được dịch ra tiếng Đức và thế đó ở nơi đây không tìm ra độc giả.

Nền văn chương này, luôn sâu sắc bận lòng với những vấn đề của dân tộc, nếu không gọi là địa phương và cũng luôn phải tìm cách lẩn tránh những yêu cầu của kiểm duyệt, ít nhất là chế độ kiểm duyệt Sa hoàng, như vậy đó đã khó có thể tìm thấy tiếng vang ở nước ngoài. Hơn thế ở văn chương Ba Lan những tác phẩm thơ (bài thơ, trường ca, kịch thơ) còn bản nguyên một cách đáng kể hơn các tác phẩm văn xuôi. Người ta đã biên dịch nhiều tác phẩm này sang tiếng Đức, đó là những bản dịch tệ hơn hay khá hơn chút ít, nhưng tất cả đều chung một điểm: chúng mang lại nguyên khí, vẻ quyến rũ của nền thơ ca này rất ít ỏi hoặc không một chút gì cả.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Bài gồm 2 phần trên FAZ http://www.faz.net/…/fragen-sie-reich-ranicki-polens-ungekr…
http://www.faz.net/…/fragen-sie-reich-ranicki-der-polnische…

Chú thích của người dịch:


(1) Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức, người được tôn vinh là Giáo hòang văn học.
(2) Józef Korzeniowski, tên tiếng Anh Joseph Conrad (1857-1924) : Nhà văn Anh người Ba Lan, một trong những nhà văn quan trọng nhất của nước Anh thế kỷ 20.
(3) Henryk Sienkiewicz (1846-1916): Nhà văn Ba Lan, đoạt giải thưởng Nobel văn học.
(4) Adam Mickiewicz: (1798-1955): Thi hào Ba Lan, một trong ba vị Thánh thi.
(5) Ám chỉ nước Ba Lan bên sông Wisla.
(6) Juliusz Słowacki (1809–1849): Nhà thơ Ba Lan, thuộc về bộ ba Thánh thi.
(7) Zygmunt Krasiński (1812–1859); Nhà thơ Ba Lan, thuộc về bộ ba Thánh thi.
(8) Stanislaw Wokulski: Nhân vật văn học trong cuốn "Búp bê".
(9) Boleslaw Prus (1847-1912): Nhà văn, đại diện quan trọng của văn chương Ba Lan và của văn chương thế giới.


Người đàn ông với cây đàn violin- Tranh của © Pablo Picasso (1980-1973): Họa sĩ, nhà đồ họa, điêu khắc, và làm gốm người Tây Ban Nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...