Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Tôi yêu đàn bà những người ngàn năm trước

Hermann Hesse (1877-1962)

Tranh của Leonardo da Vinci (1452-1519)

Tôi yêu đàn bà, những người ngàn năm trước
được các nhà thơ yêu dấu và ngợi ca

Tôi yêu những thành phố, lũy tường trống vắng
mặc tưởng những dòng tộc vua chúa thời xưa

Tôi yêu những thành phố, sẽ hồi sinh
Nếu hôm nay chẳng còn ai sống trên mặt đất

Tôi yêu những người đàn bà - mảnh mai, tuyệt diệu
Bướng bỉnh an nghỉ trong lòng năm tháng

Sẽ có ngày, với sắc đẹp nhạt nhòa tinh tú
Họ sánh cùng vẻ đẹp của những giấc mơ tôi.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ich liebe Frauen, die vor tausend Jahren

Hermann Hesse (1877-1962)

Ich liebe Frauen, die vor tausend Jahren
Geliebt von Dichtern und besungen waren.

Ich liebe Städte, deren leere Mauern
Königsgeschlechter alter Zeiten betrauern.

Ich liebe Städte, die erstehen werden,
Wenn niemand mehr von heute lebt auf Erden.

Ich liebe Frauen – schlanke, wunderbare,
Die ungehorsam ruhn im Schoß der Jahre.

Sie werden einst mit ihrer sternenbleichen
Schönheit der Schönheit meiner Träume gleichen.

Bản tiếng Anh (tham khảo)

I love women

Hermann Hesse (1877-1962)

I love women who were
beloved and sung by poets a thousand years ago.

I love cities whose empty walls
lament the kin of kings of ancient times.

I love cities that will still exist
when no one from today lives on the earth.

I love women-- slim and marvelous--
who restively sleep in the lap of the years.

Sometimes with their star-pale beauty
they match the fairest of my dreams.

Chú thích của người dịch

Hermann Hesse: (Hermann Karl Hesse, cũng dưới bút danh Emil Sinclair, 1877 - † 1962) nhà văn, nhà thơ và họa sĩ. Ông nổi tiếng thế giới với những tác phẩm văn xuôi Siddhartha hoặc Steppenwolf (Sói đồng hoang) cũng như với những bài thơ như bài Stufen (Những bậc thang). Năm 1946 Hesse nhận giải thưởng Nobel văn chương và Huân chương Pour le mérite của Viện Hàn lâm Nghệ thuật.

Tranh của Leonardo da Vinci (1452-1519)

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Làm chính khách có được đời sống sạch?

Phạm KĐăng

           Tranh của Horst Janssen , họa sĩ Đức (1929-1995)        

Một thời người ta tôn sùng quá đáng vị thế nhà thơ, nhà văn, chất cho một người gánh hàng vào chợ nhiều thứ quá khiến người văn sĩ mất trọng tâm, nhiều kẻ mất thăng bằng nghiêm trọng. Nhất là khi thiên chức họ được bốc đồng bởi các nhà chính trị. Nhà thơ Sóng Hồng đã chẳng từng cao hứng: „Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ“.

Xoay ra ngay một chế độ chuyên chế trói buộc nhà thơ, nhà văn ăn cơm theo kẻng và túc trực đồng ca, sinh hoạt theo nghị quyết và sáng tác ở trại. Cốt để đồng thanh ca ngợi sự nghiệp của lãnh tụ, lãnh đạo độc tài. Ngoài thông lệ ra người cầm bút nào phản kháng lại, họ đối mặt với tù đày và bức hại.

Nhà thơ nhà văn như chim lồng cá chậu bởi thế không thoát khỏi vai đóng kép đôi vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Trớ trêu thay xã hội nhân quần chờ đợi họ quá nhiều, yêu mến cũng quá nhiều, ắt sẽ tới lúc thất vọng và khinh bỉ họ vượt mức. Và các văn sĩ - nạn nhân thời nào đó sống trong phức cảm tự cao hay tự ti đều là thái độ của người chưa hẳn biết mình đang tại vị nơi đâu.

Được ngợi ca, tung hứng bằng bộ máy tuyên truyền rầm rộ ấy mà thế cái chế độ của những chính trị gia độc tài, của đảng phái chuyên chế lún mãi vào tồi tệ. Đến cái mức mà người dân đen suốt ngày kiếm kế sinh nhai chán nản và tuyệt vọng. Mất niềm tin khiến mọi người đều tột độ hoang mang về chính trị và người làm chính trị. Công luận hầu như chết rấp không đi xa hơn kết luận, rằng không nên tham gia vào chính trị; chính trị là bẩn thỉu và các nhà chính trị tất cả đều thủ đoạn và bịp bợm. Nhận định được coi như chân lý phổ biến, khỏi phải bàn.

Khá bất ngờ, tôi đọc được điều này ở bài phỏng vấn nhà văn nữ Dương Thu Hương:

„Những người làm chính trị là những người có mục đích. Vì vậy, tôi nói tôi chỉ làm giặc chứ không làm chính trị gia. Vì làm chính trị gia khó tránh khỏi phải thoả hiệp, trong đó bao gồm sự gian dối và đạo đức giả... Tôi không bao giờ lệ thuộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào và do đó trong chuyện này, nhà văn tự do hơn chính trị gia nhiều.“

Đọc mãi câu này tôi có cảm giác, nhận định không đóng khung vào một thể chế lịch sử nào, chẳng mấy vượt xa khỏi định kiến phàm tục về các chính trị gia. Mà là nhận định của nữ nhà văn tôi kính trọng mang nhiều ước vọng.

Tuy nhiên mang ước vọng về một nền dân chủ - công bằng, người cầm bút giải thoát được khỏi quan hệ chủ tớ có nên huyễn hoặc mình về vị thế riêng tây được mặc định là cao hơn, có nên dập tắt mọi hy vọng vào giới làm chính trị nói chung khi tranh đấu xung quanh một thể chế xã hội?
 

Tôi nghĩ rằng không!

Thay vì ảo tưởng mở tầm suy tưởng, người cầm bút nên chăng hướng tầm nhìn vào viễn tượng.

Cho dù chủ nghĩa dân túy đang lấn lướt, cá nhân tôi tin vào một chế độ dân chủ đảm bảo những quan hệ mang tính khế ước xã hội cho các nhà chính khách và cả các nhà thơ nhà văn nữa thoát mọi định kiến sống hữu ích với xã hội và sống tốt cùng nhau. Riêng ở giới chính khách, nhiều câu chuyện về các nhà chính khách Mỹ và phương Tây đi tàu công sở, xếp hàng mua bán, sống như thường dân, rơi nước mắt cảm động là điều thật sự. Những người do dân bầu ra từ thôi thúc nhiều mặt, họ có quyền ra quyết định đúng đắn và quyền mắc lầm lỗi như mọi công dân. Mà thế đó họ được sống một cuộc đời như mọi người có ý thức về phẩm giá và tinh thần liêm chính.


© PKĐ
 
Tranh: Chân dung Johann Wolfgang von Goethe


Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

Tranh màu mực của Horst Janssen, họa sĩ Đức (1929-1995).

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Thành phố đẹp xinh

Georg Trakl (1887 - 1914)


Tranh của August Macke (1887-1914), họa sĩ Đức

Những quảng trường cũ im lìm trong nắng
Đan thẫm màu trong vàng rỡ, lam xanh
Vẻ thơ mộng, các ni cô dịu hiền hối hả
Dưới hoàng dương oi ả lặng thinh.

Từ những nhà thờ nâu, nắng soi
Ngó ảnh hình thần chết tinh khôi
Những tấm khiên đẹp của các ông hoàng vĩ đại.
Trong nhà thờ những chùm đèn lóng soi.

Thiên lý mã từ miệng giếng hiện ra
Từ cây cối bật ra móng chồi hoa
Các cậu trẻ tung tăng nô đùa từ giấc mộng
Lặng lẽ nơi đó bên giếng nước đêm đêm.

Các cô gái đứng bên cổng thành
Ngượng ngịu nhìn đời màu sắc bao quanh
Run bắn lên những làn môi ẩm ướt
Và các cô chờ đón ở cổng thành.

Run rẩy bay xa tiếng chuông ngân
Vọng tiếng gọi canh, nhịp bước quân hành
Những kẻ lạ nghe ngóng trên bậc bước
Âm đàn organ cao vút trời xanh.

Những nhạc cụ lanh lảnh cất tiếng ca
Qua những khung cửa vườn kết hoa
Lảnh lói tiếng cười những quí bà xinh đẹp.
Những bà mẹ trẻ khẽ hát ca.

Nơi cửa sổ trồng hoa thầm đưa thoảng
Mùi nhang, muội khói và tử đinh hương
Những hàng mi rũ mệt ánh bạc kim
Lấp lánh qua những bông hoa bên cửa sổ.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Die schöne Stadt

Georg Trakl (1887 - 1914)

Alte Plätze sonnig schweigen.
Tief in Blau und Gold versponnen
Traumhaft hasten sanfte Nonnen
Unter schwüler Buchen Schweigen.

Aus den braun erhellten Kirchen
Schaun des Todes reine Bilder,
Großer Fürsten schöne Schilder.
Kronen schimmern in den Kirchen.

Rösser tauchen aus dem Brunnen.
Blütenkrallen drohn aus Bäumen.
Knaben spielen wirr von Träumen
Abends leise dort am Brunnen.

Mädchen stehen an den Toren,
Schauen scheu ins farbige Leben.
Ihre feuchten Lippen beben
Und sie warten an den Toren.

Zitternd flattern Glockenklänge,
Marschtakt hallt und Wacherufen.
Fremde lauschen auf den Stufen.
Hoch im Blau sind Orgelklänge.

Helle Instrumente singen.
Durch der Gärten Blätterrahmen
Schwirrt das Lachen schöner Damen.
Leise junge Mütter singen.

Heimlich haucht an blumigen Fenstern
Duft von Weihrauch, Teer und Flieder.
Silbern flimmern müde Lider
Durch die Blumen an den Fenstern.

Bản tiếng Anh (tham khảo)

The Beautiful City

Georg Trakl (1887 - 1914)

Old plazas remain in sunny silence.
Deeply spun in blue and gold
Soft nuns hasten dreamlike
Under the sultry beech trees' silence.

Out of the brownly illuminated churches
Death's pure images look,
Mighty princes' beautiful emblems.
Crowns shimmer in the churches.

Steeds plunge out of the fountain.
Flower-claws threaten from trees.
Boys play woozy from dreams
Quietly in the evening there at the fountain.

Girls stand at the gates,
Look timidly into the colorful life.
Their moist lips quiver
And they wait at the gates.

Bell-sounds flutter trembling,
Rhythm of march and the guard's call resonate.
Strangers listen on the stages.
High in the blue are organ sounds.

Bright instruments sing.
Through the garden's borders of foliage
The laughter of beautiful ladies whirs by.
Quietly young mothers sing.

Secretly at flowery windows
Scent of incense, tar and lilac wafts.
Tired eyelids flicker silverly
Through the flowers at the windows.

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
Tòan bộ thi phẩm của ông mang dấu ấn của hòai cảm, u sầu và hướng tìm Thiên Chúa. Có thể kể Cái chết, Suy đồi và sự Suy tàn của Tây Phương như những hàm ý chính ở thơ trữ tình sâu xa của Georg Trakl đầy những biểu tượng và ẩn dụ.

„ Hồ như không thể định vị tác phẩm thơ của ông một cách rõ rệt theo lịch sử văn học nội trong văn chương của thế kỷ 20“. (Wikipedia)

Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905 Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng Latinh, Hy Lạp và Tóan), không đỗ tú tài * 1908 Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành dược* 1910 Học xong bằng y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocain quá liều.

Tranh của August Macke (1887-1914): họa sĩ Biểu hiện Đức, cùng năm sinh và năm mất với Georg Trakl, ông ngã xuống ở mặt trận phía Tây gần Perthes-lès-Hurlus ở vùng Champagne.

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Họ thuộc về trí thức?

Phạm Kỳ Đăng

Tranh Pablo Picasso (1881-1973)

Đến các nhà nước phương Tây ngày nay, ta thấy trí thức không nổi bật hẳn lên như là một giới riêng biệt. Bởi lẽ đứng đầu các công sở, các tổ chức, định chế, và các hoạt động kinh tế, khoa học, xã hội là những người có hiểu biết pháp lý và đương nhiên về chuyên môn, dẫu ít nhiều so lệch nhau, luôn ở tầm cao nhất. Tầm cao nhất về khả năng phát minh, phát triển, sáng chế và ứng dụng.

Còn không, trí thức không đứng đại diện cho một giới tinh hoa nào cả, vì mọi ngành nghề đều sắp chỗ cho những đầu óc. Như vậy trí thức „lặn“ hết vào trong.

Nhìn vào toàn cảnh, ta thấy xã hội dân chủ - dân quyền phương Tây không gay gắt sự phân biệt giữa lao động trí óc với lao động chân tay. Hàng ngày ta gặp nhiều người lao động thuần phác hiểu biết, mẫn cảm và cả khả năng dự cảm tuyệt vời. Họ ở xung quanh ta: một bác tài tắc xi từng trải, một người thợ đường ống, một cô bán hàng cảm thông, một bác sĩ lịch lãm, một nhân viên công sở hiền lành. Cũng từng thấp thoáng những người như vậy ở Việt Nam, được gọi là công chức của chế độ cũ. Nghe mà tiếc nuối khi bàn về họ, bất giác mình tự hỏi vì sao nhiều bác sĩ, công chức thu dung (sau 1954 ở miền Bắc hay sau 1975 ở miền Nam) có năng lực chuyên môn hơn hẳn cán bộ, quan chức của nhà nước chuyên chính. Về vần đề này, có thể khẳng định, một nền giáo dục cấp trung học phổ thông tiến bộ của „chế độ cũ“ thường đã trang bị đủ cho lớp trẻ vào đời vốn kiến thức để suy tư, phản biện và phê luận. Giáo dục phổ thông trung học ở Tây Âu hôm nay vẫn như xưa luôn đạt trình độ như vậy.

Mà vẫn có đấy những gương mặt trí thức nổi bật ảnh hưởng tới sự phát triển tương lai của xã hội. Họ đặc biệt về khả năng phê phán và phản biện không phụ thuộc vào chỗ đứng của mình ngay trong guồng máy đó. Ở nhiều chặng đời của mình, họ - những trí thức độc lập - triền miên xung khắc với chính thể, chính thống. Nhưng ở thể thống có khả năng tự sửa chữa, và trong nhiều may mắn tối ưu hóa các giá trị.

Khác hẳn thế, ở các chế độ độc tài và độc đảng chuyên chế, tất cả mọi cơ quan, xí nghiệp, tổ chức và toàn bộ tiến trình hoạt động đều phục vụ cho duy nhất cho sự củng cố quyền lực của một đảng và của một độc tài. Mọi hoạt động khác của xã hội đều thứ yếu xoay xung quanh trục này.

Nền sản xuất, vì loại bỏ hoặc có một thị trường tự do bị chèn ép, đến một mức nào đó dừng chân ở trình độ tự cung tự cấp thấp kém, lạc hậu. Ngoại trừ nền công nghiệp quốc phòng và một vài ba ngành hỗ trợ được đầu tư bất hợp lý, tri thức tiên tiến không cần dùng tới và như vậy người trí thức không được trọng dụng.

Nhiều người nêu tấm gương dũng cảm chống lại guồng máy đó bị tù đầy, cải tạo, hết đường sinh nhai (nạn nhân của Nhân văn Giai phẩm, Chống Đảng, Cải tạo Miền Nam). Phần đông an phận trong vai trò người giáo viên, bác sĩ, ...sớm tối đi về.

Số còn lại được gọi là một „giới“. Khái niệm „giới trí thức“ có lẽ phù hợp mô tả một hợp quần người bao gồm những cá nhân rời rạc, có vai trò và vị trí không lớn trong xã hội. Rời rạc vì bị đẩy ra rìa.

Có thể kết luận được không, các chế độ độc tài chuyên chế không có một chu trình mà ở đó kiến thức ở đầu vào được bội thu ở đầu ra bằng các giá trị thặng dư về vật chất cũng như giá trị tinh thần, nhân văn và xã hội.

Chế độ kiến thiết trên những điều ngụy biện và xảo trá, bắt buộc con người phải thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Một dân thường được đào tạo và chịu nền giáo dục nhồi sọ tất phải lập lờ nước đôi mới may bề tồn tại. Người trí thức bị ra rìa, muốn sống cũng phải cơ hội như vậy, có khi phải cơ hội gấp ba.

Phò chính thống có lẽ ở nhiều quốc gia độc tài chuyên chế chứ chưa chắc đã là truyền thống của riêng trí thức Việt Nam. Sự phê phán hướng vào trí thức ngày càng thậm tệ hơn. Nhưng mình cảm thấy đâu đó thiếu công bằng, và cơ bản có sự lầm lẫn về đối tượng, tức là đánh đồng trí thức với các vị quan chức trưng ra nhiều bằng cấp. Các vị quan chức này ra lò từ các trường đảng trường đoàn đào tạo cán bộ. Mà cán bộ càng lên cao càng láo lơ, thiển cận và ngu xuẩn.

Rất buồn cười nghe những phát ngôn hùng hồn mới đây của người làm chính sách ở Việt Nam dự đóan tiền đồ cho Việt Nam một vị trí hàng đầu về khoa học, công nghệ. Có vị nhân thể kêu gọi nhân tài về phục vụ đất nước. Phục vụ đất nước của ai cơ? Triết gia Trần Đức Thảo chẳng đã từng về nước theo kháng chiến đồng cam cộng khổ rồi ra thân tàn ma dại đấy ư?

Thật nhảm.

©® PKĐ 2017

Tranh Pablo Picasso (1881-1973): Họa sĩ, nhà đồ họa và điêu khắc Tây Ban Nha.

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Tôi trẻ vậy

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Tranh của © August Macke: Họa sĩ Đức

Tôi trẻ vậy. Muốn rùng mình dâng hiến
Cho mỗi âm vang ào lướt qua tôi
Nguyện theo thúc ép âu yếm của gió trời
Như vồng lá trên cổng vườn ngả lối
Ước vọng muốn chìa dây lan phất phới,

Và muốn ưỡn ngực trần đương giáp sắt
Chừng nào tôi cảm lồng ngực căng lên
Bởi đến thời đòi nai nịt giáo gươm
Nếu từ vùng lạnh xưa của những miền duyên hải
Ngày nhật dẫn tôi vào đất liền một dải.

 
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ich bin so jung
 

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Ich bin so jung. Ich möchte jedem Klange,
der mir vorüberrauscht, mich schaudernd schenken,
und willig in des Windes liebem Zwange,
wie Windendes über dem Gartengange,
will meine Sehnsucht ihre Ranken schwenken,

Und jeder Rüstung bar will ich mich brüsten,
solang ich fühle, wie die Brust sich breitet.
Denn es ist Zeit, sich reisig auszurüsten,
wenn aus der frühen Kühle dieser Küsten
der Tag mich in die Binnenlande leitet.

Chú thích của người dịch:

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức. 


© Tranh của August Macke (1887-1914): Họa sĩ tiêu biểu của chủ nghĩa Biểu hiện Đức

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Trò chuyện với Kurt Schwaen

(Phỏng vấn của tạp chí Đối thoại, do Gisa Jähnichen và Phạm Kỳ Đăng thực hiện)

Phạm Kỳ Đăng
dịch


Tranh của © Gerdhard Richter (sinh năm 1932): Họa sĩ Đức

Kurt Schwaen, một trong những nhà soạn nhạc Đức đương đại hàng đầu, vừa qua đời vào đầu tháng Mười ở Berlin. Với tám thập niên hoạt động sáng tạo, ông đã để lại hơn 600 tác phẩm bao quát hầu hết mọi thể loại và nhóm nhạc cụ. Dưới chế độ Đức Quốc xã ông từng bị bỏ tù ba năm vì các hoạt động chống đối. Sau chiến tranh, Kurt Schwaen sống ở CHDC Đức. Ông từng làm việc với ca sĩ và diễn viên kịch nói kì cựu Ernst Busch, ông cũng đã hợp tác nghệ thuật và viết nhạc cho kịch của Bertolt Brecht. Về phong cách, Kurt Schwaen được coi là đại diện của dòng âm nhạc tân cổ điển, chịu ảnh hưởng của những nhà soạn nhạc tiền bối như Béla Bartók, Igor Strawinski và Paul Hindemith. Bài phỏng vấn sau đây đề cập một khía cạnh ít được công luận biết đến ở Kurt Schwaen: mối quan tâm cá nhân đặc biệt của ông về đất nước Việt Nam nói chung và về âm nhạc và giới hoạt động âm nhạc của Việt Nam nói riêng. Buổi trò chuyện này với Kurt Schwaen do Gisa Jähnichen và Phạm Kỳ Đăng tiến hành và công bố cách đây mười lăm năm bằng nguyên văn tiếng Đức trên tạp chí Đối thoại. Bản dịch tiếng Việt lần đầu dưới đây do Phạm Kỳ Đăng, người tham gia phỏng vấn năm xưa, thực hiện. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. - talawas


Gisa Jähnichen: Quan hệ cá nhân của ông với các nhạc sĩ Việt Nam đã nảy nở trong hoàn cảnh nào? Làm sao ông tiếp cận được văn hoá âm nhạc Việt Nam, mà nhiều phần trong đó bao hàm cả nhạc châu Âu, vâng, cái ta gọi là nhạc quốc tế?

Kurt Schwaen: Sự thể ban đầu lại không dính dáng gì tới câu chuyện âm nhạc. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tại CHDCD Đức đã dấy lên một phong trào biểu lộ thiện cảm và tình đoàn kết mạnh mẽ. Ngay từ đầu tôi đã tham gia và sau này tiếp tục hoạt động giúp đỡ của mình thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Chắc vì như thế nên tên tôi được biết tới ở Việt Nam. Thế rồi các nhạc sĩ từ tận đâu đâu đi Việt Nam đã tìm tới tôi thăm hỏi. Dần dà phát triển nên quan hệ gắn bó với các sinh viên học đàn ăc-coóc-đê-ông ở Weimar, trong số đó có cậu sinh viên Đông chăm chỉ. Việc đó về sau có chút ảnh hưởng tới Khoa ăc-coóc-đê-ông ở Nhạc viện Hà Nội. Tôi đón nhận sự giao tiếp thịnh tình với nghệ sĩ dương cầm Tôn Nữ Nguyệt Minh, kỹ thuật biểu diễn và phong cách âm nhạc của chị gây cho tôi ấn tượng mạnh. Điều này gây cảm hứng cho tôi soạn Ba nhạc phẩm dành cho Minh do chị trình bày, thu vào đĩa hát. Bản Concerto số 2 soạn cho piano (Vietnamesisches Konzert) ra đời sau đó đã được Minh trình diễn buổi ra mắt tại Berlin. Rồi tôi nhận được lời mời đến thăm Việt Nam. Cùng với nhà tôi, năm 1986, tôi đã đi thăm và được làm quen với đất nước này dọc từ đồng bằng sông Cửu Long tới Vịnh Hạ Long. Một cách thân thiết, tại Nhạc viện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, người ta dẫn dắt tôi vào âm nhạc cổ xưa và hiện tại. Nhưng còn lâu tôi mới được là người hiểu âm nhạc Việt Nam đến nơi đến chốn.

Gisa Jähnichen: Bây giờ chúng ta nghe một nhạc phẩm do Quang Hải từ thành phố Hồ Chí Minh soạn ngay sau năm 1975. Vâng đấy chính là một bản Concerto viết cho đàn tranh cùng giàn giao hưởng lớn. Nhạc phẩm này không đồ sộ về kết cấu, gồm có ba phần nhanh - chậm - và nhanh. Và phần nhạc đi chậm kiến thiết trên tố chất của bài dân ca Nam bộ Lý ngựa ô. Về tác phẩm này ông có thể nói đôi điều gì chăng?

Kurt Schwaen: Cấu trúc gồm ba phần của sáng tác viết cho khí nhạc là một đặc trưng của âm nhạc châu Âu. Điều này cũng đúng cho thay đổi nhịp độ trong khúc nhanh-chậm-nhanh. Sự biến đổi đồng thời có ý nghĩa một sự làm đa dạng hoá (Variatio delectat). Việc vận dụng những bài dân ca trong nhạc nghệ thuật đụng chạm tới hầu hết các nhà soạn nhạc. Các bậc thầy lớn nhất sáng tác những tác phẩm quan trọng tìm về nhạc dân ca ở khía cạnh chủ đề cũng như mô-típ. Các nghệ sĩ Việt Nam, thiết nghĩ, cũng sẽ làm nên những thành tựu quí báu khi biết noi theo những tấm gương ấy. Ngoài ra họ còn có lợi thế qua việc đưa vào biểu diễn nhạc cụ truyền thống gắn liền với đề tài. Liệu họ có hòa hợp được âm sắc đa dạng như vậy với những thể thức và quy luật của âm nhạc châu Âu hình thành nơi xa xôi, thì thực tế sẽ cho ta thấy. Việc đó hẳn không dễ. Với Bartock [1] , thế giới âm nhạc có được người mở đường cho những đồng hóa ấy. Ông đã thành công khi hòa quyện âm nhạc dân gian Hung-ga-ri tuởng chừng đã mất với phương tiện của ngôn ngữ âm nhạc tân tiến. Tất nhiên hình mẫu này không cho phép vận nguyên si vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Nhưng bất kể ở trường hợp nào ta cũng nên hoan nghênh một thử nghiệm.

Ở mọi đất nước vùng Đông Á, chúng ta đều bắt gặp những rắc rối tương tự. Từ Trung Quốc tôi nhận được băng ghi âm nhạc truyền thống cùng với những sáng tác nhạc đương đại. Một người đồng nghiệp Trung Quốc tỏ ra rất ngạc nhiên khi tôi nói với anh, rằng nhạc truyền thống gây cảm giác gần như rất hiện đại, trong khi những tác phẩm đương đại lại mang nhiều điểm nhượng bộ với âm nhạc châu Âu của thế kỷ 19.


Kurt Schwaen (1909-2007)

Gisa Jähnichen: Theo ý ông, còn có những thứ nào khác mà với tư cách người đứng ngoài cuộc ông coi đó là nét đặc trưng của Việt Nam hoặc mang tính đặc thù Việt Nam cần phải gìn giữ và nếu phải làm thế thì tiến bộ có ý nghĩa gì trong sự phát triển đối với nền âm nhạc này? 

 
Kurt Schwaen: Để quay lại chủ đề tính độc sáng và nguyên chất, tôi nêu một thí dụ đặc biệt gây ấn tượng như thế này. Tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, người ta cho tôi xem đàn đá và tôi được nghe biểu diễn tại chỗ. Đó là những phiến đá lớn, nhiều khổ khác nhau được xếp dọc theo hàng ngang thế này. Cứ mỗi hàng xếp bên nhau chúng cho ta một thang âm. Mới gần đây người ta khai quật được những phiến đá này và ước đoán chúng có chừng 3000 năm tuổi. Không còn nghi ngờ gì việc người ta dùng chúng để chơi nhạc, mà tính chất là nhạc gì thì ta cũng chưa biết. Một nhà nghệ sĩ tấu lên một sáng tác của ông một cách rất ấn tượng và có thể nói là cuốn hút ngay cả thính giả châu Âu. Tất nhiên rồi, kiểu nhạc ấy không là đặc thù nhạc Việt Nam. Nhưng khi trở lại nhà, được truyền cảm hứng từ từ âm thanh lạ lùng, độc đáo và tiêu sơ này, tôi đã thử nghiệm, trình bày lại ấn tượng gây ra trên đàn piano. Vâng đó chính là âm hưởng của chuyến đi, kể cả chuyến hành trình âm nhạc xuyên qua Việt Nam nữa.

Tại Hà Nội tôi đã được làm quen với một nhà hát sân khấu dân gian [2] diễn kết hợp kịch câm, lời hát nói và âm nhạc. Thật là điều ngạc nhiên cho riêng tôi: không hề có phiên dịch, và hoàn toàn không rành ngôn ngữ, tôi đã nắm bắt được nội dung vở diễn. Vở diễn xử lý đề tài tình huống bi hài ở một người đàn ông đứng giữa hai người đàn bà ngoa ngoắt. Dùng ít phương tiện để tấu nhạc, không trở nên độc lập với màn trò, sự biểu diễn thực rất mực tài tình, chính xác và đầy hứng thú. Có thể đem so sánh thể loại này với tuồng Bắc Kinh được biết tới ở châu Âu. Sân khấu truyền thống của Việt Nam có thể tìm thấy ở chúng ta một sự ngưỡng mộ. Người ta nói với tôi rằng, sân khấu này phổ biến ở làng quê, được những nghệ sĩ không chuyên trình diễn. Tôi hy vọng truyền thống này sẽ luôn được kế tục.

Gisa Jähnichen: Nhưng có gì đó tựa như là một yêu cầu kì quặc từ phía chúng ta chăng, khi chúng ta chỉ luôn đòi hỏi chất nguyên sơ, cái thực chất, cái tinh khiết và không pha trộn, cái mà ngay bản thân chúng ta không hề có tại châu Âu. Chúng ta cũng không bắt mình phải đưa những người hát rong [3] lên sân khấu và cũng không đưa họ ra trình diễn ở nước ngoài. Theo tôi, đấy là một vấn đề…

Phạm Kỳ Đăng: Hơn thế nữa tôi nghĩ rằng, cái độc đáo, cái bản thể nói chung trong kho tàng văn hoá truyền thống còn đang cần phải được phát hiện. Điều đó chỉ có thể xảy ra trong quan hệ qua lại với những nền văn hoá khác…

Kurt Schwaen: Tôi hoàn toàn đồng tình với điều này. Tất cả vẫn xoay quanh cái độc đáo. Hãy để tôi nêu một ví dụ. Có lần tôi được giới thiệu một buổi hòa nhạc ở Berlin với một ca sĩ Việt Nam có giọng nữ cao tuyệt vời trình bày các bài dân ca cùng các khúc aria của opera châu Âu. Việc dùng đàn piano đệm các bài hát dân ca không thuyết phục tôi lắm, vì không kết nối được giai điệu và kiểu luyến láy rất độc đáo này với công thức của hòa âm châu Âu. Lúc nữ ca sĩ hát không đàn đệm, ấn tượng gây ra cho tôi lại mạnh hơn rất nhiều. Ở đây nảy sinh một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các nhà soạn nhạc Việt Nam. Trong tác phẩm và biên soạn của họ ta phải cảm được trái tim của người dân nước họ. Với cách đặt vấn đề này có vẻ như tôi muốn lảng tránh câu hỏi của các bạn. Nhưng tôi không hề tin rằng người ta có thể đóng góp một phần vào văn hóa thế giới, nếu như nguời ta phủ nhận truyền thống của riêng mình. Đáng tiếc rằng ở nhiều nước ta bắt gặp tình trạng là người ở đó không tôn trọng đúng mức tài sản văn hóa quá khứ của họ, và họ không thèm nghe nữa chứ. Trên đường phố họ, cũng như ở Đức vậy, chỉ có một thứ nhạc giải trí nông cạn lấn át. Không, tôi không muốn tuyên truyền cho âm nhạc của những nghệ nhân hát rong ở châu Âu cũng như nhạc đàn đá tại Việt Nam, hoặc không chỉ quảng bá riêng những thứ này, nhưng không thể phủ nhận được sự phát triển của riêng mình. Ở châu Âu nhạc cổ điển đã tiếp nhận nhạc dân gian và phát triển lên cao hơn. Có thể ở Việt Nam, còn một quá trình tương tự sắp sửa xảy ra.

Gisa Jähnichen: Với tôi vấn đề lại như sau: chúng ta nói rằng Việt Nam cần một thứ âm nhạc riêng, một nền âm nhạc theo ý nghĩa nhạc dân tộc mà họ có thể đưa vào đó truyền thống và khả năng chơi thứ nhạc đó. Và trên cơ sở của nhạc mới nhất – cứ nói ngay là nhạc không phải là của thế kỷ 19 dưới giác độ tồn tại trong tiềm thức chúng ta về tiến bộ trong âm nhạc - mà là nhạc hiện đại. Vâng đó cũng là một yêu sách ngay từ đầu được đưa ra một cách tiên quyết từ phía chúng ta, mà không đồng thời hiểu được rằng, đối với người Việt Nam tiến bộ trong âm nhạc, trong âm nhạc hiện đại bao hàm ý nghĩa gì. Với họ thế kỷ 19 trước sau đại diện cho tiến bộ bởi vì nhiều phương diện xác định được đã không mở ra trong âm nhạc truyền thống của Việt Nam, và vẫn còn là khoảng chân không, thí dụ như cách phối hòa âm, lối xử lý đã được đẩy lên mức toàn thịnh ở châu Âu trong thế kỷ 19. Cho nên việc họ trước hết tập trung hơn nghiên cứu hiện tượng này, trước khi họ đi những bước tiếp, trước khi họ lại rời xa lối hòa âm này, để tìm lại về chính mình chỉ là điều hợp lẽ tự nhiên. Đối với tôi vấn đề thực sự ở chỗ người ta dễ ngả theo khuynh hướng phân chia âm nhạc Việt Nam thành một loại nhạc đơn giản, thứ thiệt và thuần chất Việt Nam - thứ cũng được gọi đổ đồng là nhạc dân ca - mặc dù trên lĩnh vực này cũng có những truyền thống cổ điển, theo nghĩa của nghệ thuật chuyên nghiệp - và từ đó họ loại ra phần còn lại và nói rằng đấy là kitsch (dỏm) hiện đại, hoặc đấy là nhại Mỹ. Ngay tại châu Âu, những ảnh hưởng từ âm nhạc Mỹ, ngay cả khuôn thước Mỹ cũng đã được Âu hóa từ lâu. Xét rộng ra, những thứ đó không được coi là Mỹ nữa, do chúng nảy sinh từ nhu cầu rất xa xưa của chính người châu Âu, của thanh thiếu niên, của cả người Đức. Câu hỏi của tôi bây giờ là làm sao người ta tìm được một cách tiếp cận sáng tạo, mang lại cho Việt Nam nhạc Âu châu, cụ thể là những gương dẫn đường của âm nhạc châu Âu nhằm đạt tới một kết quả hứa hẹn. Như vậy sau này tiến bộ sẽ có ở đâu? 

 
Kurt Schwaen: Có thể nói đơn giản thế này, tôi không có ý lảng tránh: Câu hỏi này chỉ có người Việt Nam mới trả lời được mà thôi. Nhưng nếu như họ muốn tiến tới một nền âm nhạc mới đặc sắc, không thể nhầm lẫn, thì chính họ không nên lặp lại chặng đường phát triển của châu Âu từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Chẳng lẽ họ không phải cân nhắc hoàn cảnh kinh tế, chính trị - văn hóa của đất nước họ hay sao? Thí dụ như họ có những khả năng nào để trình diễn? Họ có giàn nhạc giao hưởng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn từ viễn cảnh này, vì điều kiện đã có, nên chăng hãy tập trung nhiều hơn nữa vào nhạc thính phòng và nhạc độc tấu. Sự vận dụng những kỹ thuật sáng tác tân tiến hơn ở đây cũng sẽ đơn giản hơn. Thế nhưng chắc chắn những kỹ thuật này không thể không đếm xỉa tới phần tham gia của nhân dân. Toàn là những vấn đề hóc búa.

Phạm Kỳ Đăng: Tại Nhạc viện Hà Nội, ông còn nổi tiếng là nhà soạn nhạc đã và đang nhiệt tình với sự nghiệp đào tạo, và với tư cách cá nhân ông luôn giúp đỡ trực tiếp. Ông đánh giá thế nào về sự đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội, tinh thần hăng say cùng sự ham hiểu biết của người làm âm nhạc? 

 
Kurt Schwaen: Tôi không muốn gây ra cảm giác rằng tôi độc chỉ có nghe nhạc ắc-coóc-đê-ông và đàn đá. Tất nhiên tại các Nhạc viện họ giới thiệu cho tôi các sinh viên của nhiều lớp khác nhau. Ở mọi nơi tôi đều được chứng kiến những thành tựu tuyệt vời. Dễ nhận thấy rằng Việt Nam có những nhà sư phạm xuất sắc, và tôi luôn được nghe những lời ngợi ca sự chăm chỉ của họ. Vả dĩ nhiên hai cuộc đi thăm Việt Nam quả còn quá ngắn để đánh giá một cách chín chắn. Nhưng châu Âu đã lắng nghe nhiều nghệ sĩ bậc thầy từ Việt Nam. Đặc biệt những nghệ sĩ dương cầm (đặc biệt là những người trẻ) đã khẳng định được mình vượt lên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực của họ. Tôi dám chắc rằng chúng ta còn nghe nhiều về họ. Trước hết tôi xin chúc các nhà soạn nhạc lòng kiên gan và nhiều mơ tưởng trên con đường chông gai nhưng đầy nghĩa tri ân của mình.

Bản tiếng Việt © talawas 2007

[1]Béla Bartók (1881-1945): Nhạc sĩ Hungary đạt nhiều thành tựu trong việc phát hiện và kế thừa nhạc dân ca Hungary và Đông Âu trong sự nghiệp sáng tác (tất cả các chú thích đều của người dịch).
[2]Nhà soạn nhạc Kurt Schwaen nói tới Nhà hát Chèo.
[3]Người du ca, nguời hát thơ dân gian, còn xuất hiện ở châu Âu tới cuối thế kỷ 14.

Nguồn: Đối thoại, Tạp chí Văn hoá – Xã hội Đức - Việt, Số 4, Tháng 10. 1992, tr. 36-38 (Bản PDF)

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Rặng vó bè

Phạm Kỳ Đăng

Tranh Isaak Iljitsch Lewitan (1860-1900) Họa sĩ Nga

Lòng sông xếp giấc những con đò
yên nghỉ nỗi đau buồn năm tháng
những nấm mộ chia ly trong chìm đắm.

*
Trong sớm sương chạng vạng
Chiếc vó cất cao
Ở đâu ánh sáng kéo giấc mơ
- nỗi thảng thốt rút cao lên như vó-
Rút lên còn tiếng thở dài.

*
Nhưng ngã ba tụ nhiều xoáy siết
neo ác mộng
phó thác sóng dồi
uẩn khúc như mây, như mong mỏi nhiều đời.
Sóng lấn tới, nhấn chìm ước vọng.

*
Mưa lụp đụp
hắt trên ván chiếc
Cây vó lênh khênh tung lên
Bóng nhện lớn trùm sông đen đúa
Sự hoảng hốt đó đây vừa giãy giụa
Loang nhiều ngấn nước nổi nênh

*
Đã cập bến. Hành trình tìm kiếm
Người xẩm mù kéo nhị đầu thuyền
Nhướng mắt tròng hướng rặng sẫm thân quen 

Mùi con nước năm canh dìu khói.

*
Rặng vó đứng sào im bóng
Con thuyền lưu lạc về nơi
- Đậu neo một lòng cố quốc
Trên sông vật đổi sao dời.

©® PKĐ 2017

Tranh Isaak Iljitsch Lewitan (Исаак Ильич Левитан – 1860-1900) Họa sĩ Nga.

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...