Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Làm chính khách có được đời sống sạch?

Phạm KĐăng

           Tranh của Horst Janssen , họa sĩ Đức (1929-1995)        

Một thời người ta tôn sùng quá đáng vị thế nhà thơ, nhà văn, chất cho một người gánh hàng vào chợ nhiều thứ quá khiến người văn sĩ mất trọng tâm, nhiều kẻ mất thăng bằng nghiêm trọng. Nhất là khi thiên chức họ được bốc đồng bởi các nhà chính trị. Nhà thơ Sóng Hồng đã chẳng từng cao hứng: „Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ“.

Xoay ra ngay một chế độ chuyên chế trói buộc nhà thơ, nhà văn ăn cơm theo kẻng và túc trực đồng ca, sinh hoạt theo nghị quyết và sáng tác ở trại. Cốt để đồng thanh ca ngợi sự nghiệp của lãnh tụ, lãnh đạo độc tài. Ngoài thông lệ ra người cầm bút nào phản kháng lại, họ đối mặt với tù đày và bức hại.

Nhà thơ nhà văn như chim lồng cá chậu bởi thế không thoát khỏi vai đóng kép đôi vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Trớ trêu thay xã hội nhân quần chờ đợi họ quá nhiều, yêu mến cũng quá nhiều, ắt sẽ tới lúc thất vọng và khinh bỉ họ vượt mức. Và các văn sĩ - nạn nhân thời nào đó sống trong phức cảm tự cao hay tự ti đều là thái độ của người chưa hẳn biết mình đang tại vị nơi đâu.

Được ngợi ca, tung hứng bằng bộ máy tuyên truyền rầm rộ ấy mà thế cái chế độ của những chính trị gia độc tài, của đảng phái chuyên chế lún mãi vào tồi tệ. Đến cái mức mà người dân đen suốt ngày kiếm kế sinh nhai chán nản và tuyệt vọng. Mất niềm tin khiến mọi người đều tột độ hoang mang về chính trị và người làm chính trị. Công luận hầu như chết rấp không đi xa hơn kết luận, rằng không nên tham gia vào chính trị; chính trị là bẩn thỉu và các nhà chính trị tất cả đều thủ đoạn và bịp bợm. Nhận định được coi như chân lý phổ biến, khỏi phải bàn.

Khá bất ngờ, tôi đọc được điều này ở bài phỏng vấn nhà văn nữ Dương Thu Hương:

„Những người làm chính trị là những người có mục đích. Vì vậy, tôi nói tôi chỉ làm giặc chứ không làm chính trị gia. Vì làm chính trị gia khó tránh khỏi phải thoả hiệp, trong đó bao gồm sự gian dối và đạo đức giả... Tôi không bao giờ lệ thuộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào và do đó trong chuyện này, nhà văn tự do hơn chính trị gia nhiều.“

Đọc mãi câu này tôi có cảm giác, nhận định không đóng khung vào một thể chế lịch sử nào, chẳng mấy vượt xa khỏi định kiến phàm tục về các chính trị gia. Mà là nhận định của nữ nhà văn tôi kính trọng mang nhiều ước vọng.

Tuy nhiên mang ước vọng về một nền dân chủ - công bằng, người cầm bút giải thoát được khỏi quan hệ chủ tớ có nên huyễn hoặc mình về vị thế riêng tây được mặc định là cao hơn, có nên dập tắt mọi hy vọng vào giới làm chính trị nói chung khi tranh đấu xung quanh một thể chế xã hội?
 

Tôi nghĩ rằng không!

Thay vì ảo tưởng mở tầm suy tưởng, người cầm bút nên chăng hướng tầm nhìn vào viễn tượng.

Cho dù chủ nghĩa dân túy đang lấn lướt, cá nhân tôi tin vào một chế độ dân chủ đảm bảo những quan hệ mang tính khế ước xã hội cho các nhà chính khách và cả các nhà thơ nhà văn nữa thoát mọi định kiến sống hữu ích với xã hội và sống tốt cùng nhau. Riêng ở giới chính khách, nhiều câu chuyện về các nhà chính khách Mỹ và phương Tây đi tàu công sở, xếp hàng mua bán, sống như thường dân, rơi nước mắt cảm động là điều thật sự. Những người do dân bầu ra từ thôi thúc nhiều mặt, họ có quyền ra quyết định đúng đắn và quyền mắc lầm lỗi như mọi công dân. Mà thế đó họ được sống một cuộc đời như mọi người có ý thức về phẩm giá và tinh thần liêm chính.


© PKĐ
 
Tranh: Chân dung Johann Wolfgang von Goethe


Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

Tranh màu mực của Horst Janssen, họa sĩ Đức (1929-1995).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...