Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Họ thuộc về trí thức?

Phạm Kỳ Đăng

Tranh Pablo Picasso (1881-1973)

Đến các nhà nước phương Tây ngày nay, ta thấy trí thức không nổi bật hẳn lên như là một giới riêng biệt. Bởi lẽ đứng đầu các công sở, các tổ chức, định chế, và các hoạt động kinh tế, khoa học, xã hội là những người có hiểu biết pháp lý và đương nhiên về chuyên môn, dẫu ít nhiều so lệch nhau, luôn ở tầm cao nhất. Tầm cao nhất về khả năng phát minh, phát triển, sáng chế và ứng dụng.

Còn không, trí thức không đứng đại diện cho một giới tinh hoa nào cả, vì mọi ngành nghề đều sắp chỗ cho những đầu óc. Như vậy trí thức „lặn“ hết vào trong.

Nhìn vào toàn cảnh, ta thấy xã hội dân chủ - dân quyền phương Tây không gay gắt sự phân biệt giữa lao động trí óc với lao động chân tay. Hàng ngày ta gặp nhiều người lao động thuần phác hiểu biết, mẫn cảm và cả khả năng dự cảm tuyệt vời. Họ ở xung quanh ta: một bác tài tắc xi từng trải, một người thợ đường ống, một cô bán hàng cảm thông, một bác sĩ lịch lãm, một nhân viên công sở hiền lành. Cũng từng thấp thoáng những người như vậy ở Việt Nam, được gọi là công chức của chế độ cũ. Nghe mà tiếc nuối khi bàn về họ, bất giác mình tự hỏi vì sao nhiều bác sĩ, công chức thu dung (sau 1954 ở miền Bắc hay sau 1975 ở miền Nam) có năng lực chuyên môn hơn hẳn cán bộ, quan chức của nhà nước chuyên chính. Về vần đề này, có thể khẳng định, một nền giáo dục cấp trung học phổ thông tiến bộ của „chế độ cũ“ thường đã trang bị đủ cho lớp trẻ vào đời vốn kiến thức để suy tư, phản biện và phê luận. Giáo dục phổ thông trung học ở Tây Âu hôm nay vẫn như xưa luôn đạt trình độ như vậy.

Mà vẫn có đấy những gương mặt trí thức nổi bật ảnh hưởng tới sự phát triển tương lai của xã hội. Họ đặc biệt về khả năng phê phán và phản biện không phụ thuộc vào chỗ đứng của mình ngay trong guồng máy đó. Ở nhiều chặng đời của mình, họ - những trí thức độc lập - triền miên xung khắc với chính thể, chính thống. Nhưng ở thể thống có khả năng tự sửa chữa, và trong nhiều may mắn tối ưu hóa các giá trị.

Khác hẳn thế, ở các chế độ độc tài và độc đảng chuyên chế, tất cả mọi cơ quan, xí nghiệp, tổ chức và toàn bộ tiến trình hoạt động đều phục vụ cho duy nhất cho sự củng cố quyền lực của một đảng và của một độc tài. Mọi hoạt động khác của xã hội đều thứ yếu xoay xung quanh trục này.

Nền sản xuất, vì loại bỏ hoặc có một thị trường tự do bị chèn ép, đến một mức nào đó dừng chân ở trình độ tự cung tự cấp thấp kém, lạc hậu. Ngoại trừ nền công nghiệp quốc phòng và một vài ba ngành hỗ trợ được đầu tư bất hợp lý, tri thức tiên tiến không cần dùng tới và như vậy người trí thức không được trọng dụng.

Nhiều người nêu tấm gương dũng cảm chống lại guồng máy đó bị tù đầy, cải tạo, hết đường sinh nhai (nạn nhân của Nhân văn Giai phẩm, Chống Đảng, Cải tạo Miền Nam). Phần đông an phận trong vai trò người giáo viên, bác sĩ, ...sớm tối đi về.

Số còn lại được gọi là một „giới“. Khái niệm „giới trí thức“ có lẽ phù hợp mô tả một hợp quần người bao gồm những cá nhân rời rạc, có vai trò và vị trí không lớn trong xã hội. Rời rạc vì bị đẩy ra rìa.

Có thể kết luận được không, các chế độ độc tài chuyên chế không có một chu trình mà ở đó kiến thức ở đầu vào được bội thu ở đầu ra bằng các giá trị thặng dư về vật chất cũng như giá trị tinh thần, nhân văn và xã hội.

Chế độ kiến thiết trên những điều ngụy biện và xảo trá, bắt buộc con người phải thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Một dân thường được đào tạo và chịu nền giáo dục nhồi sọ tất phải lập lờ nước đôi mới may bề tồn tại. Người trí thức bị ra rìa, muốn sống cũng phải cơ hội như vậy, có khi phải cơ hội gấp ba.

Phò chính thống có lẽ ở nhiều quốc gia độc tài chuyên chế chứ chưa chắc đã là truyền thống của riêng trí thức Việt Nam. Sự phê phán hướng vào trí thức ngày càng thậm tệ hơn. Nhưng mình cảm thấy đâu đó thiếu công bằng, và cơ bản có sự lầm lẫn về đối tượng, tức là đánh đồng trí thức với các vị quan chức trưng ra nhiều bằng cấp. Các vị quan chức này ra lò từ các trường đảng trường đoàn đào tạo cán bộ. Mà cán bộ càng lên cao càng láo lơ, thiển cận và ngu xuẩn.

Rất buồn cười nghe những phát ngôn hùng hồn mới đây của người làm chính sách ở Việt Nam dự đóan tiền đồ cho Việt Nam một vị trí hàng đầu về khoa học, công nghệ. Có vị nhân thể kêu gọi nhân tài về phục vụ đất nước. Phục vụ đất nước của ai cơ? Triết gia Trần Đức Thảo chẳng đã từng về nước theo kháng chiến đồng cam cộng khổ rồi ra thân tàn ma dại đấy ư?

Thật nhảm.

©® PKĐ 2017

Tranh Pablo Picasso (1881-1973): Họa sĩ, nhà đồ họa và điêu khắc Tây Ban Nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...