© Tranh của Gerdhard Richter, họa sĩ Đức |
Phỏng vấn nhà phê bình văn học Marcel Reich-Ranicki (1) về Hợp tuyển Frankfurt và chất lượng của các bài thơ tiếng Đức.
SPIEGEL: Ông Reich-Ranicki, trong chương trình phát sóng “Das literarische Quartett“ (Tứ Tấu văn chương) ông đã khuyên mọi người mua tập thơ „Những bài thơ sáng“ của Robert Gernhardt (2) mà làm quà Noel. Gernhardt là một ngoại lệ, hay là thơ trữ tình tiếng Đức nói chung đang ngự trên một trào hưng thịnh?
Reich-Ranicki: Gernhardt là một tài năng và một độc bản, mà tuy thế không là một ngoại lệ. Vâng chúng ta có Hilde Domin, Sarah Kirsch, Ulla Hahn, Krolow, Enzensberger, Jandl, Rühmkorf, Biermann, Wondratschek, Grünbein (3) và những người khác nữa. Ít nhất từ mười năm nay thơ tiếng Đức ở mức độ không đồng đều thú vị hơn sân khấu và tiểu thuyết Đức – may sao chính vì ở mức cao hơn so với những thời kỳ trước đó, thế giới của chúng ta hôm nay thoát ra khỏi sự biểu đạt bằng văn chương hoặc là có vẻ như mọi đằng đang thoát khỏi. Điều này gây khó khăn cho công việc của nhà soạn kịch và càng hơn cho nhà viết tiểu thuyết, nhưng không hề cho công việc của nhà thơ. Bởi vì nhà thơ, như từ xửa từ xưa có thể phản ứng lại thế giới của chúng ta một cách hoàn toàn chủ quan và đồng thời chỉ theo từng điểm - họ dễ dàng qua được mà không cần có một cái nhìn hoàn thiện, một thế giới quan.
SPIEGEL: Hans Magnus Enzensberger (4) quả quyết, rằng „nhiều hơn nhiều, ấy thơ được viết so với được đọc“. Ông có cho rằng kết luận này được phóng đại?
Reich-Ranicki: Trong thực tiễn sự viết thơ thuộc về những căn bệnh tai ương của người Đức. Nhưng mà trong khi những nạn dịch quốc gia khác, kể cả bệnh thần kinh mang lại những hậu quả kinh hoàng, thì căn bệnh này ta dễ thấy vô hại và thậm chí có thể là có ích. Bởi vì những người vấy bẩn lên giấy với những dòng gẫy gập mà họ tưởng là thơ, về nguyên tắc họ đồng thời là những người đọc thơ. Và kể cả những người đọc muốn dùng việc đó lấp đầy thời gian rỗi cũng đáng được hoan nghênh.
SPIEGEL: Từ năm 1974 trở đi dưới mục „Hợp tuyển Frankfurt“, cứ mỗi tuần một lần ông cho bình giảng một bài thơ tiếng Đức, từ xê-ri ấn hành song song tại nhà xuất bản Insel cho đến nay đã xuất bản được tập 20. Tổng cộng đã có bao nhiêu bài viết trong thời gian qua?
Reich-Ranicki: Chính xác 1194 bài thơ từ mọi thời đại của thi ca. Từ ngòi bút của 332 tác giả. Con số gồm 267 người bình giảng.
SPIEGEL: Danh mục ăn khách của ông thế nào?
Reich-Ranicki: Như sự thể phải thế, đứng trên cả là Goethe với 111 bài thơ bình giảng. Tiếp đến là Brecht với 50 bài thơ, Heine với 44, sau đó Rilke, Benn và Hölderlin với 33, 27 và 21 bài thơ. Với Goethe tôi cũng có nỗi buồn phiền.
SPIEGEL: Sao lại thế?
Reich-Ranicki: Xét về tương quan, khi mà thơ ông xuất hiện thường xuyên trong hợp tuyển, chúng tôi nhận được điện tín từ phía độc giả: „Tại sao tái hồi mãi cứ Goethe thế?“. Tôi đã đánh điện trả lời: „ Vì nhà thơ địa phương vùng Frankfurt“. Thế đấy nước Đức là một đất nước kỳ cục: Người ta phải biện hộ cho mình, nếu người ta thường xuyên in Goethe.
SPIEGEL: Và nhà thơ nào còn đang sống hiện diện mạnh mẽ nhất?
Reich-Ranicki: Sahra Kirsch (5) với 16 bài thơ.
SPIEGEL: Ông có lèo lái sự chọn lựa các bài thơ chăng?
Reich-Ranicki: Đương nhiên. Nếu có thể, tôi tuân theo gợi ý của các nhà bình giảng, tuy nhiên họ đôi khi nghiêng về hướng gợi ra cả những bài thơ non yếu khiến người ta dễ viết về chúng hơn, hơn nữa nếu như qua đó người ta có thể phát tán ra nhiều tình cảnh bên lề. Nhưng mà phần lớn trong các trường hợp, những gợi ý về bài thơ hoặc ít nhất về tác giả tới từ phía tôi, nếu không thì toàn bộ thơ Đức cho tới thế kỷ 17 cộng vào sẽ hiện diện một cách quá yếu ớt và kể cả thơ của hiện tại sát sườn. Thế đó người ta viết dồn dập hơn về Eichendorf (6) hay Möricke (7) hơn là về Jandl hay là Krolow.
SPIEGEL: Hölderlin (8) không phải là người được ông ưa chuộng. Ông có định kiến gì chăng đối với nhà thơ thầm thì tiếng nói này?
Reich-Ranicki: Điều này không đơn giản. Người ta đã gọi Hölderlin là người giữ ngọn lửa thiêng. Tôi không biết tới một ngọn lửa thiêng liêng và không muốn biết một tý gì về những người canh giữ nó. Ông ấy không canh giữ gì cả, có mà số phận ông ấy thì có. Mọi thứ với ông ấy đều bất thành thảm hại - chỉ trừ có thơ ca. Những nhà ngữ văn cũng như những kẻ phá đám khác đã chỉ định cho ông ấy một chỗ đứng lâu bền trong khu cúng bái của dân tộc – và họ lại còn khoác cho ông ấy một vòng hào quang. Nhưng mà trong những khu cầu cúng những lý lẽ không có giá gì nhiều, và những vòng hào quang chắc chắn là những vật thể chiếu sáng tồi tệ.
SPIEGEL: Tức là ông bác bỏ ông ấy.
Reich-Ranicki: Ông ấy đã viết các bài thơ thuộc về những sự diệu kỳ trong Đức ngữ mà dù chỉ một lần Goethe cũng không vượt qua được. Tôi khâm phục Hölderlin, và đôi khi tôi bắt gặp mình đang ngưỡng mộ ông ấy. Nhưng mà Schiller (9), Kleist (10) và Büchner (11), và trước hết Goethe gần gụi với tôi hơn.
SPIEGEL: Quan hệ của ông với các nhà Lãng mạn ra sao?
Reich-Ranicki: Tôi yêu trào Lãng mạn trong văn chương và trong âm nhạc vô hạn. Mà thế đó tôi đặc biệt yêu nhà Lãng mạn đồng thời đã hoài nghi trào Lãng mạn và phê phán nó khiến từ đây trào lưu này được cải cách và hiện đại hóa. Tôi nói về thi hào Đức tếu táo nhất và, bên cạnh Goethe, người thông tuệ nhất, nhà thơ của thế giới Heinrich Heine.
SPIEGEL: Luôn tái diễn sự khẳng định rằng nhà phê bình văn học Reich-Ranicki chẳng hiểu tý gì hết về thơ.
Reich-Ranicki: Không hiểu chút gì chỉ có về thơ thôi sao. Thường được nghe nói rằng tôi chẳng biết gì về tiểu thuyết, về truyện ngắn, về kịch và tiểu luận.
SPIEGEL: Điều này dày vò ông chứ?
Reich-Ranicki: Tôi khoái điều đó, hơn nữa những người tôi khen thay đổi ngay lập tức quan điểm của họ về tôi.
SPIEGEL: Trong chương trình „Tứ Tấu văn chương“ không thấy bàn luận gì về thơ. Ở đó có phải đã bỏ qua một cơ may?
Reich-Ranicki: Thơ không hợp với chủ trương của „Tứ Tấu“, kịch cũng ít ỏi như vậy. Tại sao tôi lại phải làm tất cả cơ chứ. Tôi hoàn toàn không phản đối, nếu như ở đâu đó thành lập ra một „Tam Tấu Thơ“ hay một „Ngũ Tấu Kịch“.
SPIEGEL: Thơ tiếng Đức trong thế kỷ này đạt được ngôi thứ nào?
Reich-Ranick: Hai đại diện của thơ Đức thuộc về những nhà thơ lớn nhất của châu Âu trong thời đại chúng ta: Rilke và Brecht.
SPIEGEL: FAZ (12) có hết hồn khi ông chứ không phải ai khác muốn lập ra một chuyên mục bình luận về thơ?
Reich-Ranicki: Một trong những chủ phát hành còn nói: Hãy để cho ông ta làm một xê –ri, đằng nào thì ông ta cũng không lấy đâu ra hơn ba hay bốn bài viết.
SPIEGEL: Bây giờ FAZ thậm chí còn sáng lập cả một giải thưởng của Hợp tuyển Frankfurt. Một nguồn kiếm cơm thêm cho các biên tập viên của tờ FAZ chứ?
Reich-Ranicki: Nếu được thế thì hay quá, bởi vì giải này trị giá 20.000 Mark. Nhưng thật tiếc lời phỏng đoán của ông lại trật mất. Người phát hành, biên tập viên và những cộng tác viên thường trực tự do của tờ FAZ bị loại ra khỏi giải này. Hàng năm giải thưởng này được trao cho nhà văn, nhà nghiên cứu và các nhà báo thông qua những bài trình bày và giảng giải bình luận một cách căn bản đã đóng góp vào sự hiểu biết thơ tiếng Đức của mọi thời kỳ. Người đầu tiên nhận giải là Peter Matt - nhà ngữ văn Đức người Thụy Sĩ.
SPIEGEL: Trong số cộng tác viên của ông có nhà báo của các tòa báo khác và nhiều nhà văn, cả những nhà ngữ văn dạy trường Tổng hợp. Một nhóm người hỗn độn...
Reich-Ranicki:...Ngay từ đầu tôi đã hiểu Hợp tuyển như là một cơ chế không có biên giới - bỏ qua mức dàn trải của từng bài thơ và những bình giảng. Cần có công tác giáo dục đối với các nhà ngữ văn trường Tổng hợp. Bởi chăng nhiều người trong số các vị - không phải những người giỏi nhất – yêu từ ngoại và những thuật ngữ chuyên môn và như thế họ làm cho bài viết của họ không thể đọc được đối với phần lớn độc giả. Một số bản thảo của họ tiết ra một cái mùi khó chịu: ấy là mùi phấn của các phòng seminar. Nhưng dần theo năm tháng điều này đã cải thiện đáng kể.
SPIEGEL: Bài thơ có tác động sâu sắc hơn không, nếu người ta đọc chúng không kèm hướng dẫn sử dụng, không sự trợ giúp diễn giải?
Reich-Ranicki: Tôi chỉ có thể cùng Brecht trả lời rằng: „ Ai coi bài thơ không sao gần được, thì thật sự cũng không lại gần được nó...Bứt rời ra một bông hồng và từng cánh lá đều đẹp.“
SPIEGEL: Hợp tuyển của ông sẽ còn thọ bao lâu nữa?
Reich-Ranicki: Mùa thu năm 1998 đã tới tập 21.
SPIEGEL: Thế rồi sau đó?
Reich-Ranicki: Một tin mật đã tới tai tôi, theo đó hội đồng xuất bản của FAZ đã ra nghị quyết tại một cuộc họp kín, rằng trong việc này sẽ trao quyền quyết định cho một cấp khác cao hơn, đó chính là Đức Chúa, Đấng Toàn Năng.
1997
©® Phạm Kỳ Đăng dịch
Chú thích của người dịch:
(1) Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.
(2) Robert Gernhard (1937-2006): Nhà văn, nhà thơ và họa sĩ Đức.
(3) Các nhà thơ Đức đương đại.
(4) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.
(5) Sahra Kirsch (1935-2013): Nữ nhà văn và nhà thơ Đức. Năm 1973 được bầu vào Ban thường vụ hội nhà văn CHDC Đức. Là một trong những người đầu tiên ký tuyên bố phản đối việc tước quốc tịch của nhà thơ và ca sĩ Wolfs Biermann, bà bị khai trừ khỏi đảng SED ( Đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức – đảng cộng sản). 1976 bà nhận giấy phép cho sang sống ở Tây Berlin. Năm 1992 khi được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật, bà từ chối, bởi Viện Hàn lâm này mời chỗ ẩn náu cho văn nghệ sĩ từng là cộng tác viên của An ninh CHDC Đức cũ.
(6) Joseph Karl Benedikt Freiherr von Eichendorff (1788-1857) : Nhà thơ, nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.
(7) Eduard Friedrich Mörike (1804-1875): Nhà thơ Đức, nhà viết truyện ngắn và dịch giả.
(8) Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.
(9) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1805): Thi hào Đức, kịch tác gia, nhà triết học và nhà sử học.
(10) Bernd Heinrich Wilhelm von Kleist (1777-1811): Nhà thơ, kịch tác gia nhà viết truyện ngắn.
(11) Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn, nhà y học, nhà khoa học tự nhiên.
(12) Die Frankfurter Allgemeine Zeitung: Tờ thời báo Frankfurt- nhật báo Đức phát hành nhiều nhất ở nước ngoài.
Tranh của Gerdhard Richter (sinh năm 1932): Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia đương đại của Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét