Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Án oan tận mạng

Phạm Kỳ Đăng


Năm 1947, một phụ nữ cùng đứa con nhỏ của chị bị người nào dùng rìu bổ chết. Người cha và ông nội cháu bé „hạn chế về trí tuệ“, như một giám định viên đánh giá, đã vội vã thú nhận với cảnh sát, thêm vào đó ông còn dính vệt máu của cháu bé trên chiếc áo sơ mi đang mặc. Mãi tới năm 1966 kẻ giết người thực sự mới ra đầu thú. Một người lính quân đội nước ngoài đóng quân tại Siegburg đi qua địa phương đã thực hiện hành vi đó khi đột nhập vào nhà người dân.

Cũng không lâu, 19 năm trước, Rudolf Rupp, người nông dân miền Bavaria Thượng biến đi không để lại vết tích. Dưới áp lực phía điều tra viên gây ra, thân quyến trong gia đình khai, đã giết chết „người cha đáng ghét“ và vằm xác cho lợn ăn, dẫu trên trang trại nuôi gia súc không hề có vết tích để lại. Vợ ông và anh con rể „kém cỏi về trí năng“ phải ngồi tù. Năm 2009 người ta mò được chiếc xe Mercedes trong đó có thi thể Rupp – có lẽ ông ta đi uống ở tửu quán đâu đó và do say rượu đã tử nạn trên đường về.

Trong lịch sử hình sự Đức hiện đại, vì chỉ căn cứ vào lời thú nhận và nhìn nhận lời khai như chứng cứ tuyệt đối, hai án oan đã xảy ra. Ở vụ thứ nhất, người ta lờ mờ cảm thấy điều tra viên có thể còn ép cung, rơi rớt phong cách của hình sự thời Quốc xã. Trong vụ thứ hai có sự nôn nóng và gây áp lực của cảnh sát hình sự được báo chí thừa nhận.

Với thời gian, khoảng chơi và phương tiện của cảnh sát ngày càng bị giới hạn hơn, có thể nói đã tới mức tối đa, bởi pháp luật nghiêm cấm tra tấn, dùng nhục hình. Điều tra chịu nhiều chế tài giám sát khác nhau, và cảnh sát hình sự chỉ có nhiệm vụ điều tra, đương nhiên theo cả hướng suy đoán vô tội.

Với sự hoàn thiện của ngành tư pháp, người ta chấp nhận nhiều vụ việc đìều tra ra đối tượng, mà thế tội ác không bị trừng phạt đích đáng. Trong vài vụ giết người, chứng cứ tìm ra mười mươi, nhưng bởi không đáp ứng được 100% yêu cầu khách quan và vật chất của chứng cứ, ngành tư pháp độc lập và thậm chí cả xã hội đành bỏ cuộc và buông xuôi chờ đợi.

Thế còn các vụ án mạng không tìm ra xác chết, số phận nghi phạm hay phạm nhân nói chung sẽ ra sao? Tôi đã có dịp hỏi chuyện một luật sư. Ông ấy nói rằng, trường hợp này khó bề kết xử.

Tòa án bang Bonn, tại phiên giám đốc thẩm không tìm ra chứng cứ qui kết đầu bếp Dirk D. người vùng Eitorf tội sát hại chị Sandra D.– người vợ của mình, người mẹ của hai đứa con (22 và 10 tuổi), vì thế đã hủy bỏ bản án tuyên năm 2014 vì tội giết người. Theo kết luận đó bị cáo Dirk D. bị tuyên án 11 năm tù giam.

Bà Sandra D. mất tích cho đến hôm nay. Dạo đó, tháng 12 năm 2012, sự biến mất của người phụ nữ đứng quầy thu ngân tóc vàng đã gây chấn động cho người dân khu vực. Rất nhiều người hôm nay tin chắc rằng, chính Dirk D., kẻ „hay ghen“ ấy, mười mươi là thủ phạm.

Rất nhiều người tham gia vào cuộc tìm xác. Không tìm ra dấu vết gì của bà Sandra D, để lại trong nhà. Chó nghiệp vụ không sủa một tiếng tại sân nhà, khu vực xung quanh và các ô tô. Thậm chí cảnh sát điều tra chui cả xuống ống cống nước thải lùng sục.

Trong thực tế, năm 2013 Dirk D. đã thú nhận với người tình Tanja A., tuy chưa bao giờ với cảnh sát và tòa án, rằng anh ta sát hại vợ. Trong vụ xử sơ thẩm, anh ta cả quyết chung chung đã làm việc này vì yêu người tình mới làm quen thời gian ngắn sau khi vợ biến mất.

Cô người yêu có tính ái kỷ này rất „hám chuyện động trời“, luôn muốn được cung cấp „tình tiết giết người thật cụ thể“. Vì thế anh ta luôn kể ra câu chuyện trong những biến thể mới, việc anh ta theo đó vào đêm mồng 9 tháng Chín 2012 đã đánh thuốc mê người vợ tròn 42 tuổi, đẩy bà ta ngã xuống cầu thang, bóp cổ, chặt xác và bỏ lẫn vào rác bệnh viện chở đi. Với những tin tức đó, cô người tình Tanja A. đã ra trình cảnh sát.
Tòa án tối cao Karlsruhe đã tiếp nhận kháng nghị và chuẩn y thủ tục giám đốc thẩm, bởi lời khai của nữ nhân chứng không thuyết phục, mang nhiều tình tiết đáng ngờ.

Tại phiên giám đốc thẩm tiến hành tại tòa án bang Bonn, bằng những câu hỏi của mình, chủ tọa phiên tòa đã quay nữ nhân chứng có thể nói rời ra từng mảnh. Ông nêu rõ trong các vụ xét xử, Tanja A. đã luôn „cung ứng“ cho viện công tố, tòa án và cảnh sát những tình tiết mới. Vị thẩm phán chủ tọa trích ra hàng ngàn mục trạng thái cô ta viết khoe với các bạn công lao của mình, với thái độ dương dương tự đắc, đã „truy tìm ra dấu vết hung thủ“, và mãn nguyện để cho người đời ngợi khen cô như một „nữ anh hùng“.

Bản giám định của bà giám định viên người Berlin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí củng cố sai sót của lời thú nhận. Rất đúng với Dirk D: sự lệ thuộc về tình cảm và tình dục của nghi phạm vốn sống cô độc; sự vượt trội về trí tuệ của Tanja A. từng trải - cô con gái của một viên chức ngoại giao - và tình cảnh tuyệt vọng của anh đầu bếp. Hai lần anh ta đã tìm cách tự sát. Về việc này cô tình nhân từng chatt với bạn trên internet: “Tôi là cái cọc bám cuối cùng của anh ta. “

Sandra D. có ý định bỏ chồng và anh ta biết điều đó. Hai người thường xuyên cãi vã nhau vì tiền bạc. Chị đã ra thuê căn hộ riêng và đi lại với một doanh nhân, tuy nhiên ông này trước tòa án „đã không còn nhớ mình đã làm những gì trong cái đêm Sandra D. biến mất“. Theo lời vị thẩm phán “đáng lẽ ra vào thời điểm ấy người ta đã có thể lần theo những dấu vết khác, nếu như mọi ánh mắt không chỉ đổ dồn vào mỗi Dirk D.“. Nhưng ngày hôm nay các cơ quan tư pháp không thể làm việc đó nữa“.

Dirk D. được thả ngay sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc thẩm.

Theo dõi vụ án Hồ Duy Hải người quan tâm có thể thấy rằng, với sự vi phạm nghiêm trọng về thể thức ở các khâu điều tra, và nhìn dưới giác độ của nhà nước dân chủ - pháp quyền, các cơ quan chức năng đã thiếu hẳn chứng cứ để thụ lý một thủ tục xét xử. Và khi các thủ tục xét xử đều sai sót, tùy tiện như thế khi tiến hành, tòa án tối cao, xét cả về chức năng quyền hạn có được, dẫu căn cứ dựa vào bộ luật xộc xệch và khiếm khuyết, cũng bắt buộc phải chỉ có mỗi một nhiệm vụ duy nhất là tiếp nhận kháng nghị và hủy bỏ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Ông Nguyễn Hòa Bình và hội đồng thẩm phán của ông phải làm việc đó. Đằng này tòa do ông cầm đầu long trọng y án, tức là ở cấp cao nhất, hua dao múa thớt khai mạc bản án tử hình của các phiên tòa trước. Lại cũng là dao thớt mua ở chợ.

Bà mẹ khốn khổ bị đẩy xuống ao, chới với giơ tay quờ tìm công lý, liền bị tòa án tối cao của ông chà đạp cú nữa quằn quại trong ngày hôm kia, ngày của mẹ.

Tranh của Salvador Dali (1904-1989), họa sĩ Tây Ban Nha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...