Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Bài thơ „Nghiệm trải cái chết“ của Rainer Maria Rilke

Oliver Vogel


Bài thơ này của Rainer Maria Rilke vô danh khắc trên mộ chí của nữ nam tước Uexküll. Đến thăm bia mộ trên đảo Capri, đột nhiên người ta hiểu ra ý nghĩa của những câu thơ đó. Ai nhận mình đi tới Capri, người ấy cũng sẽ xao xuyến trong lòng về một mặt trời đỏ hạ chìm xuống biển. Thì thực sự người ta phải gắng công mới tìm thấy yên tĩnh trên hòn đảo; hoàn toàn chắc chắn không ở gần bến cảng Marina Grande, nơi có những con phà từ Neapel đến neo đậu. Băng qua con đập, nhìn về xa tắp sẽ tới Cimitero Acattolico, nghĩa trang của những người xa lạ.

Ở đây, từ cuối những năm 60, nữ nam tước Gudrun Baronin Uexküll yên nghỉ dưới một bia mộ, trên đó người ta có thể đọc được bài thơ „Nghiệm trải cái chết“ của Rilke không ghi tiêu đề và tên tác giả. Nếu nữ nam tước, từ vị trí ngôi mộ của mình có thể nhìn được thứ gì đấy, hẳn bà có thể phóng tầm mắt nhìn khắp bầu trời xanh dương phi thực của vịnh Neapel, đằng sau được trấn giữ bởi vòm cầu của núi lửa Vesuvius. Đây là một chốn phong cảnh đẹp nhưng ầm ào tiếng động, nơi ngay lập tức người ta hiểu nỗi nhớ mong sự yên tĩnh và thực tại của một cuộc đời khác mà bài thơ đề cập đến. Năm 1907, Rilke đã viết bài thơ tưởng niệm bà mẹ của nữ nam tước đã mất một năm trước. Năm ấy ông 37 tuổi, người cha ông đã mất trước đó nửa năm, và từ 7 tháng nay ông chia tay với Rodin- người thầy dạy của mình và người ông đã dành một quãng thời gian giúp việc.

Vài tuần lễ kéo dài Rilke đã sống bên những người bạn trên đảo Capri. Nữ nam tước, người cho khắc „Nghiệm trải cái chết“ trên bia mộ của mình rõ ràng muốn để lại cho người sống một sứ điệp. Bởi vì trong bài thơ này, trước hết mọi điều không liên quan tới cái chết. Bài thơ xoay quanh cuộc đời. Bài thơ của Rilke nói tới chúng ta và muốn vừa ý. Bài thơ giải hòa chúng ta với sự bất an do cái chết của người khác gây ra, và với một hình thức nghiêm ngặt phân định lại ở phía bên này. Thông qua phép chấm câu, khổ thơ trung tâm thứ ba khai mở. Khổ này đề cập tới một hiện thực chỉ một lần giữa cuộc đời hiển lộ. Nhưng mà làm sao có thể giải thích được, rằng „Nghiệm trải cái chết“ phê phán cái vẻ sân khấu của hiện thực như một nhược điểm điệu bộ và cũng trong cùng một hơi thở bày ra vẻ đẹp và sự phô diễn hình thức rõ nét như vậy? Sau khi hiện thực của cái chết chiếu hắt vào, làm sao lại có thể thành ra „ Chúng tôi diễn tiếp“ vậy? Mang tính quyết định là một khác biệt tinh tế: Ban đầu chúng ta đóng diễn các vai, nhưng cuối cùng của bài thơ ấy lại chính cuộc đời. Và vở chơi còn mãi.

Bị cuốn theo diễn vở cuộc đời

Đối với Friedrich Schiller, „thú vui ở vẻ ngoài, chí hướng ham chơi“ như cầu nối giữa Tư duy và Cảm thụ. Wilhelm Dilthey còn đi xa hơn: Tuy thế giới bên ngoài sẵn bày ra như một sự xuất hiện, mà thế chỉ tới trong trải nghiệm thế giới mới trở thành hiện thực cho ý thức, với tư cách là thực tại không thể tách rời khỏi kinh nghiệm. Một trải nghiệm như vậy là cái chết: Nếu như ai đó chết, nếu như người đó biến đi, rất dễ có suy nghĩ rằng, chẳng chỉ riêng con người này, mà tựu trung lại không có gì, cái rỗng không, thực sự tồn tại. Và bằng cách chúng ta hình dung ra điều đó, „với sức mạnh không sao cưỡng nổi, thực tại đã hiện ra ngay trước chúng ta“. Đó là ý tưởng của bài thơ: Kinh nghiệm về cái chết là một nghiệm trải nối liền thế giới bên ngoài với ý thức, và tư duy với cảm thụ. Như thế màu xanh diệp lục trong bài thơ không chỉ trích xuất những cung bực sáng tối khác biệt nhất của vịnh Neapel – từ „màu xanh tối ve chai“ tới „xanh sáng“, như Rilke miêu tả trong bút ký từ đảo Capri. Ông cũng còn gọi lên những suy tưởng mang tính lý thuyết nhận thức của quỉ Mephistopheles: „ Này anh bạn, mọi lý thuyết đều là màu xám/ Và xanh tươi cây vàng kim cuộc đời“ giải thích sự khác biệt giữa lý trí và cảm xúc, giữa trường học và cuộc đời, sự khác biệt giữa xanh (diệp) và „xanh của xanh chân thực“.

Nghiệm trải cái chết có nghĩa là hiểu cuộc đời trong những liên quan của nó.“ Làm sao có thể sống được?“, Rilke vấn hỏi trong một bức thư, „nếu như, với chúng ta, những nguyên tố của cuộc đời lại hoàn toàn không nắm bắt được? Nếu như chúng ta cứ liên tiếp thiếu thốn trong yêu đương, thiếu tự tin trong quyết định và bất lực đương đầu với cái chết, thử hỏi làm sao có thể tồn tại được“. Làm sao chúng ta có thể đảm đương những nhiệm vụ chúng ta có trong đời „ một cách lúng túng như kẻ mới vào cuộc, giữa những sự hốt hoảng và biện bạch, một cách thảm hại làm vậy. Có phải điều đó không sao nắm bắt được hay không?“. Điều này nguyên còn là điều không thể tri nhận như vẻ đẹp phi hiện thực của đảo Capri, thứ Rilke thoạt đầu hầu như không thể chịu nổi trong khoảng thời gian của những cuộc chia ly này. Mãi về sau này ông mới nói về chuyện ông „ dạo đó bằng một cách nào cơ hồ đã lấy lại sức cho nhiều năm tiếp“. Có vẻ như, nếu như mặt trời đỏ lặn chìm xuống biển xanh lục, người ta học cách bị cuốn theo diễn vở cuộc đời. 

Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Nghiệm trải cái chết

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Chúng tôi biết cái bằng không về cuộc đi tuyệt tận đó,
chẳng chia sẻ cùng. Chúng tôi chẳng có nguyên do
chỉ ra ngưỡng mộ và tình yêu hay oán thù
cho thần chết bị cái miệng che mặt nạ

của than vãn bi thương làm biến dạng đi kỳ lạ
thế giới còn đầy vai chúng tôi đóng trò,
chừng nào lo, liệu chúng tôi cũng vừa ý cho
thần chết cũng diễn trò, dẫu hắn không vừa ý.

Mà thế khi anh đi, đây đó hắt vào sân khấu
một vệt hiện thực qua khe nọ mỏng manh
anh đã đi qua tới đó; xanh của thực sự xanh,
nắng chân thực và rừng chân thực.

Chúng tôi diễn tiếp. Xướng lên điều học được
một cách dè dặt, gian nan, và sau sẽ đến thời,
vượt qua cử chỉ; nhưng sự Tồn thế của anh xa vời
nảy sinh từ vở diễn của chúng tôi, thư thoảng

có thể lay chuyển chúng tôi, như một sự hiểu biết
về hiện thực nọ, đang chìm xuống hạ màn,
khiến hồi lâu chúng tôi cuốn theo làn,
diễn vở cuộc đời, không nghĩ về tán thưởng.

Nguyên tác tiếng Đức

Todes-Erfahrung

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Wir wissen nichts von diesem Hingehn, das
nicht mit uns teilt. Wir haben keinen Grund,
Bewunderung und Liebe oder Hass
dem Tod zu zeigen, den ein Maskenmund

tragischer Klage wunderlich entstellt.
Noch ist die Welt voll Rollen, die wir spielen.
Solang wir sorgen, ob wir auch gefielen,
spielt auch der Tod, obwohl er nicht gefällt.

Doch als du gingst, da brach in diese Bühne
ein Streifen Wirklichkeit durch jenen Spalt
durch den du hingingst: Grün wirklicher Grüne,
wirklicher Sonnenschein, wirklicher Wald.

Wir spielen weiter. Bang und schwer Erlerntes
hersagend und Gebärden dann und wann
aufhebend; aber dein von uns entferntes,
aus unserm Stück entrücktes Dasein kann

uns manchmal überkommen, wie ein Wissen
von jener Wirklichkeit sich niedersenkend,
so dass wir eine Weile hingerissen
das Leben spielen, nicht an Beifall denkend.

Chú thích của người dịch:

Oliver Vogel (sinh năm 1966): Phụ trách chương trình văn học Đức, giám đốc nhà xuất bản FS. Fischer.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương Đức và châu Âu hiện đại.

Tiểu sử: Rainer Maria Rilke sinh ở Praha, Bohemia (thời đó là Áo-Hung, nay là Cộng hoà Séc) trong một gia đình công chức. Tuổi thơ sống ở Praha, sau đó ở München), Berlin, Paris, Thụy Sĩ. Học Văn học, Lịch sử nghệ thuật, Triết học ở Đại học Praha, Đại học München, Đại học Berlin. Những tập thơ đầu tiên, Leben und Lieder (Cuộc đời và những bài ca, 1894); Traumgekrönt (Đăng quang trong mơ, 1897)…, thể hiện những đề tài theo khuynh hướng suy đồi cuối thế kỉ 19. Sau 2 chuyến đi sang Nga (năm 1897 và 1900) Rilke gặp Lew Nikolajewitsch Tolstoi và tiếp nhận ảnh hưởng của văn học Nga. Năm 1901 kết hôn với nữ điêu khắc gia, họa sĩ Clara Westhoff và sinh con gái trong năm này, sau đó chuyển sang sống ở Pháp. Thế chiến thứ nhất xảy ra, Rilke tham gia quân đội một thời gian, sau đó sống ở München, năm 1919 sang Thụy Sĩ . Năm 1921 sống ở Muzot, hoàn thành Duineser Elegien (Bi ca Duino) viết dở từ năm 1912 và viết Die Sonette an Orpheus (Sonnet gửi Orpheus). Từ năm 1923 vì lý do sức khoẻ phải sống ở khu điều dưỡng Territet bên hồ Genève. Các bác sĩ không chẩn đoán đúng bệnh tình, chỉ trước khi chết không lâu mới xác định ra đó là bệnh máu trắng. Rilke qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1926 tại dưỡng viện Val-Mont. Nhà thơ tự chọn cho mình câu thơ yêu thích khắc trên bia mộ: Rose, oh reiner Widerspruch, Lust, Niemandes Schlaf zu sein unter soviel Lidern. (Dịch: Bông hồng, ôi mâu thuẫn tinh khiết, thích thú là giấc ngủ không của riêng ai dưới bao hàng mi).

Tranh của Henri Matisse (1869-1954): Họa sĩ, nhà đồ họa, nhà điêu khắc Pháp, sáng lập phái Dã thú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...