Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Bài thơ „Người chơi múa rối“ của Nelly Sachs

Mathias Mayer     


Nelly Sachs đã đưa vào cả một tổ khúc„ Chữ đề bia mộ viết vào thinh không“ in năm 1947 bao gồm cả bài thơ ta có dưới đây vào tập thơ đầu tay của mình „Trong những căn hộ của tử thần“. Vài phần của tổ khúc đã được viết vào năm 1942/1943 khi bà đang tỵ nạn tại Thụy Điển, sau lúc bà biết mình mất đi những người thân quyến. Một thời gian ngắn sau, tác giả bình luận về sự ra đời các văn bản đó: „Nhưng trong một bí mật to lớn những bi ca này đã tự tìm đến tôi.“ „Người chơi múa rối“ được ghi thời gian ra đời khoảng giữa 1943 và 1946.

Hẳn ta không biết về người chơi múa rối hiện diện bằng tên viết tắt – hay đó là một người đàn bà -, trong ký tự chữ in hoa thậm chí có hai biến thể lưu truyền nữa, bên cạnh „K.G.“ còn có một ký tự „P.M.“, và khác biệt với những bi ca khác, nữ tác giả không bật mí hay giải thích gì thêm về văn bản này. Nhưng mà chúng ta biết Nelly Sachs trong thời kỳ đầu của mình, bên cạnh thơ và những truyện huyền sử bản thân bà cũng viết cả kịch bản rối theo phong cách của Selma Lagerlöf, nhà văn bà hằng ngưỡng mộ. Sáu khổ thơ, thoạt đầu kết nối những thế giới hình ảnh hiện ra khác biệt nhau như vậy, qua lời xưng nói tới Bạn đã được sắp đặt, chúng cấp cho khung viền. Hai khổ thơ đầu và khổ thơ cuối hướng về người được nhắc tới trong title, chúng đứng trong cuộc đối thoại với người đó bị cưỡng về câm lặng, điếu văn và bi ca gồm trong một.

Bi ca về thế giới rộng dài và một bàn tay nhỏ bé

Nếu trước hết nói về chuyện người đó khả dĩ níu kéo „thế giới dài rộng“ tới gần mình bằng cách gọi lên những con đường về xa xôi, thì lập tức ở khổ thơ thứ hai hiện ra nghệ thuật lớn lao của người chơi trò múa rối: những gì anh ta đã đạt đến, được miêu tả như „một cột mốc“, đó chính là sức lực và ma thuật của việc làm cô đọng thế giới rộng dài vào một thế giới nhỏ của những con giống nghệ thuật. Anh ta đã dệt „sợi dây mặt trời“ của nghệ thuật riêng mình, một hình ảnh hiếm khi được sử dụng, được tìm thấy nơi Schiller(1), rõ ràng được xác chứng trong bài „Bi ca“ của ông. Liệu Paul Celan(2), người hàng thập niên sau này in dấu ấn vào chữ „mặt trời ròng sợi“ và thậm chí đặt tiêu đề bao trùm như vậy cho tập thơ của mình đã nghĩ tới mối liên quan đó?

Ba khổ giữa phác thảo ba hoạt cảnh từ những địa hạt khác nhau, hiển nhiên hiện diện trong trò chơi múa rối – thế giới của Kinh Cựu Ước với nhà tiên tri Elijah, kế đó cuộc gặp gỡ kinh ngạc giữa cuộc đời và cái chết, giữa người trinh nữ trong „chiều tối hoa hồng“ và người phu đào huyệt; kết cục sự nỗ lực tìm cách hợp nhất thiện cảm và đau thương trong mỉm cười và than khóc như là nghiệm trải của tình yêu. Có thể ở đây có một mối liên quan với vở kịch múa rối của Nelly Sachs viết thời kỳ đầu không xuất bản, sau tìm thấy trong di cảo: „Elia và những kẻ đang yêu“.
Ở phần kết, nhằm đánh giá nghệ thuật lớn lao này bài thơ quay trở về trong điều nhỏ mọn: thế giới rộng dài hiện ra như „trái đất xoay tròn với nhạc của các tinh tú" trong màn diễn của người nghệ sĩ biết dùng bàn tay của mình nắm bắt ma thuật của thế giới; âm nhạc của các tầng quyển, của các vì sao chỉ dẫn về tính cách tác động hòa phối, càng được ám chỉ qua nét tròn trịa, của anh ta, một tác động đã bị tội ác, một cách tàn bạo, dồn về câm lặng. Bài thơ nơi đó như lời than oán cũng như một phản kháng chống lại sự im lặng, bài thơ là một hồi tưởng và tưởng thưởng, chứng chỉ của một sự công nhận đã biến một cột mốc thành dòng bia đề mộ, thành một ngôn ngữ chiết giản. 

Đồng thời bài thơ gọi lên truyền thống lớn của trò chơi múa rối trong mọi nền văn hóa lắng đọng lại thành một trò diễn trên ranh giới giữa Cái chết và Cuộc đời – như một cuộc gặp gỡ giữa thân thể vẻ như không sự sống, không lời của búp bê hay của con rối và câu hỏi liên đới tới sự điều khiển chúng thông qua người đạo diễn hay người chơi trò múa rối. Ngay từ những đối thoại luật pháp „Nomo“ của Platon (3), ở đó cũng luôn xoay quanh sự tồn tại của con người, câu tra vấn về sự lệ thuộc và tự do, về đạo hạnh hay sự thanh nhã nơi hành động của nó, tỉ dụ như trong nỗ lực vô song của Kleist(4) viết „Về nghệ thuật kích rối“, hoặc về mối tương tác của ngôn ngữ và im lặng. Trong bài thơ của Nelly Sachs, mối liên quan này đã trở thành cột mốc của một hồi tưởng, một bi ca về cuộc hội thoại bị phá hủy giữa thế giới rộng dài và một bàn tay nhỏ bé.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức bài viết từ Hợp tuyển Frankfurt – Frankfurter Anthologie.

Người chơi múa rối

Nelly Sachs (1891 – 1970)

Cái thế giới rộng dài đã tới nơi bạn
Với cát trong giày, và vẻ trên má xa xăm.

Ở dây sợi mặt trời bạn kéo nó vào trong
Thế giới ngủ trên cột mốc của bạn đây đó.

Trong búi tóc Elijah con én đã xây tổ của mình
Cho đến lúc tan tành trong thương nhớ.

Người đào mộ đào tới tìm bài đố
Tìm thấy một trinh nữ trong chiều hoa hồng.

Một cặp sinh đôi từ cười nụ và khóc ròng
Gắng tìm cách trong tình yêu hợp nhất.

Với nhạc của tinh tú khiêu vũ xoay tròn trái đất
Như vậy trên tay anh, tới khi bị ruồng bỏ nín câm.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Der Marionettenspieler

Nelly Sachs (1891 – 1970)

Die weite Welt war zu dir eingegangen
Mit Sand im Schuh und Ferne an den Wangen.

Am Sonnenfaden zogst du sie herein
Da ruhte sie auf deinem Meilenstein.

Die Schwalbe baute in Elias Haaren
Ihr Nest; bis er in Sehnsucht aufgefahren.

Der Totengräber nach dem Rätsel grabend
Fand eine Jungfrau in dem Rosenabend.

Das Zwillingspaar aus Lächeln und aus Weinen
Versuchte sich in Liebe zu vereinen.

So tanzte Erde rund mit ihrer Sternmusik
Auf deiner Hand; bis sie verlassen schwieg.

Chú thích của người dịch:

Mathias Mayer (sinh năm 1958): Nhà nghiên cứu ngữ văn Đức
(1) Johann Christoph Friedrich von Schiller (1759-1805): Thi hào Đức, kịch tác gia, nhà triết học và nhà sử học.
(2) Paul Celan (Paul Antschel, 1920-1970): Nhà thơ viết tiếng Đức, gốc Do thái.
(3) Tác phẩm dang dở gồm những đối thoại luật pháp của Platon.
(4) Bernd Heinrich Wilhelm von Kleist (1777 - 1811): Kịch tác gia, nhà thơ, nhà văn Đức. 

Nelly Sachs: (tên khai sinh Leonie Sachs, sinh năm 1891 tại Berlin – mất 1970 tại Stockholm): Nữ thi sĩ và nhà văn Đức (gốc Do thái, sau bà mang quốc tịch Thụy điển). Năm 1966 Hội đồng Nobel Hòang gia Thụy điển trao giải Nobel văn chương cho bà (cùng nhận với Samuel Joseph Agnon) vì“ những tác phẩm thơ và kịch tuyệt vời phu diễn số phận Israel với một bút pháp mạnh mẽ lôi cuốn.“

Tranh Gerhard Richter, sinh năm 1932, họa sĩ, nhà điêu khắc Đức (được nhiều hội đồng chuyên môn danh tiếng đánh giá là họa sĩ quan trọng số 1 của thế giới đương đại).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...