Năm 1905, khi bài thơ xuất hiện ở Berlin, văn minh Do thái nơi đó đã lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Những dòng thơ của Else Lasker-Schüler là một lời tự thú lưỡng lự đối với „ dân tộc“ của bà.
Trong những bài „ Hebrew Ballads“, tập thơ nổi tiếng nhất của Elsa Lasker-Schüler, bài thơ „Dân tộc tôi“ có một chỗ đứng đặc biệt. Những bài thơ ballads về những nhân vật xuất chúng của tộc người được nói tới ở đây – từ Joseph và Moses, Abigail và Esther, Jakob đến Sulamith. Nhưng cũng ở đây bà sáng tác thơ chính về dân tộc vậy: Thiên Chúa thực hiện hành động của mình nơi dân tộc ấy, Người viết hành động của mình vào cuốn sách thiêng và trao cho tộc người sống trên bán đảo Sinai cuốn sách đó như lý thuyết của mình.
Đó chính là giao ước (1) mà Thiên Chúa đã ký với dân tộc Israel của mình, và như thế người Do thái luôn tự hiểu về bản thân mình; như là một dân tộc của thiết ước và là dân tộc của cuốn sách. Nhưng mà dân tộc đó ra sao, khi Else Lasker-Schüler viết ra những câu thơ của bà?
Những câu đó xuất bản năm 1905 tại Berlin, thủ đô của Vương quốc triều Wilhelm nơi người Do thái của nước Đức trái nghiệm một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Trong thế kỷ 19 họ đã gây dựng thanh thế và đã tạo được vẻ ngoài như là xã hội Đức chấp nhận họ. Nhưng khi Bismark thành lập đế chế của ông, một chủ nghĩa Bài Do thái mới đã bùng phát. Không còn mang màu sắc tôn giáo, mà khơi động lực ở khía cạnh chính trị, và những người Do thái phải đối mặt với thứ chủ nghĩa đó ở nhiều cách khác nhau. Đa phần họ tìm cách còn Đức hơn cả người Đức, là điều họ đã là rồi không còn phải bàn cãi. Những người khác, đặc biệt là những người trẻ, tập hợp lại xung quanh Martin Buber (2) và đi tìm về cội nguồn Do Thái đã thất lạc. Lại có những người khác đi theo Theodor Herzl (3) và trở thành những môn đồ của chủ nghĩa phục quốc.
Nữ tiên tri bị xiềng xích
Ngày hôm nay chúng ta biết được từ nghiệm trải cay đắng rằng cuộc khủng hoảng này đã dẫn tới đâu, nhưng mà dạo đó buổi giao thời giữa hai thế kỷ cuộc khủng hoảng đó không thể giải quyết. Điều này cho thấy ngay từ tên của bài thơ. Không cần phải nêu ra người Do thái, nữ thi sĩ đã tự nhận mình đứng về „dân tộc của mình“, và đó không phải là những người Đức. Với cử chỉ ấy bà đã len lỏi qua mọi nỗ lực của thế kỷ 19 xoay quanh một sự thích nghi, sự trở thành Đức của người Do thái. Nhưng Else Lasker Schüler không thích nghi, và bà đi những con đường riêng của mình.
Với dòng đầu tiên thôi, sự thú nhận của bà đã tỏ ra lưỡng lự. Không chỉ riêng gì với người Do Thái, vách đá như một ẩn dụ của sự kiên cường và trường tồn, cả người Ki tô giáo cũng đã xây nhà thờ trên đá tảng. Nhưng ở nơi Else Lasker Schüler, đá vách đó lở ra, và ý nghĩa nước đôi của ban đầu trải rộng ra toàn bài thơ.
Vậy thì có thể hiểu như thế nào động từ của câu thứ hai? Cái tôi trữ tình „nhào khỏi“ vách đá, đoạn tuyệt khỏi, như người ta nhảy xuống từ một mỏm đá, tách biệt khỏi nó, bởi vì đá tảng này đã bở tơi ra? Hay cái từ đó là một từ đồng nghĩa cho từ „bứt khỏi cội“, nữ thi sĩ nói lên cái đối thể chính xác, với đó bà đã xích cột mình vào mỏm đá và, dẫu có muốn thế, bà hoàn toàn không sao thoát khỏi?
Trước hết ta có cảm tưởng như những câu thơ trên mô tả sự chạy trốn. „Từ đường đi cái Tôi bổ nhào xuống“, xảy ra tự bên trong, sâu trong thăm tâm „ào ạt“ đổ xuống „biển cả“ mở mênh mông. Trong khổ thơ thứ hai, vận động chảy trôi vẫn tiếp diễn: Nữ thi sĩ đã cuốn chảy theo dòng từ „nước men của huyết lệ“ – một từ then chốt của bài thơ san trọn hẳn một dòng. Theo một cung cách lạ lùng, gần như mang màu sắc ki tô giáo cái từ đó đánh đồng rượu vang và máu hòa quyện với nhau mà không kể gì một câu chuyện cứu rỗi, bởi chưng máu – cũng như đá tảng bở tơi ra – đã hư hỏng, và nữ thi sĩ đã tách biệt ra khỏi nền tảng đó.
Người ta tin mình cảm thấy một sự giận dữ mang tính tiên tri mà Else Lasker-Schüler ấp ủ phản đối những người Do thái đương thời của mình, trong khi bà hát những bài ca ngợi Chúa, và thế đấy đối với tất cả, dòng đối lưu đã sẵn được ký thác. Con đường của bà dẫn tới phương Đông, tới những tàn tích của ngôi đền tan nát tại Jerusalem, và từ nơi sỏi đá của nó còn khóc than dội lại tự bên trong một tiếng vọng vang kinh hãi.
Sỏi đá khóc than trên con đường bà đi là những mảnh vỡ của một tảng núi long lở khiến bà tìm cách trốn chạy, nhưng mà còn nhiều hơn thế nữa. Đó là một phần của bản ngã bà, và điều này khiến mọi sự trốn chạy vô nghĩa. Dân tộc để bà viết gửi thơ ca là „hài cốt đá lở long“ của thân thể bà, di truyền bà mãi bị xiềng gông vào đó. Trong thâm tâm, dân tộc đó gào gọi Chúa cầu sự phục sinh xương cốt phơi khô như Thiên Chúa xưa kia từng hứa với nhà tiên tri Ezekiel của mình.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:
Dân tộc tôi
Else Lasker-Schüler (1869 -1945)
Mỏm núi đá, từ đó
tôi nhảy thoát, bở tơi ra
Và tôi hát những bài thánh ca
Thình lình trượt con đường tôi nhào xuống,
Và trong tôi tiếng ào ạt,
Qua mỏm đá khóc than, hoàn toàn đơn độc
Dội xuống xa đại dương.
Tôi đã cuốn theo dòng như thế
Từ nước men của huyết lệ
Và luôn mãi không thôi
Tiếng vọng còn
Trong tôi,
Nếu kinh hoàng hài cốt đá long lở
Đập tới phương Đông
Dân tộc tôi
Thét gào tới Chúa.
Nguyên tác tiếng Đức:
Mein Volk
Else Lasker-Schüler (1869 -1945)
Der Fels wird morsch,
Dem ich entspringe
Und meine Gotteslieder singe...
Jäh stürz ich vom Weg
Und riesele ganz in mir
Fernab, allein über Klagegestein
Dem Meer zu.
Hab mich so abgeströmt
Von meines Blutes
Mostvergorenheit.
Und immer, immer noch der Widerhall
In mir,
Wenn schauerlich gen Ost
Das morsche Felsgebein,
Mein Volk,
Zu Gott schreit.
Chú thích của người dịch:
(1) Sự kiện Thiên Chúa đã lập thiết ước với dân tộc Israel
(2) Martin Mordechai Buber (1878-1965): Nhà triết học tôn giáo người Áo, gốc Do thái – Israel. Ông khích lệ người Ki tô giáo và trước nguy cơ bài Do thái ông kêu gọi đối thoại tôn giáo.
(3) Theodor Herzl (1860-1904): Nhà văn, nhà báo người Do Thái ở Hungary đã khởi xướng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái hay còn gọi là Chủ nghĩa Zion trong nỗ lực chống lại ách áp bức và ngược đãi người Do Thái và tìm ra bất cứ mảnh đất nào trên thế giới để người Do Thái có thể sống yên ổn và thành lập quốc gia của riêng họ.
Jakob Hessing: Sinh năm 1944, nhà văn và nhà ngữ văn Đức người Israel.
Else Lasker-Schüler (tên khai sinh Elisabeth Lasker-Schüler; * sinh ngày 11.02 1869 tại Elberfeld, nay là Wuppertal; † 22. 01 1945 tại Jerusalem), nữ thi sĩ lớn thế kỷ 20, người Đức gốc Do thái, đại diện kiệt xuất của trường phái Hiện đại tiền phong và của Chủ nghĩa Biểu hiện trong văn chương.
Tranh của Franz Marc (1880-1916): Họa sĩ Đức, đại diện quan trọng của phái Biểu hiện, bạn của Else Lasker-Schüler.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét