Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Hoàng tử của những ân huệ ban cho người thi sĩ

Eckhard Heftrich  



Năm 1945 bà mất tại Jerusalem. Một người xa lạ cũng chết ở đó, nơi xưa kia trong trí tưởng tượng bà đã phát minh cho mình một trong nhiều những chốn quê hương, cũng là nơi cuối cùng kẻ bị xua đuổi như bà đã tìm ra nơi nương náu. Năm mươi năm sau người đời khó có thể đồng cảm được việc sau kết cục thời gian mười hai năm chạy trốn có cơ sở dấy lên nghi ngại rằng những câu thơ của bà „ đôi phần rơi vào quên lãng“. Năm 1948 Friedhelm Kemp viết như thế tại miền đất cao nguyên. Một sự tình cờ khoái hoạt đã khiến một bản sao của tập thơ cuối „Cây đàn dương cầm xanh của tôi“ xuất bản vào năm 1943 tại Jerusalem lọt vào tay ông và nhắc nhở „ hãy dâng cống vật của tình yêu và sự biết ơn cho người chị em sinh sau đẻ muộn của Debohra và Sulamit“.

Sự biết ơn không chỉ bao gồm một bài tiểu luận ngắn, ở đó với sự cảm nhận sâu sắc người ta có được sự phân biệt giữa vàng ròng của thơ ca và sự lóng lánh của vàng mã đính viền trang phục tạp kỹ, cũng là một sự phân biệt sau này thiếu vắng hẳn nơi người diễn giải bị choáng ngợp bởi hào quang của danh vọng người quá cố. Thậm chí việc in ấn bốn bài thơ vào năm 1947 được coi là sự tri ân nữa. Một trong bốn là bài ca này. Điều gì được thông báo trong tiểu luận về nữ thi sĩ, Kemp gọi „ một cách đầy cẩn trọng là một người Do thái“ hay „đúng hơn một người Hebrew, chỉ riêng điều đó phải chăng đã đủ đánh thức được mối quan tâm của người đọc say mê dạo đó mới 20 tuổi đối với người nữ sĩ ông không hề biết tới. Càng hơn thế, khi dạo đó người đọc cũng vừa dò dẫm ngạc nhiên phát hiện ra rằng, văn chương bị trừ khử hay bị phỉ báng sau 1933, từng xuất hiện ở thời xa xưa không định kiến vào đầu phần ba thế kỷ kể cả sau khi đế chế Hitler sụp đổ vẫn làm nên phần quan trọng nhất của văn chương đương đại.

Âm hưởng bất ngờ của những câu thơ mà thế mạnh hơn tin báo về số phận người nữ thi sĩ. Hơn thế giai điệu của bài ca tình yêu đã gây xúc động người mới 20 tuổi mạnh mẽ tới mức suốt một cuộc đời ông ấp ủ trong tai mình. Sau nhiều thập kỷ hồi tưởng lại giai điệu, ông ngộ ra tại sao dạo đó giai điệu đã hút hồn ông như một phép lạ. Nó bay bổng với sự phá niêm luật của hai câu thơ chấm phá đầu tiên. Nếu xung xuất một cách chuẩn mực với vận luật ngự trị trong 9 của 11 dòng thơ, thì bài thơ lẽ ra phải bắt đầu: đến đây trong đêm… và một người thợ rèn giũa câu thơ những phải có thể đi tiếp: từ sự thức dậy cô đơn… Nhưng ngay cả với Eichendorf, cứ cho là thế, thì sau đó âm nhạc có thể bị đe dọa bởi tiếng lách cách của cái nhịp khởi xướng. Nhưng như thế người ta nghe thấy ngay đầu tiên tiếng gọi quyến rũ của nhớ nhung từ nơi xa đến. Bởi chưng buổi tinh mơ tăm tối của giấc mơ hàm ý không chỉ đêm đã qua và sự bắt đầu của sự thức dậy.

Không phải trong lúc thức giấc, mà cô đơn từ sự tỉnh giấc: chính vì thế „cô đơn“ là từ duy nhất của các từ đứng cuối các dòng thơ không có sự đáp lại của vần. Rằng „ suối nguồn“ (Quellen) gây ra tiếng vọng của „ cúc bất tử“ (Immortellen), kể ra cũng ít nhiều có được do ép vần. Nhưng ai được nàng Thơ ban phước, không việc gì phải sợ sự khiên cưỡng như vậy, người đó được phép tuân theo. Người đó không cần phải bối rối vì việc hoa cúc bất tử là loại hoa kể ra giữ được lâu đấy nhưng cọng khô như rơm; nên người đó được phép một mình nán lại ở chỗ những bông hoa kết thành vòng nơi mộ chí đứng vững cho niềm hy vọng về bất tử.

Giấc mơ ở đây gọi hiện lên qua khúc hát là giấc mộng cổ tích vĩnh cửu của tình yêu và không thuộc về thế giới này. Cái sinh thể được yêu của giờ khắc vô thời đằng sau thế giới không một lần đi đôi hài bảy dặm của cổ tích mà là đôi hài của tinh tú; và không có mũ che kín mặt mà chỉ có tình yêu tránh né những cái nhìn săm soi ác ý. Nếu như hoàng tử này được ban ân sủng của thi sĩ tới đây thì những chiếc rương trên đó chất bụi dày năm tháng sẽ mở ra cho những chuyện thần tiên thường ra không ai tin vào đó. Trong vương quốc diệu kỳ của những vầng trăng đêm đó sự ái ân không là rạo rực và sáng tạo, mà là sự bình an của thiên đường trước tội tổ tông. Những con thú kỳ lạ thuận về bình an đó không phải là những sinh linh do thiên nhiên tạo ra, mà là những sinh thể như người bạn Franz Marc, trong những năm trai trẻ được Else Lasker – Schüler gọi là „kỵ sĩ xanh của vàng ròng“ đã sáng tạo nên.

Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức.
Nguồn: Eckhard Heftrich, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Neunzehnter Band, Insel Verlag, 1996

Một bài tình ca

Else Lasker-Schüler (1869 -1945)

Hãy đến với em trong đêm - ta ngủ ôm chặt nhau
Em rất mệt, cô đơn từ thức giấc
Trong tối tinh mơ một con chim lạ đã hát
Khi giấc mơ còn vật vã và giành giật với em.

Trước mọi nguồn hoa mở cánh xem
Và phối sắc màu của mắt em, hoa cúc bất tử…

Hãy đến với em trên đôi hài của bảy vì tinh tú
Đêm khuya gói ghém tình yêu vào ngôi lều của em.
Từ những cái rương trời bụi bặm những vầng trăng mọc lên.

Như hai con thú kỳ lạ, ta muốn nằm no nê tình ái
Trong bụi lau cao, khuất sau thế giới này.

Nguyên tác tiếng Đức:

Ein Liebeslied

Else Lasker-Schüler (1869 -1945)

Komm zu mir in der Nacht – wir schlafen engverschlungen.
Müde bin ich sehr, vom Wachen einsam.
Ein fremder Vogel hat in dunkler Frühe schon gesungen,
Als noch mein Traum mit sich und mir gerungen.

Es öffnen Blumen sich vor allen Quellen
Und färben sich mit deiner Augen Immortellen…

Komm zu mir in der Nacht auf Siebensternenschuhen
Und Liebe eingehüllt spät in mein Zelt.
Es steigen Monde aus verstaubten Himmelstruhen.

Wir wollen wie zwei seltene Tiere liebesruhen
Im hohen Rohre hinter dieser Welt.

Chú thích của người dịch:

(1) Friedhelm Kemp (1914-2011): Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học và dịch giả Đức.
(2) Joseph von Eichendorff (1788-1857): Nhà thơ, nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.

Eckhard Heftrich (sinh năm 1928): Nhà nghiên cứu văn học Đức.

Else Lasker-Schüler (tên khai sinh Elisabeth Lasker-Schüler; * sinh ngày 11.02 1869 tại Elberfeld, nay là Wuppertal; † 22. 01 1945 tại Jerusalem), nữ thi sĩ lớn thế kỷ 20, người Đức gốc Do thái, đại diện kiệt xuất của trường phái Hiện đại tiền phong và của Chủ nghĩa Biểu hiện trong văn chương.

Tranh của Franz Marc (1880-1916): Họa sĩ Đức, đại diện quan trọng của phái Biểu hiện, bạn của Else Lasker-Schüler.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...