Bài thơ mở lời tuyên bố tình yêu gửi tới hai thành phố. Với rung cảm thống thiết ấn tượng, thời thanh niên và quê quán được hồi tưởng; sự trở về và đi vào lịch sử của cái tôi và phong cảnh của nó được cập hiện. Những câu thơ, thường là như vậy, trên cuộc kiếm tìm cái bản sắc đã mất? Một cái nhìn về tiểu sử của tác giả phản bác bỏ dự đoán này. Năm 1917 Bobrowski sinh ra tại Tilsit và lớn lên ở hai bờ sông Njoman. Là người lính của quân đội quốc xã đánh chiếm Vilna ngày 24.06. 1941 và Nowgorod vào ngày 15.08, ông đã đặt chân vào đất Nga; tại vùng hồ Ilmensee giao tranh dữ dội ông đã bắt đầu viết. Một biến diễn xúc động:Đúng giữa cuộc chiến tranh, một người Đức, không bị dao động bởi định kiến và tuyên truyền, phát hiện ra trên đất nước của kẻ thù quê hương trong tâm tưởng của mình nay nhận biết được bằng cụ thể sinh động của trải nghiệm.
Mở rộng không gian hồi tưởng mang tính cá nhân thông qua đối lập giữa xưa kia và bây giờ, đoạn thứ hai của bài thơ tưởng niệm ánh hào quang đã mất và oán trách người kể chuyện cô độc. Những mùa trong năm nêu tên những chặng đời. Tại sao mùa hè viên mãn đã được tặng tiếp đi nhỉ? Chiến tranh đã gọi những cậu trai đi, hay đã nhử họ đi vào một miền xa xôi không lịch sử? Những lời thanh minh được lược giản ở đây hoặc sau đó. Những câu thơ ngắn cốt chỉ nhằm xác quyết cho kết quả và bằng lòng với việc gọi trở lại cái tình huống ban sơ của huyền thoại và cổ tích: đêm đêm, „bên ngọn lửa“, người kể chuyện, hồi ức thơ ca của thời cổ xưa.
Trước hết hướng về thời thanh niên phong túc, sau đó cái thực tại bị vắt kiệt, ở đoạn thứ ba bài tụng đã mào đầu một tương lai ảm đạm: Khúc hát láy luyến khúc cầu nguyện cũ và luôn luôn mới về cướp bóc và săn lùng, về bạo lực và kháng cự. Những con sói „băng đi“- kể cả khi bài thơ cưỡng lại sự cập nhật chăng nữa, những câu thơ này cũng cho biết hơi hướng, rằng thời của sói ngự trị, được chỉ đạo từ hang sói của Hitler. Người đi săn có đương đầu lại thách thức được không? Cái báu vật đá hổ phách an ủi ta, cái phản quang của ánh sáng trong bóng tối của màn đêm và của lịch sử.
Những câu thơ kết mang tính quyết định tiên báo rằng „ Thánh linh“ vẫn có ngay cả trong thời tai họa, như hiện tại hữu ích của thiên nhiên cổ xưa và tinh thần của sự khởi đầu. „Thánh linh nổi trôi/ một con cá“ : Bobrowski huy động vốn hiểu biết cổ. Từ những chữ cái của chữ „Ichthys“, từ „cá“ của tiếng Hy Lạp, những cha đạo đã chiết xuất ra bản tính của Đức Chúa Giê-su. Hình ảnh táo bạo thông qua đó gợi nhớ về truyền thuyết tượng thánh Nikolajs, vị thánh của dân tộc Nga đã trôi từ Kiew tới mãi Nowgorod.
Sự ngoan đạo của nước Nga cổ - Bài giảng của các Thánh Cha – đòi hỏi tình mến khách cả ở trong thời kỳ hung bạo. Với thứ đó lời „gọi“ chuyển sang một lời kêu gọi và khép lại như một lời ai điếu cho kẻ sẽ bị người lạ qui chụp thành một kẻ xa lạ. Chỉ phải trả một cái giá cay đắng của sự trở thành xa lạ, một người lính Đức mới đã có thể tìm thấy quê hương anh ta trong vùng Bắc nước Nga.
Bài tụng, được viết năm 1957 sau thời gian ấp ủ lâu dài, đã gây bối rối bởi „tiếng hét“ mang tính biểu hiện của nó thông qua sự cầu đảo cái quá vãng cổ xưa và gọi hồn các bậc tiền nhân, và nó lạ hóa qua lối tượng hình nguyên mẫu của người kể và và người đi săn và cái bước đi của lịch sử ảo huyền. Mà thế đó ở đây không có sự bảo tồn dấu tích của cái tiền sử chỉ vì mục đích tự thân: những gì tỏ ra là sự đào thoát trước hiện tại, trong thực tế tổ chức ra cuộc kháng cự chống lại sự đe dọa của nó. Bài thơ lĩnh nhận vai trò của người “ca sĩ“ tìm cách cứu vớt sự hiện tồn của cái đã qua trước sự lãng quên và bạo lực. Bobrowski quan niệm những bài thơ Smartian của ông, bắt đầu bằng bài „Gọi“, như sự trừng phạt riêng của cá nhân đối với tội lỗi nói chung. Ông đã tới cùng với những kẻ xâm lược, tuy nhiên ông đã khai mở ý thức của chúng ta về người xứ Sarmatian(1), cho Ptolemaeus (2) vùng đất phía bắc sông Visla, trong sự chiếm đất một cách hòa bình.
Nguồn: Werner Keller, aus Marcel Reich-Ranicki (Hrsg.): Frankfurter Anthologie. Siebter Band, Insel Verlag, 1983
Gọi
Johannes Bobrowski (1917-1965)
Vilna, cây sồi
em -
bạch dương
miền Nowgorod của tôi -
Xưa trong những cánh rừng lanh lảnh
tiếng tôi hét mùa xuân,
bước chân những ngày qua của tôi
vọng vang trên sông nước.
Ôi chao, là đó vầng rạng rỡ,
ban tặng tiếp chòm tinh đẩu mùa hè,
người kể chuyện cổ tích ngồi bên bếp lửa,
những cậu bé, suốt đêm dài lắng nghe,
kéo đi tản tác.
Ông sẽ đơn độc hát:
Băng qua miền
thảo nguyên
sói chạy, người đi săn
tìm thấy phiến đá vàng
trong ánh trăng bốc cháy –
Linh thiêng nổi trôi,
một con cá bơi
qua những thung lũng cũ
những thung rừng còn đó
Lời giảng của các Thánh Cha còn vọng lên:
Hỡi những người lạ, xin chào.
Anh sẽ thành một người xa lạ. Sắp rồi.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Anruf
Johannes Bobrowski (1917-1965)
Wilna, Eiche
du -
meine Birke,
Nowgorod -
einst in Wäldern aufflog
meiner Frühling Schrei, meiner Tage
Schritt erscholl überm Fluss.
Ach, es ist der helle
Glanz, das Sommergestirn,
fortgeschenkt, am Feuer
hockt der Märchenerzähler,
die nachtlang ihm lauschten, die Jungen
zogen davon.
Einsam wird er singen:
Über die Steppe
fahren Wölfe, der Jäger
fand ein gelbes Gestein,
aufbrannt' es im Mondlicht. -
Heiliges schwimmt,
ein Fisch
durch die alten Täler, die waldigen
Täler noch, der Väter
Rede tönt noch herauf:
Heiß willkommen die Fremden.
Du wirst ein Fremder sein. Bald.
Chú thích của người dịch:
(1) Người Sarmatia, người Sarmatae hay người Sauromatae (tiếng Iran cổ Sarumatah 'người bắn cung là dân tộc có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Như được các tác giả cổ đại đề cập tới, họ đã di cư từ Trung Á tới khu vực dãy núi Ural vào khoảng thế kỷ 5 TCN và cuối cùng định cư tại vùng xa nhất về phía nam thuộc châu Âu của Nga, Ukraina và miền đông Balkan.
(2) Claudius Ptolemaeus (tiếng Hy Lạp: Κλαύδιος Πτολεμαῖος Klaudios Ptolemaios), hoặc một cách đơn giản là Ptolemaeus, Ptolemy hay Ptolémée hay Ptôlêmê, (khoảng 100-178) là một nhà bác học Hy Lạp xuất xứ từ Tebaida,học tập, sinh sống và làm việc tại Alexandria. Ông viết nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực như toán học, thiên văn học, địa lý và nhạc.
Werner Kellner (1930-2018): Nhà nghiên cứu văn học, nhà ngữ văn Đức.
Johannes Bobrowski (1917-1965): Nhà thơ, nhà văn, tác gia nổi bật trong văn chương Đức sau thế chiến II.
Tiểu sử: Sinh ngày 09.04.1917 tại Tilsit * Nghiên cứu chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Königsberg* 1937 chuyển về Berlin, nơi ông ra mắt những tác phẩm đầu tay vào năm 1943/1944 trên tờ „ Das innere Reich“ .* 1945 bị cầm tù ở trại giam Sô viết.* Sau chiến tranh làm biên tập viên tại những nhà in của Đông Berlin và từ 1959 phụ trách mục Văn chương của nhà xuất bản Union Verlag* Năm 1955 in thơ trên tạp chí văn học „Sinn und Form“* 1961 xuất bản tập thơ „Sarmatische Zeit“ (Thời đại Sarmatian).*1962 Bobrowski nhận giải thưởng của nhóm 47, nơi ông kết giao tình bằng hữu với Paul Celan, Hans Magnus Enzensberger, Nelly Sach và Günter Gras* Ngôi nhà của ông bị giám sát cũng như hoạt động đi lại của ông bị An ninh quốc gia theo dõi* 1965 Nhận giải thường Heinrich Mann của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Đông Berlin cho cuốn tiểu thuyết „Levins Mühle“ (Cối xay nhà Levin) 1962 xuất bản tập thơ „Schattenland Ströme“ (Những dòng sông xứ bóng đêm) và „Wetterzeichen“ (Dấu hiệu thời tiết). *1965 In các tập truyện ngắn, văn xuôi „Bohlendorff“ và „Mäusefest“ (Lễ hội chuột nhắt). *1965 Bobrowski viết cuốn tiểu thuyết „ Litauische Claviere“ (Những cây đàn piano xứ Litva).
• Mất ngày 02.09.1965 tại Berlin-Köpenick. Sau khi ông chết, xuất bản tập thơ "Im Windgesträuch. Gedichte aus dem Nachlaß" (Trong bụi gió đông - Thơ di cảo).
Tranh của Iwan Iwanowitsch Schischkin (Иван Иванович Шишкин ; 1832-1898): Họa sĩ Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét