Năm 1913 Else Lasker-Schüler yêu bác sĩ Benn trẻ tuổi, và có thể ông cũng yêu bà. Trong những quán cà phê của giới trí thức Berlin người ta nói về chuyện đó, và cứ tối đến người ta chờ những kẻ xôm trò. Đó là mùa hè hạnh phúc cuối cùng của châu Âu. Trong những tờ tạp chí, chủ nghĩa Biểu hiện cháy bừng bừng và tự hứa hẹn cho mình một tương lai không định đoạt nổi. 700.000 trai trẻ đã chưa bao giờ nghe tới Verdun, nơi ít lâu sau tất cả bọn họ phải giết chóc lẫn nhau.
Với 26 tuổi đầu Benn là ngôi sao chổi trẻ nhất, người viết ra bài thơ „Nhà xác“, người sáng tạo của một mối liên kết giữa đa cảm và cay độc: bệnh xương búa, mưng mủ, và hoa lưu ly. Đối với ông, Else Lasker-Schüler khi đó 44 tuổi đã gần như là Bà Chúa Của Thơ Ca. Điều đó khiến cuộc tình đình đám thêm phần thú vị cho quán cà phê Miền Tây.
Mà tuổi tác nào có làm phiền gì đến nàng cơ chứ! Nàng đã quyết định không bao giờ già hơn những người tình trẻ tuổi của mình, và tức là nàng không phải vậy, giờ đây nàng mới chừng trên dưới 26, có lẽ còn trẻ hơn chút nữa cơ.
Cả hai vừa mới nằm bên nhau, họ đã viết về việc đó công khai, trong các tờ „Aktion“, „Schaubühne“, „Das neue Neues Pathos“, những câu thơ và thơ văn xuôi. Sự thể đó chẳng hề nhớp nhúa hay khó chịu, Berlin năm 1913 là như thế. Qua đó chẳng có gì trở thành sai trái trong những bài thơ của người đàn bà tương tư, trong tình yêu này vô phương cứu giúp là kẻ mạnh hơn, là một nạn nhân ưu trội.
Dấu hiệu chỉ rõ điều này là thực sự, nàng chưa bao giờ sa vào âm điệu của Benn, trong khi chàng đã bắt đầu bắt chước giọng điệu của nàng, cuối cùng không chỉ trong bài thơ dài „Những mối đe dọa“, ở đó chàng đã lại tìm cách tháo gỡ người bạn gái ra khỏi tay mình:
„Này em, chúng ta không cùng cập xuống một bờ!
Em làm tình cho anh máu lửa
Anh muốn có từ em!“
Cái ẩn dụ về kiểu họ yêu nhau là tởm. Nhưng lại chính từ sự xấu xí mới hiển lộ vẻ đẹp trong thơ của người nữ được nói tới. Mới đáng yêu, hoang dã, trí tuệ và tự do sao trong mọi nhiệt thành, ở bài thơ „Gửi chàng hổ Gieselherr“, nàng đã xử lý vấn đề quyền lực và bất lực, dâng hiến và ngự trị trong tình yêu dành cho Gottfried Benn. Vừa mới được tôn lên làm vua chốn rừng xanh, với một động thái được thờ phụng ghê hồn, nàng đã biến hóa thành một con hổ mẹ to lớn hơn già dặn hơn, ngoạm tha chàng thận trọng giữa hàm răng như tha lôi đứa con theo kiểu họ mèo.
Dẫu cho người đàn bà có thể đánh mất mình theo người đàn ông thế nào đi chăng nữa, nữ thi sĩ không bao giờ đánh mất quyền lực thống trị hình ảnh của mình. Kinh khủng đấy cái niềm khoái trá hành hạ mà nàng nhúng cái trò chơi quan hệ vào đó, còn được gia cường qua cái động thái thờ phụng gây cảm giác rùng rợn trong câu thơ kết – người đàn ông là thủ phạm được yêu nhất, nơi hắn ta man rợ nhất - , nhưng mà soi xét thật kỹ lưỡng tuy nhiên, tất chỉ nằm trong quyển sách về người da đỏ nàng ta mở ra gấp lại tùy theo ý thích.
Khổ thơ ba dòng cùng với cuốn sách trực tiếp khép vào viễn tượng mẫu hệ nói về bà chúa thực sự của chốn rừng xanh. Bà ta chiếm giữ cuốn sách cũng như anh nhỏ họ mèo. Nếu như được mở ra từ trang nọ sang trang kia, cho đến khi vị tù trưởng Sioux xuất hiện, và trên đó mọi ảnh hình cháy bỏng dành cho tình yêu đã sống qua, thì rồi đó những hình ảnh này còn lại, cũng như cuối cùng tín hiệu lạ lùng của tóc bay lõa xõa trên thắt lưng người đàn ông ở lại như một phần của chính cuốn sách này. Trên cuốn sách đó người đàn bà ngồi như mụ phù thủy trên cuốn bùa chú gói trong đó mọi pháp thuật của mình.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Peter von Matt, aus Peter von Matt: Die verdächtige Pracht, Erstdruck Frankfurter Allgemeine Zeitung, 9.3.1996
Gửi chàng hổ Giselherr
Else Lasker-Schüler (1869 -1945)
Qua gương mặt anh chờn vờn rừng rậm
Ôi thật như anh!
Con mắt hổ của anh trở nên ngọt ngào
Trong nắng.
Em luôn tha anh đi quanh quất,
Ngoạm giữa hàm răng em.
Anh cuốn sách về người da đỏ của em
Hoang dại miền Tây,
Tù trưởng Sioux!
Trong ánh chập chờn em khát thèm hổn hển
Buộc vào gốc hoàng dương -
Em không thể tiếp tục nữa đâu
Không trò lột da đầu.
Những lưỡi dao anh vẽ nên nụ hôn đỏ
Vào bầu ngực em –
Tới lúc tóc em trên thắt lưng anh bay lõa xõa.
©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Giselheer dem Tiger
Else Lasker-Schüler (1869 -1945)
Über dein Gesicht schleichen die Dschungeln.
O, wie du bist!
Deine Tigeraugen sind süß geworden
In der Sonne.
Ich trag dich immer herum
Zwischen meinen Zähnen.
Du mein Indianerbuch,
Wild West,
Siouxhäuptling!
Im Zwielicht schmachte ich
Gebunden am Buxbaumstamm –
Ich kann nicht mehr sein
Ohne das Skalpspiel.
Rote Küsse malen deine Messer
Auf meine Brust –
Bis mein Haar an deinem Gürtel flattert.
Chú thích của người dịch:
Peter von Matt (sinh năm 1937): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn người Thụy Sĩ. Là giáo sư ngành Văn chương Đức thời mới, ông giảng dậy từ 1976-2002 tại trường Tổng hợp Zürich. Năm 1980 ông làm giáo sư thỉnh giảng tại Stanfort University, 1992/ 1993 được bầu làm thành viên của Viện nghiên cứu liên ngành Berlin (Wissenschaftskolleg Berlin). Peter von Matt là viện sĩ của ba viện hàn lâm.
Else Lasker-Schüler (tên khai sinh Elisabeth Lasker-Schüler; * sinh ngày 11.02 1869 tại Elberfeld, nay là Wuppertal; mất ngày † 22. 01 1945 tại Jerusalem), nữ thi sĩ lớn thế kỷ 20, người Đức gốc Do thái, đại diện kiệt xuất của trường phái Hiện đại tiền phong và của Chủ nghĩa Biểu hiện trong văn chương.
Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20.
Tranh của Henri Matisse (1869 -1954); Họa sĩ Pháp sáng lập phái Dã thú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét