Marcel Reich-Ranicki
Tranh của Fritz Overbeck (1869-1909), họa sĩ Đức |
Nếu như người ta có thể tin vào một dòng chú trong sổ ghi chép của ông, ông đã viết bài thơ này trên chuyến đi Berlin trong một toa tàu hỏa, vào thời điểm ít lâu sau Đại chiến thế giới thứ nhất, khi ông gần 22 tuổi. Dạo đó ông tìm tòi những con đường mới cho kịch, trái lại trong thơ ông vẫn ràng buộc với truyền thống. Thường xuyên ở đây, một cách chu đáo và lão luyện, ông tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của thơ cổ điển. Nhà thơ trẻ rót đầy các ống dẫn cũ và đắc nghiệm bằng thứ rượu vang mới.
Bài thơ „Hồi tưởng Marie A“ bao gồm 3 khuông hoặc 3 khổ, mỗi một trong số 24 câu thơ có 10 hoặc 11 âm tiết (một ngoại lệ duy nhất: khổ 3, câu 6) và điệu năm nhịp thể thơ jambơ, trong mỗi một khổ cứ câu thơ thứ hai kết vần với câu thứ tư, và câu thứ 6 với câu thứ tám, tất cả các đôi cặp vần đều "nam tính" cả.
Nhưng hình thức cổ điển vậy, thế mà khổ đầu tiên lại mang vẻ lãng mạn - dân ca. Nhà thơ hồi tưởng một cách đa cảm khoa trương bằng những tính từ trước hết giản phác và nhấn mạnh tình cảm. Chuyện gì đã xảy ra trong ánh trăng xanh tháng Chín và điều gì chàng ta rõ ràng là không phải không thích nghĩ tới, rất tươi trẻ và diễm lệ, yên ả và nhòa nhạt. Mà thế đó trong ba câu cuối cùng của khổ thơ, đột nhiên Brecht từ bỏ tính từ, hơn thế ba lần ông lặp lại từ chỉ thời gian „war“ ngắn vang âm tăm tối. Kết cục của khổ thơ cũng ở mức như vậy cảnh báo trước nội dung của khổ thơ thứ hai: Khổ thơ tiếp vào khổ thứ nhất như phản đề nối vào chính đề.
Thời gian qua không chỉ nhiều mùa trăng qua đi, cả tình yêu cũng lặng lẽ rụng xuống và trôi qua, „ những cây mận non" năm nào không còn nữa, nhà thơ không còn nhớ gì cả, thậm chí cả gương mặt người yêu. Liệu điều đó có chút chi như chế diễu, rằng chàng ôm cô trong tay như một „giấc mơ diễm lệ“.
Câu thơ cuối cùng của khổ thứ hai đã tương đối hóa mẫu xét nghiệm xám xịt: Dẫu sao nhà thơ không thể quên được rằng mình đã hôn lên gương mặt ấy. Và với điều đó ta lại được lưu ý tới khổ thơ tiếp nối và cuối cùng: trung thành với phép biện chứng của Hegel, sau chính đề và phản đề bây giờ đây đưa ra hợp đề.
Ngay cả nụ hôn, nhà thơ ngờ vực thú nhận, những tưởng đã quên lãng từ lâu, nếu như không có đám mây trên trời, mà mây lại còn rất trắng nữa. Nhưng trong cuộc đời của mình, nhà thơ đã ngàn vạn lần trông thấy rất nhiều mây. Thế mà tại sao bây giờ chàng ta lại nhớ tới đám mây này chỉ „nở bông“ trong giây lát? Thế đó, chính bởi vì dạo đó chàng ôm „mối tình lặng lẽ nhợt nhạt“ trong tay và đã ghé môi hôn.
Bằng sự sát thực tô nhấn, những gì chàng ta quả quyết trong khổ thơ thứ hai, rằng“ tôi không nhớ“, đã bị phản bác một cách gián tiếp trong khổ thứ ba. Trong lúc trước đó còn dự đoán một cách phấp phỏng, nào là những cây mận vừa qua hẳn bị đốn đi, thì giờ đây chàng hy vọng, chúng vẫn còn luôn nở bông. Brecht đã hủy bỏ nhan đề ban đầu của bài thơ có chút gì hơi điệu đàng (Khúc hát đa cảm số 1004).
Trong bài thơ này, nếu như đám mây „ trắng làm sao và xuống tự trời cao“ cần phải tượng trưng cho tình yêu, cùng sự trong trắng và đồng thời sự qua đi? Nếu thế thì ngay cả đến tình yêu, như một thời được hát trong một vở ca kịch, cũng lại là một quyền lực của trời cao sao? „ Nhưng tôi còn và sẽ luôn còn biết“ – khi nói về đám mây này. Và điều này hẳn có nghĩa: Cứ cho là tình yêu luôn phai tàn đi, giờ đây tình yêu thế đấy không hoàn toàn tan biến. Bởi vì hồi tưởng còn ở lại và cũng như thế có thể cả sự biết ơn nữa. Trong nhan đề của bài thơ, vâng, không thấy nói gì đến một cây mận và tương tự, chính vậy đâu có nói gì đến đám mây, mà là về một người đàn bà. Chàng đã không quên cô gái, cô và sự kiện tháng Chín sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Những dòng này ông viết dâng tặng cô.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: Ein Liebling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001
ISBN 3-458-06655-1
Hồi tưởng Marie A.
Bertolt Brecht (1898-1956)
1. Ngày đó ánh trăng xanh tháng Chín
Lặng thinh bên một gốc mận non,
Tôi ôm mối tình nhợt nhạt, lặng lẽ còn
Trong tay tôi một giấc mơ diễm lệ
Trên đầu ta, trong trời hè đẹp đẽ
Có đám mây kỳ vĩ ở trên cao
Tôi nhìn lâu làn mây trắng xiết bao
Và khi tôi ngẩng đầu, đám mây đâu còn nữa.
2. Từ ngày đó rất nhiều vầng trăng đã
Xuống dập dìu và lặng lẽ trôi qua
Những cây mận hẳn thế đốn dời đi
Và bạn hỏi tôi, rồi sao tình yêu đó?
Thưa bạn ơi, thực tôi không thể nhớ
Mà biết rồi, tôi đoán ý bạn luôn:
- Cả gương mặt nàng thật tình tôi chẳng nhớ
Giờ đây tôi chỉ nhớ, xưa tôi ghé môi hôn.
3. Và cả chiếc hôn, lẽ từ lâu tôi quên
Nếu đám mây không qua nơi đó
Nhưng tôi biết, điều này tôi biết rõ
Mây trắng tinh và xuống tự trên không
Có thể cây mận mãi nở bông
Thiếu phụ nay dễ bảy con bên nách
Nhưng đám mây nở thoáng trong giây lát
Và khi tôi ngước nhìn, trong gió cuốn mây tan.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Erinnerung an die Marie A
Bertolt Brecht (1898-1956)
1. An jenem Tag im blauen Mond September
Still unter einem jungen Pflaumenbaum
Da hielt ich sie, die stille bleiche Liebe
In meinem Arm wie einen holden Traum.
Und über uns im schönen Sommerhimmel
War eine Wolke, die ich lange sah
Sie war sehr weiß und ungeheuer oben
Und als ich aufsah, war sie nimmer da.
2. Seit jenem Tag sind viele, viele Monde
Geschwommen still hinunter und vorbei.
Die Pflaumenbäume sind wohl abgehauen
Und fragst du mich, was mit der Liebe sei?
So sag ich dir: Ich kann mich nicht erinnern
Und doch, gewiß, ich weiß schon, was du meinst
Doch ihr Gesicht, das weiß ich wirklich nimmer
Ich weiß nur mehr: ich küßte es dereinst.
3. Und auch den Kuß, ich hätt ihn längst vergessen
Wenn nicht die Wolke dagewesen wär
Die weiß ich noch und werd ich immer wissen
Sie war sehr weiß und kam von oben her.
Die Pflaumenbäume blühn vielleicht noch immer
Und jene Frau hat jetzt vielleicht das siebte Kind
Doch jene Wolke blühte nur Minuten
Und als ich aufsah, schwand sie schon im Wind.
Chú thích của người dịch:
Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học, được tôn vinh như Giáo hoàng văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.
Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam. Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét