Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Cuộc tận thiêu đã biến tôi thành người Do Thái

Imre Kertész
Tranh  © Franz Marc (1880-1916) họa sĩ Biểu hiện Đức

Imre Kertész sinh năm 1929 tại Budapest. Tháng Bảy năm 1944 ông bị áp chở đi Auschwitz, kế đó vào trại tập trung Buchenwald. Sau khi được giải thoát ông làm báo, từ 1953 hoạt đông với tư cách nhà văn và dịch giả. 1960 ông bắt tay viết Tiểu thuyết người không số phận, xuất bản 1975 ở Hungary. Một bản dịch mới sang tiếng Đức năm 1995 khiến ông nổi tiếng thế giới. Năm 2002 Kertész nhận giải Nobel văn chương. Phóng viên Peter von Becker tiến hành cuộc phỏng vấn này trên nhật báo Tagesspiegel, số ra ngày 27.01.2005.

talawas
 

Thưa ông Kertész, là người nhận giải Nobel văn chương và tác giả của „Tiểu thuyết người không số phận“, cùng với Elie Wiesel - người được trao giải Nobel hòa bình - hẳn ông là nhân chứng sống nổi tiếng nhất của Auschwitz. Ông ăn mừng ngày 27.01 ra sao?

Tôi miệt mài viết cuốn sách mới, một cuốn tự truyện. Với tôi đó không phải ngày lễ, vì tôi không mấy quan tâm đến nghi lễ hoặc những ngày trọng thể. Trong hồi nghiệm về Auschwitz,ngày nào cũng đều quan trọng.

 

Ông coi Auschwitz không chỉ là sự kiện trọng tâm của thế kỷ 20, mà còn là chuyện lúc nào người ta cũng phải kể lại.
 

Đối với tôi đó là huyền thoại trọng tâm mang tính tiêu cực. Tuy hàng ngày không muốn dành nhiều thời giờ bận tâm tới Tận thiêu (Holocaust), nhưng tôi chú ý xem điều gì sẽ là hệ quả về mặt đạo đức toát ra từ Auschwitz. Xét về mặt tự thân, nghiệm trải của từng người và kể cả kinh nghiệm của tôi nữa cũng chỉ mang ý nghĩa giai thoại. Auschwitz đạt tầm ý nghĩa như kinh nghiệm của nhân loại, nơi mọi giá trị nhân văn đều đi đến hủy hoại. Sau bước chuyển đổi, sau sự chấm dứt chế độ độc tài toàn trị lớn thứ hai sau đó, có một thời gian ngắn, tôi đã từng nghĩ rằng Auschwitz sẽ không thể tái diễn trong một trật tự thế giới mới. Một trật tự thế giới gieo tình yêu và tự do thay vào chốn hận thù.
 

Một không tưởng đẹp.
 

Một không tưởng, sau những bùng nổ bạo lực và cuồng tín mới đây, đã lại biến đi.
 

Nếu có, nó phải được tiền định bởi „con người mới“, và chính vậy điều này trở nên nguy hiểm. „Con người mới” là ý tưởng của thi nhân và triết gia, nhưng cũng của các nhà độc tài: từ „người anh Cả“ của Orwell [1] cho tới Stalin [2] và Mao [3] , từ Hobbes [4] cho tới Hitler [5] .
 

Một tuyến truyền thống thật là hay ho! (cười) Đúng vậy, ngay kể cả khi bốc đồng phấn khích về một sự đồng thuận mới trên thế giới đã tan biến đi, trong Âu châu lồng vào nhau lớn mạnh, sẽ có sự đồng thuận về nhân quyền, và lúc đó Tận thiêu sẽ thuộc lịch sử của chính nó, không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Đức. Điều này đã bị bưng bít trong các nền độc tài chuyên chế Đông Âu, như ngày hôm nay nhiều người ở Hungary vẫn sẽ còn lấp liếm. Nhưng ở Liên minh Âu châu người ta không thể trốn thoát khỏi lịch sử này một cách dễ dàng như vậy. Dù sao chăng nữa, đánh giá của tôi lưỡng lự đôi đường. Thế giới cũng vẫn tiếp tục xoay chuyển như chẳng bao giờ có Auschwitz trên đời.
 

Thật thế chứ? Ý tưởng đặt nhân quyền toàn năng lên cao hơn quyền tự chủ quốc gia, trước 1945, cứ như là chưa bao giờ trở nên có tác dụng về mặt chính trị?
Mà tuy vậy tôi tự hỏi rằng, Tận thiêu như một huyền thoại tiêu cực liệu rồi đây không dần dần mờ nhạt, bất chấp những đài tưởng niệm và những lễ nghi tưởng nhớ.

 

Các nhân chứng chết hết. Bản thân ông nhấn mạnh ý nghĩa của „huyền thoại tiêu cực“ như một sự nhắc nhở và cảnh tỉnh. Những huyền thoại có giá trị như trí nhớ tập thể của nhân loại. Nhưng trong huyền thoại cũng tiềm ẩn khái niệm thần thoại, cái không thật. Và thực ra Auschwitz có nghĩa là điều không sao hiểu, không sao tưởng tượng nổi. Ngày nay trại tập trung này gây tác động như một viện bảo tàng về sự khủng khiếp không sao tri nhận nổi bởi năng lực cảm nhận của con người.
 

Vâng, chính vì thế, bên cạnh tài liệu nó cần đến huyền thoại. Với những ai chấp nhận tính tiêu cực tuyệt đối của Auschwitz như kinh nghiệm hoặc sự lưu truyền có thể xoay chuyển điều này thành một nhận thức tích cực. Điều đó công hiệu không chỉ cho nền đạo đức hoặc chính trị, không nhất thiết người ta cứ phải khăng khăng vin cớ Tận thiêu. Tác phẩm của Beckett, trong đó ông ta cho hành động xoá sổ biến thành nguyên ảnh của tồn tại, không thể thành nếu như không có kinh nghiệm Auschwitz.
 

Ông từng viết rằng „sức tưởng tượng thẩm mĩ„ có thể đưa ra „một biểu tượng từ điều không sao mường tượng nổi“.
 

Vấn đề ở chỗ, càng nhìn ra bức tranh thực hơn từ những điều man rợ ở Tận thiêu, thì cảm nhận rằng bản thân mình không dính dáng gì tới chuyện đó, sẽ càng mạnh mẽ hơn. Chính tài liệu khẳng định khoảng cách giữa thực tại của chúng ta với cái đã xảy ra ở Auschwitz. Những hình ảnh hoặc hình video được Steven Spielberg [6] thu thập mô tả những hành vi kinh tởm của những người sống sót đã xác chứng sự phi nhân tính hoàn toàn xa lạ khi ta bắt gặp. Và như vậy những cắt nghĩa này, về cơ bản, còn làm cho lịch sử muôn bề thêm khó hiểu.
 

Vậy với ông, xác chứng hẳn mạnh mẽ hơn trong việc chưng cất tinh chế bằng văn chương chăng?
 

Kinh nghiệm chiết xuất của tôi về Auschwitz và Buchenwald là con người nơi đó, thủ phạm và nạn nhân, đều là con người như chúng ta cả. Tôi đã viết „Tiểu thuyết người không số phận“ để người ta nhận thấy những con người hoàn toàn bình thường bị đẩy vào hoàn cảnh bất thường ra sao, và rồi hoàn cảnh bất thường đó đã biến thành một sự thường nhật không sao tránh khỏi. Đương nhiên kể cả người đọc cũng sẽ bị bắt buộc can dự vào đó, không một lời giải thích, không một lời xin lỗi, không lời cáo buộc.
 

Như vậy không phải điều „tầm phào của độc ác“ [7] mà là sự „thường tình của độc ác“. Trại tập trung như một chuyện thường tình là sự khiêu khích tầy trời do cuốn sách ông gây ra, bởi con người ta khó tạo khoảng cách đối với điều bình thường.
 

Vâng chỉ như vậy chúng ta mới ít chút hiểu được về cái đã xảy ra. Không quỷ dữ nào cả, mà chỉ những người thường mới sa vào tình cảnh huyễn tưởng tới khi đó không sao hình dung nổi, và họ đã thay đổi mình trong đó. Trách nhiệm cá nhân bị hủy bỏ, các tù nhân trở thành ác nhân và trách nhiệm về những hành vi tội phạm được quy kết cho kẻ khác. Trong chế độ chuyên chính tuyệt đối, kết cục chỉ nhà độc tài chịu trách nhiệm. Vì thế xuất hiện những chặng tiểu sử mà người sống sót sau này sẽ không hồi tưởng như cuộc đời có thực do tự thân họ chịu trách nhiệm. Mà cứ như là cuộc đời của một ai đó xa lạ vậy.
 

Những kẻ thủ phạm sau 1945 trở về với vai trò của những người đương thời bình thường hay sử dụng sự vong thân như lời cáo lỗi. Nhưng ông là người gợi nhớ. Một cuốn sách của ông tên là „Tôi - một kẻ khác“. Trong ông còn có con người từng ở Auschwitz và Buchenwald, hay cậu bé nọ hẳn đã là người lạ đối với ông?
Đúng và không. Là nhà văn tôi xử lý những kinh nghiệm của mình, và như thế tôi là chất liệu riêng cho tôi. Chất liệu này thay đổi qua việc làm, vậy tôi cũng đổi thay theo. Khi tiếp cận tôi xa lạ với chính mình và trong xa cách tôi tiến gần tới mình hơn.

 

Nói theo ngôn ngữ phân tâm học, ông dường như đang khắc phục tang tóc ở chính bản thân mình.
 

Vâng, đấy là cuộc giải thoát mang tính sinh tồn của tôi. Chính vì thế tôi không thích đi đến những đài tưởng niệm. Trong khi mô tả tôi đã xếp cái được mô tả đó sau lưng mình, nhưng không vì vậy mà cắt xén đi hồi ức.
Vậy mà có một lần ông đã quay trở lại Auschwitz.

 

Cách đây vài năm Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Darmstadt họp mặt ở Kraków, từ nơi đó chúng tôi đi tham quan Auschwitz. Năm 1962 tôi đã đi Buchenwald rồi, khi đang viết „Tiểu thuyết người không số phận“. Tôi đã hy vọng ở ngay hiện trường đó có thể hòa mình vào cậu bé chính là tôi dạo 1944, 1945. Nhưng rồi trò chơi hoán đổi không gian và thời gian đó đã không thành công, vì trại tập trung đã bị giật đổ và bản thân tôi đã thành con người khác. Dẫu có cố công nhớ lại những hình ảnh và mùi vị nào đó đi chăng nữa, trong bộ quần áo ấm tôi vẫn khó lòng làm được việc lay gọi cái hình hài trơ xương rét cóng trong chiếc áo tù phong phanh của trại tập trung chính là tôi xưa thức dậy.
Không có hương vị Madeleine [8] của Proust cho Auschwitz và Buchenwald.

Hương vị „Madeleine – Auschwitz“ của tôi là chế độ độc tài cộng sản. Ngay cả khi người ta không thể ví nó với một trại tập trung của tử thần: tôi vẫn nguyên vị một kẻ bị cầm tù.

 

Thư thoảng ông còn mơ thấy trại tập trung?
 

Không.
 

Có những người sống sót đau khổ đến mức hoảng loạn bởi cảm giác tội lỗi, bởi vì họ đã sống sót – mà mẹ cha và anh chị em thì không.
 

Thuộc về chấn thương tâm lý nơi người sống sót còn có sự hạ nhục toàn tận. Nhiều năm sau đó, các tác giả như Jean Améry [9] hoặc Primo Levi [10] còn tự sát. Điều đã cứu tôi tránh khỏi bi kịch đó là thực tế rằng từ nền độc tài này tôi lại rơi vào nền độc tài kế tiếp. Tôi đã không thể nuôi hy vọng được thả vào tự do, môi trường khiến Jean Améry cảm thấy xa lạ về mặt sinh tồn. Tuy nhiên cảm giác tội lỗi thực sự không xuất hiện vì chuyện bản thân mình còn sống còn người khác thì đã chết, thực tế cho thấy rằng con người ta không thể sống sót qua trại tập trung mà không thích nghi với guồng máy trại một cách triệt để nhất. Nạn nhân phải a dua vào sự chà đạp nhân phẩm của chính mình. Để sống sót, tôi phải tuân theo lôgich của nền độc tài, cho dù lôgich đó chống lại tôi. Lý tính này là điều điên cuồng. Bởi vì tôi tuân theo nó, nên cả với tư cách nạn nhân tôi vẫn thành kẻ có tội. Như thế có một giằng xé kinh khủng ở nội tâm, mà nhiều người chỉ bằng con đường tự sát mới giải thoát nổi cho mình.
 

Điều còn lại đối với thủ phạm là sự nhục nhã và đối với nạn nhân là cảm giác ngượng?
 

Ngượng là một từ hay.
 

Ngượng là một cảm giác thầm kín nhất. Còn trả thù là xung tác mạnh nhất hướng ra bên ngoài. Có bao giờ ông thấy khoái được trả thù hay không?
 

Không, chưa bao giờ. Đó không phải là đức hạnh, mà đơn giản chỉ là thực tế. Trả thù về thể chất không phải là cách giải quyết. Người ta cũng có thể viết một cuốn sách diễn tả lại cái đã qua. Biết đâu đó lại là một sự trả thù tinh vi hơn.
 

Ông lập một toà án.
 

Nhưng tôi không phán xử, tôi chỉ diễn tả.
 

Peter Weiss [11] gọi giáo trường ca Auschwitz (Auschwitz-Oratorium) của mình là “Cuộc điều tra”.
 

Trong sách viết, cuộc điều tra chỉ phục vụ sự thực, nếu như tôi cũng tự điều tra về chính tôi.
 

Ông không phải là người theo tôn giáo?
 

Có một kiểu người Do Thái mới ở châu Âu: những người Do Thái trở thành Do Thái trải qua đạo luật chủng tộc Nürnberg và qua Tận thiêu. Mà tôi không là người Do Thái theo tín ngưỡng. Tôi không biết văn hoá Do Thái và tôi không là môn đệ của chủ nghĩa Đại Do Thái. Tôi là người Do Thái chỉ qua việc tôi từng ở Auschwitz. Mà tôi cũng không còn những mối qui thuộc khác. Luôn luôn tôi đã sống ở đó, ở những nơi kín chốn. Nơi không có quê hương.
 

George Tabori - người đồng bào Hungary của ông - xưa mất đi người cha ở Auschwitz, có nói rằng quê hương còn lại của ông ta không phải là một quốc gia nào đó, mà là sân khấu, là văn chương.
 

Điều đó cũng đúng với tôi. Tôi sống ở Berlin và Budapest, sau Tận thiêu và 40 năm độc tài chuyên chế ở Hungary tôi không thuộc về dân tộc nào cả. Chính vì vậy Cộng đồng Âu châu như được phát minh ra cho tôi vậy. Tuy cũng yêu Mỹ, song châu Âu này là không gian duy nhất của tôi. Không phải là bản sắc, nhưng là một khuôn khổ.
 

Cuốn “Tiểu thuyết người không số phận” của ông được dựng thành phim theo một kịch bản của ông. Kể cả với Auschwitz như một hậu trường điện ảnh người ta vẫn còn phải rùng mình.
 

Cả tôi cũng rùng mình. Từ khi có “Shoah” của Claude Lanzmann tôi cũng đã như ông ta tin rằng không nên dựng lên một bức tranh nhân tạo về trại tập trung. “Schindler’s List” đã xác chứng cho tôi điều đó. Mặt khác thì bộ phim “Cuộc đời đẹp chứ” của Benigni từ giác độ những câu truyện con trẻ kể làm tôi vô cùng thích thú. Bây giờ còn có bộ phim Hungary “Không số phận” của Lajos Koltai nữa – trong mắt tôi là bộ phim chân xác, không ồn ào chuyển thể tiểu thuyết tôi viết. Bộ phim xoay quanh nghiệm trải của cậu bé 15 tuổi, không hề sao chụp bề ngoài cuộc Tận thiêu.
 

“Không số phận” được bàn luận đưa vào Liên hoan phim Berlin năm nay.
 

Vâng, và cách đây mấy hôm bộ phim bị gạt bỏ. Kế đó người ta dự kiến đưa nó vào chiếu trong một chương trình phụ ở một rạp phim nhỏ, đạo diễn phim đã bác bỏ việc này là chí lý. Giờ đây có thể bộ phim đi Cannes hoặc Venézia, ngày 08.02. có buổi trình chiếu đặc biệt ở Budapest. Với riêng tôi đây là điều thất vọng lớn, vì Berlin những tưởng phải là địa điểm thích đáng cho buổi chiếu ra mắt khán giả.  

©Phạm Kỳ Đăng dịch và chú thích từ nguyên tác tiếng Đức
 

© 2005 talawas
[1]George Orwell (1903-1950): Nhà văn Anh, tác giả của “Trại súc vật” và “1984” giới thiệu trên talawas
 
[2]Jossif W. Stalin (1879-1953): Nhà cách mạng, lãnh tụ của nhà nước LBCHXHCN Xô Viết.  
[3]Mao Trạch Đông (1983-1976): Chủ tịch Đảng Cộng sản, lãnh tụ của nước CHND Trung Hoa  
[4]Thomas Hobbes (1588-1679): Triết gia, lý thuyết gia về nhà nước người Anh
[5]Adolf Hitler (1889-1945): Thủ tướng Đức (1933-1945), lãnh tụ của Đảng Quốc Xã Đức NSPD  
[6]Steven Spielberg (sinh năm 1947): Đạo diễn bộ phim về Holocaust „Schindler’s List“ („Danh sách Schindler“) 
[7]Nguyên bản „Die Banaliät des Bösen“, một khái niệm nổi tiếng của nữ triết gia gốc Do Thái Hannah Ahrendt (1906-1975)  
[8]Hương vị bánh Madeleine thôi thúc cuộc „Đi tìm thời gian đã mất„ của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922)  
[9]Jean Améry (1912- 1978): Nhà văn Áo
[10]Primo Levi (1919-1987): Nhà văn, nhà tiểu luận người Italia gốc Do thái, nổi tiếng với những trang viết về Holocaust  
[11]Peter Weiss (1916-1982): Nhà văn, hoạ sĩ, nhà làm phim người Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...