Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Được như thần thánh

Bild: Michelangelo (Buonarroti) - Idealgesicht

 © Michelangelo Buonarroti (1475-1564), họa sĩ, nhà điêu khắc người Ý
Marcel Reich-Ranicki

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.
Người dịch  



Chắc chắn trong thời sinh viên của mình, ông không dửng dưng với chính trị. Tất nhiên kể cả với ông cũng như phần nhiều bạn đồng môn, cuộc Cách mạng Pháp đã gây niềm hào hứng hoặc ít nhất làm cho họ rối trí. Thế mà rồi chẳng bao lâu ông đã rời xa khỏi hiện tại: Hiện tại ấy đã không còn là thời đại của ông. Cũng như thần Hyperion (1), ông ở lại mãi „trên trái đất này một người xa lạ“, ông coi những „người đương thời“ là „mọi rợ từ cái thủa nào ấy xa xưa“.

Với năm tháng, cái tương lai ông ước mong và mơ tưởng, đã trở thành thời đại của mình. Trong những nhà cổ điển của văn chương Đức, ông là nhà tiên đóan, người vĩ đại nhất, có lẽ chăng, người duy nhất. Ông là một nhà thơ, và đồng thời, nhà tiên tri. Và quá khứ lại còn rất cổ đại Hy-La, hiện ra chẳng từng là thế giới ông luôn luôn cầu nguyện như vậy hay chăng? Trong thực tế, thế giới ấy không là đề tài cho ông. Hơn nữa kia, nó phục vụ ông như một báu vật, ông thu lời rất nhiều từ đó, như một kho báu, từ đó ông lấy ra những nguyên tố ông cần cho viễn ảnh tương lai của ông: các nhân vật, các khán trường, các mô-típ và đạo cụ.

Về các thánh thần, ông nói, rằng họ có sống đấy, nhưng „ trên đầu ở thế giới khác cao tít trên kia“. Cả ông cũng sống trong một thế giới khác, tức là trên mặt đất, có đấy trên những tầng mây. Trước tiên, khi bệnh tật đưa ông rời xa khỏi thực tại và sau đó vĩnh viễn giải thóat ông, thì ông vẫn còn ở bên dòng sông Neckar và ngay là nơi đó, nơi không ai có thể theo được gót ông, người tư duy điều sâu sắc nhất, yêu cái sinh động nhất và viết nên thi ca tăm tối nhất.

Nhưng chưa bao giờ ông là „người giữ đền cho ngọn lửa thiêng“, như người ta thảng hoặc sau này tôn vinh ông. Ông chẳng trông coi chút gì cả, có chăng đó là vận số của ông: Rút cục ông không muốn biểu đạt điều gì khác, không ca hát điều gì khác hơn là cuộc tồn sinh của ông, phác thảo cuộc đời ông. Cũng những gì ông thi ca, ông nói lên trong cái nghiệp riêng, về tình yêu, họan nạn, về hạnh phúc và khổ đau của mình. Trong tác phẩm của ông, những bức tường đứng câm lặng, những lá cờ lất phất, những lá cờ đuôi nheo báo thời tiết, và cùng với chúng leng keng những xích xiềng ông giật và lê kéo mà chưa bao giờ thóat thân ra khỏi. Một cách thảm thiết, tất cả với ông đều bất đạt, chỉ riêng thi ca là không.

Thơ, nghệ thuật thi ca là nghề nghiệp và thiên chức của ông. Ông coi thi ca là nhiệm vụ duy nhất của mình, trong thơ ông thấy chốn „lưu vong vui tươi“, là ý nghĩa và nội dung của cuộc đời. Chỉ duy có thi ca, ông nói, biện hộ cho sự hiện tồn. Ông tin vào sự giải thóat thông qua thơ ca. Đó chính là định đề trải suốt dài lâu, một chương trình bùng lên ngọn lửa của mình.

Câu hỏi nổi tiếng:“ Nhà thơ làm gì ở thời khốn khó?“ cần phải lay động và khiêu khích độc giả, vốn dĩ ông đương nhiên hầu như không có mấy người. Đó chỉ là câu hỏi, có thể tự hiểu, thuần túy mang tính hùng biện. Bởi vì thi sĩ chính trong thời khốn khó luôn được cần tới, ông chưa hề ngờ vực điều này, rằng họ chính là thế, những người gieo góp cái trường tồn, đó là đức tin của ông, vâng là sứ điệp cứu thế của ông. Vào khi ông không còn làm thơ được nữa, ông kết luận một cách sát thực rằng „Tôi không còn là gì nữa cả, tôi chẳng còn muốn sống nữa đâu“. Như vậy chính thơ ca tự thân nó thuộc về những chủ đề quan trọng nhất ở thơ ca của ông.

Bài tụng ca „Gửi các thần số mệnh“, viết vào năm 1798 tại Frankfurt am Main, như rất nhiều bài thơ của ông, là một khúc kinh cầu. Người nói lên điều khấn, hướng tìm những vị nữ thần số mệnh phúc quyết tuổi thọ của từng con người một. Ông chỉ có một nguyện ước, sao cho các nữ thần số mệnh đầy uy vũ hãy cho ông chút thời gian không thể nào bỏ đi dược, để tiếng hát của ông thêm chín muồi.

Giống như suy nghĩ của ông về Tình yêu luôn luôn nhuốm màu của tối hậu và được quyết định bởi vậy, thì ý tưởng của ông về người thi sĩ cũng kiến thiết trên ý thức về những Sự Vật Tối Hậu. Ba khổ của bài thi tụng này tòan nói đến cái chết. Ai đạt được sự tấu chơi ngọt ngào, tức là khúc hát này, trái tim người đó nguyện sẵn lòng chết hơn: Người đó có thể yên bề với nghiệm trải đã qua. Thậm chí anh ta có thể chào mừng sự không hiện hữu của mình – sự tĩnh lặng của địa tầng bóng tối.

Dẫu cho khúc tấu đàn dây của ông không dẫn ông đi xuống tầng hạ ngục, mặc dù ở đó nghệ thuật của ông không tồn tại, hoặc ít nhất không thể tri cảm được đối với ông, người nghệ sĩ, thì đúng thế, ông có thể „mãn lòng“. Bởi chưng ít nhất đã một lần ông từng sống như thần thánh. Điều này ta không nên hiểu như là mẫu xét nghiệm, mà là nguyện vọng: Ông, nhà thơ người đã hòan tất điều „thần linh“ - bài thơ hòan hảo - nên ông đã làm nên tất cả những gì một con người có thể đạt được; và như vậy ông ngang bằng thần thánh. Hay nói một cách khác: Linh hồn, chỉ nhờ có nghệ thuật mới có sự tồn tại linh thiêng. Hoặc cũng có thể nói: Nghệ thuật là thứ khiến cho cuộc hiện sinh trần thế của ta trở nên chịu đựng được. Trong lời khấn nguyện của thi sĩ hàm ẩn một hình tượng của khao khát và ngưỡng vọng nơi con người.

Bài tụng ca „Gửi thần số mệnh“ thuộc về những kỳ thư trong tiếng Đức. Từ bài thơ, kiêu hãnh, tự ý thức cất lên tiếng nói, tuy nhiên không kênh kiệu và đắc thắng. Mạnh mẽ ở năng lực biểu đạt và tuy vậy xa lạ mọi ngạo mạn. Nhiệt tình sôi sục không có gì vượt được, mà thế đấy, không to tiếng mà cũng chẳng hề thúc ép. Cảm giác và suy nghĩ ở đây lập nên sự thống nhất tòan vẹn. Sự hài hòa không tỳ vết của âm điệu và hình ảnh - ở đây trở thành hiện thực.

Thực không hề đơn giản để yêu người thi sĩ cao vọng này. Nhưng không thể không ngưỡng mộ ông, khó lòng không tôn thờ ông, ông, Friedrich Hölderlin.

1994

© Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Marcel Reich-Ranicki, Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Inselverlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001; ISBN 3-458-06655-I

Gửi thần số mệnh

Friedrich Hölderlin (1770-1843)

Ban cho tôi duy một mùa hạ thôi, hỡi thần uy vũ (2)
Và một mùa thu, cho tiếng hát chín muồi,
No nê khúc đàn ngọt ngào tấu chơi,
Tim tôi sẵn nguyện chết vì, sau đó.

Linh hồn, trong cuộc đời không thấu quyền thánh thần
Cũng chẳng an tọa nào dưới địa tầng âm phủ
Điều thánh linh xưa, tôi trong tim hằng ấp ủ
Thế đấy cho tôi, bài thơ đã tựu thành.

Đây chào mừng, ôi tĩnh lặng của địa tầng bóng tối
Tôi mãn lòng, cả khi tôi tấu khúc đàn dây
Không dẫn tôi trượt xuống đây. Đã một lần
Tôi sống như thánh thần, và không cần gì hơn nữa.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

An die Parzen

Friedrich Hölderlin (1770-1843)

Nur Einen Sommer gönnt, ihr Gewaltigen!
Und einen Herbst zu reifem Gesange mir,
Daß williger mein Herz, vom süßen
Spiele gesättiget, dann mir sterbe.

Die Seele, der im Leben ihr göttlich Recht
Nicht ward, sie ruht auch drunten im Orkus nicht;
Doch ist mir einst das Heilge, das am
Herzen mir liegt, das Gedicht, gelungen,

Willkommen dann, o Stille der Schattenwelt!
Zufrieden bin ich, wenn auch mein Saitenspiel
Mich nicht hinab geleitet; Einmal
Lebt ich, wie Götter, und mehr bedarfs nicht.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

Đôi nét tiểu sử: Friedrich Hölderlin sinh ngày 20.03.1770 tại Lauffen am Neckar, cha là lao công tu viện, mẹ là con gái linh mục. Năm ông lên hai cha mất, mẹ gửi ông vào một trường dạy tiếng Latinh ở Nürtingen, sau vào một trường học dòng tin lành của tu viện, đào tạo ông thành mục sư tin lành. *Từ 1788 – 1793 Hölderlin nghiên cứu Thần học tại trường Tổng hợp Tübingen. Thời gian này ông kết bạn với Friedrich Hegel và Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (hai triết gia đại diện của chủ nghĩa Duy tâm Đức). * Năm 1796 làm gia sư trong gia đình chủ nhà băng Gontard, đem lòng yêu người vợ chủ nhân là Susette, và đuợc bà đáp lại. Mối tính chấm dứt vì Gontard đuổi việc ông.* Năm 1797 có cuộc gặp gỡ Johann Wolfgang von Goethe* Trên đường rong ruổi làm gia sư ở nhiều nơi tới 1802, ông trở về nhà được mẹ nuôi dưỡng* Hai năm sau được chẩn đóan bệnh điên (y học ngày nay chẩn đóan sang chấn thần kinh và tâm thần phân liệt), năm 1806 người ta đưa ông vào viện điều trị tâm thần Tübing. *Sau nhiều lần trốn ra không thành, 1807 ông được một đôi vợ chồng thợ mộc nhận về nhà nuôi dưỡng, nơi ông tiếp tục 36 năm sống trong trạng thái mộng du thần trí, tiếp tục sáng tác. Friedrich Hölderlin mất ngày 07.06.1843.

(1) Hyperion: Một trong 12 vị thần khổng lồ trong thần thọai Hy Lạp, con của thần Uranus (bầu trời) và nữ thần Gaia (đất mẹ).

(2) Die Parzen (tiếng Latinh: Parcae): Ba nữ thần số mệnh Nona, Decima và Morta của thần thọai La Mã, tương thích với nhóm nữ thần số mệnh Moirei của thần thọai Hy Lạp (Klotho, Lachesis và Atropos).

Bản tiếng Anh tham khảo:

To The Fates

Grant me just one summer, powerful ones,
And just one autumn for ripe songs,
That my heart, filled with that sweet
Music, may more willingly die within me.

The soul, denied its divine heritage in life,
Won't find rest down in Hades either.
But if what is holy to me, the poem
That rests in my heart, succeeds —

Then welcome, silent world of shadows!
I'll be content, even though it's not my own lyre
That leads me downwards. Once I'll have
Lived like the gods, and more isn't necessary. 


Bài đăng VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...