Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Mở hướng tới Đức tin và Tri thức

Trường học Athens, tranh ©Raffael Santi (1483-1520), họa sĩ Ý
Jürgen Habermas

Ðáp từ Giải thưởng Hoà bình của ngành phát hành sách Ðức (Frankfurt, 14.10.2001)


Nếu tình hình thời sự cấp bách đánh tuột khả năng chọn lựa chủ đề ra khỏi tầm tay như một cách nói, hẳn sự cám dỗ chúng ta cùng với những John Waynes trong số trí thức tranh tài rút súng khỏi đai quần bắn phát nhanh nhất tất nhiên sẽ rất lớn. Mới cách đây chưa lâu có nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi, có nên và ở mức nào, chúng ta chịu biến mình thành công cụ của kỹ thuật gien, hay cả có nên và đến mức nào chúng ta theo đuổi mục đích tối ưu hoá bản thân nữa. Vừa vượt qua những bước đầu tiên trên con đường này, một cuộc chiến của các thế lực đại diện đức tin giữa những người có tiếng nói trong nền khoa học có tổ chức và phía nhà thờ đã xảy ra. Một bên lo ngại chủ nghĩa ngu dân mê muội và sự vớt vát những tình cảm sót lại thời tiền sử mang tính ngờ vực khoa học, còn phía kia phản đối một niềm tin vào tiến bộ bằng khoa học như một thứ chủ nghĩa tự nhiên thô lậu chôn vùi mọi đạo đức. Nhưng vào ngày 11 tháng 9, căng thẳng giữa thế giới thế tục và tôn giáo đã bùng nổ theo một cung cách hoàn toàn khác. Những kẻ sát nhân quyết tự sát, biến đổi chức năng của máy bay dân dụng thành những hỏa tiễn sống lái đâm vào thành lũy tư bản của văn minh châu Âu, như bản di chúc của Atta cho ta biết, đã mang động cơ hành động dựa vào niềm tin tôn giáo. Ðối với chúng, những biểu tượng của thời hiện đại lan khắp toàn cầu hiện thân cho đại quỷ sa-tăng. Nhưng rồi trên màn hình, trước mắt chúng ta - những người chứng kiến toàn diện biến cố „hồng thủy“ -, cũng dồn dập hiện ra những ảnh hình như trong kinh thánh. Và ngôn ngữ trả đũa ban đầu- tôi muốn nói ban đầu - mà tổng thống Mỹ dùng đáp lại đã mang một âm hưởng kinh cựu ước. Ngỡ như nội trong lòng của xã hội thế tục này, vụ mưu sát mê muội vừa chạm rung dây đàn tôn giáo, mọi nhà thờ Thiên chúa, các thánh đường Hồi giáo, Do thái giáo khắp nơi nghìn nghịt đổ về. Trên sân vận động New York mới cách đó ba tuần, sự đồng thanh tương ứng ngấm ngầm này đã không đưa lạc cả cộng đoàn tưởng niệm theo tín ngưỡng dân sự đến thái độ thù ghét đối xứng.

Mặc dầu mang ngôn ngữ tôn giáo, chủ nghĩa toàn thống, như chúng ta biết, là một hiện tượng hiện đại. Ngay lập tức ta thấy sự không đồng thời về mô típ hành động và phương tiện ở những thủ phạm Hồi giáo. Ðiều đó phản ánh một tính bất đồng về thời gian của văn hóa và xã hội đã chỉ vừa mới hình thành do hậu quả của một cuộc hiện đại hóa ào ạt tróc đi cội rễ một cách không thương tiếc trên những nước quê hương thủ phạm. Những gì xảy ra, dẫu sao trong hoàn cảnh may mắn có thể được chứng nghiệm như một quá trình phá hủy mang tính sáng tạo, đã không hứa mang lại một cân bằng nào mà người đời biết đến đặng bù vào nỗi đau do những hình thái sống truyền thống tan rã gây ra trên những đất nước này. Trong quá trình đó, điều hứa hẹn cải thiện mức sống vật chất mới chỉ là một. Quan trọng là bước chuyển biến về tinh thần, trên phương diện chính trị biểu hiện ở sự tách rời tôn giáo và nhà nước, đã chịu phong bế bởi cảm giác bị hạ nhục. Cả ở châu Âu, nơi lịch sử dành cho hàng trăm năm để tìm thấy một thái độ nhậy cảm đối với cái đầu Janus (1) lưỡng diện của thời hiện đại, sự „thế tục hóa“, như cuộc tranh cãi về kỹ thuật gien cho thấy, ngay bây giờ vẫn hàm chứa những cảm xúc lưỡng phân. Những khuynh hướng thủ chính giáo (Orthodoxien) cứng nhắc đều có ở phương Tây cũng như ở vùng Cận và Viễn Ðông, trong hàng ngũ tín đồ Thiên chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Ai muốn tránh một cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa tất phải hồi tưởng lại trong tâm trí mình biện chứng chưa hoàn tất của quá trình thế tục hóa riêng có ở phương Tây. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố không phải là một cuộc chiến tranh, và trong chủ nghĩa khủng bố cũng - tôi nhấn mạnh: cũng - bộc lộ cuộc đụng độ lặng câm đầy hiểm họa của những thế giới, bên kia phía bạo lực lặng câm của những kẻ khủng bố cũng như của tên lửa, bắt buộc phải tìm ra một ngôn ngữ chung. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thực hiện thông qua những thị trường tháo bỏ biên giới, nhiều người trong số chúng ta hy vọng chính trị trở về ở hình thái khác. Không ở hình thái nguyên thủy của nhà nước an ninh toàn cầu hóa, tức trong những phương diện cảnh sát, tình báo và kể cả quân sự như bây giờ mà hình thái này phải mang tư cách là một quyền lực tổ chức khai hoá toàn thế giới. Trong giây lát hiện thời chúng ta chẳng còn làm gì hơn ngoài hy vọng mong manh về một lý trí cuối cùng và một chút tự suy nghiệm lại. Bởi chưng khoảng sót lại của sự không nói nên lời cũng đã chia bè xẻ mối ngôi nhà mình. Chúng ta chỉ có thể thận trọng đương đầu với những rủi ro do một sự thế tục hóa trượt mạch nơi khác gây ra, nếu như chúng ta ý thức rõ được rằng thế tục hóa trong những xã hội hậu thế tục của chính chúng ta hàm ý nghĩa gì?

Với ý định này ngày hôm nay tôi lại chọn một chủ đề cũ: Ðức tin và Tri thức. Hẳn quí vị không nên mong chờ một diễn văn chủ nhật phân cực khiến cho người này phải bật dậy và kẻ khác ngồi chết gí tại chỗ.

Chữ „thế tục hóa“ mới đầu có ý nghĩa pháp lý mô tả sự nhượng hữu mà trong đó nhà thờ bị ép trao tài sản cho chính quyền nhà nước thế tục. Ý nghĩa này đã bị gán sang cho sự hình thành thời Hiện đại về văn hóa và xã hội nói chung. Kể từ đó khái niệm „thế tục hóa“ đi đôi với nhiều cách đánh giá trái ngược nhau, tùy mức chúng ta muốn nêu bật khía cạnh nào, hoặc công cuộc thuần phục quyền uy của nhà thờ mà chính quyền thế tục tiến hành thành công, hoặc hành vi chiếm đoạt phi pháp. Theo lối giải thích này, những cách nghĩ cách sống theo tôn giáo đã được thay thế đi bằng những thể thức tương ứng hợp lẽ và đằng nào cũng ưu việt hơn. Theo lối giải thích kia, những lối sống và lối nghĩ hiện đại bị kì thị coi như tài sản tinh thần bị đánh cắp một cách trái phép. Mô hình mô tả cuộc lấn ép gợi ý diễn giải đầy lạc quan vào tiến bộ về một thời hiện đại đã mất nhiệm màu, và mô hình mô tả cuộc chiếm đoạt gợi ý diễn giải theo thuyết suy đồi về một thời hiện đại không nơi nương tựa. Nhưng tôi nghĩ cả hai lối diễn dịch trên đều mắc chung một lỗi. Chúng đều coi thế tục hóa như một cuộc chơi được ăn cả ngã về không giữa một bên là lực lượng sản xuất tư bản của khoa học kỹ thuật nhanh ào ạt trỗi dậy và bên kia là những thế lực duy trì hiện trạng của tôn giáo và giáo hội.

Bức tranh này không ăn nhập gì với xã hội hậu thế tục đang thích nghi với việc tiếp tục tồn tại của những cộng đồng tôn giáo trong lòng một xã hội không ngừng thế tục hoá. Nhất là trong bức tranh quá chật hẹp này vẫn còn lu mờ vai trò văn minh hoá của một Common sense (tạm dịch: Trí năng điều hòa) khai sáng dân chủ hầu như đóng vai trò như phái thứ ba đang mở một đường riêng cho mình giữa khoa học và tôn giáo trong muôn giọng ồn ào hô xung lệnh văn hoá. Chắc chắn, từ giác độ của nhà nước tự do, những cộng đồng tôn giáo nọ chỉ đáng được hưởng tính từ „ đứng đắn“, nếu về mặt nhận thức dám tuyên bố khước từ việc thực thi tín điều của mình bằng bạo lực. Nhận thức này đạt được một khi các tín đồ phản tỉnh trên ba phương diện về vị thế của họ trong một xã hội đa nguyên. Thứ nhất, về mặt nhận thức, ý thức tôn giáo phải xử lý cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và tín ngưỡng khác. Thứ hai, nó phải thỏa đáng quyền tự chủ của khoa học chiếm giữ độc quyền về hiểu biết thế giới. Thứ ba nữa, nó phải dính dáng vào những tiền đề của nhà nước hiến pháp kiến lập trên nền đạo đức phi thần thánh. Không có cú hích phản tỉnh này, đơn thần luận ở các xã hội hiện đại hóa bất chấp mọi giá sẽ phát huy một tiềm năng phá hoại. Ðương nhiên từ „cú huých phản tỉnh“ dễ đưa ra một hình dung sai về một quá trình do đơn phương thực hiện và đã hoàn tất. Thực vậy, khi mỗi xung đột mới xảy ra, việc phản tỉnh này sẽ tiếp diễn trên các điểm giao lưu của công luận dân chủ.

Chỉ tới khi một vấn đề hệ trọng sống còn được đưa vào chương trình nghị sự chính trị, quý vị hãy nghĩ tới kỹ thuật gien chẳng hạn, các công dân theo đạo hay vô thần mang những niềm tin thấm đẫm màu sắc thế giới quan mới va chạm lẫn nhau, và như vậy họ sẽ biết tới sự thật khó chịu của nền đa nguyên về thế giới quan. Nếu ý thức được hạn chế của mình mà học được cách xử trí với yếu tố này một cách bất bạo động, họ sẽ nhận thấy những nền tảng ra quyết định mang tính thế tục ấn định trong hiến pháp sẽ có ý nghĩa như thế nào trong một xã hội hậu thế tục. Trong cuộc tranh giành lợi ích giữa tri thức và tín ngưỡng, chính nhà nước mang tính trung lập về thế giới quan không đời nào ban hành những quyết định ưu tiên cho một phía. Common sense (2) đa nguyên hóa của toàn thể công dân chỉ đi theo biến diễn năng động của thế tục hóa trong chừng mực nó cần ở mức kết cục sao cho cân bằng được khoảng cách với truyền thống mạnh mẽ và nội dung mang thế giới quan . Nhưng kết cục họ sẽ sẵn lòng học hỏi mà không từ bỏ sắc thái riêng, tức là thẩm thấu tới hai phía, mở hướng tới khoa học và tôn giáo.

Tất nhiên Common sense, mang nhiều ảo tưởng về thế giới, phải để cho khoa học khai sáng một cách không nhân nhượng. Nhưng những lý thuyết khoa học xâm nhập vào thế giới sinh tồn, về cốt lõi, không động chạm tới khuôn khổ của tri thức hàng ngày. Nếu như chúng ta học hỏi điều mới lạ về thế giới và về bản thân chúng ta với tư cách là sinh thể trên đời, hẳn nội dung hiểu biết về bản thân của chúng ta cũng đổi thay theo. Kopernikus và Darwin đã cách mạng hóa bức tranh thế giới của thuyết địa tâm và trung tâm nhân loại. Ở đó, sự phá vỡ ảo tưởng của thiên văn học về sự tuần hoàn tinh tú đã để lại ít dấu vết hơn trong thế giới sinh tồn so với sự tước bỏ mọi ảo tưởng sinh học về vị trí của con người trong lịch sử tự nhiên. Khi mỗi lúc một áp sát sườn, kiến thức khoa học có vẻ còn gây nhiều bất an hơn cho hiểu biết về bản thân chúng ta. Nghiên cứu bộ não dạy ta biết về sinh học của ý thức. Nhưng liệu có vì thế mà ý thức đầy linh cảm nọ về tư cách tác giả và năng lực chịu trách nhiệm luôn chỉ đạo hành vi chúng ta sẽ thay đổi theo?

Nếu cùng Max Weber (3) hướng nhìn về những bước khởi đầu của sự“ tước bỏ nhiệm màu thế giới“, chúng ta thấy ngay những điều gì bị đe dọa. Trong chừng mực được khai thác cho lối quan sát khách quan hóa và giải thích theo lối nhân quả, chính tự nhiên bị tước đoạt chiều kích nhân tính. Trong khi con người gán cho nhau những mục đích và môtip, tự nhiên được khoa học nghiên cứu tuột khỏi mối liên hệ của con người. Vậy hôm nay chúng ta có thể hỏi, bản thân con người, dần dà tổng hợp lại trong tinh thần mô tả thuần theo khoa học tự nhiên sẽ thành gì vậy. Liệu kết cục Common sense không chỉ để cho hiểu biết của khoa học chống cảm thụ chỉ dẫn, mà còn bị nó hoàn toàn thôn tính. Nhà triết học Winfrid Sellars (trong một bài thuyết trình nổi tiếng về „Philosophy and the Scientific Image of Man“) đã trả lời câu hỏi này bằng một kịch bản mà ở đó, chỉ vì thuận cho hướng mô tả khách quan hóa những biến diễn tâm lý, những trò chơi chữ nghĩa thường ngày vốn cũ kỹ quen thuộc bị đánh mất hết tác dụng.

Ðiểm gặp tận cùng cho cuộc tự nhiên hóa tinh thần này chính là bức tranh khoa học về con người cũng đã tước bỏ hoàn toàn tính xã hội khỏi hiểu biết về bản thân chúng ta (4). Ðương nhiên chỉ có kết quả này một khi tính chủ ý của ý thức con người và tính quy phạm của hành động chúng ta cùng hòa tan triệt để trong một sự tự mô tả đó. Những lý thuyết thiết yếu cho việc làm này thí dụ phải giải thích được con người có thể tuân theo hoặc vi phạm những qui tắc mang tính ngữ pháp, khái niệm hay đạo đức ra sao. Những học trò của Sellars (5) đã hiểu sai thí nghiệm bằng suy nghĩ quyết giải nan của thầy dậy mình thành ra chương trình nghiên cứu mà họ theo đuổi tới hôm nay. Dự án hiện đại hóa tâm lý thường nhật chúng ta bằng khoa học tự nhiên còn đi đến những thí nghiệm xây dựng một ngữ nghĩa học muốn giải thích những nội dung mang tính suy tư một cách sinh học nữa kia. Nhưng cả các cách tiếp cận tiên phong nhất hình như cũng không vươn đến được sự dị biệt nọ giữa cái Đang Là và cái Phải Là mà ta ngờ tới, nếu như ta vi phạm qui tắc. Nếu thông thường ra, miêu tả một người làm việc gì như thế nào, người đó đã không muốn và cả đáng ra không nên làm điều gì, người ta sẽ mô tả được con người đó - nhưng có điều không giống như một khách thể, một đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên. Bởi vì vô hình chung, các khía cạnh hiểu biết về bản thân từ thời tiền khoa học của chủ thể mang khả năng trao đổi ngôn ngữ và hành động âm thầm ngấm vào sự mô tả con người đó. Nhưng nếu chúng ta mô tả một biến diễn như một hành vi con người chẳng hạn, hẳn chúng ta biết rằng chúng ta mô tả một điều gì không chỉ cắt nghĩa được như một quá trình tự nhiên, mà trong trường hợp cần thiết còn có thể đem ra ra biện hộ được. Ðằng sau tất thảy là bức tranh của những con người bình sinh vốn bị đẩy vào hoạt động liên phối được quy định một cách mô phạm, có thể hỏi trách nhiệm đối với nhau, và họ gặp gỡ nhau trong vũ trụ tập hợp bao nguyên tắc làm nên nền tảng chung cho công luận. Ngay giác độ ống kính mang theo thường nhật này soi rõ sự chênh biệt giữa trò chơi ngôn ngữ của biện hộ và trò chơi ngôn ngữ của miêu tả thuần túy. Ngay cả những chiến lược giải thích mang tính phi-giản lược hóa cũng vấp phải hạn chế ở tính nhị nguyên này. Ý thức về tư cách tác giả mang trách nhiệm báo cáo là cốt lõi của tự hiểu biết về bản thân chỉ có được dưới giác độ của người trong cuộc và như vậy, sao có được dưới giác độ của người quan sát. Niềm tin mang tính duy khoa học vào một ngành khoa học một ngày nào đấy không những chỉ bổ sung cho hiểu biết bản thân của con người bằng việc tự mô tả khách quan hoá mà còn thế bỏ nó nữa thực không phải là khoa học mà là một triết học tồi. Ngay đối với Common sense khai sáng bằng khoa học, thí dụ sẽ không có ngành khoa học nào chấp nhận vịêc đánh giá xem chúng ta phải ứng xử ra sao với sinh thể người tiền nhân tính trong tinh thần mô tả sinh học phân tử mà can thiệp bằng kỹ thuật gien cho phép làm được như vậy.

Như vậy Common sense bắt chặt với ý thức của con người có thể đề xuất sáng kiến, mắc lỗi và sửa chữa sai lầm. Ðối lập lại với các ngành khoa học, Common sense khẳng định một cấu trúc về viễn tượng riêng biệt. Mặt khác, theo tôi nghĩ, cùng với ý thức tự chủ không thể nắm bắt được một cách tự nhiên chủ nghĩa, Common sense này còn khẳng định một khoảng cách tới tôn giáo lưu truyền dẫu sao cấp nguồn sống cho chúng ta bằng nội dung quy phạm của nó. Có thể nói chắc rằng Common sense dân chủ của công dân này đã chiếm vị trí trong ngôi nhà của nhà nước hiến pháp dân chủ kiến thiết bằng pháp luật của lí trí. Và ngay cả pháp luật kiến lập bởi lí trí mang tính bình quyền cũng có cội rễ tôn giáo. Nhưng sự hợp thức hóa cho luật pháp và chính trị theo quyền lực của lý trí uống nguồn đã từ lâu trần tục. Chính vì thế đối với tôn giáo, Common sense khai sáng dân chủ kiên định trên những cơ sở không chỉ riêng cho các thành viên của một cộng đồng tín ngưỡng chấp thuận. Ắt hẳn điều này cũng sẽ gây bực bội ở phía những tín đồ cho rằng thế tục hóa kiểu Tây phương có thể sẽ là con đường một chiều gạt tôn giáo ra ngoài lề phố.

Thực vậy, mặt trái của quyền tự do tín ngưỡng là một nỗ lực nhằm bình định chủ nghĩa đa nguyên thế giới quan đã từng mang lại những hậu quả nặng nề ở mức bất đồng đều. Cho đến nay nhà nước tự do vẫn bắt buộc riêng tín đồ trong số công dân của mình phải chia xẻ bản sắc của họ thành phần cá nhân và phần cho công luận. Chính họ là người phải phiên dịch những ý niệm tôn giáo của họ sang ngôn ngữ thế tục trước khi lý lẽ của họ may có cơ được đa số đồng tình. Cũng như vậy, những người Tin lành và Cơ đốc, khi cổ động cho những bào thai cấy ngoài cơ thể mẹ xứng hưởng tư cách của người mang quyền cơ bản, họ đã tiến hành (có thể quá vội vã) thử nghiệm phiên dịch ý niệm con người giống Chúa về mặt hình hài sang tiếng nói phàm tục của luật pháp. Cuộc đi tìm nguyên tắc làm nên nền tảng với mục đích đạt sự chấp thuận chung sẽ chỉ không đi đến loại trừ tôn giáo khỏi đời sống công luận một cách bất công và, về phần mình, thế giới thế tục không bị cắt rời khỏi nguồn cung cấp ý nghĩa mang nhiều tiềm ẩn quan trọng, nếu như phía thế tục cũng giữ gìn được một cảm năng nhạy bén đối với sức truyền đạt của ngôn ngữ tôn giáo. Ranh giới giữa căn nguyên thế tục và tôn giáo vốn đan quyện. Chính vì vậy cần hiểu việc xác định ranh giới gây nhiều tranh cãi này là một nhiệm vụ phối hợp đòi hỏi hai phía cũng đều phải nhìn từ góc độ của phía kia.

Common sense khai sáng theo tinh thần dân chủ không phải là số ít đơn độc; nó viết lên tâm trạng của một công luận đa thanh. Số đông thế tục không được tuyên bố những quyết định trước khi chưa lắng tai nghe những tiếng nói phản đối ở những người đối lập ý kiến cảm thấy việc làm kia xúc phạm họ trong những đức tin; và như vậy họ phải thấy sẽ học được điều gì. Trước thực tại những nền tảng đạo đức của mình có nguồn gốc tôn giáo, nhà nước tự do, đối đầu những thách thức mới phải tính đến khả năng không vượt nổi trình độ truyền đạt ở thời kỳ hình thành nhà nước. Ngày hôm nay ngôn ngữ của thị trường thẩm thấu vào mọi chân tơ kẽ tóc và ép tất cả quan hệ con người vào một khuôn mẫu nhắm vào sở thích từng người. Mối gắn bó xã hội trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau đã không tan biến trong những khái niệm của khế ước, của sự lựa chọn duy lý và tối đa tận dụng.

Chính vì lẽ đó Kant đã không để cho Cần tồn vô điều kiện (6) biến đi trong dòng cuốn hút của nhu cầu tự thân khai sáng. Ông đã mở rộng tự do tùy tiện sang địa hạt tự trị và như vậy chúng ta có được một ví dụ lớn đầu tiên về một sự phá vỡ những chân lý tín ngưỡng tuy mang xu hướng thế tục hoá nhưng đồng thời mang chức năng hàn gắn. Với Kant, những điều Chúa răn lại tìm thấy uy lực của mình trong việc thực hiện bắt buộc những trách nhiệm đạo đức. Với chúng ta đó là một tiếng vọng hưởng không bỏ ngoài tai được. Với khái niệm tự trị đề xướng, chắc chắn Kant đã phá vỡ hình dung mang tính cổ truyền về quan hệ của bầy tôi với Chúa. Nhưng khi hướng sang biến đổi từng phần nội dung tôn giáo một cách phê phán, ông đã tránh được những hậu quả dung tục mà một sự thiểu phát vét sạch gây ra.

Ngôn ngữ thế tục, chỉ riêng xóa những điều đã từng mang ý nghĩa, để lại những tình cảm rối loạn. Có gì đó đã mất đi khi tội tông truyền biến thành tội. Bởi đi đôi với nguyện vọng tha thứ còn có nguyện vọng không hề ủy mỵ biến khổ đau gây ra cho người khác thành chuyện chưa hề xảy ra. Chính lúc này chúng ta hoang mang bởi không xoay chuyển được đau khổ đã qua - chính bất công đối những kẻ vô tội bị hành nhục, bị chà đạp phẩm giá, bị sát hại vượt qua khỏi mọi tầm đền chuộc lại mà con người có thể làm được. Hy vọng đã mất về sự sống lại đã để lại khoảng trống khôn nguôi. Theo tôi nghĩ, sự ngờ vực của Horkheimer(7) khi ông nói: „Người bị đánh chết thực đã chết hẳn“ đối với Benjamin(8) về hy vọng tràn đầy về sức đền chuộc bằng tưởng niệm theo tinh thần nhân văn, thế đấy không cải chính xung tác bất lực còn muốn thay đổi ít nhiều ở điều không thể cải sửa. Cuộc trao đổi thư từ của Benjamin với Horkheimer bắt đầu từ đầu năm 1937. Sau cuộc Tận thiêu (Holocaust), cả hai ý xung tác thật và sự bất lực của nó vẫn tiếp diễn ở thực tiễn „ Xem xét lịch sử“ (Adorno) vừa cần thiết vừa vô phương cứu chữa. Có lẽ từ đây tôi cần phải nói, chính xung tác đó cũng còn biểu lộ ở dạng trá hình trong thán khúc não nề rằng thực tiễn này không phù hợp. Trong những giây lát ấy, các đứa con vô thần của thời hiện đại này dường như tin rằng chúng mắc tội nhiều với nhau hơn và bản thân chúng cần có nhiều hơn so với những điều từ truyền thống tôn giáo phiên dịch ra mang lại - tức dường như tiềm năng ngữ nghĩa của tôn giáo chưa được khai thác hết. Cũng có thể giá trị hai mặt này đưa tới một thái độ hợp lý tức là giữ khoảng cách đối với tôn giáo mà không đóng kín những phương diện của nó mở ra. Thái độ này có thể lái sự tự khai sáng của một xã hội công dân tan nát vì đụng độ văn hoá sang hướng đúng. Những cảm nhận về đạo đức cho đến nay chỉ biểu đạt giàu cung bậc trong ngôn ngữ tôn giáo có thể được mọi người nói chung hưởng ứng, nếu chẳng bao lâu nảy sinh một kiểu diễn đạt cứu vãn tình thế đáp lại những gì đã đi vào lãng quên nhưng là những mất mát hàm ẩn. Rất ít khi điều này thành đạt, nhưng cũng đôi khi. Một sự thế tục hoá không gây đổ vở diễn ra trong mô thức phiên dịch. Ðó chính là điều Tây phương, với tư cách là quyền lực thế tục hóa toàn cầu, có thể học được từ lịch sử của chính mình. Nếu không, kể cả dưới mắt thế giới Ả Rập, Tây phương chỉ như lính thập tự quân của thế lực tín ngưỡng ganh đua hoặc là gã lái đi tìm buôn một loại lý tính với bản sắc công cụ chôn vùi hết mọi ý nghĩa. Cuối cùng hãy cho tôi cắt nghĩa sự thế tục hoá không gây đổ vỡ bằng một ví dụ.

Trong cuộc tranh cãi việc ứng xử ra sao với bào thai người vẫn còn nhiều vị viện dẫn vào kinh sách Môi-se 1, 27: Ðức Chúa Trời sáng tạo con người theo đúng hình hài của Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời. Không nhất thiết phải tin rằng Chúa hiện thân cho tình yêu sáng tạo ra Eva và Adam thành những sinh thể tự do để hiểu nội dung hình hài giống Chúa hàm ý gì đây. Không có tri thức ở một phía vẫn có tình yêu, không có sự tôn trọng lẫn nhau sẽ không có tự do. Chính vì vậy vị thế đối chiếu của con người, về phần nó cũng phải được tự do để đáp lại lòng đoái thương của Thiên Chúa. Tất nhiên như vậy, cái kẻ khác kia, và điều này tôi mới cho là quan trọng, kể cả có hình hài giống Chúa, cũng được hình dung là vật thụ tạo của Chúa. Sự sản sinh ra hình hài giống Chúa diễn đạt một cảm nhận có thể nói lên điều gì đấy trong câu chuyện này đối với những kẻ thô tục với tôn giáo mà tôi vốn thuộc về họ. Đức Chúa là “chúa thánh của những người tự do” chừng nào chúng ta không san bằng được chênh biệt tuyệt đối giữa đấng sáng tạo và sinh linh tạo vật. Chỉ trong chừng mực đó việc Chúa ban cho hình thể mới không có nghĩa là một sự qui định được giao phó hết cho sự tự quyết của con người.

Ðấng Chúa tể càn khôn này, gồm trong một cả đấng sáng thế và đấng cứu chuộc không cần phải hoạt động như một nhà kỹ thuật theo quy luật tự nhiên hoặc như nhà tin học tuân theo quy tắc một bộ mã. Tiếng gọi dội vào đời của Chúa, ngay từ đầu hòa phối trong một vũ trụ nhạy cảm về mặt đạo đức. Chính vì vậy Chúa chỉ có thể “ xác quyết” con người trong ý nghĩa Chúa vừa nâng đỡ con người đi đến tự do vừa ràng buộc trách nhiệm cho nó. Vậy người ta không còn phải tin vào tiền đề thần học nữa để bây giờ hiểu ra hệ quả. Như vậy một mối lệ thuộc hoàn toàn khác được hình dung theo lối nhân quả sẽ xuất hiện nếu như sự chênh biệt vốn được chấp nhận trong khái niệm sáng thế bị loại bỏ, và một kẻ đồng tuế nào đó đứng vào vị trí của Chúa - tức giả sử, chiểu theo sở thích riêng, con người can gián vào công thức rất tình cờ phối hợp định lượng nhiễm sắc thể cha mẹ mà ít ra không được phép, dù chỉ ở mức phản chứng, quy ép kẻ khác kia đồng thuận. Lối diễn dịch này gợi ý vấn đề tôi lưu tâm tới ở một chỗ khác. Liệu người đầu tiên nào tự ý chế định một con người khác trong dạng tồn tại tự nhiên như vậy cũng phải tước mất của nó quyền tự do dành cho những người ngang hàng phải lứa để đảm bảo cho kẻ đó khác mình?

©Phạm Kỳ Đăng dịch.
(Người dịch cám ơn các ông bà Bùi Thị Trạc Tuyền, Đỗ Kim Thêm, Trương Hồng Quang về những chỉ dẫn, góp ý.)

Nguồn: Xin xem bản gốc

Chú thích của người dịch:

Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia Đức, giáo sư triết học tại đại học Frankfurt/M (Đức) và Northwestern University ở Evanston, Chicago. Đầu đề bài đáp từ do người dịch đặt lại.
[1] Vị thần trong thần thoại La mã có cái đầu hai mặt, ẩn dụ ở đây ám chỉ tính hai mặt ưu khuyết của thời Hiện đại.[2] Maximilian Carl Emil Weber (1864-1920): Nhà xã hội học, luật gia và nhà kinh tế học, được công nhận là tác gia kinh điển của ngành xã hội học cũng như khoa học xã hội và văn hóa.
[3] Common sense : lý trí lành mạnh, xin dịch trong ngữ cảnh là „trí năng điều hòa“ ở tương quan với Khoa học và Tôn giáo.
[4] Có thể hiểu là tự ý thức.
[5] Wilfrid Sellars (1912-1989): Nhà triết học Mỹ, đóng góp vào Triết học tinh thần, Lý thuyết nhận thức và Siêu hình học.
[6] Ðòi hỏi mang tính đạo đức của Immanuel Kant, triết gia Đức.
[7] Max Horkheimer (1895-1973) Nhà triết học và xã hội học, cùng với Theodor W. Adonor (1903-1969) là hai đại diện chính của Trường phái Frankfurt và Lý thuyết phê phán.
[8] Walter Bendix Schoenflies Benjamin (1892-1940): Triết gia, nhà phê bình văn học và dịch giả.
Bài đăng VHNA

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Mùa thu của người cô đơn

Georg Trakl (1887 - 1914)

Tranh của Wassili Kandinsky (1866-1944), họa sĩ Nga

Thu u tối hái về ắp đầy hoa trái-
Những ngày hạ đẹp qua còn ánh vết ố vàng
Lớp vỏ héo trào ra tinh khiết một màu lam;
Đường chim bay vọng vang cổ tích
Rượu vang cất, lắng ngọt ngào tịch mịch
Rót đầy tiếng thầm thào lời đáp những câu hỏi tối tăm.

Và đó đây một cây thánh giá trên đồi cằn
Một đàn thú hút dần trong rừng cây đỏ lá.
Trên mặt nước ao đám mây rong nhàn hạ -
Ấy lúc nhà nông được rỗi rãi chân tay.
Cánh xanh lam của màn đêm khẽ nhẹ lay
một mái nhà rạ kiệt khô, sẫm đen mặt đất

Sao trời dần tụ quần trong hố mắt người mệt giấc
Nếp giản phác lặng về trong mát rượi lều tranh:
Và thiên thần nhón bước ra từ mắt xanh
của những cặp tình nhân dần vơi đau khổ
Luốm vẻ ảm đạm trơ xương, cây sậy vi vu gió
Từ những cành liễu trơ, sương nhỏ những giọt đen.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Der Herbst des Einsamen

Georg Trakl (1887 - 1914)

Der dunkle Herbst kehrt ein voll Frucht und Fülle,
Vergilbter Glanz von schönen Sommertagen.
Ein reines Blau tritt aus verfallner Hülle;
Der Flug der Vögel tönt von alten Sagen.
Gekeltert ist der Wein, die milde Stille
Erfüllt von leiser Antwort dunkler Fragen.

Und hier und dort ein Kreuz auf ödem Hügel;
Im roten Wald verliert sich eine Herde.
Die Wolke wandert übern Weiherspiegel;
Es ruht des Landmanns ruhige Gebärde.
Sehr leise rührt des Abends blauer Flügel
Ein Dach von dürrem Stroh, die schwarze Erde.

Bald nisten Sterne in des Müden Brauen:
In kühle Stuben kehrt ein still Bescheiden,
Und Engel treten leise aus den blauen
Augen der Liebenden, die sanfter leiden.
Es rauscht das Rohr; anfällt ein knöchern Grauen,
Wenn schwarz der Tau tropft von den kahlen Weiden.


Bản tiếng Anh (tham khảo)

Autumn of the Lonely

The dark autumn returns filled with fruit and abundance,
Yellow brilliance of beautiful summer days.
A pure blueness steps from a decayed sheath;
The flight of birds resounds with ancient legends.
The wine is pressed, the mild stillness
Filled with the soft answer to dark questions.

And here and there, a cross on barren hill;
In the red forest a herd wanders off.
The cloud roams over the pond-mirror;
The countryman's calm gesture is at rest.
Very softly the blue wing of the evening touches
A roof of dried straw, the black earth.

Soon stars nest in the brows of the weary;
In cool rooms a silent modesty enters
And angels step gently from the blue
Eyes of lovers, who suffer more softly.
The reed murmurs; a bony horror seizes
When dew drips blackly from bare willows.

 

Chú thích của người dịch:

Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được công nhận là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20. 


Đôi nét tiểu sử: Georg Trakl, con thứ năm trong gia đình tư sản khá giả có bảy con. Cha có cửa hàng khóa, mẹ khó tính với các con, nghiện ma túy. Georg Trakl trải qua thời niên thiếu tại Salzburg* 1897 – 1905: Học xong trung học, được coi là học trò kém (ở các môn tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp và Toán), không đỗ tú tài * 1908: Qua kỳ Thực tập, để nghiên cứu 4 học kỳ ngành Dược* 1910: Học xong bằng Y sĩ * Khi thế chiến I bùng nổ, ông tham gia mặt trận với chức vụ y sĩ quân đội. * Ngày thêm trầm cảm, trải qua trận đánh vùng Grodek ông bị suy sụp thần kinh. *1914 Chết (tự sát) trong một nhà thương quân đội ở Krakow sau khi dùng cocaine quá liều. 


Tranh của Wassili Kandinsky (1866-1944): Họa sĩ Biểu hiện và người mở đường cho Nghệ thuật Trừu tượng, nhà lý thuyết nghệ thuật người Nga.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Một nhà tiên đoán và tiên tri

Marcel Reich-Ranicki

Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Neumann đã sắp vào hàng độc giả đến lượt mình đặt câu hỏi về văn chương thế giới: Nhìn nhận thế nào về tác phẩm của nhà thơ Rilke được tôn thờ. Marcel Reich-Ranicki (1) thấy trong đó kỳ tích chinh phục những điều không thể nói.



Rainer Maria Rilke
(Ảnh kèm theo bài: Rilke đã thành công trong việc khai mở cho thi ca Đức những địa hạt hầu như không một ai biết đến sự tồn tại của chúng)

Đối với tôi Rilke thuộc về những nhà thơ ấn tượng mạnh nhất của Đức ngữ. Bây giờ ông đánh giá tác phẩm của thi sĩ đó ra sao? Bernd Neumann, Bộ trưởng văn hóa của CHLB Đức.

Marcel Reich-Ranicki: Ông là người hùng, là thánh nhân của nhiều thế hệ Đức, hơn thế nữa, của cả độc giả châu Âu. Đối với họ ông là hiện thân của thi ca, cái tên âm vang tiết tấu Rainer Maria Rilke trở thành biểu niệm của thơ. Tuy nhiên khác với những nhà thơ lớn khác của thế kỷ qua, mặc dầu không phải trước tiên, Rilke cũng còn được cảm nhận như nhà tiên đóan và nhà tiên tri nữa. Người ta đón nhận lời ông như đấng cứu thế và như một thứ thay thế tôn giáo.

Có thể hôm nay khó mà chịu đựng được bộ dạng của nhà bói thuật, và đòi hỏi tiên tri ở một nhà chính trị hay một nhà thơ, thường ra, cũng bị coi là lỗi thời. Nhưng ngay cả trong ngày hôm nay, người ta rất khó cưỡng lại được tiết tấu của những câu thơ này, trước sau chúng làm ta say mê, âm vận ngọt ngào, thanh âm cao khiết, sự viên mãn ảnh hình đến mức phung phí.

Rilke biết cách xử dụng vần điệu như rất ít nhà thơ trong lịch sử của nền văn học (Đức) chúng ta. Thơ của ông là kỳ tích chinh phục điều không sao nói được. Như vậy Rilke đã thành công trong việc khai mở cho thi ca Đức những địa hạt hầu như không một ai biết đến sự tồn tại của chúng.

Ở ông không thiếu vắng tiếng thầm thì và khỏang tối. Nhưng chính vì lẽ đó trong những vần thơ ông, nhiều biểu đạt hàm súc có được sức thuyết phục, sức tác động nhờ một sự trong sáng tuyệt vời, một sự dung dị đáng ngạc nhiên. Không ít những biểu đạt này có thể dễ dàng đem trích dẫn, như những lời có cánh của Schiller (3) hay những câu dân dã trong những câu thơ của Heine. Chúng ta yêu mở đầu bài thơ trang trọng: „ Kính Cha, thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn“. Thường xuyên và thích thú, chúng ta trích lời chỉ dẫn đầy gợi cảm mang chất bi ca: „Ai nay không nhà, sẽ không xây cất nữa“.

Người ta trích dẫn thơ đầu tay nọ của Rilke, không thuộc về những tác phẩm hay nhất của ông, nhưng, trong hàng triệu ấn bản được phổ biến và làm nổi danh như không dòng thơ đầu tay nào sánh nổi, thậm chí đã khiến ông có thể trở thành một nhà thơ dân gian. Ý tôi nói về „Khúc ca Tình yêu và Cái chết của Cornet Christoph Rilke“. Tôi chưa bao giờ quên lời giáo đầu :“ Phi, phi, phi qua ngày và đêm… Và ngày mệt rồi và nỗi nhớ nhung rồi lớn“.

Không nên để cho âm nhạc mê hồn bằng lời của Rilke khiến chúng ta bỏ qua hoặc đánh giá thấp thực tế rằng Rilke đã nhận chân tinh thần thời đại và biểu cảm một cách chính xác. Ông là tác giả của câu thơ luôn được trích dẫn xác đáng viết từ năm 1908, câu thơ diễn đạt đau thương của cả một thế hệ và, trước câu thơ này Gottfried Benn đã nghiêng mình biết ơn: „ Ai nói về chiến thắng ư? Vượt qua là tất cả“.

Trong vở kịch „Don Carlos“, hầu tước Posa đã cầu xin hòang hậu nói tới hòang tử chính là nguời bạn của mình: „ Với những giấc mơ tuổi trẻ, cần cẩn trọng mới đáng mặt nam nhi “.Thuộc về giấc mơ của tuổi trẻ còn là những tác phẩm văn học, sẽ còn xâm chiếm lòng ta, bởi vì chúng luôn gặp gỡ chúng ta đúng vào thời điểm – và chính vì thế mãi mãi không thể nào quên.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (sinh năm 1920): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Friedrich Schiller (1759-1805): Thi hào Đức, triết gia và nhà sử học, một trong những kịch tác gia và nhà thơ trữ tình lớn nhất của văn học Đức.

Gottfried Benn (1886-1956): Nhà thơ, nhà tiểu luận, bác sĩ Đức, thuộc số ít nhà thơ nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ 20.

©Phạm Kỳ Đăng dịch
(Bài đăng trên VHNA)

Nguồn: FAZ

Ngày thu

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Kính Cha: thực đã đến thì. Mùa hạ vô cùng rộng lớn.
Hãy che bóng lên đồng hồ mặt trời
Và trên nội ngàn thả gió bay đi khắp.

Lệnh cho trái quả cuối mùa căng mọng!
Cho chúng thêm đôi ngày nắng phương nam!
Dồn thúc chúng đến kỳ hoàn tất,
và chắt vị ngọt cuối cùng
vào rượu vang nồng nã.

Ai nay không nhà, thôi không xây cất nữa
Ai đơn thân, sẽ bóng chiếc dài lâu
Sẽ thao thức, viết thư dài, đọc sách
Và đi đi lại lại trên những đường rợp bóng,
dạo bước bồn chồn, mỗi khi lá cuốn qua.

© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:

Herbsttag

Rainer Maria Rilke (1875 - 1926)

Herr: es ist Zeit. Der Sommer war sehr groß.
Leg deinen Schatten auf die Sonnenuhren,
Und auf den Fluren lass die Winde los.

Befiehl den letzten Früchten voll zu sein;
Gib ihnen noch zwei südlichere Tage,
Dränge sie zur Vollendung hin und jage
Die letzte Süße in den schweren Wein.

Wer jetzt kein Haus hat, baut sich keines mehr.
Wer jetzt allein ist, wird es lange bleiben,
Wird wachen, lesen, lange Briefe schreiben
Und wird in den Alleen hin und her
Unruhig wandern, wenn die Blätter treiben.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Ngày tháng Chín

Chistian Morgenstern (1871 - 1914)

Tranh của ©Fritz Overbeck (1869-1909), họa sĩ Đức

Đây trong trẻo ngọt ngào, man mác thu trong,
giải thoát anh, hối thúc anh cùng lúc
khi thần trí thu lạnh băng ma lực
choàng lớp pha lê chân thực phủ khắp núi rừng.

Đây trong trẻo ngọt ngào, man mác thu trong…

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Septembertag

Chistian Morgenstern (1871 - 1914)

Dies ist des Herbstes leidvoll süße Klarheit,
die dich befreit, zugleich sie dich bedrängt;
wenn das kristallene Gewand der Wahrheit
sein kühler Geist um Wald und Berge hängt.

Dies ist des Herbstes leidvoll süße Klarheit...

Bản tiếng Anh:

September Day

Chistian Morgenstern (1871 - 1914)

This is the autumn's sorrow-sweetened clearness,
that liberates as well as it harangues;
when crystal truth its spirit o'er the nearness
of woods and mountains as a garment hangs.

This is the autumn's sorrow-sweetened clearness...

Chú thích của người dịch: 


Christian Morgenstern (1871 - 1914): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả người Đức.

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Một chuyện vặt tuyệt vời

Tranh của Emil Nolde (1867-1956) họa sĩ Đức
Marcel Reich-Ranicki

Bài thơ không cần tới sự giải thích nào dù ở mức ít nhất. Nó kể về một khúc hát mùa xuân đặng ngân vang ra tới nơi xa, cho tới một ngôi nhà nào đó, „nơi hoa lá nở bông“; và nếu như có một bông hoa hồng ở đó, hãy chào đóa hoa – giùm một người đã gửi lời chào đó lên đường. Đó là tất cả. Trong tám câu thơ, Heine sử dụng tới ba lần động từ „ngân“. Và điều đó chính là bức tiểu họa đầy chất thơ kết hợp giữa âm thanh, tiết tấu và nhạc điệu, cái làm nên „tiếng ngân nga thân thương“. Chỉ có tiếng ngân nga thân thương, bay lượn, không đòi hỏi gì và có chút hòai cổ? Tóm lại một chuyện vặt vãnh dễ thương và ngoài ra không có gì hơn?

Những câu thơ xuất hiện trong năm 1831 - một năm quan trọng, giầu kết quả trong cuộc đời của Heine. Dạo đó Heine đã quyết di cư sang Pháp và định cư tại Paris. Thật là khó khăn khi phải ra quyết định chia ly đất nước cho ông tiếng nằm nôi, nhưng tuy nhiên chưa bao giờ ông hối tiếc điều đó. Đương nhiên, ở đây cũng như nơi đó ông bị xem như người ngòai cuộc, một kẻ xa lạ. Nhưng bên người Đức ông là người Do thái, và bên người Pháp ông là người Đức. Hay nói một cách khác: tại Đức, ông thuộc về những kẻ bị ruồng rẫy, ở nước Pháp ông thuộc về dân ngọai kiều.

Ở „Tập Tình Ca“ của Heine, xuất bản bốn năm trước khi ra đời bài thơ „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“, tình yêu đứng trong tâm điểm, gần như luôn luôn là một tình yêu bất hạnh. Phải chăng ở giữa và đằng sau những câu thơ của thi tập nổi tiếng ẩn giấu nỗi đau khổ của một con người trẻ tuổi, đầu thai vào thế giới Đức, mong muốn được thế giới ấy dung nạp. Chúng ta nghe tiếng lòng của một kẻ vừa đến trong xã hội người đời từ chối quyền bình đẳng, bị chế riễu, bị gạt trở lại, sống đơn chiếc và ở vậy đơn côi. Tình cảnh đặc biệt này của người Do thái Heine mang lại cho thơ trữ tình gợi cảm thuở ban đầu của ông nỗi buồn và những âm hưởng chua chát, nỗi bực dọc và muộn phiền. Cũng bời hòan cảnh đó thơ trữ tình của ông có được sự độc đáo và vẻ quyến rũ.

Tương tự như vậy, khúc ca „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“ xử lý tới mô-típ trung tâm của „Tập Tình Ca“, tuy nhiên lúc này theo một cung cách khác. Hoa thuộc về những biểu tượng cổ xưa nhất của văn học thế giới, hoa hồng thuộc về những biểu tượng ưa thích nhất: nếu như trong thơ nói về chúng, thì tác giả (tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thường thì vậy) đang lởn vởn phụ nữ và tình yêu trong đầu. Điều này cũng vận vào bài thơ của chúng ta. Bởi vì sao bỗng dưng con người nọ, đang nói ở đây lại tha thiết để tâm tới một bông hồng, khiến anh chàng muốn gửi khúc hát đi như một cánh bồ câu mang thư.

Khúc hát mùa xuân hẳn vậy chính là hai trong một: sứ giả đưa tin tình yêu (Postilolon d’ Amour) và một sứ điệp rất mực dịu dàng, cần trao chuyển tới. Điều giống như vậy đã có thể đọc được trong „Tập Tình Ca“. Nhưng mà cái cảm giác sống hiển lộ lên ở đây, ở mức độ không đồng đều, êm ái và nhẹ nhàng hơn so với dạo xưa; cay đắng, bực dọc hay giận dữ đều không có dấu vết trong bài thơ“ Êm ả kéo qua lòng tôi đó“. Điều này, tôi nghĩ, có liên quan đến quyết định của Heine vào năm 1831.

Nhưng rồi liệu những câu thơ vẻ như vô hại xuất hiện ngay trước khi ông di cư sang Pháp, hay chỉ thời gian ngắn sau đó, đằng nào thì chúng ta cũng không còn cảm nhận giọng điệu của một người bất hạnh la to lên và còn có lúc gắt gỏng ca thán, mình đã tìm tình yêu một cách vô vọng và vô vọng giang tay ra đón chờ mà câu trả lời đáp lại thường chỉ là thù hận. Liệu người đẹp nọ, trong mắt ông bên mọi bông hoa hiện ra đóa hoa hồng, bên mọi đàn bà hiện ra người đẹp nhất, lại phẩy tay xua ông chăng? Ông không còn muốn đặt cược vào việc đó, ông không muốn đứng trước cửa nhà cô hoặc ngước nhìn lên vòm cửa sổ. Ông thấy thế là đủ, nếu như khúc ca mùa xuân của ông đến tai cô. Còn lại, cái gì tới sẽ tới - hay là không cũng vậy. Riêng có điều: lời chào của ông rồi có được đáp lại hay chăng, ông có thể yên lòng chờ đợi.

Cứ như thế, bài thơ chứng cho một đọan trường khác đi và mới mẻ trong cuộc đời Heinrich Heine, cho sự tự tin và tự chủ đạt được sau nhiều thất bại, cho sự tự do của ông cuối cùng giành được. Có nhất thiết phải biết lý do tiềm ẩn vể tiểu sử, để sảng khóai với bài thơ hay không. Không, nhưng điều này cũng không gây tai hại gì cả. Sự nổi tiếng vô song của những câu thơ này tất nhiên trước hết đi liền với sự hòan vẹn về ngôn ngữ, với vẻ quyến rũ, diễm lệ và có thể nói thêm là với sự phổ nhạc từ ngòi bút của Felix Mendelssohn Bartholdy (1). Bài thơ là một chuyện vặt vãnh, vâng đúng vậy, nhưng đó là một đỏan khúc (2) tuyệt vời.

©Phạm Kỳ Đăng dịch

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I

Êm ả kéo qua lòng tôi đó

Heinrich Heine (1797-1856)


Êm ả kéo qua lòng tôi đó
Thương mến tiếng ngân nga
Nào ngân đi, khúc mùa xuân nhỏ
Reo ngòai kia ngân tới muôn xa.

Ngân thật xa vang tới ngôi nhà

Nơi hoa lá nở bông
Hãy nói, tôi nhắn lời chào gửi,
Nếu có trông thấy một đóa hồng.


©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên bản tiếng Đức

Heinrich Heine (1797-1856)

Leise zieht durch mein Gemüt

Leise zieht durch mein Gemüt
Liebliches Geläute.
Klinge, kleines Frühlingslied.
Kling hinaus ins Weite.


Kling hinaus, bis an das Haus,
Wo die Blumen sprießen.
Wenn du eine Rose schaust,
Sag, ich laß sie grüßen.


Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki
(1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.

(1) Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847): Nhà sọan nhạc, danh cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức gốc Do thái, một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất của trào lưu Lãng mạn.

(2) Bagatelle có nghĩa là chuyện vặt vãnh. Trong âm nhạc còn chỉ một thể lọai Bagatelle là một khúc nhạc ngắn, điển hình là cho piano và thường có tính nhẹ nhàng, êm dịu.


- Bài đăng VHNA-

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Anh muốn gặp em ngoài trời kia

Rainer Maria Rilke (1875-1926)
 
Mùa Xuân, © Vincent van Gogh ( 1853-1890) họa sĩ Hà Lan.

Anh muốn gặp em ngoài trời kia
nếu tháng Năm đơm bao điều kỳ diệu
nếu một sự ban phước lòng êm dịu
nhỏ giọt rơi từ mọi nhánh cành

Nếu hoa nhài vươn những cánh tay trắng
tới nẻo đường thập tự mảnh tơ
mau lẹ phủ ý đau thương vĩnh cửu
của vầng trán Đức Chúa Giê su.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

Ich möchte draußen dir begegnen

Rainer Maria Rilke (1875-1926)

Ich möchte draußen dir begegnen,
wenn Mai auf Wunder Wunder häuft,
und wenn ein leises Seelensegnen
von allen Zweigen niederträuft.

Wenn bis zum Wegkreuz auf, zum schlanken,
Jasmin die weißen Arme streckt
und lind den ewgen Wehgedanken
der Stirne Christi überdeckt.

Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

Tranh: Mùa Xuân, Vincent van Gogh ( 1853-1890) họa sĩ Hà Lan.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Cái đèm đẹp lấn át cái đẹp


The Chinese Girl, sơn dầu©Vladimir Tretchikoff (1913-2006)
Phạm Kỳ Đăng

Bức họa của họa sĩ Vladimir Tretchikoff, giới thiệu trên trang BBC (1) ở mục Nghệ thuật Đông Tây, mang tiêu đề „Tôi chính là cô gái Trung hoa“, dần định chỗ cho nhận thức mơ hồ của tôi về điều đó. Xét về bố cục, dựng hình, phối màu, mọi dụng công của họa sĩ, lộ ra ở kỹ thuật gia công đánh bóng mái tóc đen dầy, đều phát huy tác dụng, nghĩa là đều ổn cả. Hơn nữa tranh còn có những điểm nhấn sáng tạo của nghệ thuật Pop Art đương thời, ví như tranh in lưới của Andy Warhol (2) tráng rửa Marylin Monroe (3) và nhiều nhân vật nổi tiếng của công luận vào màu nguyên tố, và lạ hóa họ. Cũng như vậy, gương mặt cô gái Trung hoa thấm màu diệp lục (đôi khi người ta gọi bức tranh này là Green Lady) chìm sâu hơn trên nền nâu non và riềm áo thếp vàng lộng lẫy. Một người đàn bà phương xa có thần thái bí hiểm, nổi bật đôi môi chót son khêu nhục dục.

Sau Cách mạng tháng Mười, Tretchikoff tha hương sang Mãn Châu Lý, Shanghai, Indonesia, Singapore và cuối đời dừng chân trú lại Kapstadt (Nam Phi), nơi ông vẽ bức The Chinese Girl. Những năm tiếp, Tretchikoff, không hài lòng với việc chỉ được cảm nhận như một họa sĩ trang trí, tập trung khai thác thành quả ở một lọat tranh chân dung, tĩnh vật, hoa và thú.

Qua tiếp xúc học hỏi tôi nhận thấy, họa sĩ Nga phác hình và phối màu rất nhanh đến bất ngờ. Với kỹ năng thuần thục đến như vậy, họ cùng đi đến thời điểm bối rối. Đáng phải dừng ở một điểm nào đó, để ít ra còn có một phác thảo màu đẹp, thì càng vẽ tiếp, tranh càng mất đi sức sống. Những họa sĩ Nga tôi gặp là bậc thầy của những phác thảo mầu, không hơn không kém. Nếu vẽ máy móc như thế, sao ngành công nghiệp họa phẩm không sản xuất ra từng lọai màu vẽ da, vẽ tóc, vẽ hoa hồng, đầu nhũ v.v. có phải dễ cho người vẽ hơn không. Ở đây vấn đề động chạm đến căn để xuất hiện: vẽ từ bên trong ra hay từ bên ngòai vào? Hay là câu hỏi thuộc về căn cốt được nêu ra đích đáng, từ khi nhiếp ảnh, nhất là nhiếp ảnh nghệ thuật ra đời, hội họa cần phải biết nên làm cái gì. Pablo Picasso từng nói vậy. Với Tretchikoff, họa sĩ thành đạt chỉ sau Picasso về doanh thu ấn bản, tôi không có cơ sở kết luận ông đã  học qua trường đào luyện nào.

Khủng hỏang nghệ thuật ở nước Nga tất yếu phải xảy ra. Sau Cách mạng tháng Mười, thành phố Matxcơva và Petersburg - từng nổi lên như hai trung tâm văn hóa mới khiến những trường phái nảy nở với những tên tuổi chói sáng góp phần khắc họa diện mạo cho nghệ thuật tiền phong châu Âu hiện đại như El Lissitzky, Wladimir Tatlin, Kasimir Malewitsch, Alexej von Jawlensky, Wassili Kandynski, Marc Chagall - dần khô cằn và hoang hóa bởi chính sách văn hóa của chính quyền công nông. Nơi trường họa giảng dậy theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ giới thiệu đến Ilja Repin (4) là đỉnh điểm cần noi gương, nhiều họa sĩ nêu trên, mới đầu cũng thiết tha với cách mạng, đã quay lưng bỏ nhà nuớc xô-viết ra đi.

Cũng trốn chạy cách mạng tháng Mười, trong một cuộc đời đầy biến động, Tretchikoff trở thành họa sĩ ăn khách nhất. Tranh của ông, chiều nịnh cảm giác thơ mộng, ngọt ngào, được in vung ra khắp thế giới, có số lượng phát hành chỉ kém Picasso. Bức tranh The Chinese Girl, đạt nhất trong serie tranh chợ sản xuất hàng lọat, có số lượng tái bản nhiều hơn cả Mona Lisa. Vào những năm cuối đời, Tretchikoff không làm việc gì khác ngòai việc ngồi ký lên những ấn phẩm của  mình cho khách hàng, ùn ùn đặt mua từ khắp nơi trên thế giới.

Có lẽ ông xứng danh The King of Kitsch - vua của tranh diêm dúa - ông, họa sĩ bờ hồ vĩ đại nhất của thời đại.

Hẳn nhiên, xét về tiêu chí nghệ thuật, The Chinese Girl không là bức tranh dở. Bỏ qua cái giá bán tranh  nguyên bản đội lên tới 1,5 triệu đô la thật đáng ngạc nhiên, bức họa tuy vậy vẫn có giá trị nhất trong dãy tranh kitsch, ở môi trường nghệ thuật có nhiều nét tương đồng xứ ta, người ta gắn vào đó bao thứ tên hỗ trợ cho từ kitsch khó dịch: tranh chợ, tranh thương mại, tranh bờ hồ, tranh rởm, hay dỏm thì cũng vậy. Có lẽ đây là thíếu sót của BBC đã giới thiệu bức tranh này, trang trọng như giới thiệu một kiệt tác.

Nhưng có thể đây cũng là một kiệt tác của một gu nghệ thuật khác. Bởi sau khi chế độ Apartheid sụp đổ, giới khách hàng châu Âu vẫn không ngừng đặt hàng những mẫu người Phương Xa, những người đẹp Đông Nam Á, những nàng công chúa Da Đen. Lớp người giàu mới bầy những người đẹp phương xa này trong phòng khách để ngưỡng mộ, để xóa vợi đi ẩn ức tội lỗi gây ra bởi chủ nghĩa thực dân hoặc bù vào tự tin thái quá vào nòi giống chủ nhân của mình. Cũng tương tự và thật lạ thay, tại các nước đánh đổ chủ nghĩa thực dân như Trung hoa và Việt Nam, nhanh chóng lên ngôi lớp trưởng giả còn vô văn hóa hơn, cũng đang rất cần lâu đài, nhà cửa, ngù, gươm, cân đai mũ miện của lớp người phong kiến, quý tộc bị họ nhân danh giai cấp đánh đổ, và tập tành luôn cả thú ăn chơi ngựa, xe, tranh, pháo của danh gia vọng tộc nữa. Thiếu bảo vật, họ cần hoa hòe hoa sói, thế vào.

Đó là thực tế không thể chối bỏ trên đời: Cái đèm đẹp (5) luôn song hành bên cái đẹp, cũng như thủ công bên điêu khắc, báo chí lá cải bên văn chương và giả nghệ thuật bên nghệ thuật, ở đó cái đèm đẹp đa phần lấn át cái đẹp.

© Phạm Kỳ Đăng - 2013

Chú thích của tác giả:

(1)    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2013/05/130508_chinese_girl_photos.shtml
(2)    Andy Warhol (1928-1987): Họa sĩ tiêu biểu cho khuynh hướng nghệ thuật Pop Art khai thác mô-tip từ đới sống thường nhật của thế giới tiêu dùng, văn hóa đại chúng và quảng cáo, trình bày bằng phóng chiếu kích cỡ theo ngôn ngữ hiện thực chụp ảnh.
(3)    Marylin Monroe (1926-1962) nữ diễn viên, người mẫu, ca sĩ, được truyền thông nâng lên thành biểu tượng sex của thế kỷ 20.
(4)    Ilja Jefimowitsch Repin (1844-1930) đại diện tiêu biểu của những họa sĩ hiện thực Nga.
(5)    Chữ của Trần Dần (1926-1987), nhà thơ Việt Nam.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

L'ADIEU

Guillaume Apollinaire (1880-1918)

Tranh của © Paul Gauguin (1848-1903): Họa sĩ Pháp

Anh đã ngắt một nhành thạch thảo
Mùa thu chết rồi nhớ nhé em
Mình hết thấy nhau trong cuộc sống
Nhành thạch thảo và hương thời gian
Nhớ nhé em anh vẫn chờ em...

© Đặng Tiến dịch
(Bản 1: Thơ Thất ngôn, 5 câu như nguyên tác, vần tự do)

Anh đã ngắt một nhành cây thạch thảo
Nhớ nhé em mùa thu đã chết rồi
Mình không còn gặp nhau trong cuộc sống
Hương thời gian nhành thạch thảo tàn phai
Nhớ nhé em rằng ai vẫn chờ ai...

© Đặng Tiến dịch
(Bản 2: Thơ 8 chữ, 5 câu như nguyên tác, cùng 40 âm, có vần như nguyên tác)

LỜI VĨNH BIỆT

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...

© Bùi Giáng dịch

Nguyên tác tiếng Pháp:

L’ADIEU


Guillaume Apollinaire (1880-1918)

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.

GIÃ BIỆT

Guillaume Apollinaire (1880-1918)

Anh ngắt đi chùm hoa thạch thảo
Nhớ nghe em mùa thu đã chết rồi:
Trên trần thế ta không ngày tái ngộ
Hương thời gian, ôi thạch thảo đâu nơi
Và em nhớ vẫn có anh chờ đợi.

©Phạm Kỳ Đăng dịch từ bản tiếng Đức:

DER ABSCHIED

Guillaume Apollinaire (1880-1918)

Ich brach für dich dies Heidekraut
Gedenk der Herbst ist tot ich werde
Dich nie mehr sehn auf dieser Erde
O Duft der Zeit o Heidekraut
Denk daß ich auf dich warten werde.


Chú thích về tác giả: 
Guillaume Apollinaire (1880-1918): Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình nghệ thuật Pháp gốc Ba Lan, một trong những thi sĩ lớn của Pháp đầu thế kỷ 20. 

Tranh: Paul Gauguin (1848-1903): Họa sĩ Pháp, tác phẩm Hậu Ấn tượng của ông đóng vai trò lớn trong sự phát triển của hội họa Âu châu. 

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...