Tranh của Emil Nolde (1867-1956) họa sĩ Đức |
Bài thơ không cần tới sự giải thích nào dù ở mức ít nhất. Nó kể về một khúc hát mùa xuân đặng ngân vang ra tới nơi xa, cho tới một ngôi nhà nào đó, „nơi hoa lá nở bông“; và nếu như có một bông hoa hồng ở đó, hãy chào đóa hoa – giùm một người đã gửi lời chào đó lên đường. Đó là tất cả. Trong tám câu thơ, Heine sử dụng tới ba lần động từ „ngân“. Và điều đó chính là bức tiểu họa đầy chất thơ kết hợp giữa âm thanh, tiết tấu và nhạc điệu, cái làm nên „tiếng ngân nga thân thương“. Chỉ có tiếng ngân nga thân thương, bay lượn, không đòi hỏi gì và có chút hòai cổ? Tóm lại một chuyện vặt vãnh dễ thương và ngoài ra không có gì hơn?
Những câu thơ xuất hiện trong năm 1831 - một năm quan trọng, giầu kết quả trong cuộc đời của Heine. Dạo đó Heine đã quyết di cư sang Pháp và định cư tại Paris. Thật là khó khăn khi phải ra quyết định chia ly đất nước cho ông tiếng nằm nôi, nhưng tuy nhiên chưa bao giờ ông hối tiếc điều đó. Đương nhiên, ở đây cũng như nơi đó ông bị xem như người ngòai cuộc, một kẻ xa lạ. Nhưng bên người Đức ông là người Do thái, và bên người Pháp ông là người Đức. Hay nói một cách khác: tại Đức, ông thuộc về những kẻ bị ruồng rẫy, ở nước Pháp ông thuộc về dân ngọai kiều.
Ở „Tập Tình Ca“ của Heine, xuất bản bốn năm trước khi ra đời bài thơ „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“, tình yêu đứng trong tâm điểm, gần như luôn luôn là một tình yêu bất hạnh. Phải chăng ở giữa và đằng sau những câu thơ của thi tập nổi tiếng ẩn giấu nỗi đau khổ của một con người trẻ tuổi, đầu thai vào thế giới Đức, mong muốn được thế giới ấy dung nạp. Chúng ta nghe tiếng lòng của một kẻ vừa đến trong xã hội người đời từ chối quyền bình đẳng, bị chế riễu, bị gạt trở lại, sống đơn chiếc và ở vậy đơn côi. Tình cảnh đặc biệt này của người Do thái Heine mang lại cho thơ trữ tình gợi cảm thuở ban đầu của ông nỗi buồn và những âm hưởng chua chát, nỗi bực dọc và muộn phiền. Cũng bời hòan cảnh đó thơ trữ tình của ông có được sự độc đáo và vẻ quyến rũ.
Tương tự như vậy, khúc ca „Êm ả kéo qua lòng tôi đó“ xử lý tới mô-típ trung tâm của „Tập Tình Ca“, tuy nhiên lúc này theo một cung cách khác. Hoa thuộc về những biểu tượng cổ xưa nhất của văn học thế giới, hoa hồng thuộc về những biểu tượng ưa thích nhất: nếu như trong thơ nói về chúng, thì tác giả (tất nhiên không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thường thì vậy) đang lởn vởn phụ nữ và tình yêu trong đầu. Điều này cũng vận vào bài thơ của chúng ta. Bởi vì sao bỗng dưng con người nọ, đang nói ở đây lại tha thiết để tâm tới một bông hồng, khiến anh chàng muốn gửi khúc hát đi như một cánh bồ câu mang thư.
Khúc hát mùa xuân hẳn vậy chính là hai trong một: sứ giả đưa tin tình yêu (Postilolon d’ Amour) và một sứ điệp rất mực dịu dàng, cần trao chuyển tới. Điều giống như vậy đã có thể đọc được trong „Tập Tình Ca“. Nhưng mà cái cảm giác sống hiển lộ lên ở đây, ở mức độ không đồng đều, êm ái và nhẹ nhàng hơn so với dạo xưa; cay đắng, bực dọc hay giận dữ đều không có dấu vết trong bài thơ“ Êm ả kéo qua lòng tôi đó“. Điều này, tôi nghĩ, có liên quan đến quyết định của Heine vào năm 1831.
Nhưng rồi liệu những câu thơ vẻ như vô hại xuất hiện ngay trước khi ông di cư sang Pháp, hay chỉ thời gian ngắn sau đó, đằng nào thì chúng ta cũng không còn cảm nhận giọng điệu của một người bất hạnh la to lên và còn có lúc gắt gỏng ca thán, mình đã tìm tình yêu một cách vô vọng và vô vọng giang tay ra đón chờ mà câu trả lời đáp lại thường chỉ là thù hận. Liệu người đẹp nọ, trong mắt ông bên mọi bông hoa hiện ra đóa hoa hồng, bên mọi đàn bà hiện ra người đẹp nhất, lại phẩy tay xua ông chăng? Ông không còn muốn đặt cược vào việc đó, ông không muốn đứng trước cửa nhà cô hoặc ngước nhìn lên vòm cửa sổ. Ông thấy thế là đủ, nếu như khúc ca mùa xuân của ông đến tai cô. Còn lại, cái gì tới sẽ tới - hay là không cũng vậy. Riêng có điều: lời chào của ông rồi có được đáp lại hay chăng, ông có thể yên lòng chờ đợi.
Cứ như thế, bài thơ chứng cho một đọan trường khác đi và mới mẻ trong cuộc đời Heinrich Heine, cho sự tự tin và tự chủ đạt được sau nhiều thất bại, cho sự tự do của ông cuối cùng giành được. Có nhất thiết phải biết lý do tiềm ẩn vể tiểu sử, để sảng khóai với bài thơ hay không. Không, nhưng điều này cũng không gây tai hại gì cả. Sự nổi tiếng vô song của những câu thơ này tất nhiên trước hết đi liền với sự hòan vẹn về ngôn ngữ, với vẻ quyến rũ, diễm lệ và có thể nói thêm là với sự phổ nhạc từ ngòi bút của Felix Mendelssohn Bartholdy (1). Bài thơ là một chuyện vặt vãnh, vâng đúng vậy, nhưng đó là một đỏan khúc (2) tuyệt vời.
©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I
Êm ả kéo qua lòng tôi đó
Heinrich Heine (1797-1856)
Êm ả kéo qua lòng tôi đó
Thương mến tiếng ngân nga
Nào ngân đi, khúc mùa xuân nhỏ
Reo ngòai kia ngân tới muôn xa.
Ngân thật xa vang tới ngôi nhà
Nơi hoa lá nở bông
Hãy nói, tôi nhắn lời chào gửi,
Nếu có trông thấy một đóa hồng.
©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên bản tiếng Đức
Heinrich Heine (1797-1856)
Leise zieht durch mein Gemüt
Leise zieht durch mein Gemüt
Liebliches Geläute.
Klinge, kleines Frühlingslied.
Kling hinaus ins Weite.
Kling hinaus, bis an das Haus,
Wo die Blumen sprießen.
Wenn du eine Rose schaust,
Sag, ich laß sie grüßen.
Chú thích của người dịch:
Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.
Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn, có thi phẩm được phổ nhạc và dịch ra tiếng nước ngòai nhiều nhất. Độc giả Việt Nam biết tới và yêu mến Heinrich Heine ngay từ tập thơ đầu tiên gồm các bản dịch của các nhà thơ Việt Nam, có thể kể Tế Hanh, Hòang Trung Thông, Đào Xuân Quý.
(1) Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847): Nhà sọan nhạc, danh cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức gốc Do thái, một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất của trào lưu Lãng mạn.
(2) Bagatelle có nghĩa là chuyện vặt vãnh. Trong âm nhạc còn chỉ một thể lọai Bagatelle là một khúc nhạc ngắn, điển hình là cho piano và thường có tính nhẹ nhàng, êm dịu.
- Bài đăng VHNA-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét