Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Mở hướng tới Đức tin và Tri thức

Trường học Athens, tranh ©Raffael Santi (1483-1520), họa sĩ Ý
Jürgen Habermas

Ðáp từ Giải thưởng Hoà bình của ngành phát hành sách Ðức (Frankfurt, 14.10.2001)


Nếu tình hình thời sự cấp bách đánh tuột khả năng chọn lựa chủ đề ra khỏi tầm tay như một cách nói, hẳn sự cám dỗ chúng ta cùng với những John Waynes trong số trí thức tranh tài rút súng khỏi đai quần bắn phát nhanh nhất tất nhiên sẽ rất lớn. Mới cách đây chưa lâu có nhiều ý kiến khác nhau về câu hỏi, có nên và ở mức nào, chúng ta chịu biến mình thành công cụ của kỹ thuật gien, hay cả có nên và đến mức nào chúng ta theo đuổi mục đích tối ưu hoá bản thân nữa. Vừa vượt qua những bước đầu tiên trên con đường này, một cuộc chiến của các thế lực đại diện đức tin giữa những người có tiếng nói trong nền khoa học có tổ chức và phía nhà thờ đã xảy ra. Một bên lo ngại chủ nghĩa ngu dân mê muội và sự vớt vát những tình cảm sót lại thời tiền sử mang tính ngờ vực khoa học, còn phía kia phản đối một niềm tin vào tiến bộ bằng khoa học như một thứ chủ nghĩa tự nhiên thô lậu chôn vùi mọi đạo đức. Nhưng vào ngày 11 tháng 9, căng thẳng giữa thế giới thế tục và tôn giáo đã bùng nổ theo một cung cách hoàn toàn khác. Những kẻ sát nhân quyết tự sát, biến đổi chức năng của máy bay dân dụng thành những hỏa tiễn sống lái đâm vào thành lũy tư bản của văn minh châu Âu, như bản di chúc của Atta cho ta biết, đã mang động cơ hành động dựa vào niềm tin tôn giáo. Ðối với chúng, những biểu tượng của thời hiện đại lan khắp toàn cầu hiện thân cho đại quỷ sa-tăng. Nhưng rồi trên màn hình, trước mắt chúng ta - những người chứng kiến toàn diện biến cố „hồng thủy“ -, cũng dồn dập hiện ra những ảnh hình như trong kinh thánh. Và ngôn ngữ trả đũa ban đầu- tôi muốn nói ban đầu - mà tổng thống Mỹ dùng đáp lại đã mang một âm hưởng kinh cựu ước. Ngỡ như nội trong lòng của xã hội thế tục này, vụ mưu sát mê muội vừa chạm rung dây đàn tôn giáo, mọi nhà thờ Thiên chúa, các thánh đường Hồi giáo, Do thái giáo khắp nơi nghìn nghịt đổ về. Trên sân vận động New York mới cách đó ba tuần, sự đồng thanh tương ứng ngấm ngầm này đã không đưa lạc cả cộng đoàn tưởng niệm theo tín ngưỡng dân sự đến thái độ thù ghét đối xứng.

Mặc dầu mang ngôn ngữ tôn giáo, chủ nghĩa toàn thống, như chúng ta biết, là một hiện tượng hiện đại. Ngay lập tức ta thấy sự không đồng thời về mô típ hành động và phương tiện ở những thủ phạm Hồi giáo. Ðiều đó phản ánh một tính bất đồng về thời gian của văn hóa và xã hội đã chỉ vừa mới hình thành do hậu quả của một cuộc hiện đại hóa ào ạt tróc đi cội rễ một cách không thương tiếc trên những nước quê hương thủ phạm. Những gì xảy ra, dẫu sao trong hoàn cảnh may mắn có thể được chứng nghiệm như một quá trình phá hủy mang tính sáng tạo, đã không hứa mang lại một cân bằng nào mà người đời biết đến đặng bù vào nỗi đau do những hình thái sống truyền thống tan rã gây ra trên những đất nước này. Trong quá trình đó, điều hứa hẹn cải thiện mức sống vật chất mới chỉ là một. Quan trọng là bước chuyển biến về tinh thần, trên phương diện chính trị biểu hiện ở sự tách rời tôn giáo và nhà nước, đã chịu phong bế bởi cảm giác bị hạ nhục. Cả ở châu Âu, nơi lịch sử dành cho hàng trăm năm để tìm thấy một thái độ nhậy cảm đối với cái đầu Janus (1) lưỡng diện của thời hiện đại, sự „thế tục hóa“, như cuộc tranh cãi về kỹ thuật gien cho thấy, ngay bây giờ vẫn hàm chứa những cảm xúc lưỡng phân. Những khuynh hướng thủ chính giáo (Orthodoxien) cứng nhắc đều có ở phương Tây cũng như ở vùng Cận và Viễn Ðông, trong hàng ngũ tín đồ Thiên chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Ai muốn tránh một cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa tất phải hồi tưởng lại trong tâm trí mình biện chứng chưa hoàn tất của quá trình thế tục hóa riêng có ở phương Tây. Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố không phải là một cuộc chiến tranh, và trong chủ nghĩa khủng bố cũng - tôi nhấn mạnh: cũng - bộc lộ cuộc đụng độ lặng câm đầy hiểm họa của những thế giới, bên kia phía bạo lực lặng câm của những kẻ khủng bố cũng như của tên lửa, bắt buộc phải tìm ra một ngôn ngữ chung. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thực hiện thông qua những thị trường tháo bỏ biên giới, nhiều người trong số chúng ta hy vọng chính trị trở về ở hình thái khác. Không ở hình thái nguyên thủy của nhà nước an ninh toàn cầu hóa, tức trong những phương diện cảnh sát, tình báo và kể cả quân sự như bây giờ mà hình thái này phải mang tư cách là một quyền lực tổ chức khai hoá toàn thế giới. Trong giây lát hiện thời chúng ta chẳng còn làm gì hơn ngoài hy vọng mong manh về một lý trí cuối cùng và một chút tự suy nghiệm lại. Bởi chưng khoảng sót lại của sự không nói nên lời cũng đã chia bè xẻ mối ngôi nhà mình. Chúng ta chỉ có thể thận trọng đương đầu với những rủi ro do một sự thế tục hóa trượt mạch nơi khác gây ra, nếu như chúng ta ý thức rõ được rằng thế tục hóa trong những xã hội hậu thế tục của chính chúng ta hàm ý nghĩa gì?

Với ý định này ngày hôm nay tôi lại chọn một chủ đề cũ: Ðức tin và Tri thức. Hẳn quí vị không nên mong chờ một diễn văn chủ nhật phân cực khiến cho người này phải bật dậy và kẻ khác ngồi chết gí tại chỗ.

Chữ „thế tục hóa“ mới đầu có ý nghĩa pháp lý mô tả sự nhượng hữu mà trong đó nhà thờ bị ép trao tài sản cho chính quyền nhà nước thế tục. Ý nghĩa này đã bị gán sang cho sự hình thành thời Hiện đại về văn hóa và xã hội nói chung. Kể từ đó khái niệm „thế tục hóa“ đi đôi với nhiều cách đánh giá trái ngược nhau, tùy mức chúng ta muốn nêu bật khía cạnh nào, hoặc công cuộc thuần phục quyền uy của nhà thờ mà chính quyền thế tục tiến hành thành công, hoặc hành vi chiếm đoạt phi pháp. Theo lối giải thích này, những cách nghĩ cách sống theo tôn giáo đã được thay thế đi bằng những thể thức tương ứng hợp lẽ và đằng nào cũng ưu việt hơn. Theo lối giải thích kia, những lối sống và lối nghĩ hiện đại bị kì thị coi như tài sản tinh thần bị đánh cắp một cách trái phép. Mô hình mô tả cuộc lấn ép gợi ý diễn giải đầy lạc quan vào tiến bộ về một thời hiện đại đã mất nhiệm màu, và mô hình mô tả cuộc chiếm đoạt gợi ý diễn giải theo thuyết suy đồi về một thời hiện đại không nơi nương tựa. Nhưng tôi nghĩ cả hai lối diễn dịch trên đều mắc chung một lỗi. Chúng đều coi thế tục hóa như một cuộc chơi được ăn cả ngã về không giữa một bên là lực lượng sản xuất tư bản của khoa học kỹ thuật nhanh ào ạt trỗi dậy và bên kia là những thế lực duy trì hiện trạng của tôn giáo và giáo hội.

Bức tranh này không ăn nhập gì với xã hội hậu thế tục đang thích nghi với việc tiếp tục tồn tại của những cộng đồng tôn giáo trong lòng một xã hội không ngừng thế tục hoá. Nhất là trong bức tranh quá chật hẹp này vẫn còn lu mờ vai trò văn minh hoá của một Common sense (tạm dịch: Trí năng điều hòa) khai sáng dân chủ hầu như đóng vai trò như phái thứ ba đang mở một đường riêng cho mình giữa khoa học và tôn giáo trong muôn giọng ồn ào hô xung lệnh văn hoá. Chắc chắn, từ giác độ của nhà nước tự do, những cộng đồng tôn giáo nọ chỉ đáng được hưởng tính từ „ đứng đắn“, nếu về mặt nhận thức dám tuyên bố khước từ việc thực thi tín điều của mình bằng bạo lực. Nhận thức này đạt được một khi các tín đồ phản tỉnh trên ba phương diện về vị thế của họ trong một xã hội đa nguyên. Thứ nhất, về mặt nhận thức, ý thức tôn giáo phải xử lý cuộc gặp gỡ với những tôn giáo và tín ngưỡng khác. Thứ hai, nó phải thỏa đáng quyền tự chủ của khoa học chiếm giữ độc quyền về hiểu biết thế giới. Thứ ba nữa, nó phải dính dáng vào những tiền đề của nhà nước hiến pháp kiến lập trên nền đạo đức phi thần thánh. Không có cú hích phản tỉnh này, đơn thần luận ở các xã hội hiện đại hóa bất chấp mọi giá sẽ phát huy một tiềm năng phá hoại. Ðương nhiên từ „cú huých phản tỉnh“ dễ đưa ra một hình dung sai về một quá trình do đơn phương thực hiện và đã hoàn tất. Thực vậy, khi mỗi xung đột mới xảy ra, việc phản tỉnh này sẽ tiếp diễn trên các điểm giao lưu của công luận dân chủ.

Chỉ tới khi một vấn đề hệ trọng sống còn được đưa vào chương trình nghị sự chính trị, quý vị hãy nghĩ tới kỹ thuật gien chẳng hạn, các công dân theo đạo hay vô thần mang những niềm tin thấm đẫm màu sắc thế giới quan mới va chạm lẫn nhau, và như vậy họ sẽ biết tới sự thật khó chịu của nền đa nguyên về thế giới quan. Nếu ý thức được hạn chế của mình mà học được cách xử trí với yếu tố này một cách bất bạo động, họ sẽ nhận thấy những nền tảng ra quyết định mang tính thế tục ấn định trong hiến pháp sẽ có ý nghĩa như thế nào trong một xã hội hậu thế tục. Trong cuộc tranh giành lợi ích giữa tri thức và tín ngưỡng, chính nhà nước mang tính trung lập về thế giới quan không đời nào ban hành những quyết định ưu tiên cho một phía. Common sense (2) đa nguyên hóa của toàn thể công dân chỉ đi theo biến diễn năng động của thế tục hóa trong chừng mực nó cần ở mức kết cục sao cho cân bằng được khoảng cách với truyền thống mạnh mẽ và nội dung mang thế giới quan . Nhưng kết cục họ sẽ sẵn lòng học hỏi mà không từ bỏ sắc thái riêng, tức là thẩm thấu tới hai phía, mở hướng tới khoa học và tôn giáo.

Tất nhiên Common sense, mang nhiều ảo tưởng về thế giới, phải để cho khoa học khai sáng một cách không nhân nhượng. Nhưng những lý thuyết khoa học xâm nhập vào thế giới sinh tồn, về cốt lõi, không động chạm tới khuôn khổ của tri thức hàng ngày. Nếu như chúng ta học hỏi điều mới lạ về thế giới và về bản thân chúng ta với tư cách là sinh thể trên đời, hẳn nội dung hiểu biết về bản thân của chúng ta cũng đổi thay theo. Kopernikus và Darwin đã cách mạng hóa bức tranh thế giới của thuyết địa tâm và trung tâm nhân loại. Ở đó, sự phá vỡ ảo tưởng của thiên văn học về sự tuần hoàn tinh tú đã để lại ít dấu vết hơn trong thế giới sinh tồn so với sự tước bỏ mọi ảo tưởng sinh học về vị trí của con người trong lịch sử tự nhiên. Khi mỗi lúc một áp sát sườn, kiến thức khoa học có vẻ còn gây nhiều bất an hơn cho hiểu biết về bản thân chúng ta. Nghiên cứu bộ não dạy ta biết về sinh học của ý thức. Nhưng liệu có vì thế mà ý thức đầy linh cảm nọ về tư cách tác giả và năng lực chịu trách nhiệm luôn chỉ đạo hành vi chúng ta sẽ thay đổi theo?

Nếu cùng Max Weber (3) hướng nhìn về những bước khởi đầu của sự“ tước bỏ nhiệm màu thế giới“, chúng ta thấy ngay những điều gì bị đe dọa. Trong chừng mực được khai thác cho lối quan sát khách quan hóa và giải thích theo lối nhân quả, chính tự nhiên bị tước đoạt chiều kích nhân tính. Trong khi con người gán cho nhau những mục đích và môtip, tự nhiên được khoa học nghiên cứu tuột khỏi mối liên hệ của con người. Vậy hôm nay chúng ta có thể hỏi, bản thân con người, dần dà tổng hợp lại trong tinh thần mô tả thuần theo khoa học tự nhiên sẽ thành gì vậy. Liệu kết cục Common sense không chỉ để cho hiểu biết của khoa học chống cảm thụ chỉ dẫn, mà còn bị nó hoàn toàn thôn tính. Nhà triết học Winfrid Sellars (trong một bài thuyết trình nổi tiếng về „Philosophy and the Scientific Image of Man“) đã trả lời câu hỏi này bằng một kịch bản mà ở đó, chỉ vì thuận cho hướng mô tả khách quan hóa những biến diễn tâm lý, những trò chơi chữ nghĩa thường ngày vốn cũ kỹ quen thuộc bị đánh mất hết tác dụng.

Ðiểm gặp tận cùng cho cuộc tự nhiên hóa tinh thần này chính là bức tranh khoa học về con người cũng đã tước bỏ hoàn toàn tính xã hội khỏi hiểu biết về bản thân chúng ta (4). Ðương nhiên chỉ có kết quả này một khi tính chủ ý của ý thức con người và tính quy phạm của hành động chúng ta cùng hòa tan triệt để trong một sự tự mô tả đó. Những lý thuyết thiết yếu cho việc làm này thí dụ phải giải thích được con người có thể tuân theo hoặc vi phạm những qui tắc mang tính ngữ pháp, khái niệm hay đạo đức ra sao. Những học trò của Sellars (5) đã hiểu sai thí nghiệm bằng suy nghĩ quyết giải nan của thầy dậy mình thành ra chương trình nghiên cứu mà họ theo đuổi tới hôm nay. Dự án hiện đại hóa tâm lý thường nhật chúng ta bằng khoa học tự nhiên còn đi đến những thí nghiệm xây dựng một ngữ nghĩa học muốn giải thích những nội dung mang tính suy tư một cách sinh học nữa kia. Nhưng cả các cách tiếp cận tiên phong nhất hình như cũng không vươn đến được sự dị biệt nọ giữa cái Đang Là và cái Phải Là mà ta ngờ tới, nếu như ta vi phạm qui tắc. Nếu thông thường ra, miêu tả một người làm việc gì như thế nào, người đó đã không muốn và cả đáng ra không nên làm điều gì, người ta sẽ mô tả được con người đó - nhưng có điều không giống như một khách thể, một đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên. Bởi vì vô hình chung, các khía cạnh hiểu biết về bản thân từ thời tiền khoa học của chủ thể mang khả năng trao đổi ngôn ngữ và hành động âm thầm ngấm vào sự mô tả con người đó. Nhưng nếu chúng ta mô tả một biến diễn như một hành vi con người chẳng hạn, hẳn chúng ta biết rằng chúng ta mô tả một điều gì không chỉ cắt nghĩa được như một quá trình tự nhiên, mà trong trường hợp cần thiết còn có thể đem ra ra biện hộ được. Ðằng sau tất thảy là bức tranh của những con người bình sinh vốn bị đẩy vào hoạt động liên phối được quy định một cách mô phạm, có thể hỏi trách nhiệm đối với nhau, và họ gặp gỡ nhau trong vũ trụ tập hợp bao nguyên tắc làm nên nền tảng chung cho công luận. Ngay giác độ ống kính mang theo thường nhật này soi rõ sự chênh biệt giữa trò chơi ngôn ngữ của biện hộ và trò chơi ngôn ngữ của miêu tả thuần túy. Ngay cả những chiến lược giải thích mang tính phi-giản lược hóa cũng vấp phải hạn chế ở tính nhị nguyên này. Ý thức về tư cách tác giả mang trách nhiệm báo cáo là cốt lõi của tự hiểu biết về bản thân chỉ có được dưới giác độ của người trong cuộc và như vậy, sao có được dưới giác độ của người quan sát. Niềm tin mang tính duy khoa học vào một ngành khoa học một ngày nào đấy không những chỉ bổ sung cho hiểu biết bản thân của con người bằng việc tự mô tả khách quan hoá mà còn thế bỏ nó nữa thực không phải là khoa học mà là một triết học tồi. Ngay đối với Common sense khai sáng bằng khoa học, thí dụ sẽ không có ngành khoa học nào chấp nhận vịêc đánh giá xem chúng ta phải ứng xử ra sao với sinh thể người tiền nhân tính trong tinh thần mô tả sinh học phân tử mà can thiệp bằng kỹ thuật gien cho phép làm được như vậy.

Như vậy Common sense bắt chặt với ý thức của con người có thể đề xuất sáng kiến, mắc lỗi và sửa chữa sai lầm. Ðối lập lại với các ngành khoa học, Common sense khẳng định một cấu trúc về viễn tượng riêng biệt. Mặt khác, theo tôi nghĩ, cùng với ý thức tự chủ không thể nắm bắt được một cách tự nhiên chủ nghĩa, Common sense này còn khẳng định một khoảng cách tới tôn giáo lưu truyền dẫu sao cấp nguồn sống cho chúng ta bằng nội dung quy phạm của nó. Có thể nói chắc rằng Common sense dân chủ của công dân này đã chiếm vị trí trong ngôi nhà của nhà nước hiến pháp dân chủ kiến thiết bằng pháp luật của lí trí. Và ngay cả pháp luật kiến lập bởi lí trí mang tính bình quyền cũng có cội rễ tôn giáo. Nhưng sự hợp thức hóa cho luật pháp và chính trị theo quyền lực của lý trí uống nguồn đã từ lâu trần tục. Chính vì thế đối với tôn giáo, Common sense khai sáng dân chủ kiên định trên những cơ sở không chỉ riêng cho các thành viên của một cộng đồng tín ngưỡng chấp thuận. Ắt hẳn điều này cũng sẽ gây bực bội ở phía những tín đồ cho rằng thế tục hóa kiểu Tây phương có thể sẽ là con đường một chiều gạt tôn giáo ra ngoài lề phố.

Thực vậy, mặt trái của quyền tự do tín ngưỡng là một nỗ lực nhằm bình định chủ nghĩa đa nguyên thế giới quan đã từng mang lại những hậu quả nặng nề ở mức bất đồng đều. Cho đến nay nhà nước tự do vẫn bắt buộc riêng tín đồ trong số công dân của mình phải chia xẻ bản sắc của họ thành phần cá nhân và phần cho công luận. Chính họ là người phải phiên dịch những ý niệm tôn giáo của họ sang ngôn ngữ thế tục trước khi lý lẽ của họ may có cơ được đa số đồng tình. Cũng như vậy, những người Tin lành và Cơ đốc, khi cổ động cho những bào thai cấy ngoài cơ thể mẹ xứng hưởng tư cách của người mang quyền cơ bản, họ đã tiến hành (có thể quá vội vã) thử nghiệm phiên dịch ý niệm con người giống Chúa về mặt hình hài sang tiếng nói phàm tục của luật pháp. Cuộc đi tìm nguyên tắc làm nên nền tảng với mục đích đạt sự chấp thuận chung sẽ chỉ không đi đến loại trừ tôn giáo khỏi đời sống công luận một cách bất công và, về phần mình, thế giới thế tục không bị cắt rời khỏi nguồn cung cấp ý nghĩa mang nhiều tiềm ẩn quan trọng, nếu như phía thế tục cũng giữ gìn được một cảm năng nhạy bén đối với sức truyền đạt của ngôn ngữ tôn giáo. Ranh giới giữa căn nguyên thế tục và tôn giáo vốn đan quyện. Chính vì vậy cần hiểu việc xác định ranh giới gây nhiều tranh cãi này là một nhiệm vụ phối hợp đòi hỏi hai phía cũng đều phải nhìn từ góc độ của phía kia.

Common sense khai sáng theo tinh thần dân chủ không phải là số ít đơn độc; nó viết lên tâm trạng của một công luận đa thanh. Số đông thế tục không được tuyên bố những quyết định trước khi chưa lắng tai nghe những tiếng nói phản đối ở những người đối lập ý kiến cảm thấy việc làm kia xúc phạm họ trong những đức tin; và như vậy họ phải thấy sẽ học được điều gì. Trước thực tại những nền tảng đạo đức của mình có nguồn gốc tôn giáo, nhà nước tự do, đối đầu những thách thức mới phải tính đến khả năng không vượt nổi trình độ truyền đạt ở thời kỳ hình thành nhà nước. Ngày hôm nay ngôn ngữ của thị trường thẩm thấu vào mọi chân tơ kẽ tóc và ép tất cả quan hệ con người vào một khuôn mẫu nhắm vào sở thích từng người. Mối gắn bó xã hội trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau đã không tan biến trong những khái niệm của khế ước, của sự lựa chọn duy lý và tối đa tận dụng.

Chính vì lẽ đó Kant đã không để cho Cần tồn vô điều kiện (6) biến đi trong dòng cuốn hút của nhu cầu tự thân khai sáng. Ông đã mở rộng tự do tùy tiện sang địa hạt tự trị và như vậy chúng ta có được một ví dụ lớn đầu tiên về một sự phá vỡ những chân lý tín ngưỡng tuy mang xu hướng thế tục hoá nhưng đồng thời mang chức năng hàn gắn. Với Kant, những điều Chúa răn lại tìm thấy uy lực của mình trong việc thực hiện bắt buộc những trách nhiệm đạo đức. Với chúng ta đó là một tiếng vọng hưởng không bỏ ngoài tai được. Với khái niệm tự trị đề xướng, chắc chắn Kant đã phá vỡ hình dung mang tính cổ truyền về quan hệ của bầy tôi với Chúa. Nhưng khi hướng sang biến đổi từng phần nội dung tôn giáo một cách phê phán, ông đã tránh được những hậu quả dung tục mà một sự thiểu phát vét sạch gây ra.

Ngôn ngữ thế tục, chỉ riêng xóa những điều đã từng mang ý nghĩa, để lại những tình cảm rối loạn. Có gì đó đã mất đi khi tội tông truyền biến thành tội. Bởi đi đôi với nguyện vọng tha thứ còn có nguyện vọng không hề ủy mỵ biến khổ đau gây ra cho người khác thành chuyện chưa hề xảy ra. Chính lúc này chúng ta hoang mang bởi không xoay chuyển được đau khổ đã qua - chính bất công đối những kẻ vô tội bị hành nhục, bị chà đạp phẩm giá, bị sát hại vượt qua khỏi mọi tầm đền chuộc lại mà con người có thể làm được. Hy vọng đã mất về sự sống lại đã để lại khoảng trống khôn nguôi. Theo tôi nghĩ, sự ngờ vực của Horkheimer(7) khi ông nói: „Người bị đánh chết thực đã chết hẳn“ đối với Benjamin(8) về hy vọng tràn đầy về sức đền chuộc bằng tưởng niệm theo tinh thần nhân văn, thế đấy không cải chính xung tác bất lực còn muốn thay đổi ít nhiều ở điều không thể cải sửa. Cuộc trao đổi thư từ của Benjamin với Horkheimer bắt đầu từ đầu năm 1937. Sau cuộc Tận thiêu (Holocaust), cả hai ý xung tác thật và sự bất lực của nó vẫn tiếp diễn ở thực tiễn „ Xem xét lịch sử“ (Adorno) vừa cần thiết vừa vô phương cứu chữa. Có lẽ từ đây tôi cần phải nói, chính xung tác đó cũng còn biểu lộ ở dạng trá hình trong thán khúc não nề rằng thực tiễn này không phù hợp. Trong những giây lát ấy, các đứa con vô thần của thời hiện đại này dường như tin rằng chúng mắc tội nhiều với nhau hơn và bản thân chúng cần có nhiều hơn so với những điều từ truyền thống tôn giáo phiên dịch ra mang lại - tức dường như tiềm năng ngữ nghĩa của tôn giáo chưa được khai thác hết. Cũng có thể giá trị hai mặt này đưa tới một thái độ hợp lý tức là giữ khoảng cách đối với tôn giáo mà không đóng kín những phương diện của nó mở ra. Thái độ này có thể lái sự tự khai sáng của một xã hội công dân tan nát vì đụng độ văn hoá sang hướng đúng. Những cảm nhận về đạo đức cho đến nay chỉ biểu đạt giàu cung bậc trong ngôn ngữ tôn giáo có thể được mọi người nói chung hưởng ứng, nếu chẳng bao lâu nảy sinh một kiểu diễn đạt cứu vãn tình thế đáp lại những gì đã đi vào lãng quên nhưng là những mất mát hàm ẩn. Rất ít khi điều này thành đạt, nhưng cũng đôi khi. Một sự thế tục hoá không gây đổ vở diễn ra trong mô thức phiên dịch. Ðó chính là điều Tây phương, với tư cách là quyền lực thế tục hóa toàn cầu, có thể học được từ lịch sử của chính mình. Nếu không, kể cả dưới mắt thế giới Ả Rập, Tây phương chỉ như lính thập tự quân của thế lực tín ngưỡng ganh đua hoặc là gã lái đi tìm buôn một loại lý tính với bản sắc công cụ chôn vùi hết mọi ý nghĩa. Cuối cùng hãy cho tôi cắt nghĩa sự thế tục hoá không gây đổ vỡ bằng một ví dụ.

Trong cuộc tranh cãi việc ứng xử ra sao với bào thai người vẫn còn nhiều vị viện dẫn vào kinh sách Môi-se 1, 27: Ðức Chúa Trời sáng tạo con người theo đúng hình hài của Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời. Không nhất thiết phải tin rằng Chúa hiện thân cho tình yêu sáng tạo ra Eva và Adam thành những sinh thể tự do để hiểu nội dung hình hài giống Chúa hàm ý gì đây. Không có tri thức ở một phía vẫn có tình yêu, không có sự tôn trọng lẫn nhau sẽ không có tự do. Chính vì vậy vị thế đối chiếu của con người, về phần nó cũng phải được tự do để đáp lại lòng đoái thương của Thiên Chúa. Tất nhiên như vậy, cái kẻ khác kia, và điều này tôi mới cho là quan trọng, kể cả có hình hài giống Chúa, cũng được hình dung là vật thụ tạo của Chúa. Sự sản sinh ra hình hài giống Chúa diễn đạt một cảm nhận có thể nói lên điều gì đấy trong câu chuyện này đối với những kẻ thô tục với tôn giáo mà tôi vốn thuộc về họ. Đức Chúa là “chúa thánh của những người tự do” chừng nào chúng ta không san bằng được chênh biệt tuyệt đối giữa đấng sáng tạo và sinh linh tạo vật. Chỉ trong chừng mực đó việc Chúa ban cho hình thể mới không có nghĩa là một sự qui định được giao phó hết cho sự tự quyết của con người.

Ðấng Chúa tể càn khôn này, gồm trong một cả đấng sáng thế và đấng cứu chuộc không cần phải hoạt động như một nhà kỹ thuật theo quy luật tự nhiên hoặc như nhà tin học tuân theo quy tắc một bộ mã. Tiếng gọi dội vào đời của Chúa, ngay từ đầu hòa phối trong một vũ trụ nhạy cảm về mặt đạo đức. Chính vì vậy Chúa chỉ có thể “ xác quyết” con người trong ý nghĩa Chúa vừa nâng đỡ con người đi đến tự do vừa ràng buộc trách nhiệm cho nó. Vậy người ta không còn phải tin vào tiền đề thần học nữa để bây giờ hiểu ra hệ quả. Như vậy một mối lệ thuộc hoàn toàn khác được hình dung theo lối nhân quả sẽ xuất hiện nếu như sự chênh biệt vốn được chấp nhận trong khái niệm sáng thế bị loại bỏ, và một kẻ đồng tuế nào đó đứng vào vị trí của Chúa - tức giả sử, chiểu theo sở thích riêng, con người can gián vào công thức rất tình cờ phối hợp định lượng nhiễm sắc thể cha mẹ mà ít ra không được phép, dù chỉ ở mức phản chứng, quy ép kẻ khác kia đồng thuận. Lối diễn dịch này gợi ý vấn đề tôi lưu tâm tới ở một chỗ khác. Liệu người đầu tiên nào tự ý chế định một con người khác trong dạng tồn tại tự nhiên như vậy cũng phải tước mất của nó quyền tự do dành cho những người ngang hàng phải lứa để đảm bảo cho kẻ đó khác mình?

©Phạm Kỳ Đăng dịch.
(Người dịch cám ơn các ông bà Bùi Thị Trạc Tuyền, Đỗ Kim Thêm, Trương Hồng Quang về những chỉ dẫn, góp ý.)

Nguồn: Xin xem bản gốc

Chú thích của người dịch:

Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Triết gia Đức, giáo sư triết học tại đại học Frankfurt/M (Đức) và Northwestern University ở Evanston, Chicago. Đầu đề bài đáp từ do người dịch đặt lại.
[1] Vị thần trong thần thoại La mã có cái đầu hai mặt, ẩn dụ ở đây ám chỉ tính hai mặt ưu khuyết của thời Hiện đại.[2] Maximilian Carl Emil Weber (1864-1920): Nhà xã hội học, luật gia và nhà kinh tế học, được công nhận là tác gia kinh điển của ngành xã hội học cũng như khoa học xã hội và văn hóa.
[3] Common sense : lý trí lành mạnh, xin dịch trong ngữ cảnh là „trí năng điều hòa“ ở tương quan với Khoa học và Tôn giáo.
[4] Có thể hiểu là tự ý thức.
[5] Wilfrid Sellars (1912-1989): Nhà triết học Mỹ, đóng góp vào Triết học tinh thần, Lý thuyết nhận thức và Siêu hình học.
[6] Ðòi hỏi mang tính đạo đức của Immanuel Kant, triết gia Đức.
[7] Max Horkheimer (1895-1973) Nhà triết học và xã hội học, cùng với Theodor W. Adonor (1903-1969) là hai đại diện chính của Trường phái Frankfurt và Lý thuyết phê phán.
[8] Walter Bendix Schoenflies Benjamin (1892-1940): Triết gia, nhà phê bình văn học và dịch giả.
Bài đăng VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...