Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Cái đèm đẹp lấn át cái đẹp


The Chinese Girl, sơn dầu©Vladimir Tretchikoff (1913-2006)
Phạm Kỳ Đăng

Bức họa của họa sĩ Vladimir Tretchikoff, giới thiệu trên trang BBC (1) ở mục Nghệ thuật Đông Tây, mang tiêu đề „Tôi chính là cô gái Trung hoa“, dần định chỗ cho nhận thức mơ hồ của tôi về điều đó. Xét về bố cục, dựng hình, phối màu, mọi dụng công của họa sĩ, lộ ra ở kỹ thuật gia công đánh bóng mái tóc đen dầy, đều phát huy tác dụng, nghĩa là đều ổn cả. Hơn nữa tranh còn có những điểm nhấn sáng tạo của nghệ thuật Pop Art đương thời, ví như tranh in lưới của Andy Warhol (2) tráng rửa Marylin Monroe (3) và nhiều nhân vật nổi tiếng của công luận vào màu nguyên tố, và lạ hóa họ. Cũng như vậy, gương mặt cô gái Trung hoa thấm màu diệp lục (đôi khi người ta gọi bức tranh này là Green Lady) chìm sâu hơn trên nền nâu non và riềm áo thếp vàng lộng lẫy. Một người đàn bà phương xa có thần thái bí hiểm, nổi bật đôi môi chót son khêu nhục dục.

Sau Cách mạng tháng Mười, Tretchikoff tha hương sang Mãn Châu Lý, Shanghai, Indonesia, Singapore và cuối đời dừng chân trú lại Kapstadt (Nam Phi), nơi ông vẽ bức The Chinese Girl. Những năm tiếp, Tretchikoff, không hài lòng với việc chỉ được cảm nhận như một họa sĩ trang trí, tập trung khai thác thành quả ở một lọat tranh chân dung, tĩnh vật, hoa và thú.

Qua tiếp xúc học hỏi tôi nhận thấy, họa sĩ Nga phác hình và phối màu rất nhanh đến bất ngờ. Với kỹ năng thuần thục đến như vậy, họ cùng đi đến thời điểm bối rối. Đáng phải dừng ở một điểm nào đó, để ít ra còn có một phác thảo màu đẹp, thì càng vẽ tiếp, tranh càng mất đi sức sống. Những họa sĩ Nga tôi gặp là bậc thầy của những phác thảo mầu, không hơn không kém. Nếu vẽ máy móc như thế, sao ngành công nghiệp họa phẩm không sản xuất ra từng lọai màu vẽ da, vẽ tóc, vẽ hoa hồng, đầu nhũ v.v. có phải dễ cho người vẽ hơn không. Ở đây vấn đề động chạm đến căn để xuất hiện: vẽ từ bên trong ra hay từ bên ngòai vào? Hay là câu hỏi thuộc về căn cốt được nêu ra đích đáng, từ khi nhiếp ảnh, nhất là nhiếp ảnh nghệ thuật ra đời, hội họa cần phải biết nên làm cái gì. Pablo Picasso từng nói vậy. Với Tretchikoff, họa sĩ thành đạt chỉ sau Picasso về doanh thu ấn bản, tôi không có cơ sở kết luận ông đã  học qua trường đào luyện nào.

Khủng hỏang nghệ thuật ở nước Nga tất yếu phải xảy ra. Sau Cách mạng tháng Mười, thành phố Matxcơva và Petersburg - từng nổi lên như hai trung tâm văn hóa mới khiến những trường phái nảy nở với những tên tuổi chói sáng góp phần khắc họa diện mạo cho nghệ thuật tiền phong châu Âu hiện đại như El Lissitzky, Wladimir Tatlin, Kasimir Malewitsch, Alexej von Jawlensky, Wassili Kandynski, Marc Chagall - dần khô cằn và hoang hóa bởi chính sách văn hóa của chính quyền công nông. Nơi trường họa giảng dậy theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ giới thiệu đến Ilja Repin (4) là đỉnh điểm cần noi gương, nhiều họa sĩ nêu trên, mới đầu cũng thiết tha với cách mạng, đã quay lưng bỏ nhà nuớc xô-viết ra đi.

Cũng trốn chạy cách mạng tháng Mười, trong một cuộc đời đầy biến động, Tretchikoff trở thành họa sĩ ăn khách nhất. Tranh của ông, chiều nịnh cảm giác thơ mộng, ngọt ngào, được in vung ra khắp thế giới, có số lượng phát hành chỉ kém Picasso. Bức tranh The Chinese Girl, đạt nhất trong serie tranh chợ sản xuất hàng lọat, có số lượng tái bản nhiều hơn cả Mona Lisa. Vào những năm cuối đời, Tretchikoff không làm việc gì khác ngòai việc ngồi ký lên những ấn phẩm của  mình cho khách hàng, ùn ùn đặt mua từ khắp nơi trên thế giới.

Có lẽ ông xứng danh The King of Kitsch - vua của tranh diêm dúa - ông, họa sĩ bờ hồ vĩ đại nhất của thời đại.

Hẳn nhiên, xét về tiêu chí nghệ thuật, The Chinese Girl không là bức tranh dở. Bỏ qua cái giá bán tranh  nguyên bản đội lên tới 1,5 triệu đô la thật đáng ngạc nhiên, bức họa tuy vậy vẫn có giá trị nhất trong dãy tranh kitsch, ở môi trường nghệ thuật có nhiều nét tương đồng xứ ta, người ta gắn vào đó bao thứ tên hỗ trợ cho từ kitsch khó dịch: tranh chợ, tranh thương mại, tranh bờ hồ, tranh rởm, hay dỏm thì cũng vậy. Có lẽ đây là thíếu sót của BBC đã giới thiệu bức tranh này, trang trọng như giới thiệu một kiệt tác.

Nhưng có thể đây cũng là một kiệt tác của một gu nghệ thuật khác. Bởi sau khi chế độ Apartheid sụp đổ, giới khách hàng châu Âu vẫn không ngừng đặt hàng những mẫu người Phương Xa, những người đẹp Đông Nam Á, những nàng công chúa Da Đen. Lớp người giàu mới bầy những người đẹp phương xa này trong phòng khách để ngưỡng mộ, để xóa vợi đi ẩn ức tội lỗi gây ra bởi chủ nghĩa thực dân hoặc bù vào tự tin thái quá vào nòi giống chủ nhân của mình. Cũng tương tự và thật lạ thay, tại các nước đánh đổ chủ nghĩa thực dân như Trung hoa và Việt Nam, nhanh chóng lên ngôi lớp trưởng giả còn vô văn hóa hơn, cũng đang rất cần lâu đài, nhà cửa, ngù, gươm, cân đai mũ miện của lớp người phong kiến, quý tộc bị họ nhân danh giai cấp đánh đổ, và tập tành luôn cả thú ăn chơi ngựa, xe, tranh, pháo của danh gia vọng tộc nữa. Thiếu bảo vật, họ cần hoa hòe hoa sói, thế vào.

Đó là thực tế không thể chối bỏ trên đời: Cái đèm đẹp (5) luôn song hành bên cái đẹp, cũng như thủ công bên điêu khắc, báo chí lá cải bên văn chương và giả nghệ thuật bên nghệ thuật, ở đó cái đèm đẹp đa phần lấn át cái đẹp.

© Phạm Kỳ Đăng - 2013

Chú thích của tác giả:

(1)    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2013/05/130508_chinese_girl_photos.shtml
(2)    Andy Warhol (1928-1987): Họa sĩ tiêu biểu cho khuynh hướng nghệ thuật Pop Art khai thác mô-tip từ đới sống thường nhật của thế giới tiêu dùng, văn hóa đại chúng và quảng cáo, trình bày bằng phóng chiếu kích cỡ theo ngôn ngữ hiện thực chụp ảnh.
(3)    Marylin Monroe (1926-1962) nữ diễn viên, người mẫu, ca sĩ, được truyền thông nâng lên thành biểu tượng sex của thế kỷ 20.
(4)    Ilja Jefimowitsch Repin (1844-1930) đại diện tiêu biểu của những họa sĩ hiện thực Nga.
(5)    Chữ của Trần Dần (1926-1987), nhà thơ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...