Thi ca Đức thế kỷ 20 còn lại gì? Vì thế kỷ đang gần vào kết thúc, câu hỏi này được nêu ra thường xuyên hơn. Mà vậy đó, hòan tòan nó không dễ cho câu trả lời. Tất nhiên chúng ta có thể nói ra những gì ở nền văn chương này đặc biệt trở nên quan trọng cho ta, nhưng rồi 50 hay 100 năm sau, thế giới có hình thù ra sao, không một ai biết cả. Chính vì thế ta không thể nào tiên liệu xem người đời có thích thơ ca của thời đại chúng ta hay không và họ sẽ đánh giá thơ ca này ra sao?
Câu hỏi
“còn lại gì” như vậy là bông lơn. Và tuy thế đầy thú vị. Bởi vì, bất kể kẻ hậu
sinh luôn nghĩ suy điều gì, câu hỏi này buộc chúng ta kiểm nghiệm lại nhìn nhận
của mình. Liệu người đời có đề cao và ngưỡng mộ Kafka, như chúng ta đề cao và
ngưỡng mộ Hölderlin (1) hay Büchner (2)? Nghe chừng dễ là thế lắm.
Thế còn
với tác phẩm của Bertolt Brecht thì sao? Những vở kịch của ông, đóng vai trò
khá lớn, không hề không xứng đáng và ngay bây giờ phần lớn đã rơi vào quên
lãng, liệu có một ngày sống lại thời phục hưng? Tôi không dám chắc điều đó. Và
còn thơ trữ tình của ông? Trước sau tôi yêu nhiều bài thơ của Brecht, không
đồng đều nhau, tôi yêu chúng hơn cả những bài thơ của Trakl (3) và Stefan
George (4), thậm chí của Rilke (5) nữa - và tôi không sao hình dung ra nổi một
nước Đức lại dửng dưng với thơ của ông. Thuộc về những đỉnh cao trong thơ ông
là những câu thơ gợi dục, mọi người ai đều đã bịết. Nhưng điều gì nêu cao phẩm
chất của những câu thơ ấy? Có thể sự thống nhất tự tại như nhiên, và chính thế,
luôn luôn gây hứng thú giữa vẻ dung dị như dân ca và điệu nghệ tinh vi, giữa
ngôn ngữ thường nhật và thơ.
Bài thơ “
Khi chia tay anh sau lúc” rút từ chùm “Bốn bài tình ca” viết cho nhà sọan nhạc
Paul Dessau (6) vào năm 1950, dành cho một giọng hát và đàn guitar. Công diễn
năm 1953, bài thơ này được in trong tờ giới thiệu chương trình về buổi hòa nhạc
này. Trong bút tích ban đầu của Brecht, nhan đề của bài thơ này là “Khúc ca của
cô nàng đang yêu”. Nhưng cô gái đang yêu không nói gì về tình yêu ở đây. Phần nhiều
như trong thơ ca châu Âu: cô gái không nói lên chủ đề, cô phải gián tiếp mô tả
nó.
Cô gái kể
rằng, cô đã trải qua một điều gì đó trong một giờ ban tối, giờ phút làm thay
đổi cả nhãn quan của mình. Và trong một cách thức song trùng: Cô nhìn mọi thứ bây
giờ thân thiện hơn và đồng thời khác đi. Có điều gì nói tới đã xảy ra trong cái
giờ này. Cô gái không muốn trực tiếp nói về điều này [“nói chi, anh biết thừa
rồi”]. Té ra cô gái đã dâng hiến hết mình tới mức không sao còn nhận biết được
trời đất gì xung quanh nữa. Mãi tới “ sau lúc”, khi chia tay rời bước người cô
thăm, cô mới lại bắt đầu nhìn chuẩn xác.
Người ta
liệu còn có thể nghi ngờ điều gì đã xảy ra ở đó hay chăng? Cả hai có lên giường
với nhau không? Tất nhiên, tuy là không phải cái kiểu như ân ái hàng ngày, hơn
nhiều thế là một trải nghiệm phi thường : Nghiệm trải này làm thành “ngày lớn
hôm nay”. Ngắn gọn: dễ đóan ra rằng trong cái giờ ban đêm nọ, cô đã mất đi cái
trinh tiết của mình. Bởi cái từ này nghe nó quá chi là cổ xưa và lỗi thời, nên
chúng ta thường sử dụng một từ la-tinh “defloration” , tiếng Đức nghĩa là “hết
nở”. Chỉ có điều là không đúng, vì trong thực tế xuất hiện điều ngược lại: cuộc
giao hợp đầu tiên thường ra không mang lại sự hết nở, mà là sự bừng nở: Kết cục
thay đổi quan hệ đối với thế giới.
Bây giờ
cô gái, người đang yêu, nhìn thấy chung quanh tòan người vui nhộn, đồng cây,
bông lá hiện ra xanh tươi hơn, tất cả trở nên khác lạ. Sự tự tin lớn dần lên,
rồi cô đã nghĩ rằng, cô có cái miệng xinh hơn, có cặp đùi uyển chuyển hơn.
Không hề, dù chỉ với một lời, nhắc đến chữ “tình yêu”, Brecht chỉ ra, những gì
nhiệm mầu mang lại, đó là một sự đào sâu cảm giác sống của ta một cách đáng
ngạc nhiên, một sự nâng cao chưa hề được biết đến sự tồn sinh của chúng ta.
Người ta có thể diễn đạt điều này gọn hơn: thi sĩ chỉ ra hạnh phúc của tình
yêu.
Những vần
thơ này không biết tới mâu thuẫn giữa sự thẳng thắn và vẻ duyên dáng, giữa bộc
trực và dịu dàng. Khi viết những dòng thơ này, Brecht vừa 52 tuổi, tức từ lâu
đã là nhà thơ chín chắn – nhưng một nhà thơ nguyên còn đó là kẻ đang yêu, có
khi còn là người trẻ trung đang yêu cũng nên.
Marcel
Reich-Ranicki - 1994
Khi chia tay anh sau lúc
Khi chia tay anh sau lúc
Bertolt Brecht (1898-1956)
Khi chia tay anh sau lúc
Vào trong ngày lớn hôm nay
Em nhìn, từ khi trông thấy
Người đời nhộn nhã vui thay.
Và cũng từ giờ đêm đó
- Nói chi, anh biết thừa rồi -
Em có cặp đùi uyển chuyển,
Em còn đẹp hơn đôi môi.
Xanh hơn, từ em cảm nhận,
Cánh đồng, bông lá, rừng cây.
Mỗi khi, nước thêm mát rượi
Em tưới lên người em đây.
©Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:
Als ich nachher von dir ging
Bertolt Brecht (1898-1956)
Als ich nachher von dir ging
An dem großen Heute
Sah ich, als ich sehn anfing
Lauter lustige Leute.
Und seit jener Abendstund
Weißt schon, die ich meine
Hab ich einen schönern Mund
Und geschicktere Beine
Grüner ist, seit ich so fühl
Baum und Strauch und Wiese
Und das Wasser schöner kühl
Wenn ich´s auf mich gieße.
©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Ein Liebling liebt ein Mädchen, Marcel Reich-Ranicki;
Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001
ISBN 3-458-06655-1
Chú thích của người dịch:
Marcel Reich- Ranicki (1920 – 2013): Nhà phê bình văn học,
nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức. Ông
mất ngày 18.09.2013 mới đây, người dịch gửi bài này cùng tưởng niệm ông, người
được tôn vinh là Giáo hòang văn học Đức.
Bertolt Brecht (1898-1956) quen thuộc với độc giả Việt Nam.
Ông là kịch tác gia và nhà thơ, cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, có ảnh
hưởng rất lớn trong văn chương Đức thế kỷ 20.
(1) Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng
vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của
thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là
một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.
(2) Karl Georg Büchner (1813-1837): Nhà văn quan trọng trước
Cách mạng tháng Ba năm 1848.
(3) Georg Trakl (1887 - 1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng
của chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc
nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
(4) Stefan George (1868-1933): Nhà thơ Đức.
(5) Rainer Maria Rilke ( 1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà
tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương
tiếng Đức.
(6) Paul Dessau: (1894-1979): Nhà sọan nhạc, và chỉ huy dàn
nhạc. Sau những năm lưu vong tại Paris và New York, ông trở về tiếp tục sự
nghiệp ở Berlin (Đông), có thời kỳ cộng tác với Bertolt Brecht.
Bài đăng trên VHNA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét